23/12/2024

Những điều không được quên

Theo các chuyên gia, trước khi bước vào kỳ thi, việc cần nhất là thí sinh chuẩn bị cho mình một tâm thế bình tĩnh, rà soát lại tất cả vấn đề cần lưu tâm

 Những điều không được quên

Theo các chuyên gia, trước khi bước vào kỳ thi, việc cần nhất là thí sinh chuẩn bị cho mình một tâm thế bình tĩnh, rà soát lại tất cả vấn đề cần lưu tâm.

Trước khi vào phòng thi, thí sinh sẽ được kiểm tra thẻ dự thi đối chiếu với danh sách dự thi. Vì thế, khi chuẩn bị các vật dụng để mang vào phòng thi, thí sinh không được quên thẻ dự thi. Những thí sinh không may mất thẻ dự thi trước ngày thi có thể sử dụng chứng minh nhân dân thay thế.

Tránh phạm quy “oan”

Quy chế thi đã quy định rõ các vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi. Theo kinh nghiệm của các thầy cô nhiều năm coi thi, thí sinh cần chuẩn bị cho mình vài chiếc bút có cùng loại mực để tránh tình trạng bút bị hư.

Nếu không có bút cùng loại mực mà phải làm tiếp bài thi bằng bút có màu mực khác, bài thi của thí sinh bị coi là phạm quy và không được chấm điểm. Trong môn thi trắc nghiệm, thí sinh cũng cần chuẩn bị nhiều bút chì để thay thế khi tô phương án trả lời.

Về máy tính, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh được mang vào phòng thi máy tính không có chức năng ghi nhớ và soạn thảo văn bản. Theo kinh nghiệm của nhiều thầy cô giáo, an toàn nhất là thí sinh chọn những loại máy tính thông dụng, có trong danh sách Bộ GD-ĐT đã công bố.

Một trong những điều đã được nhắc nhở nhưng năm nào thí sinh cũng vi phạm là việc mang điện thoại di động vào phòng thi. Để tránh vô tình vi phạm quy chế, tốt nhất các em nên cất điện thoại vào túi xách trước khi vào trường thi. Việc mang điện thoại vào phòng thi dù không sử dụng, dù điện thoại trong tình trạng tắt nguồn, hết pin thí sinh vẫn bị đình chỉ thi. Ngoài điện thoại, các vật dụng khác như Kim từ điển, máy nghe nhạc, máy ghi âm… cũng không được phép mang vào phòng thi.

Lưu ý phần riêng

Theo quy chế thí sinh được chọn một trong hai phần riêng để làm. Nhưng không nhất thiết thí sinh chỉ được chọn phần riêng nằm trong chương trình mình đã học. Việc lựa chọn tùy thuộc vào việc thí sinh nắm vững kiến thức và có khả năng làm tốt hơn phần riêng nào. Ví dụ thí sinh học chương trình nâng cao nhưng khi thi, thấy phần riêng theo chương trình chuẩn mình có khả năng làm tốt hơn thì có thể chọn phần riêng này.

Theo ông Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, trong thang điểm các phần riêng (tự chọn) sẽ có mức điểm tương đương nhau, và ban ra đề thi của Bộ GD-ĐT đã cân nhắc để độ khó của hai phần tương đương.

Khi chọn phần nào các em phải làm trọn vẹn phần đó, không được làm dở phần này rồi chuyển sang phần kia, cũng không được làm cả hai phần. Trên thực tế có nhiều học sinh giỏi khi làm bài thi trắc nghiệm hoàn thành rất nhanh phần bài thi đã chọn, còn nhiều thời gian lại làm nốt phần còn lại, kết quả là không được tính điểm phần riêng.

Trong cấu trúc đề thi, phần chung sẽ có điểm số nhiều hơn phần riêng, và thường là phần kiến thức rất cơ bản, vừa sức với học sinh trung bình. Vì vậy, thí sinh cố gắng lưu ý phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao để làm tốt phần này.