24/11/2024

Lễ Thánh Gia, năm A: Để gia đình bình an hạnh phúc

Lời mở: Nhân ngày thánh hoá gia đình hôm nay, chúng ta nghĩ nhiều về gia đình của mình để cầu nguyện cho gia đình được bình an, hạnh phúc. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang thuộc về những gia đình lớn lao hơn và những gia đình đó cũng cần bình an và hạnh phúc, có khi còn cần hơn cả gia đình chúng ta.

LỄ THÁNH GIA – năm A

Để gia đình bình an hạnh phúc

 

 

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

 

Lời mở

Nhân ngày thánh hoá gia đình hôm nay, chúng ta nghĩ nhiều về gia đình của mình để cầu nguyện cho gia đình được bình an, hạnh phúc. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang thuộc về những gia đình lớn lao hơn và những gia đình đó cũng cần bình an và hạnh phúc, có khi còn cần hơn cả gia đình chúng ta.

1. Những gia đình chúng ta gắn bó

1.1. Nếu nhìn rộng hơn, chúng ta thấy mình thuộc về một gia đình lớn gọi là gia tộc gồm có ông bà, chú bác, họ hàng; nếu nhìn về mặt xã hội, chúng ta thấy mình thuộc về đại gia đình Việt Nam, cùng là đồng bào với nhau, cùng sinh ra từ chung một bọc nên cần đón nhận nhau như anh em một nhà.

Trong Giáo Hội, chúng ta thuộc về gia đình giáo xứ mà cha sở đóng vai trò gia trưởng và hội đồng giáo xứ có thể đóng vai trò người mẹ để chăm lo cho giáo dân. Nhìn vào giáo phận, Giáo hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu, chúng ta cũng có thể có những so sánh tương tự. Nhìn xa hơn, tất cả chúng ta thuộc về đại gia đình nhân loại, trong đó mọi người đều được sinh ra từ Thiên Chúa, được yêu thương và phải đón nhận nhau như anh em con cùng Cha Trên Trời.

Nếu nhìn vào thế giới, chúng ta lại thấy mình thuộc về một gia đình rất rộng lớn mà vạn vật là những đứa em nhỏ được Cha Trên Trời giao phó cho ta: “hãy bá chủ chim trời cá biển và mọi vật trên mặt đất” (St 1,28) để tìm hiểu, yêu thương, giáo dục và điều khiển chúng cho tốt đẹp.

1.2. Có những gia đình rất hạnh phúc, nhưng nếu nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ thấy nhiều gia đình có thể đang xung đột, bất an, xuống cấp nghiêm trọng mà có thể chúng ta không để ý. Theo thống kê, ở các nước Tây Phương, cứ 100 gia đình thì có 50 gia đình đã ly dị, 80 gia đình có bất hoà nghiêm trọng; ở Việt Nam, cứ 100 gia đình thì có hơn 15 gia đình ly dị, số bất hoà cũng không thua kém. Từ những gia đình có cha mẹ ly dị, ly thân, xung đột, con cái sẽ rất đau khổ. Sự bất an từ những đứa con trong gia đình sẽ lan ra ngoài cộng đồng xã hội, gây nên những xáo trộn nặng nề.

Nếu nhìn vào gia đình Đông Nam Á, chúng ta thấy nhiều nước đang lo sợ cuộc chiến giữa Bắc Triều Tiên với Nam Hàn, cuộc tranh chấp ở biển Đông với những quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Nhật Bản với Nga… Nhiều nước trên thế giới đang căng thẳng, xung đột và gây chiến với nhau khiến chúng ta lo lắng vì tất cả đều thuộc về gia đình nhân loại.

Nhìn vào thế giới, chúng ta thấy con người coi vạn vật như là những thứ vô tri vô giác chứ không còn là những đứa em trong đại gia đình vũ trụ do Người Cha Tạo Hoá dựng nên. Con người khai thác, bóc lột vạn vật đến cùng kiệt khiến chúng phải phản kháng, gây nên những xáo trộn nặng nề: những tảng băng ở hai đầu cực trái đất chảy tan làm mực nước biển dâng lên, những xáo trộn về nhiệt độ và gió biển mà chúng ta đang phải chịu đựng. 40 năm nữa chưa chắc chúng ta còn được ngồi như thế này ở đây vì 17% diện tích nước Việt Nam sẽ chìm dưới mực nước biển. Nếu chúng ta không thay đổi thái độ với môi trường, 17 triệu dân trong nước sẽ phải di dời vì ngập lụt.

2. Giải pháp

Những xuống cấp, xáo trộn, xung đột đó bắt nguồn từ đâu và chúng ta phải làm gì?

2.1. Chúng có thể bắt nguồn từ nhận thức của chúng ta: chúng ta không còn coi nhau là anh em trong một đại gia đình, chúng ta chỉ lo cho gia đình riêng tư, nhỏ bé mà quên đi gia đình lớn lao của mình. Trong một xã hội mà người ta chạy theo vật chất, quyền lực, tham vọng và dục vọng để thoả mãn nhu cầu riêng tư thì người ta coi nhau như những phương tiện giải trí, người ta chỉ khai thác vật chất như những phương tiện để hưởng thụ chứ không còn phải là anh em nữa. Chính vì thế mà có sự xung đột, bất hoà, bất an trong đại gia đình nhân loại.

Ai trong chúng ta đang ngồi đây mà trong gia đình mình chưa có sự bất hoà, xung đột, giận hờn đến nỗi có người phải bỏ nhà ra đi? Xin giơ tay để chúng tôi chúc mừng. Hầu như không có ai cả! Như vậy chúng ta ý thức rằng sự xung đột không phải ở ngoài mà ở ngay trong chính gia đình mỗi người. Vậy chúng ta phải làm gì?

2.2. Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta các bài Kinh Thánh hôm nay, đặc biệt là bài Phúc Âm, để chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người.

Người là một vị Thiên Chúa vượt ra ngoài không gian và thời gian, vượt ra ngoài vật chất nhưng bắt đầu từ nay trở thành một thành phần trong đại gia đình nhân loại và vũ trụ để mọi người mọi vật cảm nghiệm được tình yêu vô cùng của Người Cha Tạo Hoá đang nối kết tất cả. Trong thân thể nhỏ bé của hài nhi mới sinh, Người trở thành thành phần của gia đình vũ trụ, vì trong thân thể nhỏ bé ấy cũng có tất cả yếu tố vũ trụ y như bất cứ con người hay vật chất nào: carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm… Người đang mời gọi mỗi người chúng ta và vũ trụ này quy tụ lại trong Người để nhận lấy ân sủng cao quý, sự sống vô biên, vĩnh hằng, vô tận của Người chuyển thông cho tất cả.

Từ nay chúng ta đừng nhìn nhau như những người xa lạ mặc dù chúng ta khác nhau về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, chính trị… Từ nay chúng ta cũng đừng nhìn bông hoa, cục đá như những thứ vật chất vô hồn nhưng là những đứa em được Cha Trên Trời giao phó cho chúng ta là huynh trưởng để lo lắng, tìm hiểu bằng những khoa học kỹ thuật và yêu thương bằng tình yêu Thiên Chúa. Có như  thế ta mới có thể nói rằng: “gió ơi, hãy im đi; biển ơi, hãy lặng đi; bánh cá ơi, hãy hoá nhiều ra” như Đức Giêsu đã làm khi xưa cho nhân loại được sung túc và hạnh phúc.

Nhờ tình bác ái Đức Kitô thúc đẩy, nhân loại mới nhận ra nhau để có thể đón nhận, chịu đựng, tha thứ cho nhau: “nếu người này có chuyện gì xúc phạm đến người kia” (Cl 3,13). Bấy giờ chúng ta mới có thể làm cho gia đình của chúng ta hạnh phúc, mới vượt lên trên những tham vọng và dục vọng để giữ lòng chung thuỷ với người vợ, người chồng của mình; mới thấy rằng dù không có những đứa con ruột thịt thì chúng ta đang được mời gọi để trở thành những người cha, người mẹ tinh thần vì ai nấy đều sống mãi mãi với Thiên Chúa mà không cần phải có những đứa con để nối dõi tông đường.

2.3. Ngoài yếu tố đầu tiên: nhận ra Đức Giêsu đang ở trong nhau, yếu tố thứ hai mà bài Phúc Âm hôm nay muốn giới thiệu đó là chúng ta nhận lãnh sứ mạng gia trưởng của mỗi người. Thánh Giuse hôm nay gợi ý cho chúng ta một hình ảnh tuyệt đẹp: Ngài là vị gia trưởng đang đêm chỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, sau đó được báo mộng cũng lại đang đêm trỗi dậy đưa Hài Nhi và Mẹ Người trở về Israel. Trong sự khôn ngoan, Ngài đã suy nghĩ nếu về Giêrusalem thì ở quá gần với kinh đô nhà vua nên đã đưa gia đình lên miền Bắc Galilê và đến ở trong thành Nazareth.

Mỗi người chúng ta được mời gọi nhận lãnh sứ mạng làm gia trưởng dù chúng ta không phải là người chủ trong gia đình. Nói đến gia trưởng là chúng ta thường nghĩ ngay đến người chồng, người cha. Nhưng nếu gia đình chúng ta không được như vậy vì người chồng yếu đuối, ít học trong khi người vợ giỏi giang hơn, học lực cao hơn sẽ phải nhận nhiệm vụ làm gia trưởng. Hoặc nếu cha mẹ già yếu, chúng ta là con cái có khả năng kiếm tiền để bảo dưỡng gia đình, chúng ta trở thành gia trưởng; đóng vai Thánh Giuse lo cho gia đình thánh.

Gia trưởng là ai? Là người dám đón nhận những công việc khó khăn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn các thành viên khác trong gia đình chứ không phải là người có thái độ hống hách, bắt người khác phải phục vụ mình. Nhiều người trong xã hội hôm nay chỉ muốn nhận những công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ, chỉ muốn được người khác lo cho mình, chỉ đòi quyền lợi chứ không dám chấp nhận hy sinh, gian khổ vì họ không chấp nhận ý nghĩa gia đình, cũng chẳng tin tưởng Thiên Chúa là người chủ gia đình luôn thấy rõ tất cả.

Khi chúng ta đón nhận nhiệm vụ gia trưởng chắc chắn Chúa sẽ ban cho chúng ta những phương tiện, ân sủng để chúng ta thực hiện chương trình cứu độ của Chúa cho gia đình mình, cho thế giới và vũ trụ. Ý thức được điều đó, chúng ta không còn đòi hỏi những nhiệm vụ dễ dãi vì chỉ là đứa em, là người vợ yếu đuối. Là gia trưởng, chúng ta tình nguyện đón nhận những gì vất vả hơn, đóng góp phần việc lớn lao hơn so với những anh chị em khác. Chúng ta không chờ người khác chia công tác cho chúng ta nhưng tình nguyện làm tất cả những gì Chúa soi sáng cho chúng ta qua lương tâm ngay chính của mình như Thánh Giuse.

Kết luận

Khi chúng ta thực hiện sứ mạng gia trưởng như vậy, chúng ta đang xây dựng cho gia đình mình cũng như cho đại gia đình nhân loại và vũ trụ mỗi ngày một bình an và hạnh phúc. Đó là ý nghĩa mà chúng ta đang được mời gọi để suy nghĩ trong ngày mừng Thánh Gia Thất hôm nay. Xin Thánh Cả Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu luôn luôn nâng đỡ và chúc lành cho đại gia đình chúng ta để hạnh phúc ấy được bền vững mãi mãi.