24/01/2025

Trung Quốc chèn ép láng giềng

Thượng nghị sĩ Philippines Miriam Defensor-Santiago cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách lấn áp các nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

 Trung Quốc chèn ép láng giềng

Thượng nghị sĩ Philippines Miriam Defensor-Santiago cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách lấn áp các nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Hiện các nước và vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm có Malaysia,  Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Brunei. Trong đó Trung Quốc là nước “lớn nhất” về phương diện đất đai và dân số cũng như “mạnh nhất” về khả năng quân sự, theo báo The Philippine Star. Vì thế, nước này đang ngày càng leo thang các hành động đơn phương trắng trợn và phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết về giải quyết hòa bình các tranh chấp. “Thực tế, Trung Quốc đang tìm cách lấn áp chúng ta và các nước ASEAN khác”, The Philippine Star dẫn lời nghị sĩ uy tín Miriam Defensor-Santiago, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Philippines.

Theo bà Defensor-Santiago, Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn dầu khí và khoáng sản dồi dào ở biển Đông, đặc biệt là ở Trường Sa, cũng như kiểm soát một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Nếu điều này xảy ra sẽ gây mất cân bằng trong khu vực và cả trên thế giới. Vì thế, theo thượng nghị sĩ Defensor-Santiago, cộng đồng quốc tế sẽ không để Trung Quốc đạt được ý đồ. Hồi tháng 10.2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố nước này có lợi ích thiết thực trong việc bảo đảm tự do đi lại và hoạt động thương mại tại biển Đông.

Bà Defensor-Santiago đưa ra nhận định trên sau khi 3 tàu hải giám của Trung Quốc trắng trợn xâm nhập thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phá hoại tàu thăm dò Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ… Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về biển Đông tại Học viện Lực lượng phòng vệ Úc ở Canberra, nhận định hành động nói trên cho thấy sự leo thang trong thái độ gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam. “Trung Quốc đang khẳng định chủ quyền của họ một cách ngang ngược và nước này có ưu thế về tàu để thực hiện hành động này”, tờ Financial Times dẫn lời ông Thayer nhận xét.

 

Thực tế, Trung Quốc đang tìm cách lấn áp chúng ta và các nước ASEAN khác

 

Miriam Defensor-Santiago 
Thượng nghị sĩ Philippines

Một trong ba tàu hải giám của Trung Quốc táo tợn xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 26.5 mang số hiệu 84. Đây là tàu hải giám được Lực lượng giám sát hàng hải Trung Quốc (CMS) đưa vào hoạt động hôm 8.5 và trở thành tàu tuần tra thứ 13 của Tổng đội tàu hải giám Nam Hải (tức Tổng đội tàu giám sát khu vực biển Đông – NV) đóng ở thành phố Quảng Châu, theo Nhân dân nhật báo. Tàu này cũng là một phần trong kế hoạch tăng thêm 13 tàu tuần tra có trọng tải 1.000 tấn trở lên và 5 trực thăng để phục vụ công tác tuần tra các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Kế hoạch được Bắc Kinh công bố vào năm 1999, với vốn đầu tư 1,6 tỉ nhân dân tệ (245,9 triệu USD). Hôm 2.5, China Daily dẫn lời Phó giám đốc CMS Tôn Thư Hiền cho hay sẽ tuyển thêm hơn 1.000 nhân viên trong năm 2011 và mua thêm 36 tàu tuần tra trong 5 năm tới. 

Phản đối đường lưỡi bò

Đường “lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt khúc 9 đoạn”… đều là cách gọi khác nhau để chỉ bản đồ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Quốc dân đảng trước đây vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).

Tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 11.2010, GS Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và châu Âu của Đại học Brussels (Bỉ), phân tích tính pháp lý về bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn nói trên. Theo ông Franckx, việc Trung Quốc đơn phương vẽ ra một bản đồ như vậy gây phản ứng mạnh trên quốc tế, làm nảy sinh nhiều câu hỏi về nguồn gốc, ý nghĩa và tác động của nó đối với biển Đông. Bằng cách phân tích các dữ kiện dựa trên Luật Biển nói riêng và luật quốc tế nói chung, GS Franckx kết luận rằng nếu đem ra phân xử thì cơ sở của đường 9 đoạn rất yếu.

Vấn đề “đường lưỡi bò” tiếp tục được mổ xẻ tại Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” tại Hà Nội hôm 26.4. Theo phân tích tại hội thảo, kể từ thời điểm 7.5.2009, một cuộc chiến pháp lý hoàn toàn mới liên quan đến “đường lưỡi bò” lại nổ ra giữa các nước có tranh chấp ở biển Đông. Lần đầu tiên các bên sử dụng diễn đàn LHQ và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức đưa “đường chữ U” ra trước công chúng, thay vì thái độ mập mờ như trước đó. Cũng từ việc này đã dấy lên làn sóng phản đối “đường chữ U” rộng khắp, bác bỏ tuyên bố sai sự thật của Trung Quốc rằng “đường chữ U” được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi từ lâu.

Ngoài ra, trong công hàm gửi LHQ hôm 14.4 vừa qua, Trung Quốc lại lờ đi đường lưỡi bò và tuyên bố rằng “quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam – NV) có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. Tuy nhiên, chuyên gia Michael Richardson của Viện Đông Nam Á học Singapore nhận định trên tờ Japan Times rằng không có điểm nào trong UNCLOS chứng thực tuyên bố trên của Bắc Kinh. Theo các nhà nghiên cứu, những mâu thuẫn này chứng tỏ bản thân Trung Quốc còn lẫn lộn và không biết giải thích thế nào về đường lưỡi bò cho có lý.

Văn Khoa 
(tổng hợp)