Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
“Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy”, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh
Tân chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
“Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy”, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Chiều 25-7, Quốc hội (QH) bầu ông Trương Tấn Sang – uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng – vào vị trí Chủ tịch nước với tỉ lệ phiếu 97,4%. Trả lời phỏng vấn trên cương vị Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang nói:
– Tham nhũng là một trong những vấn đề hết sức bức xúc của cử tri cả nước. Nghị quyết, luật pháp đã có, vấn đề là hành động. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhận định công tác này có kết quả nhất định nhưng chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành đất nước, đặc biệt trong mặt trận phòng chống tham nhũng.
Từng đại biểu QH đã hứa trước cử tri, trong đó nhiều đại biểu hứa tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tôi hi vọng lời hứa đó các vị không bao giờ quên và nhân dân hãy giám sát các vị đại biểu QH, trong đó có cá nhân tôi, nhằm thúc đẩy công việc này, ít nhất cũng tốt hơn khoá vừa rồi.
* Tiền Phong: Thưa Chủ tịch nước, cụ thể tới đây sẽ thực thi những vấn đề gì về cơ chế, về con người… để công tác phòng chống tham nhũng tốt hơn như Chủ tịch vừa đề cập?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sinh ngày 21-1-1949, quê quán: xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hoà, Long An. Dân tộc: Kinh Trình độ chuyên môn: cử nhân luật Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng ba. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá VII, VIII, IX, X, XI; uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, X, XI; bí thư Trung ương Đảng khoá X (từ tháng 5-2006 làm thường trực Ban Bí thư trung ương); đại biểu Quốc hội khoá IX, X, XI và XIII. Trước khi làm thường trực Ban Bí thư, ông Trương Tấn Sang từng kinh qua các chức vụ: chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, bí thư Thành uỷ TP.HCM, trưởng Ban Kinh tế trung ương. |
– Tới đây không có gì khác hơn là phải tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng và luật pháp. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải năng nổ và tích cực hơn. Tôi từng nói rằng: trước hết cần rà soát tổng thể cơ chế, chính sách, chế độ xem cái gì còn sơ hở và xem tổ chức, bộ máy chỉ đạo phòng chống tham nhũng khâu nào còn yếu, không phù hợp thì chấn chỉnh.
Văn bản giấy tờ nhiều rồi, đầy đủ rồi. Không phải tốn công sức nhiều lắm vào nghiên cứu văn bản giấy tờ nữa. Vấn đề là phải hành động, hành động kiên quyết.
* Ông từng đề cập chuyện “bầy sâu” trong tâm trạng nào?
– Khi tôi tiếp xúc cử tri, một đồng chí cựu chiến binh bức xúc nói: “Một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng bây giờ không phải một con sâu mà nhiều con sâu. Ta phải làm thế nào đây?”. Tôi mới nói thế này: ông bà nói một con sâu đã làm hỏng nồi canh, nếu phòng chống không tốt chúng trở thành bầy sâu thì rất nguy hiểm cho đất nước này. Các đồng chí lo lắng. Chúng tôi cũng lo lắng. Nhưng phải nói ít, làm nhiều.
* Tuổi Trẻ: Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Chủ tịch có đề cập vấn đề chủ quyền biển đảo. Bên hành lang QH, một số đại biểu cho rằng QH kỳ này nên ra nghị quyết về biển Đông. Ý kiến của Chủ tịch thế nào?
– Trong chương trình kỳ họp, Chính phủ sẽ có báo cáo (về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của ta – PV). Có ra nghị quyết hay không thuộc thẩm quyền của QH.
* Còn ý kiến cá nhân Chủ tịch?
– Điều đó tùy thuộc tính chất tình hình và tùy thuộc ý chí của QH, lúc đó sẽ có tính toán. Chính phủ có báo cáo với QH là theo yêu cầu của QH nên để Chính phủ quyết định. Chủ tịch nước không nên nói trước sẽ thế nào.
* Nhưng Chủ tịch nước cũng là đại biểu QH?
– Đúng rồi. Lúc đó tôi sẽ bày tỏ thái độ.
* VNExpress: Theo quan điểm của Chủ tịch nước, làm thế nào để vừa đảm bảo chủ quyền quốc gia, vừa giữ được vị thế của VN bên cạnh một nước lớn?
– Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế).
Đối với luật pháp về biển, đây là thành quả của loài người, của cuộc đấu tranh lâu dài của các quốc gia, đặc biệt là các nước nhỏ, trên thế giới mới có được Công ước luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Nước lớn có vị thế khác. Nước nhỏ như chúng ta có vị thế khác, phải dựa vào sức mạnh tập thể, cộng đồng, dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Điều đó là dứt khoát, đương nhiên. Từ đó chúng ta luật hoá bằng luật quốc nội để xác lập, thực hiện việc chiếm hữu về ba mặt: pháp lý, lịch sử và về thực tế (khai thác và sử dụng vùng chủ quyền của mình).
* Tuổi Trẻ: Thưa Chủ tịch, trong quá trình trao đổi về nhân sự chủ tịch nước, có đại biểu QH đã đề cập mô hình tổng bí thư kiêm chủ tịch nước. Phương án nhất thể hoá này chắc sẽ tiếp tục được đưa ra khi bàn sửa Hiến pháp 1992 tới đây. Quan điểm của Chủ tịch ra sao?
– Đại hội Đảng các cấp vừa rồi đều có bàn chuyện này, nhưng độ chín để quyết hai chức danh này là một chưa có sự nhất trí cao. Cho nên mới dừng lại là hai chức danh vẫn hai người.