24/01/2025

Philippines tố cáo Trung Quốc ở LHQ

DFA đã phản ứng quyết liệt cũng như có nhiều động thái đáp trả trước mỗi hành vi gây hấn của Trung Quốc

 Philippines tố cáo Trung Quốc ở LHQ

Ngày 2-6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố Manila sẽ đệ trình thư lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) để phản đối việc hàng loạt tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của mình từ tháng 2-2011.

Động thái này được mô tả là cứng rắn nhất của Philippines trước hàng loạt vụ gây hấn gần đây của Trung Quốc đối với nước này.

Báo The Philippines Star cho biết từ tháng 2-2011, nhiều tàu Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực biển Đông gần vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền và đã có những đụng độ nhỏ. Đỉnh điểm vào ngày 2-3, Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải khu vực Reed Ban (tức Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện bị Philippines chiếm giữ), cách phía tây đảo Palawan của nước này 200km và gần khu vực khai thác khí đốt Malampaya của Philippines.

“Điều gì đã xảy ra?”

Báo này mô tả: hai tàu hải quân Trung Quốc có trang bị vũ khí đã ngang ngược phát loa yêu cầu tàu khảo sát dầu khí của Bộ Năng lượng Philippines dừng mọi hoạt động và phải rời khu vực này ngay lập tức. Sau đó, tàu Trung Quốc còn có những động thái đe doạ là sẽ đâm chìm tàu khảo sát Philippines nếu tàu này không tuân lệnh. Phản ứng quyết liệt trước động thái táo tợn và phi lý của tàu Trung Quốc, chỉ huy tàu khảo sát của Philippines đã điện đàm yêu cầu quân đội và lực lượng tuần duyên của Philippines hỗ trợ khẩn cấp.

Manila ngay sau đó đã ra lệnh cho hai máy bay chiến đấu có mặt cấp thời tại khu vực này để hỗ trợ. Thấy máy bay chiến đấu của Philippines, hai tàu hải quân Trung Quốc đã rời khỏi khu vực này. “Những chiếc tàu Trung Quốc tiến sát đến tàu thăm dò, yêu cầu họ dừng lại và rời khỏi khu vực. Chúng tôi gửi máy bay đến để xem xét nhưng tàu Trung Quốc đã rời khỏi, có thể là sau khi thấy sự phản ứng của chúng tôi” – tướng Juancho Sabban cho biết.

Cuộc đối đầu trên biển chưa gây thiệt hại về vật chất hoặc nhân mạng nhưng đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội ở Philippines. “Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc giải thích về điều gì đã xảy ra” – Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario tuyên bố khi trả lời phỏng vấn ở Malacañang vào thời điểm đó. Tổng thống Benigno Aquino III ngay sau đó cũng tuyên bố sẽ tăng cường tàu tuần tra đến khu vực phía tây đảo Palawan để đề phòng sự xâm nhiễu của hải quân Trung Quốc.

Những ngày tiếp theo tình hình biển Đông càng trở nên nóng hơn khi ngày 12-5 Trung Quốc lại đưa hai máy bay MIG xâm nhập không phận khu vực Bãi Cỏ Rong và uy hiếp chiếc máy bay trinh sát OV-10 của Philippines lúc đó đang có mặt trong khu vực này.

Trong thời gian từ ngày 21 đến 24-5, Manila liên tục phát hiện nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm nhập không phận gần Bãi Cỏ Rong. Thông cáo báo chí trên trang web của Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết nhiều tàu hải giám và tàu hải quân Trung Quốc đã hoạt động rầm rộ trên vùng biển gần các bãi đá Iroquois Reef và Amy Douglas. Các tàu này đã thả phao nổi và dựng một số cột ở khu vực gần bãi đá Iroquois Reef, đây là bãi đá nằm ở khu vực phía tây nam Bãi Cỏ Rong. Báo chí Philippines vào những ngày cuối tháng 5-2011 đã liên tục thông tin về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng và chiếm đóng một phần quần đảo Kalayaan, đặc biệt đã đổ quân và xây dựng các cơ sở quân sự trên sáu bãi đá ngầm trong cụm đảo này, trong đó có đảo Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và gọi tên là đảo Hoa Dương Tiêu).

Báo The Philippines Star tố cáo ở đây Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các dự án hàng hải khổng lồ, trong đó có hàng loạt công trình cầu cảng, đài quan sát, hải đăng, đài quan sát khí tượng và hải dương học tại cụm đảo này. Chính Tân Hoa xã ngày 12-5 cũng thừa nhận Trung Quốc đã phủ sóng di động toàn quần đảo Kalayaan nhằm phục vụ các hoạt động quân sự cũng như giám sát hoạt động của các nước trong khu vực biển Đông.

 

Ảnh do Philippines chụp ngày 21-5 cho thấy tàu cứu hộ và nghiên cứu biển của Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển tranh chấp với Philippines - Ảnh: AFP

Không “một chọi một” với Trung Quốc

DFA đã phản ứng quyết liệt cũng như có nhiều động thái đáp trả trước mỗi hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Tính đến ngày 1-6, trong chưa đầy một tuần, phía Philippines đã hai lần triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Manila là ông Bạch Thiên để chính thức phản đối.

Có thể nói chưa bao giờ Philippines dùng kênh ngoại giao ở nhiều cấp để phản ứng kịch liệt Trung Quốc như thời gian gần đây. Ngày 27-5, Manila triệu đại sứ của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thông tin chi tiết về việc truyền thông Trung Quốc gần đây đưa tin về việc triển khai giàn khoan khổng lồ 981 CNOOC để thăm dò dầu khí ở các vùng nước sâu trên biển Đông trong tháng 7-2011. Manila thẳng thừng cho biết sẽ phản đối hành động này của Bắc Kinh đến cùng thông qua các kênh ngoại giao. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lên tiếng cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) khi nước này xâm phạm và xây dựng các công trình kiên cố trong khu vực các bãi đá cạn gần Iroquois Reef.

Đích thân Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng nhiều lần lên tiếng. Ngày 2-6, ông Benigno Aquino III tuyên bố sẽ đệ trình thư phản đối Trung Quốc lên LHQ. “Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ, chúng tôi sẽ chuyển cho Trung Quốc trước và sau đó đưa lên LHQ”. Ông Aquino III nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa ra “đường lưỡi bò” và tuyên bố 80% khu vực biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc là vi phạm Công ước của LHQ về luật biển (UNCLOS).

Tổng thống Aquino III cũng tỏ thái độ rõ ràng khi bác bỏ đàm phán song phương giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề biển Đông mà như ông mô tả là không “đấu tay đôi” với Trung Quốc. “Thậm chí trong môn quyền anh, môn võ mà người Philippines rất giỏi, thì chúng tôi cũng không đấu với Trung Quốc theo cách một chọi một” – ông Aquino III nhấn mạnh. Ông cho rằng hiện Philippines đang và sẽ sử dụng mọi nỗ lực ngoại giao của mình để tranh thủ sự ủng hộ trong khu vực cũng như các bên liên quan để ngăn chặn Trung Quốc xâm lấn quần đảo Trường Sa. Chẳng hạn, ngày 1-6 sau cuộc gặp Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah, ông Aquino III cho biết hai nước đã thống nhất cần có chính sách “đối thoại đa phương” với các bên liên quan ở quần đảo Trường Sa, trong đó có Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Cảnh báo về nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực

Ngày 2-6, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đang xem xét lại hệ thống an ninh dọc bờ biển của nước này sau khi tàu hải quân và máy bay chiến đấu của Trung Quốc liên tục xuất hiện với tần suất ngày càng dày ở khu vực biển Đông gần Philippines.

Trước đó ngày 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, tổng tham mưu trưởng quân đội Eduardo Oban Jr và các chỉ huy quân sự khác đã đến thị sát tình hình đảo Palawan (phía tây Philippines). Báo Manila Standard Today dẫn lời Tổng thống Aquino III cho biết Philippines đã tiến hành đánh giá những thử thách về an ninh biển để ước tính sẽ phải mua vũ khí nào để bảo vệ.

Trước đó, Tổng thống Aquino III cũng đã “úp mở” cho Bộ trưởng Lương Quang Liệt biết là quân đội Philippines sẽ nhận tàu tuần tra biển dòng Hamilton do Mỹ sản xuất vào tháng 8-2011.

Vẫn theo báo này, Tổng thống Aquino III đã cảnh báo Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong chuyến viếng thăm Philippines gần đây của ông này là mọi hành động gây hấn của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp trên biển Đông có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Còn Bộ trưởng Voltaire Gazmin cho biết Manila sẽ thành lập một uỷ ban liên ngành nhằm tăng cường an ninh hàng hải của nước này.