23/11/2024

Còn hơn 3 triệu hộ nghèo

Theo con số vừa được công bố, VN hiện có 3.055.566 hộ nghèo (14,2%) và 1.612.381 hộ cận nghèo (7,53%)… Khu vực Tây Bắc vẫn là nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, trên 39% hộ nghèo

 Còn hơn 3 triệu hộ nghèo

Số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm đi theo kết quả tổng điều tra về hộ nghèo và cận nghèo năm 2010 vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các bộ ngành liên quan và tổ chức quốc tế công bố ngày 30-5.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu chuẩn nghèo được tính vào đúng thời điểm lạm phát tăng cao mà chưa tính đến yếu tố trượt giá thì không đảm bảo tính thực tế.

Tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng trong nước

 

Đồ hoạ: V.Cường – Ảnh: Châu Anh

Tỉ lệ hộ nghèo giảm 14,2%

Ông Ngô Trường Thi, phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội kiêm chánh văn phòng giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết theo chuẩn nghèo cũ, tỉ lệ hộ nghèo năm 2005 là 22% và cuối năm 2010 là 9,45%. Theo con số vừa được công bố, VN hiện có 3.055.566 hộ nghèo (14,2%) và 1.612.381 hộ cận nghèo (7,53%)… Khu vực Tây Bắc vẫn là nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, trên 39% hộ nghèo.

Ngoài ra, có bốn địa phương có tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, trên 40% là Điện Biên (50,01%), Lai Châu (trên 46%), Lào Cai (43%), Hà Giang (41,8%). Ngược lại có năm địa phương có tỉ lệ hộ nghèo dưới 5% là TP.HCM (0,01%), Bình Dương (0,05%), Đồng Nai (1,45%), Bà Rịa – Vũng Tàu (4,35%) và Hà Nội (4,97%). Có 32 tỉnh, TP tỉ lệ hộ nghèo dao động từ 5% đến dưới 20%…

Đến năm 2020, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 3,5 lần

Mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ đến năm 2020: thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng 3,5 lần; tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng các xã nghèo, huyện nghèo phải giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hoá, nước sinh hoạt, nhà ở. Người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết kết quả tổng điều tra này chỉ căn cứ trên mức thu nhập của người dân tại thời điểm điều tra theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ (thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng đối với vùng nông thôn và dưới 500.000 đồng/người/tháng với khu vực thành thị). Do tình hình lạm phát tăng, giá cả leo thang nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hộ nghèo.

Nhưng trong thời gian ngắn, không thể điều chỉnh chuẩn nghèo, nên chuẩn nghèo và tỉ lệ hộ nghèo vừa được công bố sẽ là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế – xã hội khác. Để thực hiện tốt hơn các chính sách giảm nghèo, ông Đàm khẳng định việc rà soát, điều tra, tổng hợp tỉ lệ hộ nghèo sẽ được cơ quan này cùng các địa phương, Tổng cục Thống kê thực hiện hằng năm.

“Sáu chính sách chung”

Cùng với kết quả điều tra hộ nghèo, Chính phủ đã có nghị quyết về định hướng giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2011-2020. Theo định hướng, giảm nghèo bền vững là một phần trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 nhằm cải thiện, từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

Ông Ngô Trường Thi cho biết định hướng giảm nghèo của Chính phủ sẽ tập trung vào đối tượng người nghèo, nhưng sẽ ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, khuyết tật, phụ nữ và trẻ em. Địa bàn tập trung sẽ là các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo…

Trao đổi với báo chí về chính sách mới của Chính phủ, đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đều tán thành, ủng hộ chủ trương của Chính phủ với giải pháp cụ thể là “sáu chính sách chung, ba chính sách đặc thù”. Sáu chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung là: hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý và hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hoá thông tin.

Đặc biệt sẽ có chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù để hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu tiên như: tăng cường đầu tư, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Hà Hùng – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc – cho rằng nghị quyết mới đã có những đột phá, rõ ràng và cụ thể hơn với cách tiếp cận và xử lý “đa chiều”, bền vững. “Việc xoá đói giảm nghèo không chỉ nằm ở vấn đề thu nhập mà tới đây nếu người dân có mức thu nhập vượt chuẩn nghèo nhưng hạ tầng cơ sở, giáo dục, dịch vụ xã hội ở địa bàn đó vẫn chưa vượt chuẩn thì người dân, hộ dân đó vẫn chưa thể gọi là hết nghèo” – ông Hà Hùng giải thích.

Đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN cho rằng điểm đột phá trong định hướng giảm nghèo của VN là tập trung tối đa cho các huyện nghèo, vùng miền núi, biên giới. Định hướng đã chuyển từ các chương trình riêng lẻ, chắp vá sang một hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính thường xuyên và toàn diện hơn. Đặc biệt, định hướng của Chính phủ đã thống nhất một chương trình giảm nghèo hài hoà, toàn diện.

 

* Ông Đặng Như Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Chuẩn nghèo phải được điều chỉnh hằng năm

Chuẩn nghèo phải lấy cái gốc, đảm bảo mức sống thực tế của người nghèo gồm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu mà ít nhất người nghèo phải có. Còn toàn bộ các mức sống thực tế mà biểu hiện bằng tiền để tính ra mức chuẩn thì đó chỉ là chuẩn trên danh nghĩa.

Không thể dùng cái chuẩn là danh nghĩa (tính ra bằng tiền) tại một thời điểm để quy định cho cả giai đoạn, mà không tính đến yếu tố trượt giá thì cái chuẩn nghèo đó không phản ánh thực chất của giảm nghèo. Bởi cái đó chỉ đảm bảo về danh nghĩa, vì mức sống thực tế của người nghèo không đảm bảo. Chuẩn nghèo phải đảm bảo như tiền lương tối thiểu cần phải điều chỉnh hằng năm khi trượt giá tăng, khi mức sống thực tế của người nghèo không được đảm bảo.

Nếu chuẩn nghèo được tính vào đúng thời điểm khi bùng nổ giá mà chưa tính yếu tố trượt giá thì không đảm bảo tính thực tế. Vì thế, chuẩn nghèo phải được điều chỉnh hằng năm theo chỉ số giá tăng lên.Đ.Bình

* PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển):

Số hộ nghèo chỉ mang tính ước lệ

Thật khó để có thể bình luận về số lượng hộ nghèo và cận nghèo vừa được công bố theo chuẩn mới, vì con số đó chỉ mang tính ước lệ. Việc quy định chuẩn nghèo phụ thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn như khả năng của Chính phủ và cộng đồng trong việc giúp đỡ những người nghèo, phụ thuộc vào mức sống trung bình của dân cư ở các khu vực khác nhau…

Trên thực tế, phạm vi và đối tượng nghèo rất khác nếu chúng ta nhìn vào gói hàng hoá hằng ngày và nhìn ở các khu vực khác nhau. Chẳng hạn ở Hà Nội, nếu thu nhập 500.000 đồng/tháng thì cuộc sống quả là quá khó khăn, nhưng ở miền núi, vùng sâu thì thậm chí mức thu nhập 400.000 đồng/tháng lại là niềm mơ ước của nhiều người.

Hoặc mức sống thực tế giữa một người có thu nhập 500.000 đồng nhưng đã có nhà cửa và một công nhân 1,2 triệu đồng nhưng phải thuê nhà thì chưa chắc ai khổ hơn ai. Tôi muốn đề cập đến hàng chục vạn công nhân từ nông thôn ra thành thị làm việc trong các khu công nghiệp, với mức thu nhập 1,2-1,5 triệu đồng/tháng khó có thể nói là họ không nghèo.

L.K. ghi