24/12/2024

Tràn lan thuỷ điện, dân bất an

Trong quá trình thi công và khi đi vào hoạt động, nhiều dự án thuỷ điện đã gây tác động không nhỏ đến đời sống cư dân, môi trường sinh thái…

Tràn lan thuỷ điện, dân bất an

Theo quy hoạch, tỉnh Lâm Đồng có đến gần 80 dự án thuỷ điện lớn nhỏ. Trong quá trình thi công và khi đi vào hoạt động, nhiều dự án thuỷ điện đã gây tác động không nhỏ đến đời sống cư dân, môi trường sinh thái…

Hại danh thắng, nhấn chìm quốc lộ

Theo quy hoạch bậc thang thuỷ điện các sông Đa Nhim, Đồng Nai, Sêrêpốk và sông nhánh Krông Nô được Bộ Công thương phê duyệt, trên địa bàn Lâm Đồng có 11 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp máy 1.674 MW. Đến nay đã đưa vào sử dụng 3 dự án: Đại Ninh, Đồng Nai 3, Hàm Thuận với tổng công suất 780 MW; các dự án còn lại đang trong quá trình thi công và nghiên cứu đầu tư.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn có tới 68 dự án thuộc quy hoạch thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp máy trên 450 MW. Hiện UBND tỉnh đã thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư cho 41 dự án thuỷ điện; trong đó có 6 dự án đã hoàn thành bán điện thương mại với tổng công suất 91,7 MW; các dự án còn lại đang triển khai thi công và lập dự án đầu tư.

Năm 2008, thuỷ điện Đại Ninh vận hành thì cũng là lúc hai thắng cảnh quốc gia thác Gougah và Pongour (H.Đức Trọng) lâm vào cảnh “hấp hối”. Trong khi danh thắng thác Gougah bị nhấn chìm dưới lòng hồ vào mùa mưa thì thắng cảnh thác Pongour được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất thác” rơi vào tình trạng kiệt nước trong mùa khô. Tương tự, danh thắng quốc gia khác là thác Liên Khương (H.Đức Trọng) đang bị kiệt nước cũng có phần do thuỷ điện Đa Nhim ngăn đập tích nước từ trước.

Không chỉ danh thắng bị ảnh hưởng bởi thuỷ điện mà đường quốc lộ cũng bị nhấn chìm. Tháng 9.2010, hồ thuỷ điện Đồng Nai 3 đóng đập tích nước đã làm một đoạn QL28 – đoạn qua Lâm Đồng bị chìm dưới lòng hồ. Đến nay, đoạn đường tránh ngập này (dài 15 km) vẫn chưa được thi công xong khiến cho việc đi lại của nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn vì phải đi đường vòng xa gấp 3 lần.

Mất hơn 10.000 ha đất rừng

Theo đánh giá của Sở Công thương Lâm Đồng, đa số các dự án thuỷ điện đều triển khai chậm so với yêu cầu tiến độ theo quy hoạch và mục tiêu đề ra. Các dự án thuỷ điện này có diện tích chiếm đất tương đối lớn, nhất là các khu vực rừng đầu nguồn và khu vực phía hạ lưu. Tổng diện tích chiếm đất của các dự án này trên 16.157 ha; trong đó có đến hơn 10.703 ha là diện tích đất rừng đầu nguồn, các nông lâm trường, sông suối, còn lại là đất nông nghiệp và đất khác. Một số dự án chưa tính toán hết các yếu tố gây ảnh hưởng có liên quan đến rừng, vấn đề canh tác nông nghiệp khu vực hạ du, nên khi dự án đi vào hoạt động có thay đổi lưu lượng dòng chảy gây ra những khó khăn, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Thuỷ điện Đa Nhim (H.Đơn Dương) đầu tư đã lâu nhưng không có hệ thống trả dòng nên việc vận hành trả dòng trong mùa khô cho vùng hạ du rất khó; nhưng vào mùa mưa lại ảnh hưởng ngập úng khi vận hành xả lũ. Còn nhớ, cuối tháng 10 và đầu tháng 11.2010, thuỷ điện Đa Nhim xả lũ cùng với mưa lũ tự nhiên đã làm ngập lụt gây thiệt hại hàng trăm ha hoa màu, cây trồng ven sông Đa Nhim của nông dân H.Đơn Dương.

Mới đây, ngày 14.6.2011, ống dẫn nước của công trình thuỷ điện Đạm Bol (xã Lộc Bắc, H.Bảo Lâm) bất ngờ bị vỡ tung khiến 2 người chết, 3 người bị thương, 2 căn nhà bị cuốn trôi và gây thiệt hại hàng chục ha đất sản xuất, đất rừng ở địa phương, khiến người dân lo ngại về độ an toàn của các công trình thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng, lo ngại nhất đối với việc xây dựng nhiều công trình thuỷ điện trên cùng một lưu vực sông là việc ngăn nước của các nhà máy sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái của sông, ảnh hưởng đến hệ động thực vật xung quanh. Công tác di dân, tái định cư (vì các dự án thuỷ điện) vẫn còn những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận dân cư trong vùng dự án. Theo ông Huỳnh Ngọc Cảnh – Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân bị mất đất nông nghiệp do dự án thuỷ điện cũng gặp không ít khó khăn: Nhiều người là nông dân lớn tuổi sẽ làm gì để sinh sống? Nếu đi khai hoang thì cũng mất nhiều năm mới thuần thục được vùng đất mới, nên sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ…