23/11/2024

Cách dạy con tự lập ngay trong bữa ăn hằng ngày

Theo các tài liệu chuyên môn, năng lực tự giác của trẻ phát triển rất mạnh trong những năm đầu đời. Nếu biết khuyến khích, nuôi dưỡng ý muốn tự làm của trẻ trong giai đoạn này, ngay từ chuyện ăn uống, trẻ sẽ dần hình thành tính cách tự lập

 Cách dạy con tự lập ngay trong bữa ăn hằng ngày

Chỉ với 30 phút trong bữa ăn nhưng nhiều ông bố bà mẹ đã bỏ qua “cơ hội vàng” này để dạy con những tính cách tích cực.

Hãy từ bỏ thói quen làm hộ trẻ

Cứ tầm 5h chiều, sân chơi khu chung cư lại rộn rã tiếng trẻ con. Không phải các cháu đang chơi đùa, mà vừa chơi vừa ăn. Bà ngoại, bà nội, mẹ, ô sin, mỗi người cầm một bát cháo chạy theo đút từng thìa. Mà không phải chỉ là em bé, có cả những anh chị lớn 3-5 tuổi.

Chị Vân, mẹ bé Quỳnh Anh 4 tuổi than thở: Quen rồi, nếu mình không đút thì con chẳng chịu ăn, chỉ ngồi bốc thức ăn nghịch thôi. Bà nội bé Khánh Đan 2 tuổi giãi bày: đầu tiên cũng cho cháu tập xúc ăn đấy chứ, nhưng mà bẩn lắm, rơi vãi lung tung, bôi cả lên đầu tóc quần áo, mà lại không ăn được mấy, nên không tiếp tục được. Khi nào lớn, bày dạy dễ hơn…

Theo các tài liệu chuyên môn, năng lực tự giác của trẻ phát triển rất mạnh trong những năm đầu đời. Nếu biết khuyến khích, nuôi dưỡng ý muốn tự làm của trẻ trong giai đoạn này, ngay từ chuyện ăn uống, trẻ sẽ dần hình thành tính cách tự lập. Và ngược lại, vì gia đình quá chăm sóc, việc gì cũng làm hộ sẽ khiến cho năng lực ấy bị ức chế, thậm chí là thui chột, biến trẻ thành một con người thụ động, yếu đuối, tự ti.

Giúp trẻ tự phục vụ chính mình

Tập cho trẻ thói quen tự đưa thức ăn vào miệng

Khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm, gặm nhấm đồ vật là bạn có thể cho trẻ tập cầm nắm thức ăn và hướng dẫn trẻ cách đưa vào miệng được rồi. Hãy bắt đầu bằng những loại hoa quả chín mềm như xoài, đu đủ, hồng xiêm… hoặc các loại rau củ luộc kỹ, các loại bánh ăn dặm (Wakodo, Hipp, Bibica, …) 

Độ mềm của giai đoạn đầu đạt tiêu chuẩn khi chỉ cần lấy tay ấn nhẹ là thực phẩm nhuyễn, tránh để bé bị hóc, tạo tâm lý sợ hãi. Bé chưa có răng bạn vẫn có thể tập. Bé Bảo Linh, con gái chị Hoà (ngân hàng Techcombank) biết đưa thức ăn vào miệng, nhai hoàn toàn bằng lợi khi 6 tháng tuổi. 

Khi trẻ lớn hơn, tầm trên dưới 1 tuổi, bàn tay đã trở nên khéo léo hơn, bạn có thể hướng dẫn trẻ cầm thìa xúc thức ăn, cầm dĩa ghim hoa quả, cầm cốc uống nước. 

Nếu được, bạn hãy để trẻ ngồi ăn cùng gia đình, cho trẻ bát thìa của chúng và bỏ vào đó 1 ít đồ ăn. Nhớ là 1 ít thôi, ăn hết lại cho tiếp. Quá nhiều đồ ăn sẽ làm trẻ … “rối mắt”, dễ dẫn đến nghịch phá, phung phí bừa bãi và chóng chán. Khi cho ăn từng ít một, bạn cũng có cơ hội khen ngợi, cổ vũ, giúp bé hào hứng tiếp tục. 

Giai đoạn đầu bố mẹ không vội vàng giao phó chuyện ăn luôn cho con. Chỉ là tập cho con thôi, vừa tranh thủ tập vừa đút, như vậy bữa ăn của bé vừa vui vẻ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. 

Việc dạy con tự phục vụ bữa ăn của mình không chỉ giúp con hình thành, rèn giũa đức tính tự lập mà còn khơi gợi niềm thích thú khám phá các loại thực phẩm khác nhau, khám phá khả năng của bản thân. Bé cũng giống như bạn, luôn muốn chinh phục những thử thách và tự hào phấn khởi khi thành công. Đó cũng là nền tảng cơ bản của sự tự tin vào bản thân trong mỗi con người. 

Tuân thủ kỷ luật bữa ăn 

Việc tạo ra nề nếp bữa ăn cũng góp phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ tính kỉ luật và tự giác. 

Bố mẹ không nên chiều chuộng và dần dà biến mình thành nô lệ cho con khi đưa trẻ đi ăn rông hoặc làm đủ trò, lấy đủ thứ đồ chơi theo yêu cầu của trẻ. 

Ngay từ những bữa ăn đầu tiên bằng sữa mẹ hay bú bình, mẹ đã giúp trẻ nhận biết, phân biệt giờ ăn và giờ chơi. Luôn luôn ăn một chỗ, trẻ lớn có thể dùng ghế ngồi. 

Đến bữa, mẹ tắt ti vi, dọn gọn đồ chơi để tránh tình trạng vòi vĩnh hết thứ này đến thứ khác. Mẹ có thể chế biến các món ăn thành đồ chơi cho bé. Ví dụ rau củ quả luộc chín, cắt hình ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Hoặc đồ chơi chính là cốc, bát, thìa, dĩa… 

Bé Duy, con trai chị Trinh (Văn Quán Hà Đông), 1 tuổi cháu bắt đầu tập xúc ăn. Đến bữa ăn biết đi lại chỉ vào ghế. Tròn 20 tháng, cháu tự xúc ăn ngon lành, rất ít rơi vãi. Chị Trinh rất yên tâm khi cho con đi trẻ bởi cháu có thể tự phục vụ bữa ăn của mình rất nghiêm túc. 

Những bí quyết giúp bố mẹ thành công 

Bố mẹ phải kiên nhẫn vì ban đầu trẻ chưa thể thành thạo ngay được. Thấy con vụng về, bố mẹ giành làm lấy cho nhanh thì 100% thất bại. 

Bố mẹ không được sợ bẩn, sợ phiền toái. Bởi vì con có thể vấy bẩn mọi thứ xung quanh. Phương châm là trước và sau khi ăn đều rửa ráy cho con và không nề hà dọn dẹp “bãi chiến trường”… 

Rất nhiều ông bố bà mẹ có suy nghĩ là con còn bé, nó chưa làm được, rồi áp đặt luôn là con không biết làm, để người lớn làm hộ. Dần dà trẻ không còn ý muốn tự làm nữa. 

Bố mẹ có biết tại sao trẻ con phương Tây tự lập ngay từ nhỏ? Chính là bởi chúng được lớn lên trong một môi trường luôn được khuyến khích tự làm mọi việc trong cuộc sống. Đó là điều khác biệt ngay trong cách nuôi dạy con, ngay trong chuyện cho con ăn uống.