23/11/2024

Sao cứ phải thịt heo?

Lượng thịt tiêu thụ của người dân VN đang thể hiện sự mất cân đối khá lớn với 70% là thịt heo, 20% là thịt gà và 10% các loại thịt khác. Trong khi đó, tỉ lệ trung bình ở các nước phát triển là 40-45% thịt heo, 30-35% thịt gà, 20-30% thịt bò và các loại thịt khác

 Sao cứ phải thịt heo?

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chỉ trong vòng một năm qua giá heo hơi đã tăng 70-100% và hiện đang ở mức 64.000 đồng/kg (miền Nam) và ở miền Bắc dao động 65.000-70.000 đồng/kg.

Với mức giá như trên, theo ông Nguyễn Xuân Dương – cục phó Cục Chăn nuôi, giá heo VN đã cao hơn giá heo Thái Lan và ngang bằng giá heo Trung Quốc. Giá thịt heo bán lẻ ngoài chợ cũng tăng chóng mặt, ảnh hưởng lớn đến túi tiền và bữa ăn của nhiều hộ gia đình.

Thế nhưng cho đến nay, các cơ quan quản lý vẫn chỉ lý giải nguyên nhân tăng giá một cách chung chung: do lạm phát, dịch bệnh, do Trung Quốc gom hàng… Cục Chăn nuôi cho biết sáu tháng đầu năm nay, tổng đàn heo giảm 3,7% nhưng nguồn cung tăng 6,7% tuy nhiên giá heo vẫn tăng là “do nhu cầu về thịt heo trong tháng 5 và tháng 6 tăng cao so với mọi năm”.

Theo nhiều chuyên gia, Cục Chăn nuôi đưa ra những lý do thiếu thuyết phục như vậy bởi họ không biết chắc chắn tổng đàn heo cả nước còn bao nhiêu con và đang nằm ở đâu để có những biện pháp can thiệp thích hợp. Giá heo chỉ có thể giảm khi nguồn cung tăng hoặc nhu cầu giảm mạnh. Để tăng lượng thịt heo không thể một sớm một chiều vì tính từ lúc nuôi heo giống (20kg/con) đến lúc xuất chuồng (100kg/con) cũng phải mất ba tháng rưỡi đến bốn tháng. Do đó, chỉ có cách người tiêu dùng chủ động giảm tiêu thụ thịt heo để chuyển qua loại thịt khác mới hi vọng giảm giá thịt heo trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, lượng thịt tiêu thụ của người dân VN đang thể hiện sự mất cân đối khá lớn với 70% là thịt heo, 20% là thịt gà và 10% các loại thịt khác. Trong khi đó, tỉ lệ trung bình ở các nước phát triển là 40-45% thịt heo, 30-35% thịt gà, 20-30% thịt bò và các loại thịt khác. Việc sử dụng cân đối các loại thịt trong bữa ăn hằng ngày không những đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và sức khoẻ của người dân mà còn thể hiện sự phát triển cân bằng và ổn định của ngành chăn nuôi, qua đó bình ổn thị trường giá cả.

Các nhà khoa học cũng phân tích thịt gia cầm (thịt trắng) có nhiều protein, lipid, khoáng và vitamin hơn so với thịt đỏ (thịt heo, thịt bò…). Hơn nữa, thịt đỏ chứa nhiều cholesteron hơn thịt trắng nên không tốt cho sức khoẻ nếu dùng nhiều. Do đó, việc thay đổi thói quen hiện tại, chuyển sang dùng nhiều thịt gà hơn không những có thể kéo giá thịt heo giảm mà còn có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Một điểm thuận lợi để thực hiện điều này là hiện nay giá heo rất cao nhưng giá gà lại giảm mạnh. Chỉ trong một tháng trở lại đây, khi giá thịt heo từ 60.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg thì giá gà công nghiệp giảm từ 41.000 đồng/kg xuống còn 27.000 đồng/kg. Mức giá này thậm chí còn thấp hơn giá gà bán cùng kỳ năm 2010. Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết không hiểu sao giá heo cao chót vót thế mà giá gà lại giảm mạnh, làm gì có loại thực phẩm nào rẻ như giá gà nữa.

Do vòng đời ngắn (42-45 ngày), sản xuất con giống đơn giản, các nhà chăn nuôi gà rất dễ điều chỉnh cung cầu và bình ổn thị trường trong thời gian ngắn, trong khi với heo thì khó làm được như vậy.

Vì thế, theo ông Phạm Đức Bình – phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, thịt heo tăng giá quá cao gây bất lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng mở ra cơ hội mới để thay đổi thói quen tiêu thụ thịt hằng ngày, qua đó hướng ngành chăn nuôi phát triển theo hướng ổn định hơn.