23/01/2025

Lạm phát 2011 sẽ khoảng 17-18%

Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ số kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2011 và nhận định chỉ số giá tiêu dùng 2011 khó có thể ở mức 15% như Chính phủ đề ra

Lạm phát 2011 sẽ khoảng 17-18%

Hôm qua (29-6), Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ số kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2011 và nhận định chỉ số giá tiêu dùng 2011 khó có thể ở mức 15% như Chính phủ đề ra.

Ngoài ra, khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2010 cho thấy phân hoá giàu nghèo đang tăng, tỉ lệ đi học giảm…

Theo con số chính thức của Tổng cục Thống kê, GDP sáu tháng đã tăng 5,57% – có giảm so với sáu tháng đầu năm 2010. Theo ông Đỗ Thức – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói chung số liệu sáu tháng đầu năm 2011 của VN là khá tốt.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề qua thống kê cho thấy cần lưu tâm như diện tích rừng bị chặt phá lên tới trên 800ha, dù sản xuất tăng nhưng chỉ số hàng tồn kho lại rất cao, như bia tồn kho tại thời điểm 1-6 tăng tới trên 94%, ôtô xe máy tăng 30%…

Về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, Tổng cục Thống kê cho biết thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực nhà nước đã giảm 3%. Song vốn đầu tư từ ngân sách lại tăng 8,6% so với cùng kỳ 2010. Tính đến ngày 15-6, Tổng cục Thống kê cho biết VN vẫn đang bội chi khoảng 30.000 tỉ đồng. Trong đó sáu tháng đầu năm nay VN đã phải dành tới 43.500 tỉ đồng (tương đương trên 2 tỉ USD) để trả nợ và viện trợ.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã trả lời những câu hỏi của báo chí:

* Với mức tăng vốn đầu tư từ ngân sách sáu tháng đầu năm 8%, có thể khẳng định nhiều địa phương không thực hiện nghiêm việc cắt giảm?

– Bà Hồ Thanh (vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư): So với cùng kỳ năm trước đúng là tăng nhưng so với kế hoạch đầu tư từ ngân sách thì thực tế sáu tháng mới đạt 38% kế hoạch năm, trong khi đúng ra phải 50%. Như vậy có nghĩa là đã thực hiện nghiêm.

* Trong sáu tháng đầu năm 2011, dù đầu tư từ ngân sách tăng nhưng tổng thể đầu tư nhà nước giảm 3%. Xin cung cấp cụ thể khu vực nào giảm?

Cắt, giãn, hoãn đầu tư chưa đạt mục tiêu

Theo báo cáo rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch – đầu tư cho biết tính đến hết ngày 30-5-2011 các bộ ngành địa phương đã thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn từ ngân sách 2.048 dự án với số vốn 5.556,4 tỉ đồng, trong đó: 1.145 dự án khởi công mới (bằng 22,9% số dự án khởi công mới); cắt giảm, điều chuyển vốn của 903 dự án.

Cụ thể, các bộ ngành đã cắt, chuyển, hoãn 280 dự án với số vốn 1.115,9 tỉ đồng. Các địa phương cắt, chuyển, đình hoãn 1.768 dự án với số vốn 4.440 tỉ đồng. Sở dĩ việc triển khai thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, do những lúng túng trong quá trình thực hiện của các địa phương và vẫn còn hai địa phương chưa báo cáo.

– Bà Hồ Thanh: Sáu tháng qua, đầu tư giảm mạnh từ trái phiếu, tín dụng đầu tư. Hay các tập đoàn, tổng công ty đã cắt 907 dự án với số vốn 39.200 tỉ đồng (theo báo cáo 23 tập đoàn, tổng công ty).

* Người dân, doanh nghiệp phản ảnh rất khó khăn, CPI vẫn cao, vậy mà số liệu của Tổng cục thống kê lại thấy mọi việc rất khá?

– Ông Phạm Đình Thuý (vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp): Sản xuất khó khăn nhưng các cấp, ngành có giải pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi vừa cập nhật điều tra doanh nghiệp năm 2011 thì số doanh nghiệp vẫn tăng 21,2%.

Doanh thu năm 2011 của doanh nghiệp so với năm 2010 vẫn tăng 28%. Nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng đã nhanh chóng nhảy sang lĩnh vực khác chứ không chịu ngồi yên hoặc vẫn cố cầm cự dù lợi nhuận giảm để hi vọng vài năm tới tiếp tục phát triển.

Đó là thống kê trên 4.300 doanh nghiệp có quy mô lớn, chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất. Có doanh nghiệp nói khó khăn chứ không thể không, nhưng có thể chỉ là cá biệt.

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc nói lạm phát năm 2011 sẽ phải ở mức 17-18%. Tổng cục Thống kê có đồng ý con số này không, vì sao?

– Ông Nguyễn Đức Thắng (vụ trưởng Vụ Giá): CPI đến tháng 6-2011 đã là 13,29% nên để đạt mức chỉ tiêu cả năm của Chính phủ là 15%, theo tôi không còn khả thi. Tôi đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, lạm phát năm nay phải cỡ 17-18%. Cuối năm thường CPI tăng mạnh. Ta có kiên quyết thực hiện nghị quyết 11 nhưng CPI tháng 6 chỉ dịu hơn, nó chưa hề giảm mà chỉ giảm tốc độ tăng thôi.

Theo thống kê từ năm 2004 đến nay, sáu tháng cuối năm CPI thường tăng 2,4-6,6%. Nên sáu tháng cuối năm nay, tôi cho rằng CPI sẽ tăng tiếp khoảng 2,5-3,9%. Như vậy cả năm sẽ phải trên 17%.

* Cách tính CPI của VN là theo tháng, dễ cảm thấy CPI giảm dần. Cần điều chỉnh cách tính để thấy bức tranh thực tế của lạm phát?

– Ông Nguyễn Đức Thắng: Hằng tháng chúng tôi công bố chỉ số CPI theo năm cấp so sánh, trong đó có so với cùng kỳ năm trước, so với tháng trước, dùng số nào là do người sử dụng. Chính phủ VN đang dùng chỉ số CPI so với tháng 12 năm trước, như vậy sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 13,2%. Nhưng đúng là thế giới họ hay dùng con số so với cùng kỳ năm trước, mà theo đó thì CPI của VN sáu tháng đã phải là 20,8%.

 

Chênh lệch giàu nghèo lên tới 9,2 lần

* Người giàu chi cho giải trí gấp 131 lần người nghèo

Tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kê cũng công bố kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư mới nhất. Theo đó, thu nhập bình quân của người VN đã đạt 1,387 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nhóm nghèo nhất mỗi tháng một người chỉ thu nhập 369.000 đồng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới trên 3,4 triệu đồng. Theo ông Đỗ Thức, chênh lệch giàu nghèo tại VN đã lên tới 9,2 lần. Khoảng cách này đang giãn ra vì theo cuộc khảo sát năm 2008, thu nhập của nhóm giàu mới gấp 8,9 lần nhóm nghèo nhất.

Tổng cục cũng cho biết người VN đang phải dùng tới gần 53% tổng thu nhập để chi cho ăn uống trong tổng chi phí đảm bảo đời sống. Mức chi tiêu của các đối tượng cũng rất chênh lệch. Cụ thể, nhóm hộ giàu nhất chi cho y tế, chăm sóc sức khoẻ gấp 3,8 lần nhóm hộ nghèo nhất, chi cho giáo dục gấp 6 lần và đặc biệt chi cho văn hoá, thể thao, giải trí gấp 131 lần nhóm nghèo nhất.

Dù thu nhập bình quân một nhân khẩu năm 2010 chỉ ở mức 1,3 triệu đồng/tháng nhưng Tổng cục Thống kê cho biết mỗi hộ dân cư đang phải chi tới 3 triệu đồng cho một thành viên đi học, tăng tới 64% so với năm 2008. Tổng cục cho biết 6,2% người được hỏi về mức sống của mình năm 2010 so với năm năm trước đã khẳng định đời sống của họ khó khăn hơn, 11,3% cho rằng vẫn như cũ, còn lại cho biết có tăng.

Tổng cục Thống kê cho rằng đây chính là những vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm giải quyết.