24/01/2025

Mỗi tháng xuất hơn 1,5 triệu tấn than

Với tổng lượng than bán được năm 2010 là 42 triệu tấn, TKV cho biết đã xuất khẩu gần 19 triệu tấn với giá trị xuất khẩu than khoáng sản lên đến con số ấn tượng: 1,4 tỉ USD! Tính bình quân năm 2010, mỗi tháng TKV xuất hơn 1,5 triệu tấn.

Mỗi tháng xuất hơn 1,5 triệu tấn than

Sự kiện VN vừa phải nhập khẩu gần 10.000 tấn than để phục vụ nhu cầu trong nước khiến nhiều người giật mình. Bởi năm 2010 Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) được đánh giá là nhà xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới…

Hiện nay việc khai thác, xuất khẩu than tại VN hầu hết do TKV thực hiện. Là tập đoàn lo chuyện đảm bảo than cho phát triển ngành năng lượng, nguyên chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển đã cảnh báo đến năm 2012 sẽ phải nhập khẩu than. Tuy nhiên đến năm 2010, xuất khẩu của TKV vẫn rất lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng CitiBank, khi thu xếp khoản vốn 200 triệu USD cho TKV làm dự án bôxit Lâm Đồng thì TKV đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu than đá (antraxit) qua đường biển.

Giá than nhập rẻ hơn xuất

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-6 về việc nhập khẩu than của TKV vừa qua, ông Trần Xuân Hoà, chủ tịch HĐTV TKV, không tiết lộ mức giá cụ thể nhưng khẳng định đảm bảo hiệu quả. “Chắc chắn giá nhập than từ Indonesia vừa qua thấp hơn nhiều so với giá than sản xuất bán cho các hộ tiêu thụ không được bao cấp” – ông Hoà nhấn mạnh.

Xuất khẩu than năm 2010: 1,4 tỉ USD

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của TKV cả năm 2010 và kế hoạch năm 2011, TKV vẫn hoạch định nguồn lợi nhuận chủ yếu từ xuất khẩu than. Với tổng lượng than bán được năm 2010 là 42 triệu tấn, TKV cho biết đã xuất khẩu gần 19 triệu tấn với giá trị xuất khẩu than khoáng sản lên đến con số ấn tượng: 1,4 tỉ USD! Tính bình quân năm 2010, mỗi tháng TKV xuất hơn 1,5 triệu tấn.

TKV hiện là một trong những nhà đầu tư vào nhiệt điện than lớn bên cạnh Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí. Do vậy, Bộ Công thương đã chỉ đạo TKV tính toán khả năng đáp ứng than cho nhu cầu phát điện, sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cao hơn bán trong nước nên bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, TKV đã bắt đầu tìm đối tác nhập khẩu.

Theo báo cáo của TKV gửi Bộ Công thương, cùng thành tích xuất khẩu 1,4 tỉ USD than khoáng sản, trong năm 2010 tập đoàn này đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số đối tác Indonesia, Úc về việc cấp than vào VN trong tương lai, trong đó có biên bản ghi nhớ với Công ty Hancock Coal thuộc Tập đoàn Hancock Prospecting của Úc; biên bản ghi nhớ với Công ty Sojitzs (Nhật Bản) về xúc tiến nhập khẩu than cung cấp cho các dự án nhà máy điện tại VN. Ngoài ra, TKV cho biết vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến thương mại của Indonesia, Úc và các công ty thương mại, khai thác và cung cấp than.

Sẽ phải nhập đến 60 triệu tấn/năm

Theo ông Vũ Mạnh Hùng – phó tổng giám đốc TKV, tập đoàn này vừa chính thức nhập khẩu một sà lan trên 9.600 tấn than về VN để thử nghiệm cách thức và phương pháp nhập khẩu than, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới sẽ chính thức thiếu than. Loại than này là than thô, độ bền kém nên khi bốc xếp thường bị vỡ vụn. “Nguồn than nhập khẩu đang được chế biến, trước mắt sẽ phục vụ nhu cầu của một số hộ tiêu thụ phía Nam, không phải các nhà máy điện” – ông Hùng nói.

Dự kiến trước đây khoảng năm 2012-2015 VN mới phải nhập khẩu than. Nêu lý do phải nhập trước hạn, theo ông Hùng, là để “chuẩn bị dần dần và thực tế năm 2011 VN chưa thiếu than”. Việc nhập khẩu than tới đây, ông Hùng thừa nhận rất khó khăn và lượng than sắp tới VN sẽ phải nhập không nhỏ, từ năm 2015 mỗi năm sẽ nhập khoảng 6 triệu tấn, cao điểm đến năm 2025 sẽ phải nhập tới 60 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo giải trình của TKV gửi Thanh tra Chính phủ, tính chung giai đoạn 2006-2010 TKV sản xuất và tiêu thụ bình quân mỗi năm 40-41 triệu tấn than sạch. Hiện TKV vẫn đang xuất khẩu khoảng 50% sản lượng và sẽ giảm dần. Theo TKV, năm 2009 tập đoàn này xuất khẩu 24,4 triệu tấn, năm 2010 xuất khẩu giảm còn 18,7 triệu tấn.

Không xuất khẩu, TKV khó tồn tại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết TKV vẫn phải xuất khẩu than nhưng chủ yếu là than đẹp, giá cao, trong khi các nhà máy điện chủ yếu dùng than chất lượng trung bình. “Đào mỏ cũng như mổ lợn không phải chỉ lấy phần tốt mà phải lấy cả than tốt, than xấu”. Theo ông Hùng, than tốt của VN hiện giá rất cao, có thể lên tới 300 USD/tấn, chủ yếu dùng cho luyện kim và sản xuất điện cực. VN chưa có nhu cầu này nên việc xuất khẩu là hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết một trong những lý do khiến TKV phải xuất khẩu than là hiện giá than trong nước đang thấp, than bán cho nhiều hộ còn dưới giá thành nên càng bán càng lỗ. “Riêng than bán cho điện dưới giá thành năm qua đã lên tới 3.000 tỉ đồng”. Bên cạnh thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, TKV phải lo đảm bảo hiệu quả, có lợi nhuận. Vì vậy, ông Hùng cho biết TKV phải tính toán, nếu không xuất khẩu, TKV khó có thể tồn tại, phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng.

Trong khi đó, theo đánh giá về trữ lượng than ở Quảng Ninh – nguồn than chính của VN, tổng trữ lượng than Quảng Ninh không quá nhiều, ước chỉ 10 tỉ tấn. Và với công nghệ khai thác hiện nay, ông Hùng cũng thừa nhận khả năng đào lên được để sử dụng nhiều nhất chỉ 70%. 

Năm 2011: sẽ xuất 16,5 triệu tấn than

Về kế hoạch năm 2011, TKV cho biết mục tiêu doanh thu của tập đoàn này là 72.800 tỉ đồng, riêng sản xuất, bán than phải đảm bảo doanh thu 46.000 tỉ đồng. Vì vậy, tổng lượng than khai thác theo đó phải tăng lên 47 triệu tấn và lượng than xuất khẩu phải lên tới trên 16,5 triệu tấn – có giảm nhưng mức giảm chỉ khoảng 2,2 triệu tấn so với năm 2010. Không chỉ than, trong năm 2011 TKV dự tính sẽ khai thác, tiêu thụ được một lượng lớn đồng tấm, kẽm thỏi, thiếc và đặc biệt 300.000 tấn alumin của Công ty Nhôm Lâm Đồng sẽ được chế biến đem bán.