23/01/2025

BẢN GÓP Ý CỦA UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM TRONG ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM: Xin hãy nhìn vào thực tế của Giáo hội và xã hội Việt Nam

Con xin thay mặt cho Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam (UBBAXH-Caritas VN) trình bày một vài ý kiến đóng góp trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam vì chúng con hy vọng rằng Đại hội này và những nghi lễ trang trọng trong Năm Thánh là điểm khởi đầu cho một vận hội mới của Giáo hội Việt Nam (GHVN)…

BẢN GÓP Ý CỦA UBBAXH-CARITAS VIỆT NAM TRONG ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM:

Xin hãy nhìn vào thực tế của Giáo hội và xã hội Việt Nam

Kính thưa Đại hội,

Con xin thay mặt cho Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam (UBBAXH-Caritas VN) trình bày một vài ý kiến đóng góp trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam vì chúng con hy vọng rằng Đại hội này và những nghi lễ trang trọng trong Năm Thánh là điểm khởi đầu cho một vận hội mới của Giáo hội Việt Nam (GHVN) cũng như cho dân tộc Việt Nam hướng đến sự thăng hoa và phát triển toàn diện.

Để đạt được mục tiêu này, chúng con đề nghị một điểm cơ bản duy nhất: xin hãy nhìn Giáo Hội và dân tộc VN như những thực thể với tất cả những gì đang tồn tại, đang diễn ra trong tự nhiên và xã hội, có liên hệ đến đời sống con người. Rồi từ những nguyên tắc hướng dẫn trong Tài liệu Làm việc đối chiếu với những thực tại đó, các đại biểu tham dự Đại hội sẽ cùng suy nghĩ, bàn luận, tìm ra hướng đi cho GHVN trong giai đoạn mới. Đức Giêsu đã nhắc nhở: “Sự thật sẽ giải phóng chúng ta” (x. Ga 8,32). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã viết cả một thông điệp về vấn đề này: Bác ái phải dựa vào sự thật (x. Thông điệp Caritas in Veritate, ngày 30-9-2009).

Kèm theo Bản Góp ý này, chúng con cũng xin gửi đến Đại hội Dân Chúa tập tài liệu “Tình bác ái Đức Kitô thúc đẩy chúng ta” với những số liệu cụ thể để minh hoạ cho Bản Góp ý.

Trong phạm vi bài này, chúng con xin góp ý về mấy điểm chính sau đây:

  1. Nhận định tóm lược về Tài liệu Làm việc của Đại hội Dân Chúa Việt Nam.
  2. Con người Việt Nam với cấu trúc tâm lý xã hội và bản sắc văn hoá.
  3. Giáo hội Việt Nam như là một cộng đồng Dân Chúa cần sự hiệp thông.
  4. Dân tộc VN như đối tượng và môi trường cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng.
  5. Một vài đề nghị cụ thể cho vận hội mới của Giáo Hội và đất nước Việt Nam.

1. NHẬN ĐỊNH TÓM LƯỢC VỀ TÀI LIỆU LÀM VIỆC CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM

1.1. Tài liệu giá trị

Tài liệu Làm việc (TLLV) của Đại hội Dân Chúa đã trình bày rất tốt phần nền tảng thần học về Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam như mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

Đi sâu vào từng phần nhỏ trong từng chương chúng ta thấy tài liệu đã giới thiệu những nguyên tắc thần học căn bản để giúp cộng đồng Dân Chúa hiểu rõ hơn về từng khía cạnh trong mỗi phần trình bày. Đây là một công trình đáng khen ngợi, tốn nhiều tâm huyết và công sức.

Phần II trình bày về hướng đi mục vụ đã nêu lên những nét chính yếu trong hoạt động của Giáo Hội như củng cố sự hiệp thông với Thiên Chúa, phát huy sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội, đào tạo nhân sự, hội nhập văn hoá, loan báo Tin Mừng, thực thi công bằng – bác ái.

Muốn xác định rõ ràng và đầy đủ hơn hướng đi mục vụ cho các thành phần Dân Chúa, chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu thực chất của GHVN và cả dân tộc VN, vì GHVN là cộng đồng gồm những con người với bản sắc văn hoá rõ rệt và cụ thể chứ không phải chỉ đưa ra những nguyên tắc thần học. Hơn nữa, tập tài liệu tuy đã nhắc đến nhưng chưa nêu lên rõ ràng một vài nguyên tắc mới mẻ do chính ĐTC, các Bộ và Hội đồng Giáo hoàng đưa ra để canh tân GH trong thời gian gần đây. Vì thế, chúng con xin thêm vào cho đầy đủ phần này.

1.2. Nguyên tắc đầu tiên: Thiên Chúa Tình Yêu là điểm hội tụ cho mọi hoạt động của GH.

TLLV cũng đã trích dẫn nhiều lần các thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Bác ái) của ĐTC Bênêđictô XVI nhưng chưa làm nổi bật được nguyên lý thần học nền tảng mà ĐTC Bênêđictô mời gọi xây dựng mọi suy tư và hoạt động của GH trên đó. Người cha chung đầy kinh nghiệm và suy tư đã chiến đấu không biết mệt mỏi để bảo vệ giáo lý đức tin trong suốt 30 năm ở Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, qua ơn linh hứng của Thiên Chúa cũng như từ kinh nghiệm của 2 nhân vật sống động cùng thời là ĐTC Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta, đã nghiệm ra rằng Thiên Chúa là Caritas, là bác ái, là tình yêu rộng mở. Thay vì viết nên những luận đề thần học cao siêu, đầy lý luận, ngài tập trung cho Thiên Chúa Tình yêu với thông điệp đầu tiên: Deus Caritas est (Thiên Chúa là Bác ái-2005), Tông huấn Caritatis Sacramentum (Bí tích Bác ái-2007) và mới đây là Thông điệp Caritas in Veritate (Bái ái trong Chân lý-2009).

Tình bác ái này là bản chất của chính Thiên Chúa như Thánh Gioan đã định nghĩa (1Ga 4,16) và Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, là tình bác ái cụ thể, là quà tặng tình yêu cao quý nhất được ban cho muôn loài. Vì thế, hoạt động bác ái xã hội bây giờ không còn chỉ tập trung vào những dự án đem lại một cái gì vật chất hay tinh thần cho người nghèo mà là toàn bộ hành động diễn tả tình yêu rộng lớn cho muôn loài, muôn vật, nhất là đem Chúa Giêsu Kitô cho tất cả những ai chưa biết Người, chưa có Người để được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc, sự sống, sự thật, sự thiện hảo, đẹp đẽ của Thiên Chúa.

Vì thế, nền tảng của đời sống đạo đức cũng như nội dung truyền giáo từ nay cần phải hiểu là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm Người; Người chính là Tin Mừng (TLLV, số 24) chứ không phải đặt nền tảng trên Lời Chúa (hiểu như là các bản văn Thánh Kinh) và các bí tích. Điều này Hiến chế Dei Verbum của CĐ. Vaticanô II đã nhắc nhở và đặc biệt Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (19-5-2002) của Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ đã xác định để tránh tình trạng phân hoá về đời sống đạo đức, tìm về với các thánh tổ phụ lập dòng của các tu sĩ. Hơn nữa, chính Đức Giêsu Kitô là Sự thật và Sự sống đang nói trong các tôn giáo khác, các nền văn hoá, trong vũ trụ vạn vật, trong lương tâm con người (x. Dei Verbum) nên dù không theo Công giáo, không nhận bí tích, không biết Lời Chúa họ vẫn thật sự đạo đức và có khi đạo đức hơn chúng ta (x. Mt 7,21).

1.3. Nguyên tắc mới thứ hai: Bản chất của Giáo hội Công giáo

TLLV đã trình bày nguyên tắc mới về bản chất Giáo Hội dưới ba khía cạnh: “Mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ” mà ĐTC Bênêđictô XVI xác định trong tông huấn đầu tiên của ngài, dù cách trình bày của TLLV hơi tản mác, khiến người tín hữu giáo dân khó nắm bắt. Bản chất của Giáo hội Công giáo (GHCG) và cũng là của mỗi Kitô hữu gồm 3 yếu tố liên kết mật thiết với nhau: đó là đời sống phụng tự, hoạt động bác ái xã hội và hoạt động loan báo Tin Mừng (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Deus Caritas est, số 20,25,32).

Ba hoạt động này lấy Thiên Chúa Tình yêu làm điểm nòng cốt để hội tụ: người tín hữu gắn bó với Thiên Chúa Tình yêu qua đời sống cầu nguyện, tham dự các bí tích để nhận được tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa rồi diễn tả tình bác ái thành những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm xưa, nhờ đó người khác, vật khác nhận ra được Đức Giêsu và đón nhận Tin Mừng cứu độ.

Điểm mới mẻ này nhắc nhở Giáo hội toàn cầu trong nhiều thế kỷ đã quá phân chia 3 lĩnh vực phụng tự, bác ái, truyền giáo biệt lập với nhau và quá tập trung cho đời sống phụng tự đến nỗi truyền giáo không kết quả và bác ái chỉ còn là hình thức hoạt động từ thiện xã hội chứ không còn là việc chia sẻ Thiên Chúa cho con người. Việc chia cắt này còn đưa tới sự phân hoá trong chính nội bộ Giáo Hội do những dòng tu lo những phần việc khác nhau mà không kết hợp với nhau, cũng như các vị linh mục không dám dấn thân vào lĩnh vực bác ái xã hội vì sợ nguy hại đến đời sống thiêng liêng và giáo dân cảm thấy đời sống phụng vụ tẻ nhạt đến nỗi không còn muốn đi dự lễ như đang xảy ra tại nhiều nước đã từng theo Kitô giáo.

1.4. Nguyên tắc mới để xây dựng Giáo hội Chúa Kitô: Bác ái trong sự thật

Chương III của TLLV trình bày GHVN và sứ mạng loan báo Tin Mừng cũng như cả phần II trình bày “Hướng đi mục vụ” của GHVN là một bản nghiên cứu công phu của Ban Soạn thảo Văn kiện Đại hội với những chỉ dẫn có tính nguyên tắc rất đúng đắn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, TLLV nên quan tâm đến một nguyên tắc mới mẻ được ĐTC Bênêđictô XVI trình bày trong thông điệp mới đây của ngài (29-6-2009): Bác ái trong sự thật. GHCG với các nhà thần học trong nhiều thế kỷ đã tốn quá nhiều giờ cho các hội nghị, khoá họp để học hỏi, nghiên cứu hay tranh cãi về các điểm giáo lý, tín điều. Họ quên GH là một thực thể gồm những con người vừa tốt đẹp, vừa yếu đuối và nhân loại, thế giới cũng là những thực thể với thực tại vô cùng phong phú cần được nghiên cứu sâu xa trước khi áp dụng các nguyên tắc thần học.

Muốn xây dựng một nền nhân bản toàn diện cho con người trong thế giới hôm nay như cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2005, giới thiệu, chúng ta cần phải thể hiện tình bác ái dựa trên sự thật về con người, về xã hội, thế giới, vũ trụ cũng như dựa trên sự thật về các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, y tế, giáo dục, văn hoá, nông nghiệp, công nghiệp và môi trường…

Cách đây 2 năm, để chuẩn bị cho Đại hội Dân Chúa Việt Nam này, các uỷ ban của HĐGMVN đã được yêu cầu nghiên cứu và trình bày về lĩnh vực hoạt động của mình trong 50 năm qua và những định hướng cho tương lai. Một vài uỷ ban đã thực hiện tốt để góp phần cho bản TLLV này. Tuy nhiên, phải nói rằng nhiều sự thật đã không được biết đến hoặc không dám nói ra vì chủ trương “dĩ hoà vi quý” và lời khuyên “đừng vạch áo cho người xem lưng” để người khác không có cớ phản bác GH, cả GH toàn cầu cũng như GHVN.

ĐTC Bênêđictô XVI sau những năm suy nghĩ, ngài đã mạnh dạn phá tan thái độ ngại ngùng, nhát đảm ấy qua những hành xử mới đây để mời gọi GH đi vào “linh đạo bác ái” hay con đường tình yêu của Thiên Chúa. Con đường này dựa trên sự thật là chính Chúa Kitô và được Thần Khí Sự Thật soi sáng để dẫn GHVN cũng như GH toàn cầu hướng đến sự phát triển toàn diện và sự sống dồi dào.

Chính trong đường hướng mới mẻ đó tỷ lệ dân Công giáo bắt đầu tăng sau nhiều năm đi xuống: từ 18,2% năm 1960 đến 17,2% năm 2005. Nhưng dưới triều Đức Thánh Cha đương kim tỷ lệ dân số Công giáo so với dân số toàn cầu tăng từ 17,3% năm 2007 và 17,44% năm 2009 (x. Thống kê Dân số Toà Thánh Vaticanô năm 2008, 2010). Đây là dấu hiệu tốt đẹp chứng tỏ con đường đúng đắn của ngài.

Dựa trên những nguyên tắc thần học nền tảng mới mẻ trên, chúng con xin bổ sung một số điểm cần quan tâm trong TLLV của Đại hội Dân Chúa.

2. CON NGƯỜI VIỆT NAM VỚI CẤU TRÚC TÂM LÝ XÃ HỘI VÀ BẢN SẮC VĂN HOÁ

Chủ thể mọi hoạt động của GH tại VN là những con người VN. Chính họ cầu nguyện, tham dự các nghi lễ phụng vụ, rao giảng Tin Mừng, thể hiện hành vi bác ái cũng như buôn bán, học hành, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí và thực hiện mọi hoạt động trong xã hội như công dân của một đất nước.

Vì thế, trước khi bàn đến GHVN và dân tộc VN, chúng con nghĩ rằng nên nói sơ qua về cấu trúc tâm lý xã hội và bản sắc văn hoá của con người VN để từ đó tìm ra được nguyên nhân của những điểm tốt và những điểm xấu còn tồn tại trong cộng đồng (xem bài Cấu trúc Văn hoá Xã hội của người Việt Nam (x. số 142-149) và bài Hội nhập Văn hoá tại VN và truyền giáo, tại Đại hội Truyền giáo của TGP. TP.HCM, ngày 23-10-2010, số 70,72,73).

Tình trạng trì trệ, phân hoá, nghèo đói của GHVN và xã hội VN không phải chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân trực tiếp như chiến tranh, sự xung đột các ý thức hệ, tham nhũng, yếu kém về khoa học kỹ thuật… nhưng bắt nguồn sâu xa từ bản sắc của dân tộc Việt Nam. Chính Nhà Nước cũng ý thức điều này nên đã có những dự án lớn 5 năm và 2 Hội nghị Khoa học Xã hội để đổi mới con người Việt Nam (x. Giáo Hội Việt Nam và sứ mạng phục vu con người, số 92-95).

Bản sắc này dựa trên cấu trúc tâm lý xã hội của người Việt Nam hình thành từ bao thế hệ trong quá khứ, trải qua nhiều thời kỳ trong lịch sử. Chúng giống như những “tầng địa chất tâm lý” chồng lên nhau trong tâm hồn người Việt mà muốn “trồng người” cho sinh hoa thơm, trái ngọt, ta bó buộc phải cày xới, phải nhặt nhạnh sỏi đá để chuẩn bị thửa đất tốt trong tâm hồn.

Cấu trúc này gồm nhiều đức tính và tật xấu: chúng hình thành từ những nhận thức dẫn đến thái độ và hành động, hành động lặp đi lặp lại tạo thành thói quen, thói quen lâu dần thành cá tính của một con người. Nhiều người có cá tính giống nhau tạo nên bản sắc dân tộc. Những đức tính tốt như cần cù, chịu khó, tận trung, tận hiếu, có lòng hảo tâm và biết chia sẻ với người cùng khổ, thông minh, sáng tạo, khéo léo, ham học hỏi, xởi lởi, hiếu khách, có tinh thần hiền hoà và nhẫn nại. Tuy nhiên, người Việt cũng có nhiều tật xấu như: giả dối, tham lam, ăn cắp vặt, không tôn trọng của chung, làm việc hời hợt, nghi ngờ và sống khép kín, thiếu lý tưởng cao để đoàn kết và cộng tác chung với nhau. Các tật xấu này bắt nguồn từ những năm sống dưới ách nô lệ của bọn đế quốc – thực dân, nhất là dưới sự áp bức, xâm lăng của người Trung Hoa (-111 đến 938). Khi đó việc tuyên truyền chống lại kẻ thù, bất hợp tác với kẻ thù là thái độ yêu nước chính đáng, nhưng khi không còn kẻ thù thì chúng lại trở thành tật xấu cho người VN.

Những đức tính và tật xấu này tuỳ theo hoàn cảnh sống của từng người, việc giáo dục trong gia đình cũng như ngoài xã hội và sự tự đào luyện của bản thân mà tác động lên con người cũng như cộng đồng xã hội, ngay cả trong GHVN. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng mang tính cách văn hoá, nghĩa là đưa những giá trị tích cực của Tin Mừng kèm theo những kỹ năng thực hiện các giá trị đó để xây dựng bản sắc con người và dân tộc VN như cha ông tổ tiên chúng ta đã làm xưa.

3. GIÁO HỘI VIỆT NAM NHƯ LÀ MỘT CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA CẦN SỰ HIỆP THÔNG

Sau khi nhìn GHVN như một thực thể gồm những con người có cấu trúc tâm lý và bản sắc văn hoá như trên, chúng ta thử nhìn vào từng thành phần nhân sự cấu tạo nên GH như giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân cũng như những hoạt động của các uỷ ban thuộc HĐGM để khám phá ra tình trạng hiện thời trước khi hoạch định đường hướng hoạt động cho tương lai.

3.1. Tình trạng hiện nay

Xét về mặt hành chính, GHVN có 43 giám mục (26 chính, 4 phụ tá, 13 nghỉ hưu), 3.902 linh mục (3.057 triều, 855 dòng), 1.582 chủng sinh và 2.191 người dự bị, 2.108 tu sĩ nam, 14.651 tu sĩ nữ, 57.424 giáo lý viên (x. Bảng tổng kết của 26 giáo phận do Ban Thư ký HĐGM cung cấp trong dịp họp HĐGM tháng 10-2010 vừa qua. Tính đến ngày 31-12-2009).

Xét về mặt quản lý, có lẽ GHVN cũng như toàn cầu đặt trọng tâm vào mặt đạo đức, tinh thần nên việc quản lý con người, vật chất còn kém. Điều này tỏ rõ qua những con số của bản tổng kết: diện tích thật sự của nước VN là 331.051,4km2, trong khi các giám mục quản lý tới 335.667,63km2, khác biệt hơn 4 ngàn km2 (gấp đôi diện tích của TGP. TP.HCM) Số dân trong nước vào cuối năm 2009 là 86.024.600 người, trong khi các giám mục quản lý tới 92.156.249 người, vượt hơn 6 triệu người! (x. Niên giám Thống kê (Tóm tắt) 2009, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2010, tr. 9). Những điều thiếu sót này chứng tỏ công tác quản lý yếu kém của HĐGM và các toà giám mục.

Thật sự, để sửa chữa những điểm sai lạc này, các giám mục chỉ cần họp một ngày để thống nhất với nhau về ranh giới các giáo phận, rồi từ đó tính ra số dân với công cụ là các tài liệu thống kê địa phương có sẵn. Cho đến nay, một số giáo phận vẫn chưa ổn định được ranh giới, chưa xác định được số dân của mình, chưa tổ chức quy củ văn phòng làm việc.

Xét về mặt truyền giáo

Trong vòng 50 năm qua, số giáo dân tăng từ 2 triệu vào năm 1960 đến 6 triệu vào năm 2010. Nhưng số tăng này chỉ tương ứng với số sinh tự nhiên và tỷ lệ dân Công giáo so với dân số cả nước vẫn ở mức 7%. Nếu tính theo số liệu Tổng Điều tra Dân số 2009 thì chỉ có 6,61%. Con số này đã có từ năm 1885: nghĩa là 125 năm qua GHCGVN chưa truyền giáo có hiệu quả.

Số người lớn được Rửa Tội trong ít năm gần đây khoảng 30.000-40.000 người/năm. Năm 2009 có số lớn nhất là 43.608 người và tổng số người được Rửa Tội, cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, là 174.171. Vậy số người bỏ đạo cũng không kém nếu tỷ lệ người theo đạo vẫn giữ nguyên. Đến các lớp giáo lý tân tòng ta sẽ thấy hầu hết người lớn muốn trở lại đạo là để lập gia đình với người có đạo.

Số người trở lại đạo không tương xứng với số người lo việc truyền giáo, nếu ta tổng cộng số giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo lý viên trong cả nước hay một giáo phận. Đó là chưa kể cả trăm ngàn đoàn viên của các hội đoàn Công giáo Tiến hành gồm 21 đoàn thể và 5 giới như Nghĩa binh Thánh Thể, Legio Mariae, Gia đình Phạt tạ, Giới trẻ Con Đức Mẹ, các hội dòng Ba Phan Sinh, Đa Minh, Cát Minh, Mến Thánh Giá Tại Thế… Vậy cần tổ chức đời sống và sinh hoạt của họ thế nào cho kết quả về mặt truyền giáo?

Xét về mặt tổ chức hoạt động

HĐGM hiện nay có 17 uỷ ban, tính cả Uỷ ban Công lý và Hoà bình mới thành lập, nhưng các uỷ ban này đang hoạt động thế nào, có hiệu quả thiết thực ra sao thì cũng cần nghiên cứu và quy định rõ trong Quy chế và Nội quy của HĐGM. Hiện nay quy chế này quá ngắn gọn và đơn giản khiến cho hoạt động của nhiều uỷ ban chưa hiệu quả.

Một trường hợp cụ thể là Uỷ ban Giáo dân có mặt ngay từ năm 1980. Thế nhưng 30 năm qua do sự thay đổi liên tục người lãnh đạo cũng như những người điều hành là tổng thư ký, thư ký nên kết quả hoạt động hầu như chưa có là bao, để mặc 6 triệu giáo dân “bơi” trong dòng chảy thời đại. Thậm chí Quy chế Giáo dân, Quy chế Hội đồng Giáo xứ vẫn chưa làm xong. Uỷ ban Phụng tự chưa hoàn thành được bản dịch Sách lễ, dù đã làm việc lâu năm, nguyên nhân không phải vì thiếu nguồn lực vật chất mà vì chưa có sự hợp tác quảng đại giữa những con người với nhau.

Cách thức chỉ định người điều hành các uỷ ban cũng nên xem xét lại. Do nhiệm kỳ chủ tịch uỷ ban hiện nay là 3 năm, nên vị giám mục được bầu làm chủ tịch uỷ ban có thể chọn một người mới làm tổng thư ký điều hành. Thế là mọi chuyện lại bắt đầu lại, nhiều công trình bỏ dở dang.

Chúng con xin lỗi tất cả để nói lên những thiếu sót này, không phải có ý chê trách riêng một uỷ ban nào nhưng chúng con mong thấy có sự thay đổi cách tổ chức, quản lý, điều hành trong nội bộ GH cho hoạt động hiệu quả hơn.

3.2. Các thành phần nhân sự

Giám mục

GHVN hiện nay có tất cả 43 vị lãnh đạo, nhưng các giám mục là ai, được tuyển chọn như thế nào? Cách hành xử có được cộng đồng giúp đỡ và vâng phục không? Tại sao lại có một số hành động của giám mục bị cộng đồng phản đối nặng nề đến thế? Làm thế nào để giúp đỡ các giám mục vượt qua khó khăn?

Những câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho các giám mục có thể bị coi là vô lễ, bất kính, phạm thượng nhưng nếu các giám mục là đầu của Thân thể Mầu nhiệm, là người lãnh đạo cộng đồng tích cực đổi mới thì cộng đồng Dân Chúa và GHVN mới mong có một sự thay đổi nhanh chóng và hiệu quả.

Tính từ năm 1960 đến 1975, việc lựa chọn các giám mục ở VN có nhiều yếu tố thuận lợi khách quan nhờ có sự hiện diện của vị Khâm sứ Toà Thánh và văn phòng khâm sứ cố vấn cho ngài. Từ sau biến cố 1975, việc chọn lựa này có sự thay đổi theo chiều hướng khác do tác động cá nhân của từng giám mục, do áp lực của những phe nhóm trong giáo phận và sự can thiệp của chính quyền, dù rằng chẳng ai dám thừa nhận điều này.

Chúng ta thử đưa ra một thí dụ để thấy những tác động dây chuyền liên can đến việc lựa chọn giám mục: giám mục một giáo phận nhận thấy cần có thêm một vị giám mục phụ tá chuẩn bị cho tương lai nên xin ý kiến các linh mục trong một tuần tĩnh tâm bằng phiếu kín. Các linh mục được đề cử 3 người. Đây chỉ là việc tham khảo ý kiến cộng đồng linh mục, còn quyền quyết định chọn người giới thiệu sang Toà Thánh vẫn là của giám mục. Sau khi kiểm phiếu, có 3 người xứng đáng được đề cử. Do sự rò rỉ thông tin, người ta đồn vị này vị nọ. Thế là có sự bàn tán đủ loại với ý kiến khen chê khác nhau. Chính quyền cũng rất quan tâm nên tham gia bằng cách gợi ý chọn người theo quan điểm của mình, nhất là khi chính quyền được Toà Thánh Vatican tham khảo ý kiến. Cuối cùng, có thể người kém nhất trong bảng đề cử lại được chọn làm giám mục vì được chính quyền ủng hộ cho “tốt đạo đẹp đời”, hoặc hợp cách làm việc với giám mục chính toà… Kết quả sau cuộc tấn phong giám mục là sự nghi ngờ, kém tôn kính của hàng linh mục đối với người được chọn, sự bất mãn của giáo dân.

Đưa ra thí dụ trên không phải để chúng ta mất lòng tin và hy vọng vào sự dẫn dắt đầy quyền năng Chúa đối với GH của Ngài, nhưng chỉ để cộng đồng Dân Chúa cùng nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, khiêm tốn phục vụ nhau vì tất cả đều là những con người yếu đuối.

Linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ (TLLV, số 16)

GHVN có 3.902 linh mục và 3.773 chủng sinh lớn nhỏ. Đây là một nguồn nhân lực hết sức quan trọng có thể làm thay đổi lớn lao GH. Nếu tính thêm 16.759 nam nữ tu sĩ nữa thì nguồn lực này có thể tạo nên những chuyển biến nhanh chóng cho cả dân tộc VN.

Chúng con chỉ đề nghị một điểm cơ bản: xin cho các người này được đào tạo vững chắc về Kitô học để có thể xuất phát lại từ Đức Kitô như GH mong mỏi.

Kitô giáo đặt nền tảng trên Đức Kitô và môn học về Người là quan trọng nhất, nhưng hiện nay môn Kitô học là môn học yếu kém và thiếu sót nhất trong các chương trình đào tạo thần học ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Người ta tập trung cho Lời Chúa, hiểu theo nghĩa các bản văn Thánh Kinh, chứ không hiểu Lời Chúa là một ngôi vị, một con người sống động là Đức Giêsu Nazareth, cần tìm hiểu, gặp gỡ, tiếp xúc và yêu mến. Những học viên các lớp thần học 3 năm hiện nay học khoảng 300 tiết với 10 môn Kinh Thánh (Nhập môn Tân Ước – Cựu Ước, Ngũ Thư, các sách Ngôn sứ, các sách Văn chương, Thánh vịnh, Lịch sử Cứu độ, Bốn Phúc Âm, Công vụ Tông đồ, Các thư Phaolô, Khải Huyền, Các thư Mục vụ) trong khi chỉ có 60 tiết dành cho môn Kitô học. Các chủng sinh còn học nhiều hơn. Nội dung Kitô học lại nghèo nàn, có nhiều điểm cần sửa chữa nhưng nhiều người không để ý đến. Chúng con đã trình bày về vấn đề này trong tập tài liệu Tình Bác ái Đức Kitô thúc đẩy chúng ta (x. số 11) trong bài Hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây – nghi vấn và giải thích.

Tín hữu giáo dân, (TLLV số 24,37)

GHVN có khoảng 6 triệu tín hữu giáo dân. Đây là thành phần cơ bản làm nên GHVN và đổi mới xã hội nhưng hình như lại ít được quan tâm nhất. Chúng con mời gọi quý đại biểu nhìn lại gương sống của tổ tiên Công giáo chúng ta trong thời kỳ 1615-1885 cũng như bài học kinh nghiệm của người tín hữu Công giáo Hàn Quốc với những thành công vượt bậc trong giai đoạn đương thời 1960-2010. Chúng con đã trình bày trong bài Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng nền văn hoá nhân bản tâm linh (x. số 29-40).

Từ đó chúng con đề nghị với các vị lãnh đạo GHVN đừng quá tập trung cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cho những nghi lễ phụng tự hoành tráng bên ngoài, cho những buổi lễ kỷ niệm mang tính hình thức mỗi dịp Ngân khánh, Bổn mạng, Sinh nhật, Chịu chức, Khấn dòng… để tập trung nguồn nhân lực giúp cho người tín hữu học hỏi về Đức Giêsu Kitô, học hỏi về những giá trị sống của Tin Mừng và những kỹ năng sống cần thiết để diễn tả các giá trị ấy.

Giống như các tín hữu tổ tiên thời xưa, cộng đồng tín hữu giới thiệu Thiên Chúa và Đức Giêsu là nguồn chân thiện mỹ, nguồn sự sống và hạnh phúc vĩnh hằng qua những con người khoẻ mạnh, xinh đẹp, học hành giỏi giang, làm việc hăng say và vô vị lợi, trung tín trong tình bạn, trong sáng trong tình yêu, cao thượng trong hành động, dám hy sinh vì đại nghĩa nhờ sống và thực hiện đúng những giá trị sống của Tin Mừng. Chỉ có những con người thực tế như vậy mới có sức thuyết phục đồng bào Việt Nam tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô Giêsu của Ngài chứ không phải là những thánh đường nguy nga, nghi lễ long trọng, những bài giáo lý cao siêu, những kiểu sinh hoạt đoàn thể nặng hình thức quảng cáo.

Một thí dụ có vẻ tiêu cực nhưng nó minh hoạ cho điều trình bày của chúng con: Trong bảng tổng kết 26 giáo phận: Giáo phận Huế có 68.560 tín hữu, 2 giám mục, 136 linh mục, 64 chủng sinh lớn nhỏ, 92 tu sĩ nam, 967 tu sĩ nữ, 69 tu sĩ thuộc tu hội đời, 786 giáo lý viên. Thế nhưng cả năm 2009 chỉ có 94 người lớn được Rửa Tội. Cả năm 2008 cũng chỉ có 106 người. Con số này đặt cho ta câu hỏi: Người tín hữu sống như thế nào để thu hút người khác theo Đức Kitô? Những cuộc hành hương Đức Mẹ La Vang với hàng trăm ngàn người và tốn kém hàng trăm tỷ đồng có kết quả như thế nào?!

Những tín hữu trong các nước Kitô giáo đã từng trải qua kinh nghiệm này. Họ đang bỏ dần Kitô giáo chỉ vì không còn thấy những chứng nhân đích thực của Tin Mừng. Và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận ra được sự thật để mời gọi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa Tình yêu và Đức Giêsu Kitô, tình yêu cụ thể của Thiên Chúa.

4. DÂN TỘC VIỆT NAM NHƯ ĐỐI TƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG CHO SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG

Nếu chúng ta nhận ra GHVN đang ở giữa lòng dân tộc gồm những người VN yêu tha thiết quê hương và muốn xây dựng cho đất nước này mỗi ngày một tươi đẹp, phát triển bền vững thì phần nói về sứ vụ (chương 3) của tập TLLV cần trình bày rõ ràng và cụ thể hơn.

– Để giúp các đại biểu tham dự Đại hội Dân Chúa, chúng con xin giới thiệu các phần đã trình bày về tình trạng xã hội VN trong các thời kỳ 1960-1975, 1978-1990 và 1990-2010 trong tập tài liệu đính kèm, từ số 83-89.

– Chúng con cũng giới thiệu những vấn đề xã hội đáng lưu tâm như những chủ đề cần GHVN suy nghĩ cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình như:

4.1. Chế độ chính trị: chế độ Nhà nước pháp quyền đặt nền tảng trên ý thức hệ Cộng sản chủ trương duy vật, vô thần, áp dụng một nền giáo dục theo đúng ý thức hệ chủ nghĩa xã hội. Đây là những điểm cơ bản mà GHCG cần giúp cho người tín hữu Công giáo hiểu về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa mà mình đang tham gia xây dựng ngay trong cuộc đời trần thế, vượt lên trên mọi ý thức hệ hay chủ nghĩa, hệ thống chính trị kinh tế nào. Các bài này được cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo trình bày rất rõ ràng nhưng TLLV của Đại hội ít quan tâm trích dẫn.

4.2. Dân số và phụ nữ: nếu nhìn gần hơn về dân tộc VN với con số 86.024.000 người, tính đến 31-12-2009, trong đó có 42.597.200 nam (49,52%) và 43.427.400 nữ (50,48%) để thấy nhiều vấn đề phụ nữ cần GH quan tâm (x. số 102) như vấn đề bạo hành trong gia đình, mại dâm, lấy chồng nước ngoài, sống bám vào một người đàn ông mà không lập gia đình. Nhiều phụ nữ bị mắc bệnh vì thiếu hiểu biết, thiếu nước sạch, nhiều người bị bệnh tâm thần.

4.3. Giới trẻ và vấn đề giáo dục (TLLV số 26,30): dân số VN là một dân số trẻ vì số người dưới 35 tuổi chiếm hơn 60%. Một phần tư dân số đang đi học. Năm 2009 với 14.912.100 học sinh của 3 cấp và 1.796.200 sinh viên của 403 trường đại học và cao đẳng, cộng thêm 699.700 học sinh trung cấp chuyên nghiệp của 282 trường. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục và giới trẻ cần được GHCGVN góp sức giải quyết như trợ giúp các học sinh nghèo/bỏ học, nhất là ở vùng sâu vùng xa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội liên can đến việc giáo dục như xem những phim ảnh đồi truỵ, sống buông thả để hưởng thụ vật chất, đánh/giết nhau, trò chơi trực tuyến, số trẻ vị thành niên phá thai, nhiễm HIV ngày càng tăng (x. Tài liệu đính kèm, số 98).

4.4. Lĩnh vực dân số, lao động, di dân (TLLV số 31): dân số VN năm 2009 có tới 29,6% dân sống ở thành thị và 70,40% ở nông thôn. Số tăng trưởng trong 10 năm qua tương đối chậm vì vào năm 2000 số người ở thành thị là 24,12% và nông thôn là 75,88%. Nhưng nếu tính số người lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2009: 47.743.600 người thì người làm nghề nông và lâm nghiệp chiếm 48,2% và thuỷ sản 3,7% như thế số dân ở nông thôn hoặc thất nghiệp hoặc bỏ lên thành thị đi làm ở ngành nghề khác là khá lớn. GHVN đã có những chương trình gì đặc biệt cho những người sống ở nông thôn để có thể phát triển toàn diện và bền vững vì đa số là những người nghèo, trình độ văn hoá thấp? (x. Tài liệu đính kèm, số 97,99,100).

4.5. Các người nghèo và những vấn đề xã hội (TLLV số 23): UBBAXH-Caritas VN đã xác định những người nghèo cần được nghe GHVN loan báo Tin Mừng là những người thiếu thốn về vật chất và tinh thần (x. Tài liệu đính kèm, số 174: Caritas như vận hội mới cho Giáo Hội). Việt Nam hiện nay có tới hơn 30 triệu người bị nghèo đói, bệnh tật, nghiện ngập… GHVN chỉ có thể phục vụ họ hiệu quả nếu người tín hữu được đào tạo các kỹ năng sống. Đó là những loại Tin Mừng mới mẻ cần được học hỏi và rao giảng nhân danh Đức Giêsu Kitô. UBBAXH-Caritas VN chọn chiến lược “Phục hồi họ dựa vào cộng đồng” và các phương thức hành động cho có hiệu quả là (x. Tài liệu đính kèm, số 175,176,177,178,179) trông cậy vào sức mạnh, tình yêu Chúa, dựa vào nội lực của dân tộc VN và tập trung vào việc đào tạo con người toàn diện.

– Chúng ta có thể nói rằng đối tượng của UBBAXH-Caritas VN là những người nghèo, những người đang gánh chịu sự bất công và bất an, còn đối tượng của Uỷ ban Công lý và Hoà bình là chính những người đang gây nên những bất công và bất an đó, những người đang trục lợi, xúc phạm đến phẩm giá và quyền con người. Những chủ thể này có thể là những người nắm giữ quyền hành trong chính quyền, nhưng cũng có thể là bất cứ ai trong xã hội và cả GH đang gây ra bất an và bất công. Từ những lời nói, bài báo, cử chỉ đe doạ, xúc phạm, nói dối, nói xấu người khác đến những hành động buôn bán hàng xấu, hàng giả, hàng độc hại của các nhà thương mại, đến những người nông dân đang sử dụng bừa bãi phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, trừ sâu làm hại sự sống con người. Cả hai uỷ ban có thể có chung một linh đạo bác ái, là con đường tình yêu rộng mở của Đức Kitô, như một phương thuốc vừa chữa trị bất công, bất an vừa đem lại công lý, hoà bình và sự phát triển bền vững cho mọi người.

4.6. Tôn giáo (TLLV số 21): chúng ta cũng nên ghi nhận rằng rất nhiều đồng bào theo ý thức hệ Cộng sản đang muốn bày tỏ niềm tin tưởng của mình vào thế giới tâm linh, công khai tham dự các nghi lễ tôn giáo, nhất là của Phật giáo, xây dựng hàng trăm chùa chiền, nhất là các chùa lớn như Chùa Bái Đính ở Ninh Bình, Chùa Long Động ở núi Yên Tử – Quảng Ninh cũng như hàng chục thiền viện trên đất nước. Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người thuộc Viện Nghiên cứu Vật lý ở Hà Nội cũng giới thiệu rất nhiều những hoạt động cổ vũ cho niềm tin này.

Dân tộc VN hiện nay, theo Kết quả Tổng Điều tra Dân số năm 2009, có 6.802.318 người theo Phật giáo (7,92%), 5.677.086 theo Công giáo (6,61%), 1.433.252 theo Phật giáo Hoà Hảo (1,66%), 807.915 theo đạo Cao Đài, 734.168 theo Tin Lành (0,8%), 75.268 theo Hồi giáo, 56.427 theo Bà La Môn giáo và các đạo nhỏ khác. Tổng số những người có tôn giáo là 15.651.467 trên tổng số 85.846.997 người, tính vào thời điểm 1-4-2009. Như thế, số người có tôn giáo trong cả nước chiếm 18,23%, số còn lại không xác định tôn giáo và rất nhiều người theo đạo ông bà tổ tiên. Đây là một trách nhiệm lớn và cũng là một lợi thế lớn cho sứ mạng truyền giáo của GHVN vì hơn 81% dân số chưa xác định được tín ngưỡng của mình (x. Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số, Tổng Điều tra Dân số năm 2009, NXB Thống Kê, Hà Nội, 8-2010, tr. 281).

Để có thể giới thiệu khuôn mặt Đức Giêsu Kitô cho những người ngoài Công giáo hay không có tôn giáo, mọi thành phần trong GHVN cần phải hiểu đúng và hiểu rõ về Đức Giêsu, trở lại với Người để nhận được tình yêu, ân sủng, quyền năng như các tông đồ xưa rồi mới xuất phát lại từ Đức Kitô để đến với muôn dân như Giáo Hội Mẹ đang mong đợi (x. Tập tài liệu đính kèm Tình bác ái Đức Kitô thúc đẩy chúng ta, số 13-19) và xây dựng một nền văn hoá nhân bản tâm linh như cha ông chúng ta từng làm trước đây (x. Tập tài liệu đính kèm, số 41-46).

4.7. Vấn đề môi trường (TLLV số 28): chúng ta được mời gọi để nhìn vào đất nước VN như môi trường sống cho toàn thể dân tộc và GH để yêu thương, bảo vệ, gìn giữ và làm cho đất nước phát triển về mọi mặt. Tập TLLV ở số 28 đã nói đến các vấn đề môi sinh. Trong tương quan với vạn vật, người tín hữu Công giáo không chỉ coi vạn vật và thế giới vật chất như những loài vô tri vô giác để khai thác cạn kiệt và bắt chúng phải phục vụ con người. Trong tương quan mới mẻ đối với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho nhân loại để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,2-23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Chỉ có tình yêu thương thật sự như những anh chị lớn săn sóc đàn em nhỏ của mình, con người mới có thể tác động tốt đẹp lên thiên nhiên như Đức Giêsu đã làm cho gió yên biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy con người chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua những khoa học tự nhiên để càng ngày càng biết rõ hơn về những người em của mình cũng như tích cực lao động để làm cho vạn vật phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, bảo vệ môi trường sống cho xanh, sạch và an lành.

4.8. Tinh thần ái quốc đích thực: như Đức Giêsu đã yêu thương dân tộc Do Thái và khóc thương thành Giêrusalem (x. Lc 19,41-44), người Công giáo VN không thể thờ ơ trước những nguy hiểm, xâm lấn mà dân tộc có thể gặp phải do những nước láng giềng gây nên, do những khai thác khoáng sản thiếu an toàn, do những hoạt động kinh tế bất chính và bất công khi buôn bán những mặt hàng nguy hiểm độc hại cho các thế hệ đang sống và cả con cháu sau này.

5. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ CỤ THỂ CHO VẬN HỘI MỚI CỦA GIÁO HỘI VÀ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

5.1. Tăng cường việc dạy môn Kitô học cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là cho các linh mục, chủng sinh, tu sĩ vì đây là môn học nền tảng của Kitô giáo.

5.2. Để chuẩn bị thực hiện đề nghị này, các nhà thần học VN nên hợp tác để soạn thảo một giáo trình Kitô học cơ bản với những điểm mới mẻ được Huấn quyền Giáo Hội trình bày trong các tài liệu gần đây.

5.3. Nên đưa những tổng hợp giáo huấn mới mẻ sau đây của ĐTC Bênêđictô XVI vào chương trình đào tạo nhân sự:

+ Thiên Chúa Tình yêu là điểm hội tụ cho mọi hoạt động của GH.

+ Bản chất của GH cũng như của tín hữu gồm 3 yếu tố liên kết mật thiết với nhau.: đời sống phụng tự, hoạt động bác ái, rao giảng Tin Mừng.

+ Tập nhìn mọi vấn đề một cách thực tế khách quan theo nguyên tắc Bác ái trong Sự thật.

+ Tập thái độ khiêm tốn phục vụ với nhận thức rằng GH chỉ tồn tại nếu mang lại ơn cứu độ cho con người vì con người là con đường của GH và cũng là con đường của Thiên Chúa.

+ Tập thái độ biết cộng tác chân thành và dám hy sinh vì ích lợi chung để vượt qua những thiếu sót trong cấu trúc tâm lý xã hội của người VN.

5.4. Nên thay đổi cơ cấu tổ chức của HĐGM thế nào cho có sự tham gia tích cực và hiệu quả của các linh mục và giáo dân qua các uỷ ban của HĐGM. Thí dụ như việc tham gia trình bày, đóng góp ý kiến trong các hội nghị thường niên.

+ Nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo như chủ tịch, tổng thư ký của HĐGM cũng như của mỗi uỷ ban nên sửa thành 4 năm hoặc 5 năm để tạo một khoảng thời gian đủ dài cho các kế hoạch thực hiện.

+ Nên có những chỉ tiêu rõ ràng cho mỗi kế hoạch 5 năm của HĐGM cũng như của mỗi uỷ ban. Thí dụ về mặt truyền giáo, sau 5 năm 2010-2015, tỷ lệ dân số Công giáo tăng 1% so với dân số cả nước. Muốn thế, cần phải có những biện pháp thực hiện. Thí dụ: mỗi tín hữu hay gia đình Công giáo kết thân với 1 người ngoài Công giáo để giới thiệu những giá trị Tin Mừng cho họ.

5.5. Nên quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ trong các văn bản quan trọng của HĐGM cũng như của mỗi uỷ ban khi thông báo cho quảng đại quần chúng. Thí dụ về cách đánh dấu trên các nguyên âm, cách viết chữ hoa và tên riêng tiếng nước ngoài đã được quy định bởi các văn bản chính thức của Nhà Nước cũng như được các từ điển của Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Bách khoa Việt Nam hướng dẫn.

Kết luận

Sau những giờ cầu nguyện và suy nghĩ, UBBAXH-Caritas VN chúng con mạnh dạn trình bày lên Đại hội Dân Chúa những thao thức về sự phát triển của Giáo hội cũng như Dân tộc Việt Nam. Chúng con làm điều này chỉ vì được thúc đẩy bởi Tình yêu Thiên Chúa và tình bác ái Chúa Kitô (x. 2Cr 5,14). Ngài muốn mọi người chúng ta hành động để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người.

Kính chúc Đức Hồng y, Quý Đức cha và toàn thể Quý Đại biểu luôn an mạnh và tràn đầy ơn Chúa. Kính chúc Đại hội Dân Chúa thành công tốt đẹp.