15/01/2025

Xây dựng chế định chủ tịch nước vừa mạnh vừa không thể lạm quyền

Đảng cũng phải có quy định chặt chẽ để giám sát người đứng đầu Đảng khi người đó đứng đầu Nhà nước. Khi hoàn thiện được cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt thì sẽ xây dựng được chế định chủ tịch nước vừa mạnh vừa không thể lạm quyền

 

Xây dựng chế định chủ tịch nước vừa mạnh vừa không thể lạm quyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-7, GS.TS Trần Ngọc Đường – chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) – cho rằng trong tương lai, việc hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước là phương án tốt, đảm bảo tính thực quyền của nguyên thủ quốc gia trong điều kiện một đảng lãnh đạo.
“Tôi mong muốn sắp tới khi sửa Hiến pháp thì chúng ta có được quy định về chế định chủ tịch nước mạnh, vừa là người đứng đầu Đảng vừa là người đứng đầu Nhà nước”
GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG
GS Trần Ngọc Đường nói: Chủ tịch nước là một chế định của Hiến pháp, là người đứng đầu nhà nước (còn gọi là nguyên thủ quốc gia), là người thay mặt nhà nước thực hiện những nhiệm vụ về đối nội, đối ngoại của nhà nước đó. Do đó, chủ tịch nước là một chế định để nói lên sự bền vững, vững mạnh và tồn vong của một quốc gia. Vì vậy, chế định chủ tịch nước phụ thuộc vào hình thức chính thể của một nhà nước.
* Đối với VN thì sao, thưa GS?
– VN đã trải qua bốn bản Hiến pháp quy định chế định chủ tịch nước. Hiến pháp 1946 quy định chế định chủ tịch nước rất nhiều quyền. Ở đó, chủ tịch nước vừa là nguyên thủ quốc gia vừa đứng đầu hành pháp. Tôi nghiên cứu thì thấy Hiến pháp 1946 quy định chế định chủ tịch nước rất đặc biệt. Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Hồ Chí Minh là tác giả Hiến pháp 1946, đã suy nghĩ rất sâu sắc về vị trí, vai trò của người đứng đầu Nhà nước trong hoàn cảnh cụ thể của VN thời bấy giờ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền non trẻ của chúng ta trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nghị viện nhân dân có 70 ghế của Việt quốc, Việt cách. Nếu không thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt thì sẽ rất khó khăn.
Trong tình thế đó, Đảng tuyên bố giải tán nhưng thực chất là đi vào hoạt động bí mật. Một yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Chế định chủ tịch nước sinh ra trong bối cảnh đó là để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thông qua một người: người đó là người lãnh đạo Đảng, đồng thời là người đứng đầu Nhà nước, là người đặc biệt có uy tín và cụ thể là Hồ Chủ tịch.
Đến Hiến pháp 1959 thì chủ tịch nước ít quyền hơn so với trước. Tuy không còn đứng đầu hành pháp nhưng vẫn có quyền chủ trì những phiên họp cần thiết của Chính phủ. Đến Hiến pháp 1980 thì chúng ta chịu ảnh hưởng Hiến pháp 1977 của Liên Xô, chế định chủ tịch nước chuyển thành chế định hội đồng nhà nước, tức là nguyên thủ quốc gia tập thể lại vừa là cơ quan thường trực của Quốc hội (QH) giữa hai kỳ họp. Chế định như vậy có nhiều hạn chế, trước hết là nó không rõ vai trò cá nhân, cái gì cũng phải bàn bạc tập thể, làm cho bộ máy trì trệ.
Hiện nay trên thế giới có bốn hình thức chính thể: quân chủ lập hiến (người đứng đầu nhà nước là vua, nữ hoàng, quốc vương…); cộng hoà – đại nghị (người đứng đầu nhà nước là tổng thống do nghị viện bầu, tổng thống không đứng đầu hành pháp và không thực quyền lắm); cộng hoà – tổng thống (tổng thống thực quyền, do cử tri bầu ra, vừa là nguyên thủ quốc gia vừa đứng đầu hành pháp, như Mỹ); cộng hoà lưỡng đầu (tổng thống do cử tri bầu, là nguyên thủ quốc gia vừa đứng đầu hành pháp, nhưng trong chính thể này lại có thủ tướng, như Pháp. Ở đây, tổng thống là người đứng đầu hành pháp, có nhiệm vụ hoạch định chính sách quốc gia; còn thủ tướng là người tổ chức thực hiện chính sách quốc gia đó).
Sau đó, Hiến pháp 1992 lại quay về chế định chủ tịch nước là một cá nhân. Cá nhân chủ tịch nước hiện nay có đầy đủ tính chất thể hiện qua nhiệm vụ, quyền hạn là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước trong đối nội, đối ngoại, là biểu tượng của sự vững mạnh và tồn tại của quốc gia.
Vì vậy chủ tịch nước có cả nhiệm vụ, quyền hạn về lập pháp (công bố luật, pháp lệnh, sáng kiến luật trình QH, ra các lệnh…), nhiệm vụ quyền hạn về hành pháp (có quyền dự các phiên họp Chính phủ khi cần thiết, giới thiệu nhân sự thủ tướng cho QH bầu), nhiệm vụ quyền hạn về tư pháp (đề cử QH bầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, quyền đặc xá…), nhiệm vụ quyền hạn về đối ngoại (thay mặt Nhà nước đàm phán, ký kết, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế…) và một số quyền đặc biệt (tuyên bố tình trạng khẩn cấp…).
* Nhưng nhìn vào hoạt động của chủ tịch nước và thủ tướng thì có vẻ như khó phân biệt được chức năng nhiệm vụ giữa hai chức danh này, chẳng hạn thủ tướng cũng đi thăm nước ngoài và ký kết, hoặc trong nước thì cả chủ tịch nước và thủ tướng đều đi làm việc với các địa phương và có những nội dung chỉ đạo tương tự nhau?
– Tôi nghĩ rằng việc có người khó nhận biết giữa hoạt động của chủ tịch nước và thủ tướng là do chưa hiểu hình thức chính thể của các nước mà chủ tịch nước hoặc thủ tướng VN đến làm việc. Nếu như đi thăm Mỹ và muốn ký kết điều gì đó với Chính phủ Mỹ thì người ký kết phải là nguyên thủ quốc gia, tức chủ tịch nước. Còn thông thường thì làm việc với các nhà nước mà thủ tướng nắm quyền hành pháp (như Đức, Nhật, Thái Lan) thì việc ký kết hợp tác phải là thủ tướng.
Còn ở trong nước, chủ tịch nước và thủ tướng đến địa phương làm việc, theo tôi, là ở hai vị trí khác nhau. Thủ tướng đi làm việc là nghiêng về công tác hành pháp, xem xét các công việc tổ chức thực hiện ở địa phương như thế nào. Còn chủ tịch nước đến địa phương là với vai trò người đứng đầu Nhà nước, chủ yếu đóng vai trò động viên, hiệu triệu, kêu gọi. Nhưng vì ở ta hai chức danh này đều là uỷ viên Bộ Chính trị, do vậy khi xuống địa phương làm việc thì cùng với tư cách uỷ viên Bộ Chính trị nên có thể có những phát biểu, chỉ đạo giống nhau do cùng nền nội dung nghị quyết của Đảng.
* Thưa giáo sư, trong điều kiện một đảng lãnh đạo như VN, Trung Quốc và Lào đã hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước; cách làm này có là một gợi ý cho chúng ta, nhất là trong điều kiện đang chuẩn bị tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992?
– Với tư cách là một người nghiên cứu, tôi từng đề xuất chúng ta nên hợp nhất hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước. Được như vậy sẽ làm quyền lực Nhà nước mạnh, nhanh nhạy, đề cao trách nhiệm cá nhân. Nhưng vấn đề ở đây là phải kiểm soát được quyền lực của chủ tịch nước, vì người nắm giữ cương vị này sẽ rất nhiều quyền lực, dễ dẫn đến lạm quyền.
* Làm thế nào để kiểm soát được quyền lực một khi hợp nhất hai chức danh trên, theo giáo sư?
– Trước hết, QH phải xây dựng được cơ chế pháp luật để thực hiện được tư tưởng của văn kiện Đảng là: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bầu cử cũng là một cơ chế để kiểm soát. Quy định rõ quyền giám sát của QH, MTTQ và các tổ chức xã hội cũng là để kiểm soát quyền lực.
Nghĩa là khi sửa đổi Hiến pháp thì phải quy định rõ QH có quyền gì đối với chủ tịch nước, các đoàn thể xã hội có quyền giám sát với chủ tịch nước thế nào… Đảng cũng phải có quy định chặt chẽ để giám sát người đứng đầu Đảng khi người đó đứng đầu Nhà nước. Khi hoàn thiện được cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt thì sẽ xây dựng được chế định chủ tịch nước vừa mạnh vừa không thể lạm quyền.