23/11/2024

Trung Quốc làm khó thị trường nguyên liệu thô

WTO vừa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt chính sách hạn chế xuất khẩu các loại nguyên liệu thô, gây tổn hại cho nhiều ngành công nghiệp của thế giới

 Trung Quốc làm khó thị trường nguyên liệu thô

WTO vừa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt chính sách hạn chế xuất khẩu các loại nguyên liệu thô, gây tổn hại cho nhiều ngành công nghiệp của thế giới.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa ra phán quyết lên án các chính sách giới hạn xuất khẩu một loạt nguyên liệu thô của Trung Quốc. Tờ China Daily đưa tin những nguyên vật liệu thô nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh là bauxite, than cốc, fluorite, ma-giê, mangan, silicon carbide, silicon kim loại, phốt-pho vàng và kẽm. Đây là những nguyên liệu chính trong các ngành hoá chất, thép, nhôm cũng như được sử dụng rộng rãi trong các vật dụng hằng ngày từ lon nước ngọt, đĩa nén, đồ điện tử, xe hơi, gốm sứ, tủ lạnh, pin đến thuốc men.

Theo AFP, vụ khiếu nại này, được Mỹ – EU và Mexico đệ trình lên Uỷ ban Giải quyết Tranh chấp của WTO vào năm 2009, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt trên thế giới do có đến 13 thành viên WTO tham gia với tư cách là bên thứ ba. Trong số này có những nền kinh tế chủ chốt như Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo khiếu nại, trong lúc thực hiện nhiều biện pháp lôi kéo tài nguyên thế giới về mình, Trung Quốc lại đưa ra những giới hạn xuất khẩu nguyên liệu thô. Đây là hành động vi phạm cam kết khi gia nhập WTO của chính quyền Bắc Kinh và đẩy các đối tác vào thế bất lợi. Trung Quốc chưa có phản ứng gì và chưa rõ nước này có kháng cáo hay không.

Vơ vét và “ngậm” tài nguyên

Từ đầu thập niên 2000, thời điểm gia nhập WTO, Trung Quốc đã nỗ lực nhập nguyên vật liệu thô trong khi sản lượng xuất khẩu tài nguyên lại giảm dần. Theo thống kê của tờ The Wall Street Journal, tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu thô của Trung Quốc vào năm 2002 chiếm 11% tổng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2010, con số này tăng lên trên 26%. Cũng trong giai đoạn đó, sản lượng xuất khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc giảm từ 4,5% xuống còn 2%. 

Quan hệ mua bán giữa Trung Quốc và các đối tác lớn mất cân bằng nghiêm trọng. Trong năm 2010, hơn 84% lượng hàng nhập khẩu từ Brazil là nguyên liệu thô trong khi mặt hàng này chỉ chiếm 1,4% hàng Trung Quốc xuất sang Brazil. Với Ấn Độ, tỷ lệ nguyên liệu thô trong tổng lượng hàng xuất sang Trung Quốc tăng từ 30%  vào năm 2002 lên gần 70% vào năm ngoái.

Trước khi ra phán quyết mới nhất, WTO vào năm 2010 cũng bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu thô sẽ tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cho ngành công nghiệp nội địa. Theo đó, WTO phát hiện Trung Quốc đã và đang sử dụng các chính sách giới hạn như cấm, đặt hạn ngạch, áp thuế và giảm thuế một phần trong một số khu vực xuất khẩu nhằm găm giữ nguồn nguyên liệu. Hành động bảo hộ mậu dịch trắng trợn này tạo ra cạnh tranh không công bằng khi các nhà sản xuất nước ngoài phải mua nguyên liệu với giá đắt hơn trong khi ngành công nghiệp của Trung Quốc sẽ có lợi thế sản phẩm rẻ do chi phí đầu vào thấp hơn.

Độc tôn đất hiếm

Phán quyết của WTO nhận được hoan hô nhiệt liệt từ nhiều bên vì nó có thể buộc Trung Quốc điều chỉnh cách làm ăn gây tranh cãi của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà các nhà sản xuất trên thế giới hy vọng là ảnh hưởng của phán quyết trên đối với mặt hàng đất hiếm mà Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu. Đất hiếm là tên thường gọi của một nhóm khoáng sản quý hiếm, gồm cerium, dysprosium, erbium, europium và lanthanum. Đây là nguyên liệu chủ chốt cho các ngành điện tử và công nghệ cao trên toàn cầu. Ước tính Trung Quốc khai thác hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới nhưng nước này đang thu hẹp hoạt động xuất khẩu mặt hàng trên. BBC dẫn quy định mới công bố của Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 5 cho hay các loại hợp kim có chứa trên 10% hàm lượng đất hiếm sẽ chỉ được xuất với số lượng nhất định. Do vậy, quyết định từ WTO được cho là sẽ tạo một tiền lệ cực kỳ quan trọng khiến Trung Quốc sẽ đối mặt với các thách thức mới trong tương lai nếu cứ muốn giới hạn nguồn cung đất hiếm cho thế giới.