15/01/2025

Yêu cầu Trung Quốc giải trình đường 9 khúc

Đặt vấn đề biển Đông lên đầu, bà Clinton nói: “Mỹ quan ngại rằng những vụ đụng độ xảy ra trên biển Đông gần đây đe doạ hoà bình và ổn định mà toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã nỗ lực tạo dựng.

 

Yêu cầu Trung Quốc giải trình đường 9 khúc
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN ngày 23.7 ở Bali, Indonesia, nhiều nước yêu cầu Trung Quốc giải thích tuyên bố chủ quyền đường 9 khúc.
Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) có sự tham dự của ngoại trưởng 10 quốc gia ASEAN và 18 nước đối tác, đối thoại. Phát biểu tại diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Chúng tôi kêu gọi các bên làm minh bạch tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông theo công pháp quốc tế phổ quát, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển”.
Tình hình biển Đông là một trong 3 vấn đề bà Clinton nêu ra tại ARF 18, bên cạnh các vấn đề bán đảo Triều Tiên và Myanmar. Đặt vấn đề biển Đông lên đầu, bà Clinton nói: “Mỹ quan ngại rằng những vụ đụng độ xảy ra trên biển Đông gần đây đe doạ hoà bình và ổn định mà toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã nỗ lực tạo dựng. Gây nguy hiểm cho sự an toàn trên biển, gia tăng căng thẳng, phá hoại sự tự do lưu thông, đe doạ quyền không bị ngăn trở phát triển kinh tế và thương mại chính đáng… là những hậu quả của những vụ việc vừa qua”.
Lo ngại cho an ninh và phát triển kinh tế chung của toàn khu vực, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi phản đối việc đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất cứ quốc gia nào nhằm làm lợi cho tuyên bố chủ quyền của mình hoặc ngăn trở các hoạt động kinh tế chính đáng ở biển Đông”. Bà cũng tuyên bố đối với Mỹ, biển Đông là nơi “chúng tôi chia sẻ quyền lợi không chỉ với ASEAN, với các thành viên ARF, mà còn với những quốc gia biển và cả cộng đồng quốc tế”. Hướng đến lâu dài, “Mỹ khuyến khích các bên tăng cường mọi nỗ lực để đạt được một bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông có giá trị đầy đủ”.
 
Chúng tôi phản đối việc đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực bởi bất cứ quốc gia nào nhằm làm lợi cho tuyên bố chủ quyền của mình hoặc ngăn trở các hoạt động kinh tế chính đáng ở biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
 
 
Về phía Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm phát biểu: “Hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước”. Ông kêu gọi các bên cần phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông và tiến tới xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Trong khi đó, Philippines thể hiện sự bức xúc trước các hành động gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc. Ngoại trưởng Albert Del Rosario nói: “Từ cuối tháng 2.2011 đến nay, Philippines hứng chịu ít nhất 7 lần xâm nhập hung hăng vào những vùng mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Khi Philippines phản đối thì câu trả lời nhận được luôn là lời phủ nhận, rằng không có vụ xâm nhập nào cả, bởi đường 9 đoạn của Trung Quốc bao hết cả vùng biển”.
“Philippines nói chắc chắn rằng tuyên bố 9 đoạn của Trung Quốc không có giá trị theo công pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”, Ngoại trưởng Rosario khẳng định. Ông cũng cảnh báo: “Nếu chủ quyền của Philippines có thể bị xem thường bởi tuyên bố vô căn cứ này thì nhiều nước khác cũng nên bắt đầu suy nghĩ đến mối nguy tiềm tàng đối với quyền tự do lưu thông trên biển Đông”.
 
Chiều 23.7, kết thúc AMM 44 và ARF 18, Chủ tịch ASEAN Indonesia ra thông cáo hoan nghênh quyết định của Toà án Công lý quốc tế về tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia quanh ngôi đền cổ Preah Vihear và cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò tham vấn trong vấn đề này. Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cũng ra một thông cáo 51 điểm, tóm tắt những vấn đề đã được bàn thảo tại các hội nghị kéo dài từ 19-23.7. Không có tuyên bố chung nào được đưa ra đối với ARF 18.
 
Đề xuất hướng giải quyết căng thẳng và ngăn ngừa nguy cơ, ông Rosario nhắc lại lập trường chiến lược 2 điểm của Philippines: Thứ nhất, phân định những cấu trúc tranh chấp với những vùng không tranh chấp trên biển Đông. Quá trình này sẽ được thực hiện bởi những chuyên gia luật biển ASEAN, vốn dự kiến gặp nhau tại Manila vào tháng 9. Thứ hai, đường 9 đoạn phải được chứng minh là phù hợp UNCLOS.
Thanh Niên đã hỏi Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2011 và chủ nhà của đợt hội nghị này, tại cuộc họp báo chiều 23.7 về vấn đề biển Đông. Ông Natalegawa cho hay trong phiên họp kín của ARF 18, nhiều nước cũng đưa ra yêu cầu tương tự như Mỹ và Philippines đối với Trung Quốc. “Vậy Indonesia có trong số các nước đó không?”, Thanh Niên hỏi tiếp. Ngoại trưởng Natalegawa đáp: “Indonesia không đưa ra yêu cầu đó tại cuộc họp này. Tuy nhiên, đầu tháng 7.2011, chúng tôi đã đưa kiến nghị lên LHQ yêu cầu đánh giá lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và buộc nước này phải chứng minh các tuyên bố của mình”. Ông cũng khẳng định: “Dù không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, nhưng Indonesia mạnh mẽ phản đối đường 9 khúc của Trung Quốc và đó cũng là lập trường của cả ASEAN”.