Toạ đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương và sự sống”

Kết thúc Hội nghị lần I năm 2011, ngày 1-5-2011 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố Thư Chung gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”.

Toạ đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương và sự sống”

WGPSG – Kết thúc Hội nghị lần I năm 2011, ngày 1-5-2011 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố Thư Chung gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Nhằm thúc đẩy suy tư và trao đổi kinh nghiệm mục vụ theo định hướng này, Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM tổ chức buổi toạ đàm tại Trung tâm Mục vụ TGP.TP.HCM vào thứ tư 18-5-2011.

Tham dự toạ đàm có Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Phó Tổng Thư ký HĐGMVN và một số linh mục, tu sĩ đã hoặc đang làm công tác mục vụ giới trẻ.

Buổi toạ đàm khai mạc lúc 8g30; sau khi giới thiệu thành phần tham dự, ĐGM Phêrô trình bày ngắn gọn về Thư Chung 2011 đã được công bố vào ngày 1-5, ngày phong chân phước cho ĐTC Gioan Phaolô II, đấng đã tích cực cổ vũ việc xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống (nền VMTTSS). Với tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, Thư Chung 2011 có 4 chương:

– Chương I: Bồi đắp nền VMTTSS trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

– Chương II: Nền VMTTSS được đón nhận cách mầu nhiệm từ Thiên Chúa.

– Chương III: Bồi đắp nền VMTTSS khởi đi từ sự hiệp thông trong Giáo Hội, chìa khoá của sứ vụ.

– Chương IV: Sứ vụ bồi đắp nền VMTTSS trong một xã hội có nhiều dấu hiệu của Văn hoá sự chết.

Câu hỏi mục vụ được đặt ra để trao đổi là:

(1) Đâu là những lực cản đối với giới trẻ trong việc sống nền văn minh tình thương và sự sống?

(2) Làm thế nào để người trẻ trở thành tác nhân xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống?

Sau phần tóm tắt Thư Chung 2011 và gợi ý trao đổi của ĐGM Phêrô, các đại biểu đã đóng góp ý kiến rất tích cực và phong phú.

Từng dấn thân rất nhiều vào sinh hoạt mục vụ tại Lưu xá Sinh viên Hoà Hưng, Nữ tu Vũ Minh Phương (FMA) đã chia sẻ rất sống động về câu hỏi thứ nhất: người trẻ hôm nay gặp nhiều lực cản từ:

– Sự lơ là của gia đình trong việc giáo dục đức tin và nhân bản.

– Sự sai lầm của hệ thống giáo dục học đường, chỉ chú trọng đến khoa học kỹ thuật chính trị mà quên giáo dục nhân bản.

– Lối sống tranh giành, chụp giật.

– Phim ảnh bạo lực khiến người trẻ trở nên hung bạo.

– Không có niềm tin vào người khác.

– Sự thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, không quan tâm đến nhân phẩm, nhân quyền.

– Chủ nghĩa duy vật, cá nhân, hưởng thụ.

– Mất cảm thức về tội lỗi.

– Quảng cáo vô trách nhiệm làm người trẻ lệch lạc về hệ thống giá trị.

– Không ý thức về giá trị của môi trường và thiên nhiên.

– Thiếu niềm vui chân thực. Chạy theo niềm vui chóng qua và tình yêu vật chất.

– Thiếu trách nhiệm đối với bản thân, dẫn đến vô trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Sr. Liên (FMA) bổ túc thêm: Người trẻ hôm nay thiếu hiểu biết về lịch sử, thiếu lòng biết ơn, nên cũng không biết cho đi để diễn tả tình thương.

Với kinh nghiệm mục vụ lâu năm với giới trẻ di dân, Cha Nguyễn Minh Thiệu nêu lên 6 lực cản đối với giới trẻ hôm nay:

– Không hiểu biết về giá trị cao cả của sự sống và tình thương, nên không quý và không sống.

– Không được giáo dục để quý trọng sự sống, và môi trường sống của người trẻ hôm nay cũng không tôn trọng sự sống.

– Hấp lực và mãnh lực của văn hoá sự chết.

– Lối sống đề cao tự do cá nhân và hưởng thụ tức thời.

– Mất niềm tin vào cuộc sống và không có lý tưởng sống.

– Xa lạ với Giáo Hội vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Từ những nhận định trên, cha Thiệu đề nghị:

– Tái truyền giảng Tin Mừng về Tình Thương và Sự Sống.

– Giáo Hội địa phương phải trở thành môi trường chan chứa Tình Thương và Sự Sống.

– Mục vụ Giới trẻ cần làm nổi bật “Tình yêu mục tử”: đi tìm, gặp gỡ, thông chia, can đảm bảo vệ giới trẻ…

– Mục vụ Giới trẻ phải là điểm tựa và điểm hẹn của giới trẻ để họ tăng trưởng sự sống và tình thương, đồng thời trở thành cộng tác viên đắc lực…

– Mục vụ Giới trẻ phải mang tính dự phòng, thống nhất, bền vững, năng động và toàn diện.

– Giáo lý cho giời trẻ phải được truyền đạt phù hợp, sống động, thực tiễn…

– Tin Mừng hoá mọi hoạt động của giới trẻ.

Từ kinh nghiệm mục vụ tại lưu xá và học viện La San Mai Thôn, sư huynh Lê Văn Phượng cho rằng giới trẻ hôm nay là nạn nhân của xã hội:

– Cha mẹ của các em, do sống vào buổi giao thời, không được huấn luyện đầy đủ để có đủ khả năng giáo dục. Xã hội hôm nay lại không cho tôn giáo tham gia môi trường giáo dục.

– Giới trẻ bị giằng co giữa 2 lối sống khác nhau: một do tôn giáo đề nghị và một do xã hội vạch ra.

– Giáo lý được trình bày bởi các giáo lý viên “rất nghiệp dư”, khiến kiến thức tôn giáo của giới trẻ khập khễnh, nửa vời.

Sư huynh Phượng đề nghị:

– Tập trung vào giáo dục nhân bản.

– Giáo lý nên triển khai từ những đề tài cụ thể và thực tiễn.

– Tổ chức sinh hoạt Phụng vụ thích hợp.

– Mục vụ Đồng hành cần trang bị khả năng tư vấn hữu hiệu.

Sr. Thuỷ (SPC) của Lưu xá Sinh viên Saint Paul nhận định: giáo dục ngày nay xuống cấp, người trẻ không biết phương pháp làm bài và viết bài. Vì thế, người làm mục vụ phải có khả năng giúp giới trẻ vượt qua những khó khăn này. ĐGM Phêrô nhận định thêm: khó khăn này cũng có thể thấy được ngay cả nơi các chủng sinh và tu sĩ trẻ. Tại Trung tâm mục vụ TGP.TP.HCM có mở thêm các khoá Triết học để giúp học viên đào sâu khả năng suy tư, nhận định, phê phán…

Là người đã từng dấn thân cho giới trẻ và giáo lý, Cha Nguyễn Văn Hiền nhận xét:

– Quan tâm chính của giới trẻ trên toàn thế giới hôm nay là việc lập gia đình và nghề nghiệp. Trọng tâm của họ nằm ngoài xã hội chứ không phải trong Giáo Hội. Giáo Hội đừng quá ưu tư kéo họ về với Giáo Hội mà phải giúp đỡ giới trẻ trong những mối quan tâm trên của họ. Và họ sẽ đến với Giáo Hội để tìm sự giúp đỡ này.

– Do khoa học kỹ thuật và phương tiện truyền thông phát triển quá nhanh, tạo ra quá nhiều luồng văn hoá, người trẻ không biết đâu là giá trị thật. Họ cũng không kiên nhẫn được, không kịp chịu trách nhiệm về những gì mình làm, vì xã hội thay đổi quá nhanh. Họ đòi hỏi Giáo Hội cũng phải thức thời.

– Cách mạng về sinh học và phái tính khiến người trẻ luôn đối diện với cái chết và tìm mọi cách để sinh tồn.

Cha đang nhắm đào tạo những giáo lý viên, tuy thiện nguyện, nhưng không nghiệp dư. Giáo lý thiếu niên đang được nghiên cứu soạn thảo với những đề tài thực tiễn, đi vào cuộc sống của các em.

Cha Kiên (Dòng Tên) muốn đi vào gốc rễ của vấn đề là phải giúp giới trẻ tiếp xúc được với Thiên Chúa là nguồn của tình thương và sự sống. Họ phải gặp được Chúa trong mọi sinh hoạt. Giáo lý viên phải là những người thực sự gặp Chúa và chia sẻ lại cho học viên. Đồng thời, những “Phút Hồi Tâm” là hết sức quan trọng. Nhân ý kiến này, ĐGM Phêrô chia sẻ thêm băn khoăn của ngài về những tổ chức mục vụ giúp giới trẻ tĩnh tâm, mà lại quá ồn ào và thiếu những phút tĩnh lặng.

Về phần mình, ông Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh đến việc đào tạo những nhân sự nòng cốt, ví dụ huấn luyện cho thật tốt các giáo viên Công giáo đang giảng dạy tại các trường học.

Cha Vũ Đức Trung (Dòng Đa Minh) thì quan tâm đến yếu tố “nhân hoà”, một hệ thống kế hoạch dài hạn thống nhất toàn quốc, và sự phối hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Là Trưởng ban Mục vụ Di dân Sài Gòn, Cha Phạm Trung Dong nhận thấy người trẻ hôm nay không biết tôn trọng sự sống ngay từ khi còn rất bé. Quá nhiều vụ phá thai. Có khi phá thai từ lúc còn rất trẻ. Để cải thiện, Mục vụ Di dân có gửi những người trẻ đến các nhà trọ của di dân để thăm viếng, nâng đỡ, chia sẻ Lời Chúa… Nhiều giáo xứ có những sinh hoạt mục vụ nâng đỡ giới trẻ di dân…

Đại diện Bản tin Hiệp Thông, ông Nguyễn Nghị nhận xét:

– Con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, có quá nhiều việc làm, mà quỹ thời gian lại quá ít. Mới học mẫu giáo mà đã phải học hành căng thẳng rồi.

– Khủng hoảng về nhân bản (nhân cách) ở khắp nơi.

– Có nhiều giới ngoài Công giáo cũng ưu tư về những vấn đề này. Nên cũng cần kết hợp với họ.

Sinh hoạt trong lĩnh vực mục vụ truyền thông, Cha Giuse Vũ Hữu Hiền nhận định về người trẻ trong môi trường bùng nổ truyền thông hôm nay. Sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng và hiện đại chính là hơi thở của họ. Vì sử dụng không đúng cách, vô số người trẻ đã ra hư hỏng, phá hoại tình thương và sự sống. Vì thế, trong giáo lý, cũng như trong sinh hoạt của các cộng đồng và đoàn thể, cần phải có chương trình huấn luyện giới trẻ biết cách sử dụng những phương tiện truyền thông cách trưởng thành, để việc truyền thông giúp họ nên hoàn thiện, chứ không phải khiến họ ra suy đồi. Trong tay họ, điện thoại, vi tính, Internet, TV, radio, iphone, iPod, iPad… phải trở nên những dụng cụ thánh, giúp họ nên thánh, nên hoàn thiện. Cần giúp họ có phản xạ nhạy bén, biết phán đoán mọi nội dung truyền thông theo tiêu chuẩn Tin Mừng.

Buổi toạ đàm hôm nay nhắm tới giới trẻ, nên tới phần mình, Cha Lê Quang Việt, đặc trách Giới trẻ, đã bày tỏ niềm hân hoan đón nhận mọi kinh nghiệm và chia sẻ quý báu. Ban Mục vụ Giới trẻ đã nỗ lực rất nhiều với nhiều sinh hoạt và sáng kiến. Những khó khăn thách đố cũng rất mênh mông. Hy vọng giới trẻ sẽ thăng tiến nhiều hơn nhờ những đóng góp như thế này.

Cuối cùng, ĐGM Phêrô tạm đúc kết:

– Việc giáo dục cho giới trẻ về nhân bản, đức tin, linh đạo, và cả trí thức nữa, là hết sức cần thiết để có thể bồi đắp nền VMTTSS nơi giới trẻ.

– Công việc giáo dục này gắn liền với học đường, và tổ chức đào tạo giáo lý viên.

– Cần đào tạo nhân sự (giáo lý viên, linh hoạt viên, giáo viên, linh mục…) “đến nơi đến chốn”.

– Trong công tác mục vụ, cần nhấn mạnh việc đồng hành với giới trẻ.

– Cần liên kết với mọi người có quan tâm về VMTTSS, kể cả với người ngoài Công giáo.

– Mục vụ phát xuất từ những con người làm mục vụ. Họ cần phải luôn nỗ lực hoàn thiện chính bản thân của mình.

Buổi toạ đàm kết thúc vào lúc 11g45 cùng ngày.