“Xin làm một nhịp cầu” – ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trả lời phỏng vấn của trang tin điện tử HĐGMVN

Đối với Giáo Hội quê nhà, ước vọng của tôi là làm một nhịp cầu nho nhỏ giữa Giáo Hội của hai quốc gia; được đồng hành với giáo dân cũng như đồng bào nói chung trong những khát vọng chân chính, kể cả những khắc khoải, những nỗ lực tìm kiếm chân lý, công bằng và các giá trị không thể thiếu trong một xã hội văn minh.

“Xin làm một nhịp cầu” - ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trả lời phỏng vấn của trang tin điện tử HĐGMVN 


WHĐ (14.06.2011) – Như tin đã đưa, ngày 20-5-2011 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, dòng Phanxicô Viện tu làm giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne (Úc). Đây cũng là niềm hãnh diện chung cho người Công giáo tại Việt Nam. Để đáp ứng mối quan tâm của đông đảo người Công giáo Việt Nam tại quê nhà, Trang tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã liên lạc với Đức cha Vinh Sơn để thực hiện bài phỏng vấn sau đây:

 

***

 

 

WHĐ: Kính chào Đức cha Vinh Sơn. Trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam (http://hdgmvietnam.org) xin chúc mừng Đức Cha vừa được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne. Thưa Đức Cha, đây không phải là lần đầu tiên Toà Thánh chọn một người Việt Nam làm Giám mục (phụ tá) tại một giáo phận ở nước ngoài. Đức cha có nhận định gì về việc này?


ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long: Kính chào quý độc giả của trang mạng HĐGMVN. Tôi rất hân hạnh được chia sẻ với quý vị qua bài phỏng vấn ngắn này. Cách đây vài tuần, tôi cũng nhận được thư chúc mừng của Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, đại diện cho HĐGMVN, với những lời lẽ rất chân tình và đầy khích lệ. Tôi cảm thấy mình gần gũi với Giáo hội Mẹ Việt Nam qua vai trò mới mà tôi đã được uỷ thác. Ước mong của tôi là được làm một nhịp cầu nho nhỏ giữa người Việt Công giáo trong nước và ngoài nước, cũng như giữa Giáo Hội tai Úc và tại quê nhà. 

 

Trở lại câu hỏi, đây là lần thứ ba Toà Thánh đã chọn một người Việt Nam làm giám mục phụ tá tại một giáo phận nước ngoài (ngoài ra còn có Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt hiện làm Sứ thần Toà Thánh tại Costa Rica). Điều đáng chú ý là cả ba đều sinh sống ở những nước có khối người Việt tị nạn rất đông: Hoa Kỳ, Canada và Úc. Ngoài những yếu tố cá nhân, tôi nghĩ rằng Toà Thánh đã bổ nhiệm 3 vị giám mục gốc Việt ở các quốc gia này để nói lên những điểm sau đây: 

 

* Sự hội nhập và lớn mạnh của cộng đồng người Việt Công giáo tại các quốc gia nơi họ sinh sống, đặc biệt là tại 3 nước kể trên. Nơi đâu có họ, nơi đó có một sinh khí mới và một sự năng động mới.

 

* Sự đóng góp đáng kể của các linh mục tu sĩ Việt Nam vào Giáo Hội địa phương. Nếu ngày xưa, người Ái Nhĩ Lan hay người Âu Châu nói chung là những nhà truyền giáo cho các nước thứ ba, thì ngày nay người Việt lại nắm một vai trò then chốt trong việc “tái Phúc Âm hoá” các nước thứ nhất.

 

* Sự quan tâm của Toà Thánh cho cộng đồng người Việt Công giáo hải ngoại: mặc dù có những bước tiến đáng kể trong quá trình hội nhập, người Việt Công giáo cũng không tránh khỏi những khó khăn thử thách, đặc biệt trong mối liên hệ với Giáo Hội địa phương. Sự bổ nhiệm các giám mục Việt Nam sẽ một phần nào giúp khắc phục những khó khăn đó.

 

 Xin Đức Cha giới thiệu đôi nét về tình hình Tổng Giáo phận Melbourne, nơi Đức Cha sẽ phục vụ trên cương vị một giám mục phụ tá.


– Tổng Giáo phận Melbourne có số giáo dân lớn nhất nước Úc. Với tỉ lệ dân Công giáo là gần 30%, TGP có đến hơn 1 triệu giáo dân, gần 600 linh mục, 500 nam tu sĩ và 1.200 nữ tu. Giáo Hội Úc có điểm son là hệ thống giáo dục rất vững vàng cả về số lượng lẫn phẩm chất. Nguyên tại Melbourne, TGP có trên 250 trường tiểu học, hơn 70 trường trung học và cao học, và 1 trường đại học. Ngoài ra, TGP còn cung cấp các dịch vụ xã hội và công ích như bệnh viện, nhà dưỡng lão, nơi chăm sóc người tàn tật, người nghèo… lớn nhất sau chính phủ Úc.

 

Về phương diện tiêu cực, TGP cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đang đứng trước những thay đổi lớn về nhân sự và đời sống đạo của người tín hữu. Con số linh mục, tu sĩ và ơn thiên triệu đang có khuynh hướng suy giảm. Số người đi dự lễ Chúa Nhật cũng thế: từ hơn 60% ở thập niên 60 xuống chỉ còn khoảng dưới 15% ngày hôm nay. Trước tình thế này, nhiều giáo xứ đã phải sát nhập và nhiều linh mục nước ngoài đã được động viên để giúp TGP. Riêng các linh mục Việt Nam, con số đã lên đến hơn 30 vị hiện đang làm việc trong các giáo xứ ở đây, chưa kể một số các chủng sinh.

 

 Những công việc riêng Đức Cha sẽ đảm nhiệm tại giáo phận? Ưu tiên mục vụ của Đức Cha cùng với những khó khăn và thuận lợi?


– Công việc chính của Giám mục phụ tá là giúp Đức Tổng Giám mục điều hành TGP trong nhiều lĩnh vực như nhân sự, tài chánh, xây dựng, mục vụ… Ngoài ra, TGP còn được chia thành 4 vùng đông, tây, nam, bắc và mỗi giám mục phụ tá chịu trách nhiệm một vùng. Tôi được trao phó cho vùng phía tây Melbourne là vùng lớn nhất và nhiều di dân nhất thành phố, kể cả người giáo dân Việt Nam.

 

Nước Úc là nước đa văn hoá. Điều này là một điểm đặc thù nhưng đồng thời cũng là một thử thách lớn cho Giáo Hội. Ưu tiên mục vụ của tôi là giúp người tín hữu sống đức tin Công giáo và tông truyền; là giúp các cộng đoàn sắc tộc hội nhập trong tinh thần đoàn kết hài hoà nhưng đồng thời cũng duy trì những nét đặc thù của họ. Mối quan tâm của nhiều sắc dân là duy trì những nét đặc thù của họ trong những thế hệ nối tiếp. Ngay cả đối với các cộng đồng Công giáo Việt Nam, sau hơn 30 năm định cư tại Úc, đã có nhiều mô thức sinh hoạt khác nhau (ví dụ có nơi áp dụng hệ thống ‘tuyên uý thuần tuý, có nơi khác xây trung tâm và sinh hoạt như một giáo xứ, lại có nhiều cộng đoàn độc lập và gắn liền với giáo xứ Úc nơi họ sinh sống…). Làm sao bổ túc và phong phú hoá lẫn nhau; làm sao phát huy sức mạnh đoàn kết hỗ tương là những quan tâm của tôi. Hy vọng rằng, là một người di dân và đặc biệt là một người đã từng lãnh đạo cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhiều năm ở Melbourne, tôi sẽ giúp các Giám mục Úc, nhất là ở TGP của tôi, phục vụ và lãnh đạo một cách hữu hiệu hơn.

 

 Xin Đức Cha cho biết khẩu hiệu giám mục của Đức Cha và ý nghĩa của chọn lựa này.


– Khẩu hiệu của tôi là “Duc in altum” có nghĩa là “Hãy ra khơi”. Khi chọn khẩu hiệu này, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: thứ nhất là về nguồn gốc của tôi và thứ hai là tâm niệm sống của tôi.

 

Về điều thứ nhất, tôi là người Việt Nam đã vượt biển để đến nước Úc. Tôi không muốn đeo một cái tên “thuyền nhân” trước ngực cho cả thế giới biết. Tuy nhiên, tôi cũng không thể che đậy quá khứ của cá nhân, của tập thể những người đi tìm tự do như tôi, cũng như của lịch sử quê hương và bối cảnh đất nước đã dẫn đến cuộc “ra khơi” bi thảm, vĩ đại và vô tiền khoáng hậu này. Khi chọn khẩu hiệu này, tôi cũng muốn nói lên những hy sinh, đau khổ, nước mắt và cái chết của biết bao nhiêu nạn nhân. Tôi cũng muốn chúng ta ở trong nước cũng như ngoài nước cùng nhau khai thông những tắc nghẽn để dòng sông lịch sử được chảy và làm tươi mát phì nhiêu đất Việt thân yêu.

 

“Hãy ra khơi” cũng có một ý nghĩa siêu nhiên đối với tôi đó là lời mời gọi dấn thân đến quên mình. Có thể nói cuộc đời của tôi là những chuỗi ngày vâng theo lời mời gọi “Hãy ra khơi” một cách liên lỉ. Là một người tu sĩ Phan Sinh, tôi ở trong tư thế sẵn sàng ra đi: từ cộng đoàn này đến cộng đoàn nọ, từ giáo xứ này đến giáo xứ kia, từ tiểu bang này tới tiểu bang khác và từ nước này đến nước nọ. Trong 3 năm làm việc với tư cách phụ tá Tổng quyền, tôi trở thành một công dân của thế giới và gia tài duy nhất của tôi là chiếc va ly nhỏ. Khi nhận nhiệm vụ mới Hội Thánh trao phó, tôi thâm tín rằng đây cũng là một lần nữa Thiên Chúa mời gọi tôi “Hãy ra khơi”, nghĩa là hãy hiến thân chính mình.

 

 Kinh nghiệm trước đây khi Đức Cha đảm nhận những sứ vụ trong dòng Phanxicô sẽ giúp ích gì cho sứ vụ mới của Đức Cha tại Tổng Giáo phận Melbourne?


– Tôi đã từng giữ những chức vụ điều hành trong nhà dòng. Tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm này sẽ giúp tôi làm bổn phận mới, nhất là trong liên hệ với các anh em linh mục tu sĩ. Bởi lẽ, họ là những cộng sự viên đắc lực nhất và thân cận nhất với các giám mục. Thứ nữa, tôi cũng đã từng là “chiến sĩ tác chiến” như họ, nghĩa là tôi đã vật lộn với những vấn đề to nhỏ của mục vụ giáo xứ. Tôi không chỉ làm việc ở bàn giấy. Tôi nghĩ rằng, những kinh nghiệm mục vụ sẽ giúp tôi đến gần với chủ chiên và đoàn chiên trong TGP. Melbourne.

 

 Đức cha muốn nhắn gửi điều gì với người tín hữu Công giáo tại Việt Nam?


– Đối với Giáo Hội quê nhà, ước vọng của tôi là làm một nhịp cầu nho nhỏ giữa Giáo Hội của hai quốc gia; được đồng hành với giáo dân cũng như đồng bào nói chung trong những khát vọng chân chính, kể cả những khắc khoải, những nỗ lực tìm kiếm chân lý, công bằng và các giá trị không thể thiếu trong một xã hội văn minh.

 

Tôi muốn nhắn gửi anh chị em tín hữu Công giáo tại quê nhà là tôi cũng như đại đa số người Việt Công giáo hải ngoại luôn đồng hành với anh chị em trong cuộc hành trình tiến về một tương lai tươi sáng cho Giáo Hội và quê hương. Những trang sử oai hùng của chúng ta không chỉ được viết trong quá khứ, khi bắt bớ, tù đày và gông cùm không làm cha ông chúng ta chùn bước. Tôi thâm tín rằng, trong tinh thần đức tin bất diệt, quý anh chị em tín hữu cũng đang viết nên một trang sử mới, trong đau khổ, trong thinh lặng, trong biết bao những vất vả cơ hàn. Anh chị em đang kiện toàn những gì còn thiếu sót trong nhiệm thể khổ nạn của Đức Kitô. Và chúng tôi luôn hiệp thông với anh chị em.

 

Xin cám ơn quý vị độc giả của trang mạng HĐGMVN và xin kính chúc quý vị sức khoẻ và muôn ơn lành của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 

 Xin thay mặt độc giả của trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng con chân thành cám ơn Đức Cha và xin Chúa đổ tràn ơn lành trên Đức Cha để Đức Cha hân hoan đáp lại lời mời gọi “Hãy ra khơi” mới.