24/12/2024

“Bệnh” người già

Người già sức khoẻ suy yếu, tâm lý có nhiều thay đổi nên nếu con cháu không thấu hiểu thì rất dễ nảy sinh xung đột

 “Bệnh” người già

Bổn phận làm con là chăm sóc cha mẹ chu đáo lúc tuổi già. Tuy nhiên sống chung và chăm sóc người lớn tuổi là việc không hề đơn giản.

Kiểu xưa, cách nay

Vốn được cha mẹ cho ở riêng, nay cha mẹ hay đau ốm nên vợ chồng anh T. quyết định về ở chung. Mới đầu, con anh T. vui lắm, chúng hồ hởi: “Sao nhà mình không ở với ông bà sớm nhỉ?”. Nhưng một thời gian sau, cứ đi làm về là vợ chồng T. lại nghe ông bà càm ràm về hai thằng nhóc nghịch “như quỷ sứ”, khi thì chuyện này, lúc thì chuyện khác, không lúc nào yên ổn nghỉ ngơi. Có hôm vì giận cháu, ông bà bỏ cơm, dỗ dành mãi vẫn không ăn.

Cái bếp xưa nay chỉ của mình bà nội, giờ thêm chủ mới đâm rắc rối to. Bà nội quen nếp xưa bao cấp cái gì cũng cất, đâm hết hạn dùng, trong lúc con dâu hiện đại nên phải nấu nướng bằng thực phẩm tươi, mua cửa hàng sạch. Bao nhiêu thiết bị nhà bếp hiện đại con cái mua về bà đều không dùng, không chỉ vì không biết cách mà theo bà là: “Khéo bày vẽ cho tốn… điện!”. Con dâu mà hướng dẫn thì bà hờn mát: “Tôi lạc hậu, đâu được ăn nhiều học lắm…”. Thế là chiến tranh lạnh. Con dâu la cháu thì bị bà hờn: “Nó muốn mắng tôi mà không dám nên chuyển sang mắng con…”.

Không mâu thuẫn trong sinh hoạt với bố mẹ như vợ chồng anh T. thì vợ chồng anh C. lại căng thẳng với ông bà trong việc nuôi dạy cháu. Cháu mới sinh ra ông bà đã chăm sóc cháu theo cách xưa như nhỏ chanh khi bị sốt, rơ miệng bằng mật ong… mặc con cháu không đồng tình. Con bé mới vào mẫu giáo bé nhưng bà đã bắt đi học rèn chữ. Bố mẹ cho rằng không khoa học nhưng bà cứ nhất nhất nói nếu không học sẽ không theo kịp chương trình.

Ngoài việc học, ông bà còn cho học hát, học đàn, học vẽ, học tiếng Anh. Học cả ngày ở trường với chương trình bị cho là quá nặng nhưng về nhà, ăn cơm vừa xong là ông bà bắt cháu ngồi vào bàn học ngay khiến con bé chưa trở thành tài năng đã thấy lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi.

“Quyền” và “bệnh”

 

Cảm thông, chia sẻ

Người già sức khoẻ suy yếu, tâm lý có nhiều thay đổi nên nếu con cháu không thấu hiểu thì rất dễ nảy sinh xung đột. Tuy nhiên cũng có nhiều ông bà sống vui khoẻ với con cháu tâm sự rằng người già nên có cái nhìn cảm thông với con cháu thì con cháu mới quý mến, gần gũi với mình lúc tuổi cao. Người trẻ vốn đã gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, nên khi về nhà cha mẹ già không thông cảm thì cũng rất dễ bị căng thẳng.

 

Gia đình một người bạn khác của tôi thì ông bà nội lúc nào cũng nghĩ mình là cha, mẹ nên có quyền quyết định mọi chuyện dù các con ở chung hay ở riêng thì ông bà luôn can thiệp, quyết định đời sống riêng của con cháu. Con trưởng xây nhà riêng không theo ý ông cũng không được, con út góp vốn làm ăn với bạn cũng bị phản đối ầm ĩ… Chuyện gì trái ý ông là con cháu bị một trận la mắng tơi bời, hờn dỗi là chuyện thường ngày khiến con cháu ngày cứ xa cách vì… sợ. Thực ra ông vẫn muốn giữ mãi cái uy lực làm cha của mình, muốn bao bọc con cháu mặc dù con cháu đã quá lớn để đủ sức quyết định mọi vấn đề riêng.

Còn với vợ chồng M. thì bệnh “tưởng” của mẹ mới thật đáng lo. Đúng là người già không bệnh này cũng bệnh nọ, nhưng bà cứ sợ và làm nghiêm trọng bệnh tật của mình khiến con cháu nhiều phen lao đao. Hễ đau một tí là bà đòi đi bác sĩ, đòi “cắt” cái này, mổ cái khác. Thực ra chỉ vì bà buồn, muốn được con cái quan tâm săn sóc, vì có làm dữ thì chúng mới nhanh chóng tụ tập lại, còn không thì đứa đi học, đứa đi làm mất dạng.

Trong xã hội hiện đại, gia đình “tam, tứ đại đồng đường” dần mất đi chỉ vì các thế hệ khác nhau khó dung hoà trong cách nghĩ, cách sống. Tuy nhiên không phải là không có các gia đình mà con cháu sống chung hoà thuận, đầm ấm với ông bà. Có lẽ trong các gia đình ấy con cháu thấu hiểu được tâm lý, tình cảm của ông bà – cũng như ông bà cảm thông được với con cháu. Duy trì được những gia đình như thế trong cuộc sống hiện nay thật khó nhưng nếu làm được thì thật là đáng quý.