24/12/2024

Giải quyết xung đột biển Đông bằng cơ chế đa phương

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo xung đột trên biển Đông có nguy cơ dẫn đến đụng độ

  Giải quyết xung đột biển Đông bằng cơ chế đa phương

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates:

Trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La (4-6), Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo xung đột trên biển Đông có nguy cơ dẫn đến đụng độ. Ông Gates kêu gọi các nước áp dụng cơ chế đa phương để giải quyết xung đột.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu tại Đối thoại Shangri-La – Ảnh: Reuters

“Có rất nhiều mối quan ngại. Tôi nghĩ chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh cơ chế giải quyết các yêu cầu đòi chủ quyền trên biển Đông. Tôi sợ rằng nếu không có luật, không có những thỏa thuận để giải quyết các vấn đề, đụng độ sẽ xảy ra. Điều đó không đem lại lợi ích cho bất cứ ai – Bộ trưởng Gates nhấn mạnh – Chúng tôi tin rằng luật pháp quốc tế, được phản ánh qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, hướng dẫn rõ ràng về việc tiếp cận và sử dụng vùng lãnh hải. Cùng làm việc trên các diễn đàn khu vực và đa phương thích hợp, tuân thủ các nguyên tắc có lợi cho toàn khu vực, chúng ta có thể đảm bảo tất cả cùng chia sẻ và tiếp cận bình đẳng các đường hàng hải quốc tế” (iiss.org).

Philippines: Trung Quốc xâm phạm hoà bình, ổn định khu vực

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines đăng thông báo trên trang web dfa.gov.ph cho biết phía Philippines tiếp tục phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc về hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc trên biển Đông. Bộ Ngoại giaoPhilippines khẳng định: “Hành vi của tàu Trung Quốc xâm phạm hoà bình và ổn định khu vực…, vi phạm nghiêm trọng tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông”.

Theo Bộ trưởng Gates, an ninh hàng hải vẫn là vấn đề rất quan trọng của khu vực, các vấn đề về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và sử dụng hợp lý lãnh hải là thách thức đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực. “Quan điểm của Mỹ rất rõ ràng: chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Bộ trưởng Gates khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện “mạnh mẽ” tại châu Á với sự hỗ trợ của các loại vũ khí hiện đại nhằm bảo vệ các đồng minh và đảm bảo an toàn các tuyến đường hàng hải.

Theo ông Gates, dù Washington giảm ngân sách quốc phòng, quân đội Mỹ vẫn mở rộng sự hiện diện bằng việc chia sẻ các cơ sở quân sự với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và triển khai tàu chiến ven biển tới Singapore. Vùng biển quanh Singapore thuộc tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.

Ông Gates cũng cho biết Washington sẽ đầu tư vào các vũ khí công nghệ cao ở châu Á như máy bay chống rađa, máy bay do thám không người lái, tàu chiến, vũ khí trên mạng… Chương trình vũ khí này “nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền và tự do của các đồng minh và đối tác Mỹ trong khu vực”. Ông Gates cũng cho biết chương trình vũ khí này là sự phản ứng lại “khả năng các công nghệ và vũ khí mới có thể được triển khai để ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận các vùng biển và các tuyến liên lạc quan trọng”.

Đồng quan điểm với ông Gates, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa khẳng định việc đảm bảo nhân quyền và bình đẳng, các quy định thương mại tự do và tự do hàng hải là những nguyên tắc quan trọng nhất cho hoà bình và các hoạt động kinh tế của thế giới. Ông Kitazawa cũng cho biết rút kinh nghiệm từ thảm hoạ động đất – sóng thần, Tokyo đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ cứu hộ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa phía tây nam Nhật.

Ông Kitazawa cho biết Nhật có thể mời các nước sử dụng căn cứ có tích trữ hàng cứu trợ và trang thiết bị cứu hộ này. Ông cũng đề nghị tổ chức hội nghị các quan chức quốc phòng để thảo luận hợp tác khi xảy ra sự cố hạt nhân. Ông Kitazawa thừa nhận Nhật thiếu các trang thiết bị để giải quyết sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và tỏ ý sẵn sàng giới thiệu những robot có khả năng hoạt động trong môi trường phóng xạ cao. Trong sự cố Nhà máy Fukushima Daiichi, các robot Mỹ đã được sử dụng để ghi hình và kiểm tra mức phóng xạ cũng như các dữ liệu khác trong các toà nhà chứa lò phản ứng hạt nhân.

 

Để thế giới hiểu đúng về tình hình biển Đông

Hôm nay 5-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – đại tướng Phùng Quang Thanh có bài phát biểu trong phiên họp mang tên “Đối phó với những thách thức an ninh hàng hải mới” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La. Trong cuộc gặp song phương bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc trước đó, đại tướng Phùng Quang Thanh đã khẳng định trong bài phát biểu ông sẽ đề cập sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc tấn công để khu vực và thế giới hiểu đúng về tình hình biển Đông. Trong phiên họp này, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi và Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng sẽ có bài phát biểu.

Chiều 4-6, bên lề Đối thoại Shangri-La, đại tướng Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng quốc phòng Úc Stephen Smith và Bộ trưởng quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa. Tại cuộc gặp với đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng Úc Smith mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Việt Nam theo Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương. Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đang phát triển. Úc là quốc gia cung cấp học bổng đào tạo tiếng Anh nhiều nhất cho sĩ quan Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh mong muốn Úc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng quốc phòng Nhật Kitazawa, đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị phía Nhật tiếp tục dành cho Việt Nam các suất học bổng đào tạo sĩ quan. Bộ trưởng quốc phòng Nhật mời đại tướng Phùng Quang Thanh thăm chính thức Nhật và ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương. Hai bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về tình hình an ninh trên biển Đông. Bộ trưởng Kitazawa hi vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm xây dựng được Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và nhanh chóng đưa quy tắc này vào thực hiện vì hoà bình và ổn định ở khu vực.

Đ.B.T. (từ Singapore) – H.T.