24/12/2024

Nhập siêu tăng chóng mặt

Theo các diễn giả, dù xuất nhập khẩu VN đã có bước tiến vượt bậc nhưng cũng đang phải đối mặt với những sự thật cay đắng và nguy hiểm

Nhập siêu tăng chóng mặt

Tại hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở VN 2011-2020” do Bộ Công thương tổ chức ngày 14-6, nhiều chuyên gia cho rằng để giải quyết tình trạng nhập siêu đang tăng chóng mặt như hiện nay cần phải tìm cách thoát khỏi gia công xuất khẩu.

Theo các diễn giả, dù xuất nhập khẩu VN đã có bước tiến vượt bậc nhưng cũng đang phải đối mặt với những sự thật cay đắng và nguy hiểm.

Trung Quốc chiếm 23,8% thị phần

“VN đã duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu nhập khẩu công nghệ trung gian, nay đã đến lúc cần chuyển hướng sang xuất khẩu bền vững”

Ông Lê Danh Vĩnh

PGS.TS Đinh Văn Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại Bộ Công thương, đặt vấn đề: năm 2010, mục tiêu giảm nhập siêu không đạt được mà đang có chiều hướng trầm trọng hơn. Cụ thể, năm 2001 nhập siêu mới chiếm 7,9% kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2010 tỉ lệ này đã tăng vọt lên 17,5%.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, thiếu sót trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang thể hiện ở chính sách phát triển xuất khẩu quá chú trọng đến chỉ tiêu số lượng mà chưa thật sự quan tâm đến hiệu quả xuất khẩu. Việc mở rộng xuất khẩu một số mặt hàng đang làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Một sự thật khá “đau” khác, theo TS Trần Công Sách – viện phó Viện Nghiên cứu thương mại, dù đến nay VN đã ký tới 86 hiệp định thương mại, 7 hiệp định thương mại tự do (FTA)… khiến rào cản giảm, nhưng VN lại chưa sử dụng hiệu quả các hiệp định này do VN tham gia bị động. Điển hình là với Trung Quốc, ông Sách dẫn số liệu cho thấy sau bảy năm thực hiện Hiệp định FTA ASEAN – Trung Quốc, thị phần của VN tại Trung Quốc năm 2004 chiếm 0,54%, năm 2008 giảm xuống còn 0,38% và có tăng lên vào năm 2010 nhưng vẫn ở mức rất khiêm tốn 0,49%.

Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng nhanh và tăng liên tục: năm 2004 họ mới chiếm 14,3% thị phần thị trường VN thì năm 2010 đã tăng tới 1,6 lần, nay chiếm tới trên 23,8% thị phần – lớn hơn thị phần của bất cứ khu vực hay quốc gia nào khác ở VN.

 

Biểu đồ kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc qua các năm – Ảnh: Hàng nông sản Trung Quốc tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM  – Đồ hoạ: Như Khanh – Ảnh: Bạch Hoàn

Ông Lê Quang Lân, vụ phó Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, cũng nêu số liệu cho thấy mặc dù các nhà đàm phán mất rất nhiều công để ký các FTA, nhưng thực tế đến năm 2010 mới có 12% hàng xuất khẩu của VN sang ASEAN được hưởng các ưu đãi thuế quan theo FTA. Mức độ được hưởng từ các thị trường cũng rất khác nhau. Nhật Bản dù mới ký FTA nhưng lượng hàng hoá VN được hưởng ưu đãi thuế lên tới 28%, Hàn Quốc là 78%, trong khi Trung Quốc chỉ 21% hàng VN được hưởng ưu đãi thuế theo đúng hiệp định FTA.

Phải làm từ gốc

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan rất tâm tư với thực trạng và các giải pháp có thể dùng trong thời gian tới để tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, giúp cán cân nền kinh tế bình ổn. Theo ông Vũ Khoan, thế giới đang thay đổi sâu sắc, đang tái cấu trúc. “Họ đang thay đổi công nghệ và nền sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Nhưng VN lại không có những sản phẩm đó”… Ông Vũ Khoan bức xúc vì VN ngược lại đang giúp công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, tốn năng lượng chảy ngược vào. “Nhìn nhà máy thép vào VN tôi thấy giờ họ không tận dụng lao động rẻ nữa mà tận dụng môi trường bẩn và năng lượng rẻ của chúng ta” – ông Vũ Khoan cảnh báo.

Giải pháp để giảm nhập khẩu từ một số thị trường, ông Vũ Khoan cho rằng xuất nhập khẩu chỉ là cái gương phản chiếu nền kinh tế. “Ta đang chúi vào cái trước mắt. Tôi cố để ý cũng không thấy thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Sản xuất không chuyển dịch thì tình hình xuất nhập khẩu không thể thay đổi được”. Vì vậy, ông Vũ Khoan đề nghị Chính phủ phải làm từ gốc là tái cơ cấu nền kinh tế để cải thiện tình trạng nhập siêu, mất cân đối xuất nhập khẩu đã nhiều năm.

Chi phí xuất khẩu của VN cao gấp 1,7 lần

Theo TS Trần Công Sách, chi phí để xuất khẩu được hàng hoá của VN đang cao gấp 1,7 lần mức trung bình của khu vực. Thời điểm gần đây, chi phí để xuất được một container của khu vực chỉ khoảng 500 USD thì tại VN lên tới 701 USD!

Trong khi đó xuất khẩu của VN yếu cả bốn cấp độ: quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm. Dù đã khai thác thêm được nhiều thị trường mới nhưng chỉ một tỉ lệ nhỏ hàng xuất khẩu của VN tiêu thụ qua hệ thống phân phối trực tiếp của doanh nghiệp VN, còn lại chủ yếu là xuất qua trung gian.

TS Lê Quốc Phương, Bộ Kế hoạch – đầu tư, đề nghị phải thoát khỏi gia công xuất khẩu vì nếu không thay đổi lên trình độ cao hơn, VN sẽ cứ lâm vào tình cảnh càng xuất khẩu nhiều càng nhập siêu lớn. “VN cần phải ban hành cho được chính sách để phát triển công nghiệp phụ trợ” – ông Phương nói.

PGS Nguyễn Văn Nam, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng để quản lý nhập khẩu hiệu quả, cần chọn 20 nhóm hàng nhập khẩu lớn để khuyến khích sản xuất trong nước chứ không chỉ nhằm vào hạn chế, cấm mấy mặt hàng tiêu dùng có giá trị nhập khẩu không thực lớn.

Nêu một yêu cầu của Trung Quốc là hàng hoá buôn bán với Trung Quốc sẽ phải dùng đồng nhân dân tệ, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan lo ngại “cái này sẽ thay đổi thế giới, tác động rất lớn đến VN”. TS Lê Đăng Doanh phân tích cụ thể hơn: “Cứ nhập siêu thế này sẽ phụ thuộc. Dệt may giờ là ngành xuất khẩu chủ lực của VN. Nhưng chỉ cần Trung Quốc dừng xuất khẩu nguyên liệu dệt may thì nhiều nhà máy của VN sẽ điêu đứng ngay. Nếu họ bắt ta phải dùng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thì sẽ phụ thuộc cả tài chính”…

TS Lê Đăng Doanh cảnh báo “cứ với lạm phát, mất ổn định vĩ mô thế này, trong năm năm tới chắc chắn dệt may VN không thể cạnh tranh được với Bangladesh, Indonesia” do chi phí nhân công, vận tải ở VN luôn tăng…

Từ thực tế cả xuất và nhập khẩu đều có cái “nguy hiểm” trên, ông Lê Đăng Doanh cho rằng cần xem xét chính sách nào không thích hợp, bị lạm dụng thì đình chỉ ngay chứ “VN cho cư dân biên giới được mang hàng dưới 2 triệu về không phải nộp thuế, nhiều người lạm dụng, biết mà ta cứ thản nhiên như thế là không được”…