24/01/2025

Đa phương và hoà bình cho biển Đông

Đứng trước tấm bản đồ biển Đông và Thái Bình Dương, nghị sĩ Jim Webb phát biểu: “Một loạt sự cố đã tạo ra một số quan ngại từ góc độ của nước Mỹ và từ góc độ của các nước khác…

Hai nghị sĩ Mỹ trình dự thảo nghị quyết về biển Đông:

Đa phương và hoà bình cho biển Đông

Ngày 13-6, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb, chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ Cộng hoà James Inhofe, cũng thuộc tiểu ban này, đã trình một nghị quyết lưỡng đảng mang tiêu đề “Kêu gọi một giải pháp đa phương, hoà bình cho những tranh chấp lãnh hải ở Đông Nam Á”. Nội dung nghị quyết có đoạn viết:

“Xét việc ba tàu của Trung Quốc, gồm một tàu cá và hai tàu an ninh hàng hải, hôm 9-6-2011 đã lao vào và huỷ cáp của một tàu khảo sát của Việt Nam, tàu Viking 2; xét rằng việc sử dụng vũ lực đó đã diễn ra trong phạm vi 200 hải lý của VN, một khu vực được tuyên cáo là vùng đặc quyền kinh tế của VN; xét rằng việc một tàu hải giám Trung Quốc hôm 26-5-2011 đã cắt cáp của một tàu khảo sát khác của VN, tàu Bình Minh 02, trên biển Đông trong vùng biển gần vịnh Cam Ranh; xét việc Chính phủ Philippines vào tháng 3-2011 khai báo rằng các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã tìm cách húc một tàu tuần tra của nước này…

Xét rằng Chính phủ Trung Quốc giành gần hết 648.000 dặm vuông của biển Đông, nhiều hơn bất cứ nước liên quan nào khác; xét rằng ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông; xét rằng tuyên bố này giao ước… các bên “giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng các phương tiện hoà bình mà không giở vũ lực ra sử dụng hay đe doạ”; xét rằng tuy Mỹ không là một bên tranh chấp, song cũng có lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia trong việc đảm bảo không một bên nào đơn phương sử dụng vũ lực để xác lập chủ quyền lãnh hải của mình tại Đông Á…

Ngày 14-6, như Tân Hoa xã đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng chỉ trích việc Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb kêu gọi đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Ông Hồng Lỗi cho rằng chỉ các nước đòi chủ quyền trên biển Đông mới được tham dự các cuộc đàm phán.

Mặt khác, bất chấp các hành vi quấy rối của tàu Trung Quốc đối với tàu Việt NamPhilippines, ông Hồng Lỗi vẫn tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp hoặc gây cản trở hàng hải”.

Xét rằng vào tháng 9-2010, Chính phủ Trung Quốc cũng đã chủ ý gây ra một vụ đối kháng trong vùng biển đảo Senkaku dưới quyền quản lý pháp lý của Nhật Bản; xét rằng các hành động của Chính phủ Trung Quốc trên biển Đông cũng đã tác động đến các tàu quân sự và hàng hải của Mỹ đi qua không phận và hải phận quốc tế, kể cả việc một máy bay chiến đấu Trung Quốc đụng một máy bay tuần thám của Mỹ vào năm 2001, vụ quấy phá tàu USNS Impeccable của Mỹ hồi tháng 3-2009 và việc một tàu ngầm Trung Quốc đụng vào một dây cáp dò tàu ngầm của tàu USS John McCain vào tháng 6-2009”.

Trong phần thuyết trình về bối cảnh nghị quyết này tại Hội đồng quan hệ đối ngoại, đứng trước tấm bản đồ biển Đông và Thái Bình Dương, nghị sĩ Jim Webb phát biểu: “Một loạt sự cố đã tạo ra một số quan ngại từ góc độ của nước Mỹ và từ góc độ của các nước khác… 

Trung Quốc hoạch định xác lập chủ quyền trên một khu vực bao la rất xa nếu tính từ lục địa Trung Quốc: các đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trong một năm rưỡi qua, họ đã tỏ ra rất manh động. 14, 15 tháng trước, họ “có chuyện” với người Nhật… Từ một năm nay lại nổi lên một vấn đề rất nghiêm trọng. Trung Quốc sử dụng tàu quân sự, tàu an ninh hàng hải…, đặc biệt rối rắm trong khoảng thời gian từ ngày 26-5 đến 9-6, chúng ta đã chứng kiến hai sự cố tàu an ninh hàng hải Trung Quốc phối hợp với tàu hải giám tối tân trong vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế thừa nhận của VN.

Trong ngày hôm nay tôi có ý định trình một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc ngưng các hành động quân sự và trở lại bàn đàm phán đa phương để giải quyết các vấn đề chủ quyền. Mục đích của chúng ta trong tương lai ở khu vực là thúc đẩy giao ước đa phương”.