Xả rác, phóng uế không ai phạt
Không chỉ phóng uế bừa bãi, tình trạng người dân thiếu ý thức xả rác ra đường cũng phổ biến ở khắp TP.HCM.
Xả rác, phóng uế không ai phạt
Rác thải hiện diện từ trên đường phố xuống kênh rạch, khu dân cư, công viên. Giữa thanh thiên bạch nhật, nhiều nơi công cộng biến thành chỗ phóng uế bừa bãi…
Từ phóng uế bừa bãi…
Khoảng 9 giờ ngày 11.7, tại công viên nằm dọc đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), chúng tôi mục kích nhiều cảnh hài hước về “nhà vệ sinh lộ thiên” tại đây. Chỉ trong vòng 30 phút quan sát, chúng tôi đã thấy 8 người đàn ông thay phiên nhau dừng xe hoặc từ chợ Kim Biên đi qua thản nhiên trút bầu tâm sự vào đúng cây cột điện nằm giữa công viên. Người này vừa “xong chuyện”, thì người khác đã đứng chờ… Và cứ thế nước tiểu chảy dài ra mặt đường. Mặc cho những cái nhìn đầy khó chịu của người đi đường, nhưng một số người đàn ông vẫn xem như chẳng có gì xảy ra, thậm chí có người còn… nhoẻn cười khi thấy chúng tôi ghi hình! Dù đứng cách cây cột điện từ xa, song chúng tôi vẫn nghe một mùi khai nồng nặc.
Cách đó vài chục mét, có đến 2 nhà vệ sinh công cộng của lực lượng thanh niên xung phong đang vắng khách. Tiếp xúc với chúng tôi, một người đàn ông đạp xe ba gác gần đó, nói: “Mỗi lần vào đó phải tốn 1.000 đồng. Khi đại tiện, người ta mới vào đó, còn tiểu tiện thì đi lộ thiên cho khỏe, lại chẳng mất tiền” – “Phóng uế ngoài đường vậy mấy anh không sợ bị phạt à?”, chúng tôi hỏi. Người đàn ông chỉ tay về phía “nhà vệ sinh cây cột điện”, với phần bên dưới đã chuyển sang màu vàng đen vì bị tưới nước tiểu lâu ngày, vừa cười nói: “Người đi đường tấp vào đây tiểu tiện là chuyện thường ngày mà có thấy ai bắt phạt gì đâu!”.
|
“Người đi đường tấp vào đây tiểu tiện là chuyện thường ngày mà có thấy ai bắt phạt gì đâu!” |
|
Một người đạp xe ba gác |
Tại trạm xe buýt gần Công viên 23 Tháng 9, nhiều người lưu thông trên đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Trãi không khỏi ngán ngẩm khi thỉnh thoảng phải chứng kiến cảnh một số người chốc chốc lại đi đến núp núp, ló ló sau đuôi xe buýt để “tè”. Hoặc nếu có dịp đi bộ ngang qua bên hông nhà thờ Huyện Sĩ góc đường Nguyễn Trãi – Tôn Thất Tùng (Q.1), người đi đường phải lấy tay bịt mũi hoặc xuống lòng đường đi để tránh những vũng nước tiểu…
Suốt một tuần lễ đi thực tế ghi nhận tình trạng phóng uế trên khắp đường phố TP.HCM, chúng tôi nhận thấy một điều: bất kỳ ở đâu cũng có thể biến thành nhà vệ sinh công cộng.
… đến xả rác tràn lan
Không chỉ phóng uế bừa bãi, tình trạng người dân thiếu ý thức xả rác ra đường cũng phổ biến ở khắp TP.HCM. Trước các cổng bệnh viện, trường học…, những nơi lẽ ra phải mỹ quan sạch đẹp thì lại là những điểm nóng về vệ sinh môi trường.
Trưa 11.7, vỉa hè các con đường xung quanh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, như Mạc Thiên Tích, Đặng Thái Thân… (Q.5) đã bị các hộ buôn bán hàng quán chiếm dụng hoàn toàn, để nấu nướng, rửa chén bát. Nước thải được các hộ buôn bán đổ thẳng ra đường, trông nhếch nhác, bẩn thỉu. Dù vậy, trên vỉa hè, nhiều người vẫn thản nhiên vừa ăn, vừa xả rác xuống đất, ruồi nhặng bu đầy. Tại trước các cổng bệnh viện khác, như: Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, 2, Hùng Vương, Huyết học, Ung bướu… cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Trên đường Tạ Quang Bửu (P.4, Q.8) đoạn từ đường Cao Lỗ đến cầu Sông Xáng quanh năm suốt tháng luôn ngập đầy rác. Đoạn đường này, một bên là bãi đất trống thuộc dự án đang chuẩn bị xây dựng, một bên là một phần của khu câu cá giải trí mà cổng chính nằm ở đường Cao Lỗ nên khá vắng vẻ người sinh sống. Chính vì vậy mà bất kể ngày hay đêm, khu vực này trở thành điểm vứt rác thải đủ loại như bàn ghế salon cũ, xà bần bê tông, các loại rác thải sinh hoạt, nệm mút, bàn cầu… của người dân những khu vực gần đó đem đến đổ, dù cách đó chừng chục mét là một chốt gác dân phòng và công an.
Đánh trống bỏ dùi!
Theo điều 9, Nghị định 73 ngày 12.7.2010 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 60.000 đồng – 300.000 đồng đối với hành vi vứt rác, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác ra nơi công cộng; đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung; tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật khác phóng uế ở nơi công cộng…
Trước đó, tại TP.HCM, từ tháng 7.2003, UBND TP đã chỉ thị (số 13) cho các ngành, các cấp, các địa phương nghiêm túc thực hiện Quyết định số 105/2003 về quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh và môi trường. Theo đó, mức phạt đối với hành vi phóng uế như tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng là 200.000 đồng. Còn nhớ, sau chỉ thị của UBND TP, nhiều quận, huyện đã tổ chức ra quân rầm rộ, tuần tra, xử phạt một số trường hợp vi phạm (chủ yếu là tài xế taxi, xe ôm), trong đó tập trung vào hành vi phóng uế, đổ rác, nước bẩn ra đường. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thì tình hình đâu lại vào đấy!
Tiếp đó, mặc dù TP tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, mở thêm nhiều cuộc ra quân lập lại trật tự mỹ quan đường phố, rồi đến việc triển khai các cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, đô thị…, song tình trạng xả rác, phóng uế vẫn diễn ra tràn lan trên địa bàn TP.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số quận nội thành thường đổ cho việc thiếu nhân sự tuần tra, xử phạt; mức phạt quá thấp không đủ sức răn đe…
Bà Huỳnh Thị Thảo, Phó chủ tịch UBND Q.5, cho rằng, dù đã huy động nhiều lực lượng, như công an, dân quân, bảo vệ dân phố… cùng trật tự xây dựng tăng cường tuần tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường ở quanh khu vực 15 bệnh viện trên địa bàn quận, nhưng do số lượng người dân ở khắp nơi hằng ngày đổ về quá đông nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm. Còn ở cấp cơ sở, lãnh đạo một số phường cho biết, việc bắt quả tang các trường hợp phóng uế, xả rác tại các khu dân cư hầu như bó tay, vì lực lượng tuần tra không thể túc trực 24/24 giờ để canh bắt những người phóng uế, xả rác, vốn chỉ diễn ra trong tích tắc.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cho biết, theo quy định, chủ tịch UBND và trưởng công an cấp phường, xã có quyền ra quyết định xử phạt hành chính những trường hợp vứt rác bừa bãi, tiểu tiện, phóng uế… trên địa bàn. Tuy nhiên, lâu nay công tác kiểm tra của chính quyền địa phương chưa mạnh, chưa tích cực, còn dàn trải và chung chung. Việc phân công lực lượng tuần tra ngày đêm vẫn chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. “Do vậy, lãnh đạo UBND TP cần tiếp tục nghiên cứu, nhanh chóng khắc phục những lỗ hổng trong công tác này để lập lại trật tự vệ sinh mỹ quan đô thị trên địa bàn TP. Một trở ngại khác thuộc về một khuyết điểm của TP là chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cơ sở vật chất như thùng rác, nhà vệ sinh công cộng miễn phí. Theo tôi, nếu muốn người dân không phóng uế, vứt rác nơi công cộng thì những yêu cầu trên là cực kỳ quan trọng”, ông Đằng nói.
Tăng cường nhà vệ sinh công cộng, thùng rác Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Minh Hoà (Trưởng bộ môn Đô thị học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết, TP.HCM và các đô thị lớn trên cả nước đang thiếu trầm trọng các thùng rác và nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Có những tuyến đường đi đến hơn 500 mét hoặc xa hơn nữa mới thấy 1 thùng rác là chuyện thường. NVSCC còn hiếm hơn nhiều. Đi đường mà tìm không thấy thùng rác lẫn NVSCC thì làm sao người dân giữ gìn vệ sinh đô thị được? Đã vậy, thùng rác và NVSCC ở nước ta thường quá bẩn, đến nỗi nhiều người không muốn bỏ rác vào thùng vì sợ dơ tay, hoặc không dám vào NVSCC vì sợ mùi xú uế. Để tăng cường ý thức cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh đô thị, tôi nghĩ chính quyền không nên thu tiền đi vệ sinh ở các NVSCC. Trong khi vật giá đắt đỏ, đi vệ sinh lại mất 2.000-3.000 đồng/lượt, nhẩm tính, một người thường xuyên hoạt động ngoài đường phố như cánh tài xế xe ôm, taxi… phải tốn khoảng 300.000 đồng mỗi tháng cho nhu cầu thiết yếu, thì làm sao khuyến khích người dân được? Đã đến lúc, chính quyền cũng nên bắt buộc các quán nhậu phải có nhà vệ sinh sạch sẽ, nếu không phải mướn các NVSCC di động của chính quyền, ai không tuân thủ phải có hình thức xử lý, chế tài thích đáng thì mới mong cải tạo được bộ mặt đô thị. Anh Tú (ghi) |