31/10/2024

Mùa Vọng là mùa cầu nguyện và tỉnh thức chờ mong

Anh chị em thân mến, “Ta vui mừng trẩy lên Đền thánh Chúa!“. Những lời mà chúng ta lập lại nơi đây, trong Thánh vịnh đáp ca này, diễn tả thật rõ ràng tâm tình đang chất chứa trong lòng chúng ta trong ngày Chúa nhật I Mùa Vọng hôm nay. Lý do để chúng ta có thể vui mừng tiến bước, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ khuyến dụ, đó là sự kiện sau đây: ơn cứu độ của chúng ta đã gần kề. Đức Chúa đang đến!

 Mùa Vọng là mùa cầu nguyện và tỉnh thức chờ mong

 

Chuyến công du mục vụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Bệnh viện “Thánh Gioan Tẩy giả” Rôma

thuộc Dòng Bệnh viện Quân đội Tối cao Malta

 

Chúa nhật I Mùa Vọng, 2/12/2007

 

 

Anh chị em thân mến,

 

“Ta vui mừng trẩy lên Đền thánh Chúa!“. Những lời mà chúng ta lập lại nơi đây, trong Thánh vịnh đáp ca này, diễn tả thật rõ ràng tâm tình đang chất chứa trong lòng chúng ta trong ngày Chúa nhật I Mùa Vọng hôm nay. Lý do để chúng ta có thể vui mừng tiến bước, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ khuyến dụ, đó là sự kiện sau đây: ơn cứu độ của chúng ta đã gần kề. Đức Chúa đang đến!  Và cùng với sự nhận thức này, chúng ta tiến bước trên con đường Mùa Vọng, bằng cách tin tưởng chuẩn bị tâm hồn để đón mừng biến cố Chúa giáng sinh có một không hai trong lịch sử. Trong những tuần lễ kế tiếp, mỗi ngày phụng vụ đều đưa ra cho chúng ta những bản văn được trích dẫn từ Cựu Ước để suy niệm. Những bản văn này nhắc lại niềm ao ước sống động và bền bĩ, đã giúp cho dân Dothái mong chờ Đấng Thiên Sai ngự đến. Với tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện này, chúng ta cũng hãy chuẩn bị tâm hồn đón chào Đức Chúa đang ngự đến, để biểu lộ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Người, và ban cho chúng ta ơn cứu độ.

 

Thật thế, trong suốt thời gian chờ đợi này, Mùa Vọng là mùa của hy vọng, và tôi muốn dành trọn Thông điệp thứ hai của tôi, được chính thức công bố vào ngày hôm trước, để nói lên niềm hy vọng Kitô giáo. Thông điệp được bắt đầu bằng những lời nói sau đây của Thánh Phaolô trong Thư gởi tín hữu thành Rôma:  Spe salvi facti sumus – Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu độ“ (Rm 8,24). Trong Thông điệp này, tôi đã viết là ngoài những nhu cầu khác của chúng ta, “chúng ta còn cần có những hy vọng lớn nhỏ giúp ta sống qua ngày đoạn tháng. Nhưng những hy vọng này vẫn chưa đủ, nếu không có niềm hy vọng vĩ đại vượt lên trên mọi sự. Niềm hy vọng vĩ đại này, chỉ có thể là Thiên Chúa, là Đấng bao trùm lên trên toàn bộ thực tại, và là Đấng ban tặng cho chúng ta điều mà tự sức riêng chúng ta, chúng ta không tài nào đạt được“ (s. 31). Ước gì chúng ta xác tín rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có thể là niểm hy vọng vững chắc cho chúng ta, niềm xác tín ấy sẽ làm phấn chấn tất cả mọi người trong chúng ta đang quy tụ sáng nay đây, trong ngôi nhà này, nơi mà bệnh tật bị đánh bại nhờ  tình liên đới hỗ tương. Và tôi muốn dành phần lớn cuộc Viếng thăm của tôi tại bệnh viện của anh chị em, được điều hành bởi Hiệp hội các Hiệp sĩ Ý, thuộc Dòng Quân đội Tối cao Malta, để trình bày Thông điệp của tôi cho cộng đoàn Kitô hữu Rôma, và đặc biệt hơn nữa, cho những con  người, như anh chị em đây, đang tiếp xúc một cách trực tiếp với đau khổ và bệnh tật, bởi vì chỉ qua đau khổ của bệnh nhân, chúng ta mới cần có niềm hy vọng, mới cần có sự xác tín rằng Thiên Chúa hiện hữu, và Người không bỏ rơi chúng ta, và rằng Người âu yếm nắm tay dẫn dắt chúng ta, và cùng đồng hành với chúng ta.  Tôi mời gọi anh chị em đọc thật kĩ lưỡng bản văn này, để tìm thấy trong đó những lý do của  “đức trông cậy đáng cho chúng ta tin tưởng, đức trông cậy, mà nhờ đó, chúng ta có thể đương đầu được với thời gian hiện tại chúng ta đang sống: thời gian hiện tại, ngay cả khi nó đầy dẫy những khó khăn“ (s.1).

 

Anh chị em thân mến, “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em!“. Với lời cầu chúc này, linh mục chào toàn thể cộng đoàn trong phần nghi thức đầu Lễ, tôi cũng  xin gởi lời chào thân ái đến anh chị em. Trước tiên, tôi xin chào Đức Hồng Y Camillo Ruini, là Hồng Y Tổng đại diện, và Đức Hồng Y Pio Laghi, là Hồng Y Bảo trợ Dòng Quân đội tối cao Malta, các Chủ giáo và các linh mục đang có mặt, cũng như các Cha tuyên úy, và các nữ tu phục vụ nơi đây.  Tôi cũng xin kính chào Ngài Điện hạ Fra Andrew Bertie, là Hoàng tử và là Đại chủ nhân của Dòng Quân đội tối cao Malta, tôi xin cám ơn những tâm tình mà người đã nhân danh ban giám đốc, bộ phận hành chánh, bộ phận y tế và các nhân viên điều dưỡng, cũng như tất cả những ai đang làm việc tại bệnh viện này, trong những bộ phận chuyên môn khác nhau, nói lên với tôi. Tôi cũng xin chào Quý vị Chính quyền, và đặc biệt kính chào  ngài Giám đốc Sở y tế, cũng như Đại diện Bệnh nhân, và tôi xin cám ơn những lời lẽ tốt đẹp mà họ đã dành cho tôi trong phần đầu buổi Cử hành phụng vụ này.  

 

Nhưng lời chào hỏi thân tình nhất của tôi được dành riêng cho anh chị em, thưa anh chị em là những bệnh nhân thân mến, và dành riêng cho người thân đang chia sẻ những âu lo và hy vọng của anh chị em. Đức Giáo Hoàng ở gần anh chị em một cách thiêng liêng, và người cam đoan sẽ cầu nguyện cho anh chị em mỗi ngày, người mời gọi anh chị em hãy tìm sự nâng đỡ và an ủi nơi Đức Giêsu, và đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Trong những tuần lễ sắp tới đây, phụng vụ Mùa Vọng sẽ không ngừng lập lại cho ta là đừng nãn lòng kêu xin Người, phụng vụ khuyến khích chúng ta đi đến gặp Người, vì biết rằng, chính Người cũng không ngừng đi đến gặp gỡ chúng ta. Thiên Chúa vẫn đến viếng thăm chúng ta một cách nhiệm mầu, trong khi chúng ta phải chịu gian nan thử thách, và nếu chúng ta biết phó thác trọn vẹn con người chúng ta vâng theo thánh ý Chúa, thì chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được sức mạnh tình yêu của Người. Bệnh viện và trạm xá là những nơi đón nhận những ai đang bị khổ đau dằn vặt, nên những cơ sở ấy có thể trở thành những nơi tuyệt hảo để làm chứng cho tình yêu Kitô giáo, một tình yêu dưỡng nuôi hy vọng, và gợi lên những quyết định cho tình liên đới huynh đệ. Trong lời nguyện nhập lễ, chúng ta cầu xin như sau: “Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện để đón chào Con Chúa đang ngự đến”.  Vâng, đúng thế!  Chúng ta hãy mở rộng lòng mình đón tiếp mỗi người, đặc biệt là khi họ đang gặp khó khăn, bởi vì khi làm việc thiện để giúp đỡ những ai đang lâm cơn quẫn bách, là chúng ta chuẩn bị đón chào Đức Giêsu đang  đến thăm viếng chúng ta qua những người anh em này.

 

Anh chị em thân mến, đó là điều mà anh chị em đã tìm cách thực hiện trong bệnh viện này, nơi đây, mọi người đều quan tâm đón nhận các bệnh nhân một cách thật chuyên nghiệp và đầy tình yêu thương, cũng như cố gắng bảo toàn nhân phẩm của họ, và cam kết cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ. Dọc suốt dòng lịch sử, Giáo Hội vẫn đặc biệt sống “gần“ những người đau khổ.Dòng Bệnh viện Quân đội Tối cao Malta đã muốn chia sẻ tinh thần này: ngay từ những thời kỳ đầu tiên, Dòng của anh chị em đã dành riêng một Bệnh viện-Trạm xá để giúp đỡ những khách hành hương tại Thánh địa. Trong khi mà Hiệp hội Quân đội Tối cao Malta vẫn đeo đuổi mục tiêu của mình là bảo vệ Kitô giáo, thì Hiệp hội vẫn luôn cố gắng chữa trị cho các bệnh nhân, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Bệnh viện của anh chị em cũng là một bằng chứng nói lên tình yêu huynh đệ này. Được thành lập vào năm 1970, bệnh viện này, ngày hôm nay đây, đã  trở thành một bệnh viện đồ sộ, với một trình độ công nghệ cao, và là một ngôi nhà huynh đệ, nơi mà giàn nhân sự y tế cùng sát cánh làm việc bên nhau, và có nhiều tình nguyện viên hiến mình phục vụ một cách thật quảng đại.

 

Quý Hiệp sĩ thuộc Dòng Quân đội tối cao Malta, quý bác sĩ, y tá và tất cả những ai đang làm việc nơi đây thân mến, tất cả anh chị em đều được kêu gọi đảm nhận một công việc thật quan trọng, để phục vụ người nghèo và xã hội, một công việc đòi hỏi sự quên mình và một tinh thần hy sinh. Ước gì anh chị em có thể nhận ra và phục vụ chính Đức Kitô trong mỗi một bệnh nhân, dầu họ là ai; anh chị em hãy làm cho họ cảm nhận được những dấu chỉ lòng thương xót của Đức Kitô qua các cử chỉ và lời nói của anh chị em. Để thể hiện  “sứ mạng“ này một cách thật tốt đẹp, anh chị em hãy cố gắng “cầm lấy vũ khí của sự sáng“, gồm có Lời Chúa, ân sủng của Thần Khí, ơn Bí tích, các nhân đức thần học chính yếu, như Thánh Phaolô đã khuyến dụ chúng ta trong Bài đọc hai (Rm 13, 12); cố gắng chiến đấu chống lại điều xấu, và từ bỏ tội lỗi làm cho cuộc đời chúng ta trở nên tăm tối. Bắt đầu một năm phụng vụ mới, chúng ta hãy lập lại những điều tốt đẹp mà chúng ta đã dốc quyết để sống theo tinh thần Phúc âm. Thánh Tông đồ thúc giục chúng ta: “Đã đến lúc anh em phải chổi dậy“ (Rm 13, 11); đã đến giờ hối cải, từ bỏ tội lỗi ám muội, chuẩn bị tâm hồn đón “Chúa đang đến“ với lòng đầy tin tưởng. Chính vì lý do đó mà Mùa Vọng được xem là một mùa cầu nguyện và tỉnh thức chờ mong.

 

Trích đoạn Phúc âm vừa mới được công bố khuyến dụ chúng ta “tỉnh thức“, từ ngữ tỉnh thức là từ chìa khóa nói lên một trong những công việc mà chúng ta cần phải làm trong suốt mùa phụng vụ này: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến“ (Mt 24, 42). Đức Giêsu là Đấng đến cư ngụ giữa chúng ta trong ngày lễ Giáng sinh, và Người cũng lại đến trong vinh quang vào ngày cùng tận của thời gian, Người luôn đến thăm viếng chúng ta qua những biến cố thường nhật mà không hề biết mỏi mệt.Người yêu cầu chúng ta sống tỉnh thức, để nhận ra sự hiện diện của Người, để nhận ra việc Người đến, và dặn dò chúng ta hãy tỉnh thức và mong chờ Người đến, bởi vì Người không hề lên kế hoặch hay báo trước việc Người đến, nhưng Người lại đến một cách bất chợt mà không ai có thể đoán trước được. Người cảnh giác chúng ta: ước gì ngày ấy đừng đến với anh em như nó đã từng xảy đến trong thời ông Noê, khi mọi người đang còn chè chén say sưa, và đã bị cơn lụt đại hồng thủy tới cuốn trôi đi mà không hề hay biết mà chuẩn bị (x. Mt 24, 37-38). Với lời cảnh tỉnh này, Chúa muốn cho chúng ta hiểu điều gì ngoài việc đừng để cho mình quá bận tâm về những thực tại trần thế, và những lo lắng thái quá đến độ bị vướng vào bẫy chúng giăng?  Chúng ta phải sống dưới cái nhìn của Chúa, với niềm xác tín rằng Người có thể hiện diện khắp nơi. Nếu chúng ta sống như thế, thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn.

 

“Vậy anh em hãy tỉnh thức“. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta qua Tin Mừng của Người, và hãy chuẩn bị tâm hồn để sống lại mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh với niềm tin tưởng, một mầu nhiệm giáng sinh sẽ làm cho cả thế giới này ngập tràn niềm vui; chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón chào Chúa, là Đấng không ngừng đến với chúng ta qua mọi biến cố của cuộc đời, qua niềm vui cũng như cơn đau, qua sức khỏe cũng như bệnh tật; chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đi đến gặp Người trong lần Người đến sau cùng. Việc Chúa sắp ngự đến vẫn luôn luôn là nguồn bình an cho chúng ta, và nếu đau khổ là di sản của bản tính con người, đôi khi lại quá trĩu nặng, thì qua việc Đấng Cứu Thế ngự đến, “đau khổ –  ngay cả khi nó vẫn còn là đau khổ –  vẫn có thể trở thành một bài ca tụng, mặc cho điều gì có thể xảy ra “ (Spe Salvi, Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, s. 37). Được Lời Chúa hôm nay nâng đỡ, chúng ta hãy tiếp tục buổi cử hành Bí tích Tạ ơn, và cầu xin Đức Maria hiền mẫu bảo trợ  cho các bệnh nhân, bảo trợ cho những người thân yêu của họ, cho tất cả những ai đang làm việc trong bệnh viện này, cũng như cho toàn thể Dòng Hiệp sĩ Malta, Mẹ là Trinh Nữ của sự mong chờ và hy vọng, cũng như của niềm vui đã hiện diện trên thế giới này rồi, bởi vì, khi chúng ta cảm thấy Đức Kitô hằng sống đã gần kề, thì lúc đó, phương dược để chữa lành đau khổ và niềm vui của Người đã tỏ hiện.  Amen

 

Chuyển ngữ G.B Lưu Văn Lộc