15/01/2025

Đòi chủ quyền biển với bằng chứng hợp pháp cụ thể

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18 ở Bali, Indonesia sáng 23-7, Mỹ đã kêu gọi các nước đòi chủ quyền trên biển Đông khẳng định chủ quyền bằng các bằng chứng hợp pháp và cụ thể

 

Diễn đàn khu vực ASEAN:

Đòi chủ quyền biển với bằng chứng hợp pháp cụ thể

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18 ở Bali, Indonesia sáng 23-7, Mỹ đã kêu gọi các nước đòi chủ quyền trên biển Đông khẳng định chủ quyền bằng các bằng chứng hợp pháp và cụ thể.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên xác định chủ quyền theo luật pháp quốc tế” – Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói. Tuyên bố này được xem như một thông điệp phản bác yêu sách đường chín đoạn vô lý của Trung Quốc trên biển Đông. Bà Clinton cho rằng các sự kiện gần đây trên biển Đông (tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines) đã đe doạ hoà bình và ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Những sự kiện này đe doạ sinh mạng con người, gây thêm căng thẳng, huỷ hoại tự do hàng hải và đe doạ sự phát triển kinh tế, thương mại” – bà Clinton cảnh báo. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các bên trên biển Đông giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, tránh sử dụng vũ lực.

Đường chín đoạn không có giá trị pháp lý

Tại ARF, Ngoại trưởng Philippines Albert F.Del Rosaria khẳng định: “Philippines chắc chắn rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị gì theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS). Nếu chủ quyền lãnh thổ của Philippines có thể bị phỉ báng bởi những lời tuyên bố không dựa trên nền tảng nào như vậy, thì nhiều quốc gia khác nên chuẩn bị cho mối đe doạ đối với tự do hàng hải ở biển Đông”.

Trả lời Tuổi Trẻ về những tuyên bố của Trung Quốc và Mỹ, Ngoại trưởng Rosaria cho biết phía Trung Quốc cho rằng những tranh chấp trên biển Đông nên được giải quyết theo dạng song phương, còn Mỹ cho rằng việc đàm phán và giải quyết nên theo hướng đa phương, phù hợp với luật pháp, theo tinh thần “luật pháp là trên hết”.

Cuộc họp lần này của ARF được xem là sự kiện mang tính bước ngoặt. Nó đánh dấu sự hợp tác

Gặp gỡ Việt – Nhật bên lề ARF

Bên lề ARF, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Matsumoto Takeaki. Ông Takeaki khẳng định Chính phủ Nhật cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, nhất là duy trì cung cấp ODA cho những dự án hợp tác quan trọng. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông. Phía Nhật bày tỏ ủng hộ việc các nước liên quan giải quyết các tranh chấp trên biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và trên tinh thần tôn trọng DOC.

của các bên sang giai đoạn mới, từ giai đoạn xây dựng lòng tin với nhau tới giai đoạn sử dụng ngoại giao phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự bất đồng nổi lên giữa các bên, hoặc ngăn chặn bất đồng đó leo thang thành xung đột, và hạn chế xung đột lan rộng sau khi xuất hiện.

“Giải pháp ngoại giao phòng ngừa mà ARF cổ vũ có thể đạt được theo một trong hai cách. Một là thông qua quá trình tách riêng các thực thể đang nằm trong tranh chấp ra khỏi khu vực lãnh hải không tranh chấp, và sẽ để các chuyên gia pháp lý hàng hải của ASEAN xem xét lại vào tháng 9-2011” – Ngoại trưởng Rosaria nói. Ông cũng đưa ra giải pháp thứ hai, mà chắc chắn không có nước nào, trừ Trung Quốc, muốn là “các bên có thể muốn xem xét coi đường chín đoạn đó là phù hợp với UNCLOS”.

Ông khẳng định Philippines tin cách tiếp cận dựa trên các quy định quốc tế là cách duy nhất hợp pháp để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Việc Philippines chỉ đưa ra hai giải pháp để thúc đẩy “ngoại giao phòng ngừa”, chứ không có “giải pháp thứ ba”, ông Rosaria khẳng định với Tuổi Trẻ: “Hiện nay, lúc này, chúng ta chỉ có hai lựa chọn”.

Nền tảng là UNCLOS

Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết tại ARF, hầu hết các nước đều hoan nghênh bản hướng dẫn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Nhưng tất cả đều cho rằng “sẽ còn rất nhiều việc nặng nề phải làm, phải giải quyết để thật sự thực thi được những gì viết trên giấy”. “Họ cũng bối rối về việc làm sao để áp dụng các hướng dẫn này trong thực tế. Chưa thể đưa ra một khung thời gian cho sự ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý” – ông Natalegawa nói.

Nhìn chung, như ông Marty nhận định, các nước đều rất muốn hiểu rõ những lý lẽ mà Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho đòi hỏi về đường chín đoạn của nước này, cũng như nền tảng pháp lý của những khẳng định chủ quyền của nước khác. Với Indonesia, nền tảng duy nhất, tương thích để có thể giải quyết vấn đề tranh chấp này là UNCLOS. “Các điều khoản trong đó rõ như ban ngày” – ông nói. Ông khẳng định Indonesia từ trước tới nay vẫn phản đối đường chín đoạn do Trung Quốc vẽ ra và đã đệ trình quan điểm của mình lên LHQ.

Theo ông, ARF không có đủ khả năng và công cụ để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. “Nhưng nơi đây có thể tăng cường khả năng giúp các cuộc thảo luận giải quyết vấn đề diễn ra” – ông nói. Tại cuộc họp kín ARF, các nước cũng nhấn mạnh việc tôn trọng UNCLOS. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố Bắc Kinh sẽ nỗ lực để đảm bảo tranh chấp chủ quyền trên biển Đông không leo thang thành xung đột.

ARF 18 là sự kiện ngoại giao cuối cùng mà ASEAN thực hiện trong hàng loạt hoạt động gặp gỡ nội khối của khu vực và với đối tác từ ngày 16 đến 23-7 tại Bali, Indonesia.