23/12/2024

Tình hình ở biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại

LTS: BBT xin giới thiệu với Quý độc giả bài phỏng vấn các học giả quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông do Báo Thanh niên thực hiện

 Tình hình ở biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại

Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn qua thư điện tử với một số học giả quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông và việc Trung Quốc quấy rối, truy đuổi, cướp dụng cụ tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng như cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vừa qua.

Đây là những chuyên gia hàng đầu về địa chính trị khu vực, hàng hải, luật pháp quốc tế nói chung cũng như vấn đề biển Đông nói riêng và từng nhiều lần được mời tham dự các hội nghị quốc tế về biển Đông.

 

Giáo sư Tonnesson - Giáo sư Thayer - Giáo sư Dutton - Tiến sĩ Storey / Ảnh: Nghĩa Phạm + Tư liệu

Ông nhận định gì về hành động của Trung Quốc xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam vừa qua?

Giáo sư (GS) Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Úc: Rõ ràng những hành động gần đây của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC). Nó cũng chứng tỏ rằng vẫn chưa có được cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực thi DOC và vì thế sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiến tới đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).

GS Peter Dutton của Viện Nghiên cứu về hàng hải Trung Quốc, Học viện Hải quân Mỹ: Tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hoàn toàn đúng với Công ước LHQ về Luật Biển trong khi những tuyên bố của Trung Quốc dựa trên bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào. Chưa kể hành động ngăn cản hoạt động hoà bình của một tàu treo cờ nước ngoài và gây thiệt hại về vật chất, đi ngược lại các quy tắc về không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

GS Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu hoà bình Oslo (Na Uy): Việc một tàu hải giám của Trung Quốc ngăn cản hoạt động tàu thăm dò của Việt Nam cùng thông tin rằng Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc chuẩn bị đưa vào hoạt động một giàn khoan khổng lồ để khai thác dầu và khí đốt ở vùng nước sâu của biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông – PV) khiến nhu cầu minh bạch thông tin và tôn trọng luật biển quốc tế càng thêm bức thiết.

Nếu Trung Quốc tính dùng sức mạnh hải quân để ngăn cản các nước khác thăm dò, khai thác dầu và khí đốt trong khu vực mà nước này tuyên bố là thềm lục địa của mình rồi lại tự làm việc đó thì Bắc Kinh phải công bố rõ ràng phạm vi thềm lục địa của họ theo đúng Công ước LHQ về Luật Biển. Công ước này cho phép Trung Quốc tuyên bố thềm lục địa dài 200 hải lý tính từ bờ biển, và trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài tối đa 300 hải lý. Nếu tuyên bố về thềm lục địa của Trung Quốc mâu thuẫn với các nước khác thì phải giải quyết bằng thương lượng hoà bình dựa trên các quy tắc chung của quốc tế. Theo tôi, đã đến lúc Trung Quốc phải chính thức thừa nhận một điều mà cả các chuyên gia luật của họ cũng thừa biết: đó là tuyên bố về đường đứt khúc 9 đoạn của họ không phù hợp với luật quốc tế.

Vụ việc tàu Bình Minh 02 xảy ra trong khu vực mà chỉ có Việt Nam có quyền tuyên bố là thuộc thềm lục địa của mình. Như vậy, hành động của tàu hải giám Trung Quốc vi phạm những quy định mà bản thân nước này đã thông qua. Điều này gây ra một vấn đề nghiêm trọng không chỉ với Việt Nam mà cho cả những ai tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Ian Storey, Viện Đông Nam Á học (Singapore): Theo tôi, những vụ việc đã và đang xảy ra cho thấy tình hình ở biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại. Những biện pháp xây dựng lòng tin được nêu trong DOC vẫn chưa được triển khai. Quan trọng hơn, vì chưa có những cơ chế tránh đụng độ hiệu quả nên nguy cơ xung đột là có, nhất là khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn.

Theo ông, Việt Nam cần ứng xử thế nào để đảm bảo chủ quyền, giảm căng thẳng trong khu vực cũng như ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai?

GS Thayer: Việt Nam cần thận trọng, bình tĩnh và xử lý khéo léo. Theo tôi, các bạn cần một chiến lược thông tin, tuyên truyền hiệu quả, chẳng hạn như quay phim lại những vụ việc như vậy, không chỉ với tàu thăm dò mà cả tàu đánh cá, để phát trên truyền hình quốc gia và cung cấp cho báo đài cũng như các cơ quan ngoại giao khi thích hợp. Đặc biệt, cần nỗ lực hợp tác với các thành viên khác trong ASEAN để loại bỏ tư tưởng rằng “đây là vấn đề của riêng Việt Nam”.

Như tôi từng đề cập, Việt Nam cũng nên có kế hoạch dài hạn, tăng cường thiết bị như máy bay và tàu để đẩy mạnh tuần tra, giám sát vùng EEZ và những khu vực thuộc chủ quyền của mình.

GS Dutton: Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển nên các bên, nhất là Trung Quốc, cần hành động theo đúng những quy định của công ước.

Ông còn nhận xét nào thêm về vấn đề này?

GS Thayer: Chắc chắn những hành động vừa qua của Trung Quốc sẽ khiến tình hình biển Đông trở thành một trong những mối quan tâm của quốc tế và là một chủ đề trọng tâm của các sự kiện lớn như diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-La 2011 (khai mạc hôm nay tại Singapore – PV), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) và các hội nghị khác của ASEAN sắp tới.