23/11/2024

Tự hào và xấu hổ

Quá khứ một dân tộc dù lẫy lừng, đáng tự hào đến đâu rồi cũng trở thành cũ kỹ, nhạt dần sức quyến rũ, khó gây được cảm hứng nếu không được chính các thế hệ hôm nay và ngày mai tiếp tục thổi vào sức sống của chính mình để làm cái quá khứ ấy mãi được thăng hoa

Tự hào và xấu hổ

Tôi nghĩ người ra câu II cho đề văn tuyển sinh đại học (khối C) năm nay không phải chỉ dành riêng cho thí sinh mà là một đề thi mở cho cả xã hội ta đang sống.

Trong đề mở “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”, ta chỉ cần thay hai từ “bản thân” bằng những danh từ chung khác thì rất nhiều người trong chúng ta có thể nhận ra đây là một vấn đề không chỉ dành riêng cho các cô cậu tú tài đang đua nhau vượt vũ môn.

Nhưng hẵng bắt đầu từ bản thân ta. Rõ ràng là không có lòng tự hào, con người chỉ còn là một con gián thảm hại. Đã từ lâu, chúng ta quen sống với lòng tự hào. Tự hào về cái gì? Về đất nước “rừng vàng bể bạc”, về những chiến thắng vang dội lịch sử, về cái đức chịu khó, chịu cực, cần cù, về đức hi sinh cha truyền con nối, tóm lại về những hào quang phát ra từ quá khứ lẫy lừng… Niềm tự hào ấy là chính đáng, không giả tạo, không bịa đặt và được lịch sử cũng như loài người công nhận. Chúng ta dựa vào đó mà sống, mà kiêu hãnh, mà… tự hào!

Nhưng nguy hại thay khi con người quá lạm dụng niềm tin vào quá khứ. Ngay cả mặt trời các nhà khoa học dự báo rồi cũng có ngày lụi tắt. Quá khứ một dân tộc dù lẫy lừng, đáng tự hào đến đâu rồi cũng trở thành cũ kỹ, nhạt dần sức quyến rũ, khó gây được cảm hứng nếu không được chính các thế hệ hôm nay và ngày mai tiếp tục thổi vào sức sống của chính mình để làm cái quá khứ ấy mãi được thăng hoa.

Không thể luôn tự hào về hào khí độc lập tự chủ của cha ông mà mỗi con người chúng ta lại khiếp nhược trước cái ác, cái ngạo ngược đang thách thức, vô cảm hay nép vào nhau tìm chỗ an toàn trước sự đe doạ của chúng. Không thể miệng nói về truyền thống quật cường mà tay thì vơ vét từng đồng xu của công cho vào túi riêng. Không thể nói tôn thờ Tổ quốc, lòng yêu nước mà thản nhiên khạc nhổ xuống mặt đường, xuống dòng sông quê hương hay xả rác qua cửa sổ con tàu đang chạy.

Người ta có thể sống giả dối, vô trách nhiệm với quá khứ cũng như tương lai như vậy vì không còn biết xấu hổ! Tại sao nhiều người trong chúng ta không còn biết xấu hổ khi bên cạnh những lâu đài nguy nga vẫn còn những ngôi nhà ổ chuột; khi nhiều người ăn uống phè phỡn trong khi có không ít đồng bào đang thiếu ăn, trong khi các em bé 12 tuổi ở miền núi phải kiếm sống trong đường hầm mỏ vàng? Tại sao chúng ta vẫn thản nhiên bước đi bên những đống rác vô trách nhiệm và hôi thối, chỉ biết lấy tay che mũi khỏi mùi hôi để thoát thân mà không một vướng mắc trong đầu khi tự hỏi: vì sao như vậy?

Biết xấu hổ quan trọng với chúng ta bởi khi mỗi con người biết xấu hổ vì những gì không xứng đáng, thì niềm tự hào sẽ không lụi đi mà được nuôi dưỡng, được tiếp tục thăng hoa đến những đỉnh cao mới.

Trong tác phẩm Sống lại, L. Tolstoi kể rằng bọn tù hình sự ác ôn bị đày sang Siberia thường rủ rê những bạn tù trẻ, béo tốt vượt ngục để dùng họ làm nguồn thực phẩm ăn đường nhằm vượt qua ngàn dặm tuyết lạnh. Nhà văn viết: “Nạn ăn thịt người ở Siberia bắt nguồn từ điện Smolny đầy tự hào của những Sa hoàng không hề biết xấu hổ”. Tất cả mọi người đều có thể tự hào về “chúng ta” và tất nhiên, tất cả mọi người đều phải biết xấu hổ về “chúng ta”, vì những gì chúng ta đã làm, đã suy nghĩ không xứng đáng.