Người đã đến nhà Người, nhưng gia nhân đã không chịu tiếp rước

Anh chị em thân mến, “Còn đối với Đức Maria, thì đã đến những ngày nở nhụy khai hoa. Và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng; bà quấn khăn, và đặt con nằm trong một máng lừa ăn, bởi vì không có chỗ cho họ ở trong quán trọ“ (x. Lc 2, 6tt). Những lời nói trên đây lần nào cũng mang lại một sắc thái mới mẻ, và cũng đều làm cho chúng ta phải cảm động.

Người đã đến nhà Người, nhưng gia nhân đã không chịu tiếp rước

 

Bài giảng Lễ Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI

trong Thánh lễ nửa đêm, tại Vương cung thánh đường Vatican

25/12/2007

 

 

Anh chị em thân mến,

 

“Còn đối với Đức Maria, thì đã đến những ngày nở nhụy khai hoa. Và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng; bà quấn khăn, và đặt con nằm trong một máng lừa ăn, bởi vì không có chỗ cho họ ở trong quán trọ“ (x. Lc 2, 6tt). Những lời nói trên đây lần nào cũng mang lại một sắc thái mới mẻ, và cũng đều làm cho chúng ta phải cảm động. Lời Sứ thần truyền tin tại thành Nadarét: “Bà sẽ hạ sinh một con trai; bà sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng, Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao“ (x. Lc 1, 31) nay đã đến hồi thực hiện. Giờ phút mà dân Israel mong chờ từ bao thế kỷ nay, trải qua biết bao hồi đen tối – giờ phút mà ta có thể nói được là toàn thể nhân loại đã mong chờ, qua những hình ảnh còn lu mờ: giờ phút mà Thiên Chúa chăm sóc chúng ta, giờ phút mà Người không còn ẩn mặt giấu mày nữa, giờ phút mà thế giới này được an toàn, và giờ phút mà Thiên Chúa sẽ canh tân tất cả, giờ phút ấy nay đã đến hồi thực hiện. Chúng ta có thể mường tượng được, với một sự chuẩn bị nội tâm nào, và với một tình yêu nào, mà Đức Maria đã đi trước để đón chờ giờ phút này. Câu ghi chú thật ngắn gọn  “bà quấn khăn cho con“ hé mở cho chúng ta thấy được một phần nào niềm vui thánh thiện, và sự vồn vã không lời của sự chuẩn bị này. Những dải khăn đã sẵn sàng để có thể đón tiếp con trẻ một cách đàng hoàng. Nhưng trong quán trọ, lại không còn chỗ cho con trẻ. Một cách nào đó, nhân loại đang mong chờ Thiên Chúa, nhân loại đang mong chờ Người đến gần. Nhưng khi thời gian đã điểm, thì không còn chỗ cho Người nữa. Nhân loại đã quá ư bận rộn lo cho chính mình, nhân loại đã cần chiếm hết cả khoảng không gian, và cần chiếm hết cả khoảng thời gian, một cách thật triệt để, cho công việc riêng tư của mình, đến độ chẳng còn gì cả cho người khác – cho tha nhân, cho người nghèo khổ, cho Thiên Chúa. Và con người càng giàu có, thì càng thu vén cho chính mình. Và tha nhân càng ít có cơ hội bước vào.

 

Thánh Gioan, trong Sách Tin Mừng của người, đã đào sâu câu ám chí ngắn gọn của Thánh Luca về tình hình tại Bêlem, để đi đến ý tưởng chính yếu sau đây: “Người đã đến nhà Người, nhưng người nhà đã không tiếp nhận Người“ (1, 11).  Sự kiện này trước tiên liên quan  đến thành phố Bêlem: Con Vua Đavít đến trong kinh thành của nhà vua, nhưng người Con ấy lại phải sinh ra trong một chuồng bò tanh hôi, bởi vì không còn chỗ cho người Con ấy trong quán trọ nữa. Sau đó, là liên quan đến dân Israel: Đấng Thiên sai đến nhà Người, nhưng người nhà lại không muốn tiếp rước Người. Nhưng trong thực tế, thì điều này lại liên quan đến toàn thể nhân loại: Đấng mà thế giới này được tạo thành nhờ Người, Đấng là Ngôi Lời sáng tạo, đã bước vào  trần gian, nhưng Người lại không được lắng nghe, nhưng Người lại không được đón tiếp.

 

Cuối cùng, câu nói trên cũng liên quan đến chúng ta, đặc biệt liên quan đến mỗi người và liên quan đến toàn thể xã hội. Chúng ta có dành thời gian cho người anh em đang cần đến một lời nói của chúng ta, đang cần đến lời nói của tôi, đang cần đến tình âu yếm của tôi không? Cho người đau khổ đang cần chúng ta giúp đỡ không? Cho người di dân hay tị nạn đang tìm nơi nương náu không?  Chúng ta có dành thời gian và không gian cho Thiên Chúa không?  Người có thể đi vào trong cuộc đời của chúng ta không? Người có tìm được một khoảng không gian trong lòng chúng ta không, hay chúng ta đã chiếm hết cho mình khoảng không gian suy tư của chúng ta, khoảng không gian hành động của chúng ta, khoảng không gian cuộc đời của chúng ta?

 

Cảm tạ Chúa, là yếu tố phủ định không phải là yếu tố duy nhất và cuối cùng mà chúng ta gặp thấy trong Phúc Âm. Cũng như  trong Phúc Âm theoThánh Luca, chúng ta gặp được tình yêu của Mẹ Maria đồng trinh, và sự trung thành của Thánh Giuse, sự tỉnh thức của các mục đồng, và niềm vui to lớn của họ, cũng vậy, trong Phúc Âm theo Thánh Mátthêu, chúng ta chứng kiến cuộc viếng thăm của các nhà Đạo sĩ đầy khôn ngoan, đến từ phương xa, và cũng thế, Thánh Gioan nói với chúng ta: “Nhưng tất cả những ai đón tiếp Người… thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa“ (1, 12). Ta gặp được những con người đang đón tiếp Chúa, và như thế, khởi đi từ chuồng bò, từ bên ngoài, ngôi nhà mới, kinh thành mới, thế giới mới, đã được âm thầm dựng xây lên. Sứ điệp của ngày Lễ Giáng Sinh giúp chúng ta nhìn nhận ra bóng tối tăm đang bao trùm một thế giới đóng kín, và như thế, sứ điệp này chắc chắn cũng soi chiếu một thực tế mà chúng ta gặp thấy mỗi ngày. Nhưng sứ điệp Lễ Giáng Sinh cũng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không hề để cho mình bị người ta loại ra ngoài. Người tìm gặp một khoảng không gian, cho dầu Người phải đi vào bằng một hang thú vật; ta gặp được những con người thấy ánh sáng của Chúa và chuyển trao lại ánh sáng ấy cho người khác. Qua Lời Chúa trong Phúc Âm, Thiên thần cũng nói với chúng ta, và trong phụng vụ thánh, ánh sáng của Đấng Cứu Chuộc cũng đi vào trong cuộc đời chúng ta. Dầu chúng ta là những mục đồng, hay những nhà hiền triết – thì ánh sáng và sứ điệp của Người cũng kêu gọi chúng ta lên đường, kêu gọi chúng ta thoát ra ngoài những ước muốn và những tư lợi khép chặt chúng ta,  để đi đến gặp gỡ và thờ lạy Chúa. Chúng ta thờ lạy Chúa, bằng cách giúp thế giới mở rộng lòng đón nhận chân lý, đón nhận điều thiện hảo, đón nhận Đức Kitô, phục vụ những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội, mà qua những con người này, Chúa Kitô đang chờ đợi chúng ta.

 

Trong một vài bức tranh mô tả cảnh Chúa giáng sinh vào cuối thời Trung cổ, cũng như vào đầu thời hiện đại, ta thấy hang lừa được họa lại giống như một cung điện hoang tàn. Nếu ta còn nhận ra được vẻ tráng lệ của cung điện ngày xưa, thì nay nó đã trở nên hoang phế, các bức tường đã sụp đổ – và đã trở nên một hang thú vật. Tuy rằng cách giải thích này chẳng có một nền tảng lịch sử nào, thế nhưng, với một lối nói ẩn dụ, nó diễn tả được một cái gì đó về chân lý được ẩn giấu trong mầu nhiệm Giáng sinh. Ngai vàng của Vua Đavít được hứa là sẽ kéo dài đến vô cùng vô tận, thì nay đã trống ngôi. Những vương triều khác đã đặt nền thống trị lên Thánh địa. Thánh Giuse, hậu duệ của Vua Đavít, là một người thợ thủ công tầm thường; cung điện, trong thực tế, nay đã trở thành một chòi tranh. Chính Vua Đavít cũng xuất thân là một mục đồng. Khi Tiên tri Samuen tìm người để xức dầu phong vương, ta thấy thật vô phương và mâu thuẫn, khi một mục đồng trẻ tuổi như Đavít lại có thể trở thành người mang lại lời hứa cho dân Israel. Trong hang lừa Bêlem, khi mà tất cả đã ra đi, thì vương quyền Đavít lại được khai sinh theo một cách thế mới – trong con trẻ được quấn khăn và được đặt nằm trong một máng lừa ăn. Ngai vàng mới mà từ đây tân vương Đavít sẽ lôi kéo thế giới về với mình, chính là Thánh Giá. Ngai vàng mới – tức là Thánh giá – tương ứng với sự bắt đầu mới trong hang lừa. Cung điện thật sự của Vua Đavít, vương quyền thật sự phải được xây dựng như thế đó.  Cung điện mới này hoàn toàn khác hẳn với cách mà người ta đã mường tượng ra để xây dựng một hoàng cung và quyền hành vương đế. Cung điện mới này được cấu tạo nên bởi cộng đoàn của những ai để cho tình yêu của Đức Kitô lôi cuốn, và cùng với Người, trở nên một thân thể, một nhân loại mới. Quyền bính đến từ Thánh giá, quyền bính của lòng nhân ái hiến trao chính mình –  vương quyền thật sự là như thế đó. Hang lừa trở nên cung điện – và bắt đầu từ đây, Đức Giêsu thiết lập cộng đoàn lớn rộng và mới mẻ, cộng đoàn mà các Thiên thần đã hát mừng sứ điệp trọng tâm vào giờ Đức Kitô giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao thẳm, và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương“, cho những người đặt ý chí của mình trong ý chí của Chúa, và như thế, trở nên những con người của Thiên Chúa, những con người mới, trở nên một thế giới mới.

 

Qua những bài giảng Lễ Giáng Sinh của Thánh Grêgôriô đệ Nítxơ, người đã khai triển cùng một nhãn quan như thế, khi khởi đi từ sứ điệp Giáng sinh trong Phúc Âm theo Thánh Gioan: “Người đã cắm lều ở giữa chúng ta“ (1, 14). Thánh Grêgôriô áp dụng từ ngữ lều cho cái lều thân xác chúng ta đã trở nên hao mòn và yếu đuối, luôn phải chịu buồn sầu và đau khổ. Và người cũng áp dụng từ ngữ lều này cho toàn thể vũ trụ đã bị tội lỗi xé rách và làm biến thể. Thánh nhân sẽ nói gì đây, nếu người thấy được những điều kiện mà quả đất của chúng ta ngày hôm nay đang phải gánh chịu, vì con người lạm dụng tài nguyên, cũng như khai thác nó một cách ích kỷ và không hề suy xét? Với một cái nhìn gần như có tính cách tiên tri, Anselme thành Canterbury, một ngày nọ, đã mô tả trước điều mà ngày hôm nay chúng ta có thể thấy được trong một thế giới bị ô nhiễm và tương lai bị đe dọa: “Tất cả những gì đã được Thiên Chúa dựng nên để phục vụ cho những ai ca tụng Thiên Chúa, thì hình như đã chết rồi, đã đánh mất đi phẩm giá của chúng. Các yếu tố của thế giới này đã bị bóp nghẹt, đã đánh mất đi vẻ huy hoàng của mình, vì người ta đã sử dụng chúng một cách thái quá, đã bắt các yếu tố trong vũ trụ này phải phục tùng những ngẫu tượng họ thờ cúng, những ngẫu tượng mà các yếu tố trong vũ trụ đã không hề được dựng nên để thờ phượng chúng“ (PL 258, 955 tt). Như vậy, theo cái nhìn của Thánh Grêgôriô trong sứ điệp Giáng sinh, thì hang lừa biểu thị cho trái đất đã bị con người ngược đãi. Đức Kitô không tái thiết một cung điện nào đó. Người đã đến là để ban lại cho tạo vật, cho hoàn vũ vẻ đẹp và phẩm giá của mình: đó là điều mà ngày Lễ Giáng Sinh đã cam kết thực hiện, và là điều làm cho các Thiên thần vui mừng hoan hỉ. Trái đất này đã được tái tạo, là vì nó biết mở rộng lòng ra đón nhận Thiên Chúa, là vì tìm lại được ánh sáng đích thật của mình; và trong sự hòa hợp giữa ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa, trong sự kết hợp giữa trời cao và đất thấp, quả đất đã tìm lại được vẻ đẹp và phẩm giá của mình. Như thế, lễ Giáng sinh là một ngày lễ mừng cuộc sáng tạo mới. Từ bối cảnh này, các Giáo phụ đã cắt nghĩa bản thánh ca của các Sứ thần trong đêm cực thánh như sau: bản thánh ca này biểu lộ niềm vui được khai sinh từ sự kiện thiên giới và trần thế, trời cao và đất thấp tái kết hợp với nhau; từ sự kiện con người tái kết hợp với Thiên Chúa. Theo các Giáo phụ, bài ca mà từ nay các Thiên thần và con  người có thể cùng nhau hát vang lên, bài ca ấy là thành phần của bản thánh ca Giáng sinh của các Thiên thần; chính vì thế mà vẻ đẹp của hoàn vũ được biểu lộ qua vẻ đẹp của bài ca ngợi. Cũng theo các Giáo phụ, bài ca phụng vụ có được một phẩm giá đặc biệt, bởi vì bài ca ấy liên kết bài ca của trần gian với các ca đoàn thiên quốc. Đó là cuộc gặp gỡ  Đức Giêsu Kitô, Đấng làm cho chúng ta có khả năng nghe được bài ca của các Thiên thần, và như thế, tạo nên nền âm nhạc thực sự, và âm nhạc này chỉ biến đi khi  ta đánh mất khả năng cùng nhau ca hát và cùng nhau lắng nghe.

 

Trong hang đá Bêlem, trời cao và đất thấp gặp nhau. Trời cao ngự xuống trên đất thấp. Chính vì thế, từ hang đá Bêlem đã phát sinh một luồng ánh sáng cho hết mọi thời đại; chính vì thế, từ hang đá Bêlem niềm vui đã được thắp sáng; chính vì thế, từ hang đá Bêlem bài thánh ca đã xuất hiện. Cuối bài suy niệm Giáng sinh của chúng ta, tôi muốn trích lại một câu nói thật tuyệt vời của Thánh Âutinh. Khi chú giải câu Lạy Cha chúng con trong Lời kinh Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời“, Thánh Âutinh tự hỏi: trời đây có nghĩa là gì? Trời đây ở đâu?  Và câu trả lời của thánh nhân làm ta hết sức ngạc nhiên: “… ở trên trời – điều này có nghĩa là: ở trong các Thánh, và ở trong những người công chính. Thật thế, các tầng trời là những vật thể nằm cao nhất trong vũ trụ, nhưng, vì là những vật thể, nên chúng không thể nào hiện hữu được, nếu không nằm trong một khoảng không gian nào đó. Thế nhưng, nếu chúng ta cho rằng Thiên Chúa ngự trên các tầng trời, như thể ở trên những phần cao nhất của thế giới, thì như thế, chim trời có lẽ sẽ hạnh phúc hơn chúng ta nhiều, bởi vì chúng sống gần Thiên Chúa hơn. Nhưng ta lại không thấy có đoạn nào viết: “Chúa ở gần những ai cư ngụ trên cao, hay trên núi thẳm, nhưng đúng hơn:  “Chúa ở gần tâm hồn bị dập nát “ (Tv 34 [33], 19), là kiểu nói diễn tả đức khiêm nhường. Cũng như tội nhân được gọi là “đất“, thì ngược lại, người công chính cũng có thể được gọi là “trời“ ” (Bài giảng trên núi II 5, 17). Bầu trời không thuộc về địa lý của không gian, mà thuộc về địa lý của con tim. Và con tim của Thiên Chúa, trong Đêm cực thánh này, đã cúi mình đi vào hang lừa máng cỏ: sự khiêm nhường của Thiên Chúa là trời cao. Và nếu chúng ta bước vào được trong sự khiêm nhường này, thì lúc đó, chúng ta sẽ chạm tới trời cao. Và lúc đó, trái đất này cũng sẽ trở nên mới mẻ. Cùng với sự khiêm nhường của các mục đồng, chúng ta hãy cất bước lên đường, trong đêm cực thánh này, để đi đến với Con Trẻ nằm trong hang lừa! Chúng ta hãy chạm tới sự khiêm nhường của Thiên Chúa, chạm tới con tim của Người! Lúc đó, niềm vui của Người sẽ chạm đến chúng ta, và sẽ làm cho thế giới này được tỏa sáng hơn.  Amen.