Du nhập văn hoá thiếu chọn lọc!

“Hòa nhập chứ không hòa tan”, tư tưởng xuyên suốt đó là kim chỉ nam cho văn hoá thời kỳ mới. Thế nhưng, sự giao lưu văn hoá đang đặt ra những thách thức lớn. Chúng ta tiếp thu văn hoá nước ngoài nhưng tiếp thu có chọn lọc và như vậy cần lựa chọn những sản phẩm văn hoá phù hợp để không đánh mất bản sắc văn hoá chính mình.

Du nhập văn hoá thiếu chọn lọc!

Báo SGGP, ngày 29/10/2010

Đất nước mở cửa, song song với sự phát triển về kinh tế là những giao thoa văn hoá. Các trào lưu, làn sóng văn hoá của thế giới cũng theo sự mở cửa tràn vào nước ta. Và như một quy luật tất yếu, bên cạnh những tinh hoa văn hoá cũng đi kèm không ít những dạng văn hoá xa lạ với truyền thống dân tộc, thậm chí đôi khi còn phi văn hoá, đồi trụy…

Những năm gần đây, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, các dạng phi văn hoá, mạo danh văn hoá để truyền bá lối sống thác loạn, đi ngược với thuần phong mỹ tục cũng dần được người dân nhận thức, xa lánh và đào thải. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều loại văn hoá ngoại lai mà sự nhìn nhận tốt xấu vẫn còn có sự khác biệt.

Điển hình nhất có thể kể đến trào lưu “Free Hugs”, khi vào Việt Nam được gọi là “Vòng tay yêu thương”. Những người tham gia sẽ ôm bất cứ ai trên đường với mong muốn thông qua những cái ôm đó mang con người lại gần với nhau, thông cảm, chia sẻ hơn. Ý tưởng của trào lưu này khá hay nhưng đó là khi đặt ở môi trường văn hoá phương Tây nơi cái ôm vốn dĩ là một hành động giao tiếp thông thường. Vào Việt Nam, nơi môi trường văn hoá hoàn toàn không tồn tại hình thức giao tiếp xã giao là ôm nhau thì trào lưu trên lại trở nên phản cảm, dễ bị xem là lợi dụng. Đó là chưa kể với văn hoá Việt Nam cái ôm vốn dĩ lại là hình thức giao lưu tình cảm thân thiết, chỉ có thể dùng với người thân hay với những người yêu nhau. Chính vì thế, những cô gái, chàng trai đứng ngoài đường gặp ai cũng đòi ôm, tạo ra một hình ảnh xấu với đông đảo người qua lại.

Những ngày gần đây, phố phường lại có dịp nhộn nhịp lên vì một nét văn hoá đậm chất phương Tây du nhập vào nước ta vài năm qua, đó là lễ hội ma quỷ Halloween. Tại các trục đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi dành cho ngày Halloween với những bộ xương người, mặt nạ ma quỷ, mặt nạ người chết, các trang phục ma-cà-rồng…

Lễ hội Halloween phổ biến tại phương Tây như một ngày lễ tạ ơn sau mùa thu hoạch, việc hoá trang thành ma quỷ được xem là một hình thức an ủi, chia sẻ với những ma quỷ để tránh bị phá hoại. Ban đầu, Halloween trong nước chỉ được tổ chức tại các khu vực đông người nước ngoài nhưng dần lan ra như một thú chơi thời thượng. Tuy nhiên, điều đáng nói, khi du nhập lễ hội Halloween, người ta hoàn toàn bỏ quên yếu tố tâm linh mà thuần túy chỉ chạy theo hình thức. Người ta hoá trang thành ma quỷ, càng kinh dị càng tốt chỉ để cho vui, để chứng tỏ sự sành điệu, thậm chí nhiều nơi còn nhân dịp này để tổ chức những cuộc ăn chơi trác táng như ở một bar đã quảng cáo rầm rộ là đêm Halloween ở quán sẽ có “những Vampires với những vũ điệu cực sexy ghê rợn người…”.

“Hòa nhập chứ không hòa tan”, tư tưởng xuyên suốt đó là kim chỉ nam cho văn hoá thời kỳ mới. Thế nhưng, sự giao lưu văn hoá đang đặt ra những thách thức lớn. Chúng ta tiếp thu văn hoá nước ngoài nhưng tiếp thu có chọn lọc và như vậy cần lựa chọn những sản phẩm văn hoá phù hợp để không đánh mất bản sắc văn hoá chính mình.

TƯỜNG VY