24/01/2025

Thay đổi cách làm

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nghề đánh bắt thuỷ hải sản hiện nay, theo nhiều ngư dân, là hệ thống cảng cá tại hầu hết địa phương khu vực phía Nam đang trong tình trạng xuống cấp và quá tải

Thay đổi cách làm

Để đối phó với nhiều khó khăn trong hoạt động đánh bắt xa bờ, hàng loạt mô hình liên kết và hợp tác như: nghiệp đoàn, tổ liên kết, tổ hợp tác nghề cá… đã đua nhau ra đời tại các địa phương có nghề đánh bắt hải sản. Thế nhưng, việc liên kết đánh bắt chỉ tự phát, manh mún… thiếu hẳn một “thuyền trưởng”.

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang… nhiều gia đình đã trở thành nghiệp đoàn chỉ huy cả biên đội tàu đánh bắt trên biển. Nhiều người đã đầu tư hàng chục chiếc tàu ra nước ngoài đánh bắt.

Gia đình nghiệp đoàn

Huyện Núi Thành (Quảng Nam) là một trong những địa phương có đội tàu hùng hậu ở miền Trung, với hơn 170 tàu câu mực khơi của huyện được phân thành nhiều tổ đánh bắt và ngư dân hỗ trợ lẫn nhau. Tại xã Tam Giang có gần 10 tổ đánh bắt xa bờ tự quản, mỗi tổ tự quản như vậy có 3-8 tàu cùng nhau ra khơi một lượt. Nhiều gia đình đội tàu là những người thân thuộc trong dòng họ.

Thiếu “thuyền trưởng”

Nhiều ngư dân cũng thừa nhận các mô hình hợp tác trong hoạt động đánh bắt xa bờ thời gian qua chỉ dừng lại ở quy mô nhóm nhỏ, mỗi nhóm chỉ huy động 10-40 chiếc, trong đó mối liên hệ giữa các thành viên chủ yếu mang tính hỗ trợ, mà chưa xây dựng một mô hình hợp tác dựa trên lợi ích kinh tế thật sự. “Hoạt động đánh bắt xa bờ suốt thời gian qua vẫn đang thiếu một vị “thuyền trưởng” đứng ra tập hợp và liên kết các đội tàu đủ lớn, có thể chia sẻ quyền lợi và rủi ro với nhau để cùng phát triển…” – một ngư dân nói.

Gia đình ngư dân Huỳnh Ngọc Dư (58 tuổi, xã Tam Giang, Núi Thành) là một điển hình của tổ đánh bắt xa bờ như vậy. Ông Dư không còn đi biển nhưng bây giờ ngồi tại nhà ông là chỉ huy trưởng đội tàu đánh bắt của hai người con là Huỳnh Ngọc Tiến và Huỳnh Ngọc Tân cùng bốn chiếc tàu hàng xóm.

Ông Dư cho biết những chiếc tàu đánh bắt xa bờ này hỗ trợ thông tin cho nhau về ngư trường. Nơi nào có mực họ thông báo về cho ông qua máy ICOM, từ đó ông thông báo toạ độ cho các thuyền còn lại cùng nhau đánh bắt.

 “Nếu một con tàu trúng luồng mực, tất cả bảy con tàu còn lại cùng nhau vây đánh, thời gian, phí tổn sẽ rút xuống và hiệu quả hơn nữa là cùng nhau chống chọi với bão tố, tàu nước ngoài xâm lấn và bảo vệ tốt hơn ngư trường” – ông Dư lý giải.

Nếu ngư dân Quảng Nam ngừng lại ở việc đánh bắt xa bờ trong lãnh hải Việt Nam thì nhiều ngư dân tại Quảng Ngãi đã dám đầu tư mạnh dạn cho việc đánh bắt xa bờ sang tận các nước lân cận như Malaysia, Philippines. Họ không những tự đầu tư tàu thuyền mà còn đứng ra mua, làm hộ chiếu, liên hệ các đối tác nước ngoài.

Ông D.V.R. ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có gần 20 tàu đánh bắt xa bờ với hàng trăm lao động đang hoạt động tại vùng biển Malaysia. Tất cả lao động này đều được làm thủ tục đi đánh bắt một cách hợp pháp và thu nhập cao nhờ bán cá ngay tại nước bản địa. Ông R. cho biết tại đây giá dầu chỉ khoảng 8.000 VND/lít, giá hải sản bán ở đây lại rất cao nên dù chủ tàu chỉ hưởng 30% trong tổng doanh thu của con tàu nhưng vẫn lãi lớn.

Ngược lại, nếu giá cá hoặc hải sâm ở nước bạn không cao bằng ở Việt Nam theo thời giá hiện tại, các tàu này thông tin với nhau để về Việt Nam bán. Mô hình này hiện nay chỉ có một vài người tại Quảng Ngãi đang ăn nên làm ra bởi đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.

Nguồn: Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, 2011 – Ảnh: Xuân Trường – Đồ hoạ : Như Khanh

Không đơn độc

Theo ngư dân Trương Văn Ngữ (phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang), mô hình các tổ liên kết hay tổ hợp tác đã góp phần rất lớn vào việc giảm rủi ro, tăng hiệu quả. Tổ liên kết của ông Ngữ tập hợp hơn 20 đôi tàu là một ví dụ. Trong quá trình đánh bắt, một nhóm 4-5 chiếc tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần, lo vận tải nhiên liệu, rồi chở sản phẩm đánh bắt về đất liền hoặc tổ chức bán ngay trên biển.

Cứ khoảng một tuần, các tàu vận tải có chuyến hàng chở cá đánh bắt về cảng, thay vì mỗi tàu phải chờ đến khi bắt đầy cá mới về đất liền. “Với hình thức liên kết này, các tàu cá trong tổ vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí ra vào, tập trung hơn vào công việc đánh bắt, mà chất lượng sản phẩm khi đưa về cảng đảm bảo hơn và lượng hao hụt do hư hại cũng giảm tối đa…”, ông Ngữ nói. Tại vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu – các tổ hợp tác hoạt động theo hình thức hỗ trợ tự nguyện cũng phát triển rộng rãi, trong đó các thành viên trong tổ có thể gửi cá về bờ hoặc dầu, nước đá từ đất liền ra khi cần. Ngoài mối liên kết hay giúp đỡ nhau về hậu cần, các đội tàu cũng thường xuyên hỗ trợ cho nhau thông tin về ngư trường.

Riêng tại khu vực Phước Tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), một mô hình khá độc đáo là tàu cá “cổ phần” tập hợp từng nhóm góp vốn vào tàu cá dưới hình thức phần hùn, trong đó mỗi tàu có thể có 4-8 “cổ phần”, từng xuất hiện từ nhiều năm trước và phát triển rộng rãi hiện nay. Ông Võ Thanh Cao (ngư dân ở Phước Tỉnh) cho biết với mô hình này, mỗi ngư dân có thể có nhiều “cổ phần” tại nhiều tàu cá khác nhau để chia sẻ rủi ro, thay vì “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” – tự bỏ tiền và làm chủ một tàu cá. Tuy nhiên theo ông Cao, các hình thức hợp tác, liên kết của ngư dân tại các vùng đánh bắt thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, hiệu quả thường rất hạn chế.

Thích nghi với vùng nước sâu

Từng nhiều năm lăn lộn với nghề biển, ông Nguyễn Văn Mạnh (Phước Tỉnh) cho biết với công suất từ 350 CV lên đến hơn 1.000 CV, hầu hết tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thừa điều kiện để đánh bắt xa bờ, kể cả ở những ngư trường chồng lấn. Tuy nhiên, phần lớn số tàu cá xa bờ trên địa bàn đều tập trung vào lĩnh vực giã cào đôi, chuyên đánh bắt hải sản ở tầng đáy. Do đó, các tàu cá này chỉ khai thác ở những vùng nước cạn, có độ sâu từ 150m trở lại, chỉ một số ít có khả năng đánh bắt ở độ sâu khoảng 200m. Tương tự, đội tàu cá đánh bắt xa bờ của Kiên Giang – một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước – cũng chỉ tập trung vào nghề giã cào.

Theo nhiều ngư dân, đây cũng là lý do mà tàu đánh bắt xa bờ khu vực phía Nam, chủ yếu là từ Bà Rịa-Vũng Tàu đổ về Kiên Giang, thường tập trung ở các ngư trường tây nam, khu vực giáp ranh vùng biển Indonesia, nơi có vùng nước cạn. Ông Võ Thanh Cao cho biết ưu điểm của loại hình đánh bắt này là tàu cá có thể rong ruổi khắp các ngư trường nước cạn, năng suất đánh bắt cao, thời gian đi biển ngắn… Nhưng nghề giã cào lại có khá nhiều nhược điểm. Do phải liên tục di chuyển, chi phí dầu nhớt rất nặng, giá trị sản phẩm không cao vì hải sản đánh bắt chứa nhiều cá tạp… Đây cũng là những lý do khiến hiệu quả của nghề giã cào không cao, thu nhập không ổn định. Chưa kể nghề giã cào cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngư trường bị cạn kiệt nhanh, do tất cả các loại hải sản lớn nhỏ vào lưới đều bị khai thác hết. Chính vì vậy, nhiều ngư dân cho rằng để phát triển nghề đánh bắt thật sự bền vững, cần có bước đầu tư mạnh để chuyển sang khai thác hải sản tầng trên tại các vùng nước sâu thuộc ngư trường Hoàng Sa hay Trường Sa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Ngọc Phượng – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển – nông thôn Kiên Giang – cho rằng trong bối cảnh giá dầu ngày càng có xu hướng tăng cao hiện nay, việc tập trung vào ngành nghề tốn quá nhiều nhiên liệu như giã cào là không hiệu quả, chưa kể giá trị sản phẩm đánh bắt không cao. Hơn nữa, nghề giã cào cũng khiến nguồn lợi thuỷ sản có nguy cơ bị cạn kiệt nhanh. Do đó, theo bà Phượng, địa phương này đang khuyến khích ngư dân chuyển dần sang nghề đánh bắt nước sâu, vừa tiết kiệm chi phí vừa đánh bắt những sản phẩm có giá trị cao.

 

Cầu cảng xuống cấp

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nghề đánh bắt thuỷ hải sản hiện nay, theo nhiều ngư dân, là hệ thống cảng cá tại hầu hết địa phương khu vực phía Nam đang trong tình trạng xuống cấp và quá tải.

Theo ông Trần Văn Lến – giám đốc Ban quản lý cảng cá La Gi (Bình Thuận), cảng La Gi hiện không đáp ứng được nhu cầu ra vào bến cho lực lượng tàu cá tại địa bàn. Cầu cảng là một ví dụ, với chiều dài khoảng 600m chỉ đủ chỗ cho chưa tới 20 tàu neo đậu, trong khi số lượng tàu cá đăng ký ở cảng lên tới gần 2.100 chiếc! Tình trạng quá tải cũng thường xuyên diễn ra tại các cảng cá trên địa bàn Kiên Giang, đặc biệt là cảng Tắc Cậu – nơi tập trung hơn 60% tổng sản lượng cá qua các cảng trên địa bàn. Ông Trần Xuân Mỹ – phó giám đốc Ban quản lý cảng cá Kiên Giang – cho biết nhiều tàu cá sau khi đánh bắt trở về phải neo đậu tại bến bãi dọc các sông.