Nỗi lo đất nứt

Hiện tượng nứt đất ở Di Linh bắt đầu vào cuối tháng 4-2011 trên phạm vi khoảng 15ha

 Nỗi lo đất nứt

Đã hơn một tuần trôi qua nhưng hiện tượng đất nứt ở cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) vẫn chưa được các cơ quan chức năng lý giải về nguyên nhân. Trong khi đó, người dân tại đây vẫn tiếp tục sống trong lo sợ khi các vết nứt ngày càng lan rộng.

Hơn một tuần kể từ khi sự kiện lún nứt đất kỳ lạ xảy ra ở cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng), nhiều người dân đang hối hả kéo nhau rời khỏi ngôi nhà mình vì tai ương “từ dưới đất chui lên” này.

Tại khu I, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), những ngày này dễ dàng chứng kiến cảnh cư dân dáo dác, hoang mang, mỗi ngày một lo sợ hơn, từ già lẫn trẻ, trai tráng lẫn phụ nữ. Biểu hiện phập phồng, lo lắng trước hiện tượng bất thường của tự nhiên hiện lên nét mặt của từng người dân đang sống trong khu vực địa chất bị tai biến dị thường.

 

Bà Bùi Thị Thê âu lo với dải đất nứt bên hè nhà – Ảnh: N.H.T.

Tìm nơi tị nạn

Bà Nguyễn Thị Huệ, một người dân địa phương, cùng người con gái đã đi lấy chồng vừa phải chạy về cùng giúp dọn mảnh vườn ngoài xa để cất một chiếc lều, bởi căn nhà cấp 4 đang ở bỗng nứt nguy cấp đến độ buộc phải đập luôn cho đổ để an toàn cho người trong nhà. Cạnh đó, bà cụ Bùi Thị Thê, 78 tuổi, đã chuyển đồ đạc nhà mình sang nhà con trai Võ Minh nơi khác để ở, vì ngần ấy tuổi ở đây bà chưa chứng kiến đất bỗng dưng “ngọ nguậy” thế bao giờ. Anh Lê Khả Trường đang cùng vợ đi làm rẫy mà bần thần đi tới đi lui quanh ngôi nhà bên trong đầy nứt nẻ, còn phía ngoài thì cổng rào trước nhà xiêu lệch, nghiêng ngửa dần. Anh Trường nhìn lại căn nhà lần cuối trước khi chuyển đồ đạc đi nơi khác trú ngụ.

Riêng ông Huỳnh Ngon huy động toàn bộ vợ con di tản, dọn tất cả đồ đạc đến nhà “ông sui” (cha chồng của con gái) ở một xã cách xa khác để tá túc nhờ. Hai ngày trước đó, ông Ngon cũng đã tự đi thuê một khu nhà trọ trên chợ tại thị trấn Di Linh để “di tản” những người đang thuê ở dãy nhà trọ phía sau nhà ông mới cất vài tháng trước. “Nhà trọ cũng bị sụt nứt như nhà chính nhưng họ ở với mình mấy tháng rồi, gặp lúc này không thể bỏ họ được” – ông nói.

Kế nhà ông Ngon, nhà vợ chồng nhà giáo Vân và Vũ lại cố bám ở trong căn nhà mỗi ngày một nứt rộng hơn, vì chưa tìm ra nơi để “chạy… đất nứt”, và cũng bởi một nỗi niềm khác là nhà mới cất được một năm, hiện tiền lương hai vợ chồng hằng tháng vẫn đang bị cấn trừ để trả nợ vay xây nhà. Còn nhà giáo Mai Duy Khiêm, công tác tại Phòng giáo dục huyện Di Linh, phải lo di tản nơi ở cho người mẹ già 90 tuổi cùng đứa con thơ. Thầy Khiêm nói: “Tôi sẽ mang đồ đạc lên chất nhờ trong nhà kho của Hợp tác xã Tây Di Linh. Còn người thì chưa biết phải đi đâu đây”. Thầy Khiêm nói mỗi sáng ra nhìn thấy căn nhà xê dịch 1-2cm mà hoảng, căng thẳng lắm rồi; người điềm tĩnh cỡ nào cũng ăn không ngon ngủ không yên, và từ sự sốt ruột đó khiến hôm nay anh quyết định tự cứu mình: di tản khỏi căn nhà.

 

Một người dân ở thị trấn Di Linh đã tự đập bỏ nhà trước khi nhà đổ sập vì cả móng lẫn tường đều nứt toác do đất nứt – Ảnh: N.H.T.

Hoang mang

Một cư dân của khu vực địa chất tai biến, ông Võ Dũng, mang cây sào dài 4m ra vườn cà phê sát nhà đâm lút xuống theo dải đất nứt tự nhiên xé ra cho nhiều người từ xa đến xem. Rồi ông ngẩng đầu lên, lắc đầu cho hay cứ hai ngày cây sào này phải nối thêm một thước, và đâm xuống cũng lút mất hút…

Khi liên lạc với UBND huyện Di Linh, lãnh đạo huyện cho biết đang xem xét, theo dõi khu vực đất sụt nứt; nhưng cho rằng hiện tượng trên không phải “động đất và không thật sự quá nguy hiểm”. Tuy nhiên ông Nguyễn Canh, chủ tịch UBND huyện, nói: “Phải cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học mới khẳng định được…”.

Vết nứt ngày mỗi kéo dài

Hiện tượng nứt đất ở Di Linh bắt đầu vào cuối tháng 4-2011 trên phạm vi khoảng 15ha. Ban đầu chỉ là những vết nứt nhỏ, sau đó rộng dần đến 15-20cm, chiều sâu hơn 2m và dài từ hàng chục mét đã lên đến gần 500m.

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng nứt đất đe doạ đời sống người dân xảy ra tại Lâm Đồng. Trước đó, trong những năm từ 2002-2005, tại khu vực núi Voi thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (gần đèo Prenn, Đà Lạt) từng xảy ra hiện tượng nứt đất và kéo dài trong nhiều năm. Tại các điểm trên, sau khi phân tích, Liên đoàn Địa chất công trình miền Trung (Cục Địa chất và khoáng sản VN) đưa ra kết luận là do việc khai thác nước ngầm quá mức (trên 10 giếng/ha).

Những người dân trong khu vực sụt lún đất chỉ cho chúng tôi xem những dải sụt nứt xuyên từ vườn này sang vườn kia, nhà này tiếp nối nhà nọ, sụt trũng ra cả đường nhựa Hai Bà Trưng lẫn đường Nguyễn Văn Trỗi, mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Nghĩa là danh sách những nhà dân “lâm nạn” mỗi ngày một dài thêm.

Như bao người dân khác, ông Võ Dũng than thở: “Không biết cái gì đang diễn ra vậy! Dân trong vùng người thì bảo do chính cái giếng khoan nước ngầm hoạt động từ 21 năm qua đặt ngay trong làng, với lượng nước hút 500m3 mỗi ngày đêm, và đến hôm nay đã làm xé rỗng mạch nước bên dưới. Người khác lại bảo chính hoạt động khai thác than bùn (để làm phân vi sinh) ào ạt và kéo dài ở hồ Da Lukia cạnh đấy đã gây ra sụt lòng đất”.

Ông Huỳnh Văn Chín, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Lâm Đồng, cho biết ông đã đến thực địa, nhưng khẳng định nó “là cái gì” thì hãy để cho các cơ quan khoa học địa chất kết luận. “Tôi nghĩ các cơ quan nghiên cứu sẽ tìm đến Di Linh để nghiên cứu khi hay tin về hiện trạng địa lý trên, vì những chuyện như thế luôn nằm trong sự quan tâm sâu sát của họ” – ông Chín nói.

TS Lê Ngọc Thanh – viện trưởng Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM thuộc Viện Khoa học và công nghệ VN, một chuyên gia đã nhiều năm nghiên cứu về các hiện tượng nứt đất, trượt lở đất trên địa bàn Lâm Đồng – nhìn nhận thông thường có hai nguyên nhân gây ra nứt đất, gồm nguyên nhân nội sinh: khu vực nứt đất nằm trong vùng ảnh hưởng của đứt gãy địa chất, và nguyên nhân ngoại sinh: do các hoạt động nhân sinh. Nguyên nhân ngoại sinh là tác nhân kích thích nứt đất trên cơ sở nguyên nhân nội sinh tiềm tàng như điều kiện địa chất, địa chất thủy văn… tại chỗ. Ở Lâm Đồng, qua nghiên cứu và khảo sát chi tiết, hiện tượng đứt gãy từng xảy ra ở khu vực Hiệp An (huyện Đức Trọng) cho thấy nguyên nhân là do khu vực này nằm trong đới ảnh hưởng của đứt gãy Da Tam, trên nền đất bazan, kết hợp với việc người dân sử dụng nước ngầm nhiều thời gian trước đó. Ở khu vực thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), khu vực nứt đất nằm trong đới ảnh hưởng của đứt gãy Bảo Lâm – Tân Hiệp, cũng trên nền đất bazan. Cùng đó, số liệu khí tượng cho thấy trong hai năm 2009-2010, ở địa bàn này mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm hơn.

Chiều 8-5, TS Lê Ngọc Thanh đưa ra vài “giải mã” của ông sau khi ông cấp tốc có cuộc điều nghiên vào chiều 7-5 tại Di Linh. Theo ông Thanh, dù nơi xảy ra nằm trên đứt gãy Bảo Lâm – Tân Hiệp, nhưng có thể hoặc cũng chưa chắc hiện tượng xảy ra do chính đứt gãy gây ra. Khảo sát cho thấy địa bàn nứt sụt tạo thành một vòng cung trượt, vòng cung này đi qua một đường tụ thủy khi ở một địa hình thấp, đất dốc. Xe cộ nặng chạy trên đường với lưu lượng lớn ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Hai Bà Trưng (thị trấn Di Linh) cùng với nhà cửa xây dựng cũng tạo ra “khối nặng” mà một khu vực đất dốc phải gồng đỡ cũng là tác nhân. Tuy nhiên, đặc biệt phải đặt ra khả năng nữa là với hiện trạng hút bùn (than bùn) lớn đang diễn ra ở vùng hồ vốn là lũng sâu nhất của khu vực này. Tiếp đó là xem xét chi tiết hiện trạng khai thác nước ngầm đang diễn ra ngay tại nơi này có thể cũng là tác nhân chính…

TS Thanh nói những việc chính quyền địa phương cần làm ngay lúc này là di dời dân khỏi khu vực sụt nứt đất và giới hạn xe cộ qua lại khu vực trên. Và nên nhờ các cơ quan chuyên sâu làm tiếp căn cơ hơn những việc như: đo đạc địa vật lý, lập bản đồ địa chất trầm tích, khảo sát hiện trạng để tính toán, chạy mô hình địa chất… Khi “đọc” được tất cả mới khả dĩ đưa ra quyết định ứng xử cuối cùng với địa bàn đất nứt này, tương lai ra sao, và nhất là con người vẫn sống hay không nên sống ở đây.


Bùn phun trào ở Ninh Thuận là cát lồi

Sau ba tháng, tình trạng phun bùn ở huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận vẫn tiếp tục diễn ra. Có vài điểm phun trào trước đây lượng bùn đã giảm nhưng bùn lại tiếp tục nổi lên ở một số điểm mới.

GS.TS Đặng Hữu Diệp – Tổng hội Địa chất Việt Nam – cho biết những điểm có bùn phun trào nằm trong khu vực có liên quan đến hoạt động nhiệt độ ở sâu trong lòng đất. Trên bản đồ địa chất, đây là khu vực có rất nhiều soda tự nhiên, khoáng sét bentonite và nước khoáng, những vật liệu này có các vi lượng tương tự nhau, có liên quan đến natri và được hình thành từ hoạt động của núi lửa cổ.

Bùn nhão phun trào ở Ninh Thuận chính là soda (natri cacbonat) tự nhiên. Do có natri trong thành phần nên bùn nhão này nở rất mạnh. Dưới hoạt động nhiệt độ trong lòng đất, bùn nhão bị đẩy lên mặt đất thành hiện tượng phun trào. Theo các tài liệu của người Pháp để lại, soda tự nhiên được dân địa phương gọi là cát lồi và từ những năm 1970 trở về trước, người dân Ninh Thuận đã khai thác cát lồi này mang vào Sài Gòn bán cho các cơ sở sản xuất xà phòng.

GS.TS Đặng Hữu Diệp khẳng định hiện tượng phun bùn này chỉ là hoạt động địa chất tự nhiên, chủ yếu là tình trạng cát lồi. Tình trạng này thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở Ninh Thuận và không liên quan đến động đất hay đứt gãy.

H.NHUNG