05/01/2025

Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự

Mấy ngày qua rộ lên nhiều thông tin về hoạt động quân sự, tình báo của Trung Quốc trong bối cảnh nước này ngày càng tạo ra nhiều quan ngại trong khu vực

Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự

Mấy ngày qua rộ lên nhiều thông tin về hoạt động quân sự, tình báo của Trung Quốc trong bối cảnh nước này ngày càng tạo ra nhiều quan ngại trong khu vực.

Truyền thông phương Tây gần đây dẫn nhiều nguồn tin về việc Trung Quốc đang tăng cường thu thập thông tin tình báo, phát triển khí tài quân sự. Những thông tin này xuất hiện giữa lúc Bắc Kinh đang thu hút sự chú ý và cả lo ngại sâu sắc từ giới quan sát và dư luận vì những động thái và tuyên bố đơn phương, gây căng thẳng ở biển Đông vừa qua. Ngoại trừ việc chính thức xác nhận đang phát triển tàu sân bay và tên lửa DF-21D, Trung Quốc vẫn im lặng trước những thông tin nói trên. 

Ra sức phát triển tình báo

Tờ Daily Telegraph mới đây dẫn lời Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) là Jonathan Evans nhận định Trung Quốc đang ra sức tìm kiếm những công nghệ quân sự nhạy cảm của Anh và các nước phương Tây khác. Ông Evans cảnh báo những doanh nhân, quan chức nước ngoài thường ở các khách sạn sang trọng tại Bắc Kinh, Thượng Hải rất có khả năng bị nghe trộm, theo dõi và lục soát tư trang. Giám đốc MI5 còn cho biết cách đây 3 năm, một trợ lý của Thủ tướng Anh khi đó là Gordon Brown đã bị một cô gái Trung Quốc lấy cắp chiếc điện thoại BlackBerry, dĩ nhiên không phải vì ham của.

Cũng theo tình báo Anh, ngoài Học viện Tình báo bán quân sự đầu tiên được thành lập ở Đại học Thanh Hoa vào năm 2008, Trung Quốc đã lập thêm học viện tình báo thứ hai tại Quảng Châu vào năm ngoái. Sau đó, tốc độ xây dựng các trường đào tạo gián điệp được đẩy nhanh đột biến. Chỉ từ năm ngoái đến nay đã có thêm nhiều cơ sở tại các trường đại học lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An, Thanh Đảo, Cáp Nhĩ Tân và Hồ Nam. Những học viện này ước tính đào tạo được từ 300 – 500 gián điệp.

Chưa hết, tạp chí an ninh quốc phòng Journal of Strategic Studies của Anh có bài viết cho rằng Trung Quốc đang nghiên cứu vệ tinh tối tân có thể giúp ngăn chặn tàu sân bay của Mỹ. Vệ tinh do thám sẽ cho phép tăng cường khả năng theo dõi và hỗ trợ đắc lực trong việc hướng dẫn lộ trình cho tên lửa đạn đạo. Đây được đánh giá là một mối nguy cho các tàu sân bay của Mỹ nếu vệ tinh do thám được kết hợp với tên lửa chống tàu DF-21D.

Máy bay không người lái và tàu sân bay

Theo website Flight Global của Anh ngày 12.7, trong cuộc diễn tập ở biển Đông hồi tháng trước, Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên triển khai máy bay không người lái UAV Ưng Bạc Silver Eagle để hỗ trợ thông tin từ xa, “chống can thiệp”. Máy bay này được thiết kế có đuôi kép, kiểu dáng tương tự mô hình máy bay không người lái ASN-209 UAV từng được trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2010.

Trong quá trình bay 3 giờ đồng hồ, nhân viên dưới mặt đất điều khiển Ưng Bạc bằng máy tính. Sau khi máy bay tới vị trí theo kế hoạch, nó duy trì tốc độ 134 km/giờ ở độ cao 3.000m. Ưng Bạc có khả năng can thiệp vào đường truyền thông tin của đối phương, gây nhiễu hoặc và lấy cắp dữ liệu.

Cũng tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2010, Trung Quốc trưng bày mười mấy loại máy bay không người lái. Trong một tờ bướm quảng cáo tại triển lãm này ghi “máy bay không người lái WJ-600 thay mặt cho đơn vị tên lửa ven biển Trung Quốc gửi lời chào tới tàu sân bay của Mỹ”.

Bên cạnh đó, trang tin Huffington Post (Mỹ) vào ngày 11.7 cũng đề cập chuyện Trung Quốc đang chuẩn bị chạy thử tàu sân bay và chiến lược tàu sân bay của nước này. Trang tin này dẫn lời một số chuyên gia dự đoán rằng 10 năm sau, số tàu sân bay của TQ có thể sẽ tăng lên, ảnh hưởng cân bằng ở khu vực Thái Bình Dương. Một số nguồn tin khác thì ước đoán tới năm 2020, TQ sẽ đóng tới 4 tàu sân bay. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hiện nay cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc còn lâu mới có thể hoạt động tác chiến thật sự vì nước này còn thiếu công nghệ và nhân lực để vận hành loại tàu này. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa kết thúc hôm 13.7, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen nhận định: “Có được tàu sân bay là một chuyện, còn việc sử dụng tàu sân bay lại hoàn toàn là một việc khác”.

Tên lửa Trung Quốc “sử dụng công nghệ Mỹ

Tên lửa DF-21D, được cho là có khả năng tiêu diệt tàu sân bay, được phát triển từ rác thải quân sự của Mỹ trong thập niên 1990, theo chuyên gia về phân tích quân sự Trung Quốc Richard Fisher. Ông nói với báo The Epoch Times rằng một nguồn tin của Mỹ gần đây đã xác nhận điều ông nghi ngờ từ lâu: từ hàng tấn rác mua của Mỹ cách đây khoảng 15 năm, Trung Quốc đã tìm được công nghệ để phát triển hệ thống định hướng radar cho DF-21D. Hệ thống này cũng đang được sử dụng cho

DF-21C. Ngoài ra, theo báo này, hệ thống rốc-két của DF-21D cũng có được từ Công ty kỹ thuật Mỹ Martin Marietta vào thập niên 1990.

DF-21D mới được thử nghiệm trên đất liền và các chuyên gia cho rằng nó phải mất nhiều năm mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ là Robert Willard nhận định tên lửa này “gây quan ngại” cho Mỹ và các nước khác trong khu vực. Hôm 11.7, ngay lúc người đồng cấp Mỹ Mike Mullen thăm Bắc Kinh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức lần đầu tiên xác nhận DF-21D đang được phát triển.

Văn Khoa