Khi trong lớp bạn không được chú ý…
Ghét những cái chưa được của bản thân chỉ khiến bạn tự tin hơn. Tập làm quen và động viên bản thân trong mọi tình huống
Khi trong lớp bạn không được chú ý…
Ở trong lớp học, bạn không phải là mẫu người được các bạn nam chú ý nhiều. Thậm chí các bạn nữ cũng không muốn kết thân với bạn.
Có thể bạn đang gặp một số tình huống:
Không xinh!
Đa số cảm tình của các bạn nam dành nhiều cho phái yếu dễ nhìn bề ngoài một chút. Nếu là một cô bé dễ thương, xinh xắn thì được ưu tiên hết cỡ.
Bạn không xinh như người khác. Đó cũng là một bất lợi. Không xinh không phải lỗi ở bạn, tuy nhiên nó làm bạn không được chú ý trong một số tình huống, đặc biệt, với các bạn nam trong lớp. Điều này gây ra một tâm lý không vui, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động tiêu cực của bạn. Có thể suốt ngày bạn nghĩ bản thân mình có bao nhiêu điều xấu nên bị phái mạnh cho ra rìa, chính suy nghĩ bi quan này khiến bạn chán hoặc ngại tham gia các hoạt động của lớp. Thậm chí an phận thủ thường với những hoạt động bắt buộc. Điều này dễ đánh mất cơ hội của bản thân, làm bạn nhút nhát, e dè trong mọi tình huống.
Không phải chỉ phái mạnh để ý đến vẻ đẹp bề ngoài của phái yếu đâu nhé. Các bạn nữ cũng có tâm lý “quý” những ai xinh xinh, dẫu rằng đôi lúc cũng nảy sinh “tính ích kỷ” từ sự xinh xắn của người khác. Một bạn nữ có nước da đẹp, tóc dài, dáng “chuẩn” thường là tâm điểm để các bạn nữ trong lớp bàn tán (có thể đưa ra muôn vàn muôn vẻ nhận xét, chê bai) nhưng thật ra, họ cũng biểu hiện sự “quý mến, nể phục” với đối phương vì chẳng có lí do nào chính đáng để có thể chê sự “xinh xinh” của người khác.
Vẻ ngoài không dễ nhìn đôi khi khiến bạn thiệt thòi. Cho dù chính nó không có tội.
Học không nổi trội
Đây cũng là lý do bạn không được để ý trong lớp. Có thể bạn biết nhưng bạn không sôi nổi trong phát biểu, không có chính kiến riêng so với các thành viên khác. Việc bạn làm bài đạt điểm tốt có thể không được mấy ai để ý bằng bạn hăng hái thể hiện ý kiến của mình trong giờ học. Hiệu ứng của những gì bạn thể hiện bề ngoài đôi khi mạnh hơn so với bên trong (trong một số trường hợp).
Vì không nổi trong học tập nên người khác sẽ e dè với bạn trong học nhóm, đóng góp ý kiến. Đôi khi phủ nhận ý kiến của bạn khiến bạn cảm thấy bị “xúc phạm”. Ý kiến của bạn có thể có ý nghĩa nhưng do thái độ và cách nhìn của người khác phiến diện (do sự thể hiện của bạn không nổi trội) đã khiến bạn “bị chìm”.
Tâm lý e ngại phát biểu trong các giờ học là tác nhân gián tiếp khiến bạn bị bào mòn tư duy suy nghĩ, ngại dẫn đến lười. Điều này duy trì trong thời gian lâu sẽ khiến bạn mất khả năng tư duy sáng tạo, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của bản thân. “Chúng ta thường nghe 40% mỗi ngày.Tuy nhiên, lắng nghe đồng thời đi với phát biểu, nhiều sinh viên hiện nay ngại phát biểu , rụt rè trong giao tiếp nên đã đánh mất nhiều cơ hội trong học tập cũng như giao tiếp” (nội dung chương trình giao lưu C2S- giao tiếp để thành công cho hơn 800 sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM)
Chịu sửa bản thân!
Thay đổi một thói quen không dễ. Hạn chế những thói quen xấu thì có thể làm được.
Bạn không xinh xắn bằng nhiều bạn trong lớp. Không nên mất niềm tin chỉ vì điều này.
Hãy biết:
Yêu cái mình có. Phát huy nó để nó đẹp ở một phương diện khác. Có thể bạn không đẹp bề ngoài. Trau dồi kiến thức để bạn được nhiều người nể phục.
Gạt bỏ những cái mà người ta nói về mình. Tự tin chính là phương pháp hữu hiệu khiến bạn vượt qua những cái nhìn thiếu thiện cảm. Tuy nhiên, phải tự tin đúng lúc, đúng chỗ, không vượt quá giới hạn.
Loại trừ và chọn lọc những thế mạnh của mình để thể hiện. Chính tính rụt rè, ngại ngùng của bạn khiến bạn mất nhiều cơ hội tốt. Có thể bạn có tài lẻ nhưng bạn ngại phát huy và thể hiện nó ra bên ngoài nên chẳng ai biết.
Ghét những cái chưa được của bản thân chỉ khiến bạn tự tin hơn. Tập làm quen và động viên bản thân trong mọi tình huống.
Rào cản tâm lý chính là cái bạn cần loại bỏ!