08/01/2025

Tìm 43.000 tỉ đồng cho dệt may

Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) vừa hoàn tất quy hoạch định hướng đầu tư dệt may đến năm 2020, trong đó vốn đầu tư lên đến 42.950 tỉ đồng, mức “khủng” nhất từ trước đến nay

 Tìm 43.000 tỉ đồng cho dệt may

Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) vừa hoàn tất quy hoạch định hướng đầu tư dệt may đến năm 2020, trong đó vốn đầu tư lên đến 42.950 tỉ đồng, mức “khủng” nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn này sẽ được huy động từ đâu? Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết: 

“Mục tiêu khả thi là đến năm 2015 sẽ có trên 55% nguyên liệu được làm trong nước và trên 65% vào năm 2020 “

Ông Lê Tiến Trường

– Đây là tổng số vốn đầu tư cần trong 10 năm, như vậy trung bình mỗi năm cần khoảng 4.300 tỉ đồng. Theo cơ cấu đầu tư thông thường, vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư sẽ cần 1.300-1.500 tỉ đồng/năm, còn lại là phần vốn vay từ các tổ chức tài chính.

Đối với vốn chủ sở hữu sẽ đến từ ba nguồn, trong đó lớn nhất là nguồn vốn từ cổ phần hoá, tăng thêm vốn chủ sở hữu của tập đoàn. Ngoài ra còn có hai nguồn khác là vốn từ lợi nhuận kinh doanh tích lũy hằng năm và vốn kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước theo nguyên tắc hình thành chuỗi cung ứng của ngành dệt may.

Một ví dụ sinh động nhất trong thời gian qua đã thử nghiệm thành công đó là công trình đầu tư nhà máy sản xuất xơ sợi polyester đầu tiên của VN với sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, tổng mức đầu tư lên tới trên 6.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu xấp xỉ 2.000 tỉ đồng, trong tháng 8 tới sẽ cho dòng sản phẩm thương mại đầu tiên.

* Trong định hướng chiến lược sản phẩm, ngành may vẫn được xếp ưu tiên đứng đầu với mục đích tận dụng thị trường. Trong khi hiện nay giá trị thặng dư từ ngành may mang lại của tổng cơ cấu kim ngạch xuất khẩu vẫn không lớn do chủ yếu gia công. Vì sao lại vẫn đầu tư rất lớn vào ngành may?

– Trước hết phải khẳng định mục tiêu trọng yếu nhất của doanh nghiệp, đồng thời là cơ sở cho phát triển bền vững chính là lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư.

Ngành may tuy thặng dư thấp nhưng tỉ suất lợi nhuận lại rất tốt, cụ thể là các doanh nghiệp may trong tập đoàn đã cổ phần hoá thường chia cổ tức trên 20% hằng năm, cá biệt có doanh nghiệp chia tới trên 40%. Do vậy ngành may là ngành có sức hấp dẫn cho nhà đầu tư. Thứ đến, đầu tư rất nhiều cho nhà máy may nhưng vốn sử dụng lại không lớn, do vậy không thể nói là đầu tư rất nhiều cho ngành may.

Hơn nữa, đầu tư cho ngành may tạo nhiều việc làm cho người lao động, tạo ra một giá trị thặng dư rất lớn ngay chính trong tiền lương của người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo.

2 triệu người

Đó là tổng số lượng lao động trong ngành dệt may, kể cả các lao động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của ngành này.

* Lĩnh vực dệt vải, in nhuộm hoàn tất vẫn chưa phát triển được như mong muốn do thiếu nhân lực về quản lý, công nghệ, cơ chế chưa hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Đây là những nguyên nhân đã được xác định từ rất lâu và nay vẫn chưa có gì thay đổi?

– Trong chuỗi cung ứng dệt may, đây là khâu có hàm lượng công nghệ, quản lý sản xuất ở mức độ cao. Đồng thời lại là khâu có vốn đầu tư lớn, trung bình để có một nhà máy nhuộm sản lượng 10 triệu mét/năm cần vốn trên 15 triệu USD.

Trong điều kiện vừa tích lũy vừa đầu tư của ngành dệt may, chắc chắn phải cần có thời gian lâu dài, nhất là từ năm 2009 đến nay tình hình vĩ mô không thuận lợi cho các dự án vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lại dài như ngành dệt, nhuộm hoàn tất.

Về hướng giải quyết trong dài hạn vẫn phải là tập trung nâng cao sản xuất, xuất khẩu may để mở rộng thị trường tiềm năng tiêu thụ vải, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Kêu gọi đầu tư và hợp tác liên doanh liên kết với các nhà sản xuất nước ngoài vào các cụm công nghiệp hỗ trợ được đầu tư hoàn chỉnh.

* Sáu tháng đầu năm 2011, ngành dệt may đã nhập hơn 5 tỉ USD về bông, vải, sợi dệt và nguyên phụ liệu so với tổng kim ngạch xuất khẩu 6,16 tỉ USD. Theo ông, đến giai đoạn nào ngành dệt may sẽ tự chủ được phần lớn nguyên liệu chính?

– Trong sáu tháng đầu năm 2011, giá nguyên liệu ngành dệt may thế giới lên cao hơn nhiều so với giá sản phẩm may mặc. Tuy nhiên ngành dệt may vẫn xuất siêu trên 2,1 tỉ USD, bởi trong 5,7 tỉ USD nhập khẩu nguyên liệu có khoảng 1,7 tỉ USD dùng cho chính thị trường nội địa, chỉ khoảng 4 tỉ USD cho xuất khẩu.

Ngành dệt may trở thành ngành công nghiệp chế biến có mức xuất siêu cao nhất cả nước. Tức là ngay cả trong điều kiện hiện nay, dệt may vẫn là ngành đem lại ngoại tệ quan trọng, đóng góp cho đất nước kim ngạch xuất siêu từ 4-5 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên, nâng cao khả năng chủ động nguồn nguyên liệu trong nước vẫn là nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới. Cụ thể trong năm 2012, với việc chạy thương mại toàn bộ 100% công suất nhà máy xơ sợi Đình Vũ, tiếp tục đóng góp làm giảm nhập khẩu xơ polyester, sợi filament polyester thêm 380-450 triệu USD/năm.

Cùng với đó là các chương trình trồng bông và các loại cây có sợi, chương trình phát triển các cụm doanh nghiệp hỗ trợ theo quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố. Nhưng cũng cần luôn quan tâm tăng cao giá trị sản xuất trong nước không được làm giảm khả năng cạnh tranh của dệt may VN, vì ngành dệt may thế giới là một không gian chung, cạnh tranh tương đối hoàn hảo, mọi yếu tố trong sản xuất đều phải được khai thác từ các nguồn hợp lý, đảm bảo cạnh tranh.

Nhà máy xơ sợi tổng hợp đầu tiên

Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ – Hải Phòng (Khu công nghiệp Đình Vũ – Hải Phòng) vừa xuất xưởng lô sản phẩm xơ sợi polyester đầu tiên vào ngày 20-7. Đây cũng là nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp đầu tiên được xây dựng của Việt Nam sau rất nhiều năm lên kế hoạch thực hiện.

Nhà máy do Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí PVTEX (Tập đoàn Dầu khí VN) làm chủ đầu tư với số vốn xấp xỉ 325 triệu USD, công suất 175.000 tấn xơ sợi/năm, chuyên sản xuất các loại xơ ngắn, sợi filament và hạt chip được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Sợi bông quốc tế.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nguyên liệu cho ngành dệt may VN, có khả năng tiết kiệm khoảng 400 triệu USD/năm từ việc giảm nhập nguyên liệu của nước ngoài.