15/11/2024

Phá sản “hai không”?

Hơn 50 tỉnh thành có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trên 90%. Dẫn đầu là Nam Định với tỉ lệ 99,89%. Cũng ở tỉnh này, 100% học sinh hệ giáo dục thường xuyên đậu tốt nghiệp. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt vấn đề có cần phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay

Phá sản “hai không”?

“Chúng ta đang chống lại bệnh thành tích nhưng cách đánh giá hiện nay (qua thi cử, qua các chỉ tiêu, tỉ lệ) khiến các địa phương phải chạy theo thành tích”, ông Hồ việt Hiệp, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, nhận định.

Hơn 50 tỉnh thành có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trên 90%. Dẫn đầu là Nam Định với tỉ lệ 99,89%. Cũng ở tỉnh này, 100% học sinh hệ giáo dục thường xuyên đậu tốt nghiệp. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt vấn đề có cần phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay.

Theo số liệu Tuổi Trẻ thu nhận được, khoảng 37 tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp trên 95%, trong đó có 12 tỉnh thành tốt nghiệp đạt trên 99%. Dẫn đầu là Nam Định 99,89%, kế tiếp là Ninh Bình 99,78%.

Vụ “bắt tay” nới lỏng chấm thi tốt nghiệp:

Chưa kết luận vì nhạy cảm

Hôm qua 21-6, Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo của các tỉnh ĐBSCL về việc tổ chức họp thống nhất phương án chấm các môn thi tự luận. Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp để phân tích tình hình trên cơ sở các báo cáo của các tỉnh, nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều thí sinh nên Bộ GD-ĐT chưa thể có kết luận về việc này.

Tăng trên 68%

Đáng nói là những tỉnh thuộc các khu vực khó khăn năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp nhảy vọt. 12/13 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc năm nay đều có tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT từ trên 91% trở lên.

Gây ngạc nhiên cho nhiều người là Tuyên Quang với tỉ lệ 99,76%, vươn lên đứng thứ ba cả nước. Điện Biên từ một tỉnh đứng thứ 63 cả nước năm 2010 với 71% đậu tốt nghiệp thì năm nay vươn lên 95,65%. Sơn La từ vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2009, sau hai năm cũng vọt lên 97,79%. Bắc Kạn tuy là tỉnh duy nhất của khu vực miền núi phía Bắc đạt kết quả tốt nghiệp dưới 90% (88,70%) nhưng so với năm 2010, tỉ lệ này đã tăng gần 20%.

Khu vực ĐBSCL năm nay cũng có tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT tăng cao với 10/12 tỉnh có kết quả tốt nghiệp đạt trên 90%, trong đó có ba tỉnh đạt trên 97%. Hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre có tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực (86,56% và 84,15%) nhưng so với chính các tỉnh này năm 2010 cũng cao hơn. Trong đó, Bến Tre là một trong hai tỉnh ở ĐBSCL không tham gia thoả thuận hướng dẫn chấm thi các môn tự luận (tỉnh còn lại là Tiền Giang). Ở khu vực này, Hậu Giang là tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng nhiều nhất, từ 88,67% lên 97,97%.

Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay còn tăng rõ hơn. Trong số các tỉnh thành đã gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT, có khoảng 31 tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp đạt từ 91% trở lên, trong đó có 12 tỉnh thành đạt 99% trở lên. Nam Định đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100% ở hệ giáo dục thường xuyên. Theo số liệu từ các tỉnh thành, tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên năm nay tăng từ 15% đến trên 60%. Điển hình là Điện Biên có tỉ lệ tốt nghiệp 88,86%, tăng trên 68% so với năm 2010.

Trong số các tỉnh có báo cáo, chỉ có hai tỉnh là An Giang và Tiền Giang năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên dưới 50%. Nhiều tỉnh thành có nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên tốt nghiệp 100%, như Bắc Giang 11/16 trung tâm, Ninh Bình 6/8 trung tâm, Bắc Ninh 6/14 trung tâm.

Tỉ lệ có từ đầu năm

Tỉ lệ tốt nghiệp cao hẳn nhiên tỉnh nào cũng vui. Nhưng đã đến lúc không còn nhiều người dám tin tỉ lệ này phản ánh được hiệu quả giáo dục tỉnh đó. Bởi lẽ, nói như một giám đốc sở phía Nam, “nếu coi tỉ lệ đậu là hiệu quả giáo dục, bộ nên tuyên dương những nơi có tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên xấp xỉ hoặc đạt 100%, cao hơn cả tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đó. Và có lẽ cả nước phải đến những nơi đó để học tập kinh nghiệm, bí quyết!”.

Vị giám đốc trên dám nói điều này bởi không phải đến năm nay mà từ nhiều năm trước, người ta đã phát hiện có tình trạng buông lỏng trong khâu coi thi để đẩy tỉ lệ đậu tốt nghiệp của địa phương lên cao. Vì sao các tỉnh cứ chạy đua tỉ lệ ảo này? Ở nhiều tỉnh thành, tỉ lệ đậu tốt nghiệp đã được đưa vào kế hoạch thi đua từ đầu năm học. Khi tất cả các tỉnh thành đều thấp như nhau thì không sao. Nếu tỉnh bạn tăng vọt mà tỉnh mình (vì coi thi thật thà, nghiêm túc) mà tỉ lệ thấp, lãnh đạo sở sẽ khó nói chuyện với cấp trên.

Giám đốc một sở GD-ĐT khác tại ĐBSCL lý giải: “Cách xếp hạng hiện nay khiến giám đốc sở bị áp lực rất lớn với dư luận và chính quyền địa phương, từ đó khó mà trung thực được”.

Ông Hồ Việt Hiệp, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết: “Từ kỳ thi năm ngoái, một số tỉnh tuy không có văn bản như các tỉnh ĐBSCL nhưng đã “hợp tác” chấm chéo nhằm đối phó với Bộ GD-ĐT và để có kết quả đẹp. Qua đó cho thấy cuộc vận động “hai không” đến nay không còn nữa, các tỉnh chủ yếu cục bộ địa phương, ai cũng muốn bảo vệ lợi ích của tỉnh mình. Chúng ta đang chống lại bệnh thành tích nhưng cách đánh giá hiện nay (đánh giá qua thi cử, qua các chỉ tiêu, tỉ lệ) khiến các địa phương phải chạy theo thành tích”.

Thi thế này thì thi làm gì?

Thực hiện không tốt sẽ thành dối trá

“Kết quả thi tốt nghiệp THPT tuỳ thuộc ba yếu tố: đề thi – đáp án (dễ hay khó), coi thi (nghiêm túc hay thả lỏng) và khâu chấm thi như thế nào. Nếu thực hiện nghiêm túc cả ba khâu này, tỉ lệ tốt nghiệp mới thể hiện đúng hiệu quả chất lượng từng địa phương. Nếu thực hiện không tốt một trong ba khâu trên, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ trở thành chuyện thành tích, tiêu cực và dối trá trong giáo dục. Nếu có tỉ lệ cao, khoan khen ngợi, tỉ lệ thấpcũng đừng vội phê bình”.

Ông Nguyễn Trọng Nhân(trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Tây Ninh)

Từ những lý do trên, ông Hồ Việt Hiệp cho rằng không cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa, tốn kém mà không phản ánh được thực chất bởi tỉnh nào cũng gần 100%. Các tỉnh nếu tổ chức thi chắc tỉ lệ cũng như vậy, thế thì tổ chức kỳ thi quốc gia làm gì?

Một cựu giám đốc sở GD-ĐT khu vực miền Trung nhận xét: “Mấy năm nay, người trong ngành đã thấy chấm chéo không giải quyết vấn đề gì. Trước sau rồi Bộ GD-ĐT cũng phải bỏ, vì phiền phức, tốn kém. Một kỳ thi cồng kềnh nhưng không hiệu quả đến lúc phải tiếp tục thay đổi”. Theo vị lãnh đạo này, năm 2011 chỉ riêng kinh phí chi cho kỳ thi của một tỉnh đã đến trên 10 tỉ đồng. Tính chi phí của cả nước còn lớn đến đâu, nhưng điều toàn dân mong đợi là “kết quả thực chất” vẫn không giải quyết được.

Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Ngay từ đầu khi Bộ GD-ĐT tiến hành thi cụm, chấm chéo tôi đã nghĩ là không thể giải quyết được vấn nạn thi cử, chỉ tạo thêm tốn kém, phiền phức”. Còn GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét: “Thi cụm, chấm chéo chỉ là giải pháp đối phó, tốn kém mà không đạt được mục đích là có một kết quả đánh giá thực chất”.

GS Văn Như Cương thẳng thắn bày tỏ: “Khi bộ có sáng kiến thi cụm, chấm chéo, tôi cũng chờ đợi hiệu quả của việc này nhưng khó có thể nói giải pháp này có hiệu quả khi đến trên 50 tỉnh thành có kết quả thi cao, nhiều nơi cao đột biến”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc nên hay không nên có kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ tốt nghiệp đã đạt đến sát ngưỡng 100%, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng kỳ thi tốt nghiệp không chỉ nhằm một việc là đánh giá học sinh mà còn để đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục của các địa phương. Kết quả thi tốt nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để soi rọi và tác động trở lại việc dạy học, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Mục đích của kỳ thi không phải để chăm chăm đánh trượt học sinh mà là để các nhà trường, giáo viên, học sinh cố gắng.

Giao cho địa phương

Trước thực tế này, ông Trần Thanh Đức – giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang – cho rằng không thể thấy kết quả quá cao mà bỏ thi tốt nghiệp THPT, việc bỏ thi khi chưa có những chuẩn bị cần thiết là không khoa học. “Theo quan điểm cá nhân tôi thì từ từ không cần tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nữa mà giao cho từng địa phương tổ chức. Để thực hiện việc này, cần phải có nhiều giải pháp song song, trong đó có việc cải tiến thi tuyển sinh ĐH-CĐ” – ông Đức đề nghị.

Ông Hồ Việt Hiệp cũng đề nghị bộ giao lại cho các địa phương tổ chức sát hạch để tập trung cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm giảm bớt sự nặng nề, tốn kém. Ông Hiệp cho rằng: “Chúng ta đã bỏ thi tốt nghiệp THCS và kết quả giáo dục vẫn đảm bảo. Việc đánh giá chất lượng giáo dục qua kết quả tốt nghiệp là không khách quan bởi chất lượng phải đánh giá trên nhiều yếu tố khác nữa”.

Đồng tình với việc “không nên bỏ thi” trong bối cảnh hiện tại, GS Nguyễn Minh Thuyết bình luận: “Nếu kết quả tốt nghiệp 98-99% kia là thực chất thì quá tốt và tôi nghĩ cũng không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém làm gì. Nhưng vấn đề ở chỗ kết quả đó không thực chất. Vì vậy thay vào việc bàn chuyện bỏ thi thì nên tính phương án làm gì để kỳ thi gần với thực chất hơn. Kỳ thi nghiêm túc trong tình thế chất lượng giáo dục còn chưa ổn sẽ giúp ngành giáo dục có cơ sở điều chỉnh chương trình – sách giáo khoa, phương pháp dạy học, đánh giá, đầu tư vào những khâu còn yếu, thiếu…”. GS Thuyết đề nghị nên giao kỳ thi về cho các địa phương tự chịu trách nhiệm. Vì khi phải tự chịu trách nhiệm, người ta sẽ có trách nhiệm cao hơn. Bộ GD-ĐT nên lo các việc to lớn hơn là ôm quá nhiều việc như hiện nay.

GS Văn Như Cương cũng có quan điểm đồng nhất với GS Thuyết khi cho rằng “nên đưa kỳ thi về địa phương, để các sở GD-ĐT tổ chức thi, ra đề, chấm thi”. Và như vậy hoàn toàn có thể chấp nhận việc đề thi tốt nghiệp ở Hà Nội khó hơn Lai Châu do điều kiện, chất lượng giáo dục khác biệt. Nếu làm như thế, kết quả thi sẽ thực chất hơn bây giờ.

Vượt ngưỡng trước “hai không”

Trước tình trạng thiếu thực chất trong thi cử, với nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra trên cả nước khiến tỉ lệ tốt nghiệp từ năm 2006 trở về trước cao ngất ngưởng, năm 2007, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”, gọi tắt là “hai không”. Nhiều người đã ví “hai không” như luồng gió mới làm lung lay tình trạng trì trệ của giáo dục nước nhà thời gian đó. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 tụt thê thảm xuống còn 66,72%.

Bàng hoàng, nhưng nhiều người trong ngành GD-ĐT đã vui mừng vì hi vọng chất lượng giáo dục từ đó sẽ thay đổi. Năm 2008, tỉ lệ tốt nghiệp nhích lên 75,96%. Năm 2009, để củng cố kết quả của “hai không”, Bộ GD-ĐT áp dụng phương thức “thi cụm, chấm chéo”. Tỉ lệ tốt nghiệp năm đó vẫn tăng lên 83,8%. Năm 2010, tỉ lệ tốt nghiệp là 92,57%.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, năm nay tỉ lệ tốt nghiệp THPT có khả năng sẽ vượt cả năm 2006! Năm năm đổi mới thi cử để quay lại tỉ lệ tốt nghiệp như trước, theo Bộ GD-ĐT, đó là nỗ lực của ngành GD-ĐT trong việc khắc phục tình trạng học sinh yếu, kém, nâng chất lượng dạy học. Nhưng nhiều người trong cuộc lại đang băn khoăn khi cho rằng đó là bằng chứng sự phá sản của “hai không”.