24/12/2024

Ồ ạt xuất thô “vàng trắng”

Mỗi năm cả nước xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn cao su. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước sử dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất lại phải nhập khẩu. Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về mua mủ cao su của Việt Nam

Ồ ạt xuất thô “vàng trắng”

Mủ cao su – loại tài nguyên được coi là vàng trắng trong phát triển kinh tế – đang được xuất khẩu mạnh. Mỗi năm cả nước xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn cao su và dự kiến đến năm 2015 sẽ xuất khẩu tới 1,1 triệu tấn.

Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước sử dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất lại phải nhập khẩu. Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về mua mủ cao su của Việt Nam.

Xuất sang Trung Quốc thu thuế… 0%

Bốn tháng, nhập 108.705 tấn cao su

Theo VRA, trong số cao su thiên nhiên sản xuất hằng năm, chỉ 17-18% được dành cho tiêu thụ nội địa. Do tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cao su thiên nhiên, trong khi không ít nhà máy sản xuất sản phẩm từ cao su được đầu tư xây mới và mở rộng công suất trong những năm qua, nhiều nhà máy đã không có đủ cao su nguyên liệu để sản xuất buộc phải nhập khẩu. Bốn tháng đầu năm nay, VN đã nhập tới 108.705 tấn cao su, kim ngạch 277,5 triệu USD.

Giám đốc kinh doanh một công ty chế biến và xuất khẩu mủ cao su tại Bình Dương cho hay do giá cao su những tháng đầu năm tăng mạnh nên công ty chủ yếu tập trung vào sản xuất mủ để xuất khẩu. Theo vị giám đốc này, hồi tháng 3, 4 năm nay, giá cao su tăng mạnh, nhu cầu của khách hàng rất lớn. Hàng có bao nhiêu họ cũng mua hết. Thậm chí công ty phải vừa khai thác vùng trồng của mình vừa thu gom thêm hàng từ các trang trại và cơ sở chế biến nhỏ để bán sang Trung Quốc mới đủ yêu cầu.

Chỉ trong giai đoạn thị trường xuất khẩu trầm lắng công ty mới bán cho khách hàng nội địa, hoặc ở thời điểm thông thường chỉ bán những hợp đồng nhỏ lẻ. Do đó, trong số mủ cao su công ty này sản xuất, có đến 90% là xuất khẩu. “Bởi vì các công ty trong nước thường mua với số lượng ít và giá thấp hơn so với giá xuất khẩu” – vị giám đốc này cho hay.

Theo các doanh nghiệp trong ngành cao su, liên tục nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu cao su của VN đã tăng mạnh nhờ sản lượng khai thác ngày càng tăng và giá cao su thế giới tăng đột biến. Tuy nhiên, đa số cao su của VN xuất khẩu dưới dạng thô, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ cao su chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Bốn tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm làm từ cao su chỉ bằng 11,3% kim ngạch xuất khẩu cao su thô.

Hoạt động xuất khẩu mủ cao su được ghi nhận diễn ra chủ yếu ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt ở Móng Cái (Quảng Ninh)hết sức sôi động. Các thương nhân Trung Quốc gom hàng với số lượng lớn và hình thức buôn bán tiểu ngạch vẫn phổ biến. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Công thương, trong năm tháng đầu năm nay có khoảng 240.000 tấn cao su đã được xuất khẩu, kim ngạch lên đến 1,052 tỉ USD, tăng 112,9% về giá trị và tăng 31,87% về lượng.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy Trung Quốc ngày càng tăng thu mua mủ cao su từ VN. Nếu như trong cả năm 2010, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chiếm 59,46% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su sang tất cả các thị trường, thì trong bốn tháng đầu năm nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã vào khoảng 61,23% tổng kim ngạch. Bốn tháng đầu năm 2009, lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 101.250 tấn.

Hai năm sau, cũng trong bốn tháng đầu năm, lượng xuất khẩu sản phẩm này đã tăng lên gần 126.000 tấn. Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường như Malaysia, Đài Loan cũng tiêu thụ số lượng lớn mủ cao su từ VN, với kim ngạch nhập khẩu lên đến cả trăm triệu USD mỗi năm.

Một trong những lý do khiến nguồn “vàng trắng” ồ ạt xuất đi được các doanh nghiệp trong ngành chế biến cao su dẫn giải là ở chính sách thuế. Nếu bán trong nước, mặt hàng này sẽ phải chịu 5% thuế giá trị gia tăng (VAT). Trong khi nếu doanh nghiệp xuất khẩu, mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.

Kim ngạch xuất khẩu cao su – Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương  – Đồ hoạ: MẠNH TÁNH

Nhập về từ Thái Lan chịu thuế 5%

Ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), cho biết mỗi năm công ty ông cần sử dụng ít nhất 17.000 tấn cao su thiên nhiên, khoảng 10.000 tấn cao su tổng hợp. Do đặc thù của lĩnh vực sản xuất ruột và vỏ ôtô các loại, Casumina cần sử dụng cả hai loại cao su nói trên với giá mua khoảng 104 triệu đồng/tấn đối với cao su thiên nhiên, khoảng 4.000 USD/tấn đối với cao su tổng hợp.

Theo ông Trí, trường hợp giá xuất khẩu hấp dẫn hơn bán trong nước, các đơn vị cung ứng mủ cao su sẵn sàng ngắt bớt hàng để chuyển qua xuất khẩu. Chưa kể lượng cao su thiên nhiên dùng để sản xuất trong lĩnh vực ruột, vỏ xe – theo ông Trí, hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng cao su khai thác được, trong khi trong lĩnh vực này các doanh nghiệp phải cần đến 70% mới đủ để sản xuất. Vì vậy mới có chuyện các doanh nghiệp sản xuất ruột, vỏ xe hai bánh phải nhập cao su từ Thái Lan với thuế suất nhập khẩu 5%.

Ông Nguyễn Phúc Tiến, phó tổng giám đốc Công ty TNHH nệm Liên Á, cho biết mỗi năm công ty ông cần 3.000-4.000 tấn cao su latex để sản xuất nệm nhưng “chưa bao giờ được mua cao su trực tiếp khai thác từ nông trường mà phải qua trung gian”.

Thậm chí khi thị trường quá “sốt”, công ty phải tự tổ chức mua tại nhà dân, sau đó về phải tổ chức sơ chế, trong khi nếu mua được thẳng từ nơi sản xuất không những ổn định về chất lượng mủ nguyên liệu mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Ông Tiến cho rằng ngành chế biến cao su không thể nói do nhu cầu sử dụng trong nước quá thấp mà bỏ rơi hẳn những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng. “Không thể nào có một thị trường lớn ngay được khi khách hàng đã bị từ chối thẳng thừng tại sân nhà” – ông Tiến bức xúc nói.

Trong khi đó bà Trần Thị Thuý Hoa, tổng thư ký Hiệp hội Cao su VN (VRA), cho rằng việc mua bán giữa các doanh nghiệp căn cứ vào nguyên tắc thị trường, không thể ép các doanh nghiệp bán cho ai, bán như thế nào. Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp không có đủ hàng để sản xuất do không ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp mủ cao su, đến khi nhu cầu thị trường ở mức cao hoặc giá rất cao mới mua thì không có hàng.

“Để có đủ cao su nguyên liệu sản xuất, các nhà sản xuất trong nước nên đàm phán ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu” – bà Trần Thị Thuý Hoa cho biết.