Ngập đô thị – cuộc đua bất tận?

Sau nhiều năm sống trầy trật với đủ giải pháp chống ngập, những “Sơn Tinh” thị dân tại TP.HCM nay vẫn khóc dở mếu dở mỗi khi mùa mưa tới. Với phân nửa diện tích thành phố là vùng trũng, việc nâng đường kết hợp làm cống thoát nước mới – một giải pháp thường thấy – đang khiến ngập ngày càng lan rộng.

Ngập đô thị – cuộc đua bất tận?

Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 17/10/2010

Sau nhiều năm sống trầy trật với đủ giải pháp chống ngập, những “Sơn Tinh” thị dân tại TP.HCM nay vẫn khóc dở mếu dở mỗi khi mùa mưa tới. Với phân nửa diện tích thành phố là vùng trũng, việc nâng đường kết hợp làm cống thoát nước mới – một giải pháp thường thấy – đang khiến ngập ngày càng lan rộng.

 
 

Cuộc đua chưa có điểm dừng

Nói về cuộc đua “nâng đường, nâng hẻm và nâng nhà” ngày càng quyết liệt ở TP.HCM hiện nay, trong hội thảo về biến đổi khí hậu diễn ra tại TP.HCM gần đây, một nhà khoa học cảnh báo: “Cuộc đua này sẽ còn kéo dài…”.

Ngập nặng vì nâng đường

40.380 tỉ đồng để thoát nước

TP.HCM được chia làm sáu khu vực thoát nước. Sáu khu vực này sẽ có 6.000km đường cống và mương thoát nước được xây dựng để xử lý nước thải và chống ngập. Tổng vốn đầu tư khoảng 40.380 tỉ đồng.

(Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)

Nay chỉ một cơn mưa lớn cũng có thể làm toàn bộ hẻm 235 và 283 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3 chìm trong nước. Cơn mưa ngày 14-9 làm nước ngập gần tới yên xe máy. Người ngồi bó gối trong nhà chờ nước rút, ai phải đưa đón con đi học thì bì bõm dắt bộ trong con hẻm ngập ngụa nước, rác. Có thể nói thảm trạng ngập nước này chỉ xảy ra từ thuở… đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được mở rộng.

Đường làm xong với cao độ mới khiến một số hẻm thành vùng trũng, thấp hơn mặt đường cả mét, nên mưa dù lớn hay nhỏ những con hẻm này trở thành những “dòng kênh” chứa nước bẩn. Để chống chọi với ngập, nhiều hộ dân ở đây phải nâng nền nhà từ 0,7-1m. Nhưng không phải hộ nào cũng có tiền để nâng nền.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở 235/58A Nam Kỳ Khởi Nghĩa cam chịu cảnh sống chung với nước ngập mỗi khi mưa từ nhiều năm nay. Nghề bán hủ tiếu mì hằng ngày của chị chỉ đủ nuôi bốn miệng ăn. Không thể nghĩ đến chuyện nâng nền nhà, chị chọn giải pháp xây gờ cao khoảng 30cm chắn trước cửa nhà để ngăn nước ngập. “Nhưng mỗi lần mưa là nước cống trong nhà xì lên, từ ngoài hẻm tràn vào nên tất cả đồ dùng trong nhà tôi phải kê cao 40cm. Hôm nào mưa lớn, cả nhà phải chịu trận suốt 3-4 giờ liền nước mới rút” – chị Thanh than thở.

Ở quận 7, hơn 100 hộ dân hẻm 271 Lê Văn Lương, phường Tân Quy phải sống với nước ngập triền miên kể từ khi hẻm này được nâng cao vào tháng 2. Bà Nguyễn Kim Dung, nhà số 271/30, cho biết đã sống ở đây mười mấy năm, trước đây mưa to cỡ nào nhà cũng không bị ngập vì nhà bà cao hơn đường 40cm. Nhưng từ khi sửa đường, không cần mưa lớn nước cống cũng tràn lên nhà. “Trời mưa thì cả nhà rút lên lầu, hết mưa lại xuống tát nước, lau dọn. Có khi nước ngập lúc 1-2g sáng phải thức trắng đêm di dời đồ đạc, sáng đi làm không nổi” – bà Dung than. Cũng theo bà Dung, hội phụ nữ phường có đề nghị cho vay hỗ trợ 15 triệu đồng để sửa nhà, nhưng khoản tiền này không đủ làm nên bà chưa vay.

Xập xệ nhất trong khu phố này là nhà ông Nguyễn Văn Hiền. Hiện mặt đường cao hơn nền nhà khoảng 50cm nên nhà ông Hiền gần như ngập quanh năm, bất kể mưa nắng. Nhà ông Ngô Ứng Vi ở 271/42/1 Lê Văn Lương còn thấp hơn mặt đường gần 70cm, cửa sổ chỉ cao hơn mặt đường 30cm.

Ông Đào Gia Vượng, chủ tịch UBND phường Tân Quy, cho biết công trình nâng cao mặt đường hẻm 271 thuộc dự án nâng cấp đô thị, ảnh hưởng hơn 120 hộ dân. UBND phường Tân Quy “đã giám sát việc thi công và có công văn gửi Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP về tiến độ thi công cũng như phản ảnh thực trạng ngập nhà dân để đơn vị này xem xét, có hướng khắc phục”.

 

Khổ sở trong nước ngập

Cũng trong điệp khúc “nâng đường”, vài tháng nay nhà dân, mặt hẻm dọc đường Phạm Văn Chí, quận 6 bỗng dưng thụt xuống, chỗ ít 60cm, chỗ nhiều 80cm, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Ông Vương Văn Thanh, 80 tuổi, nhà ở phường 1, chỉ chúng tôi xem gờ ximăng lên xuống mà nhà ông mới xây để đối phó khoảng cách 70cm với mặt đường. Gờ ngang 1m, dài khoảng 2m lù lù giữa phòng khách, phục vụ bảy xe máy trong nhà lên xuống. “Nhà tôi đã tính đến chuyện nâng nền nhưng hiện chưa biết lấy đâu ra tiền” – ông Thanh trầm ngâm nói.

Nhiều tuyến đường xung quanh khu vực này cũng đang được nâng cao, các khu dân cư ở giữa thành “hồ” chứa nước mỗi khi trời mưa. Dân ở hẻm 89 Phạm Văn Chí nói nếu mưa đúng lúc triều cường, nước trào lên thì cả hẻm bó tay ngồi nhìn, chờ nước rút. Một người ở hẻm 29 Bình Tây cho biết mới đây tổ trưởng dân phố có đến các hộ dân hỏi ý kiến về chuyện nâng hẻm, ước tính mỗi hộ phải đóng vài triệu đồng. “Nhưng nâng hẻm xong phải nâng nhà, trong khi hoàn cảnh nhiều hộ còn khó khăn, chẳng biết tính sao” – người này nói.

Tại đường Hồng Bàng (thuộc quận 6 và quận 11) đang diễn ra một cuộc “rượt đuổi” giữa đường và nhà. Một người dân phía quận 6 nói khoảng 3-4 năm trở lại đây có ít nhất hai lần tuyến đường này được nâng cao, nên đường vốn đã cao hơn nhà dân nay càng cao thêm. Tuyến đường này đang được lắp đặt hệ thống thoát nước, khi hoàn thành mặt đường sẽ được tráng một lớp nhựa để… cao thêm. “Nhà tôi đã hai lần nâng nền chạy theo đường, mỗi lần 20-40cm nhưng hiện vẫn thấp hơn mặt đường khoảng 30cm. Lần này mà tiếp tục nâng nền thì nhà tôi đã lên cao cả mét”. 

Sợ ngập, dân ngăn không cho nâng đường

Nâng đường (kết hợp làm cống thoát nước) để chống ngập đã trở thành “mốt” ở nhiều nơi trên địa bàn TP. Chính quyền địa phương các khu vực có dự án cho biết trước khi làm đều thông tin cho dân biết và nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Đã có những dự án bị dân phản ứng, ngăn không cho triển khai như dự án làm cống thoát nước, nâng hẻm khu phố 3 thuộc phường 14, quận Gò Vấp (đường Phạm Văn Chiêu).

Tuyến hẻm này dài khoảng 500m, khi công trình triển khai khoảng 200m thì một số người dân trong hẻm mới tá hỏa khi biết cao trình hẻm mới có đoạn cao hơn mặt hẻm hiện hữu gần 1,2m, có đoạn hẻm cao gần nửa nhà dân. Do nhiều người dân phản ứng nên công trình buộc phải ngưng thi công từ tháng 3-2010 đến nay.

Theo lãnh đạo UBND phường 14, quận Gò Vấp, việc triển khai các dự án cải tạo hẻm, làm hệ thống thoát nước trên địa bàn đều căn cứ theo cao độ cốt nền chuẩn là 2,15m. Trong khi đó, nhiều cụm dân cư trên địa bàn phường hiện vẫn thấp so với cao độ trên nên phải “nâng lên cho phù hợp” và “không thể làm hẻm theo cao độ hiện hữu vì như thế sẽ không giải quyết được tình trạng ngập”.

Cũng theo vị này, trước khi làm hẻm có họp thông báo cho dân biết nhưng lúc đó nhiều người không hình dung được hẻm mới sẽ nâng cao ra sao, nay thấy hẻm nâng quá cao nên phản ứng. Nhưng nhiều hộ dân trong hẻm khu phố 3, phường 14, quận Gò Vấp cho biết chỉ có những hộ không hoặc ít bị ảnh hưởng của dự án mới được mời đi họp và đồng ý việc nâng hẻm. Những hộ bị ảnh hưởng nhiều thì không hay biết cho đến khi dự án triển khai.

Ông Hồ Ngọc Mạnh ở địa chỉ 24/4L nói trước thời điểm nâng đường đã vay gần 80 triệu đồng để sửa lại nhà. “Nhà sửa vừa xong thì dự án nâng hẻm triển khai và cao hơn nhà tôi khoảng 1m. Giờ tiền đâu nữa để mà nâng nền?” – ông Mạnh nói.

Từ tháng 9 đến tháng 10-2010, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra ngập do mưa và triều cường. Ngày 12-9, mưa lớn cộng lúc triều cường lên 1,35m gây ngập 20 điểm trên địa bàn TP. Trong tháng 9, liên tục các ngày 14, 16 và 20, mưa tiếp tục gây ngập đường, kẹt xe tại nhiều nơi. Nghiêm trọng hơn, đêm 10-10, lượng mưa đạt 124mm (lớn nhất kể từ đầu năm) cộng với triều cường cao 1,48m đã gây ngập 40 điểm trên địa bàn TP, nhiều khu vực kẹt xe đến 23g. Trong đó, nhiều khu vực thuộc các quận Bình Thạnh, Thủ Đức bị ngập kéo dài từ hôm trước qua hôm sau, gây đảo lộn đời sống người dân.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, ngoài việc nâng đường không đồng bộ, từ đầu năm 2010 đã phát hiện 269 vị trí của hệ thống thoát nước bị xâm hại do các dự án chống ngập đang triển khai gây ra. Đến nay vẫn còn 42 vị trí xâm hại hệ thống thoát nước chưa được xử lý. Thống kê mới nhất tại TP.HCM vẫn còn khoảng 68 điểm ngập. Dự kiến trong năm 2010 sẽ xóa 35 điểm ngập.

 

Thường thì bàn giao rồi mới phát hiện bất cập

Vì sao cứ chống ngập là phải nâng đường? Ông Nguyễn Ngọc Công, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập TP), cho biết không chỉ Trung tâm Chống ngập TP làm việc này mà nhiều dự án cải tạo, mở rộng đường, cải tạo hệ thống thoát nước… do Sở GTVT TP, Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP cũng như các dự án khác do quận huyện làm chủ đầu tư kết hợp nâng cao mặt đường.

“Trung tâm chỉ nâng đường ở những tuyến mà mặt đường không bằng phẳng, xuất hiện các vùng trũng khiến nước đọng lại không thoát được. Cũng có những khu vực nâng cao toàn tuyến đường nhưng hình thức này chỉ áp dụng cho những khu vực trũng, đường ven sông và xem như là tuyến đê chắn ngập khi có triều cường. Nhưng cần phải nói rõ nâng đường không phải là giải pháp duy nhất để chống ngập mà còn kết hợp cải tạo hệ thống thoát nước cho khu vực” – ông Công nói.

Có chương trình cho vay tiền để người dân sửa nhà, nhưng…

Theo Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM, chương trình thuộc dự án có dành khoản quỹ cho người dân vay tiền sửa chữa, nâng cấp nhà ở với hạn mức 15 triệu đồng/hộ. Chương trình này đã triển khai năm năm qua với khoảng 35.000 hộ dân được vay tiền. Những trường hợp được vay tiền phải đảm bảo một số điều kiện theo quy định: là hộ nghèo, thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án… Nhưng do biến động giá cả vật tư nên số tiền vay trên hiện không đủ để người dân sửa chữa, nâng cấp nhà. Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP đã đề xuất cơ quan thẩm quyền nâng mức vay lên 30 triệu đồng/hộ.

* Vậy vì sao nhiều tuyến đường vừa cải tạo xong hệ thống thoát nước nhưng mưa vẫn ngập, thậm chí ngập nặng hơn trước?

– Phần lớn cống làm xong vẫn ngập do việc kết nối hệ thống thoát nước chưa đồng bộ. Như trường hợp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước đây hệ thống thoát nước cũ đặt dưới lề đường, khi mở rộng tuyến đường này đã dời hệ thống cống ra lòng đường nhưng “quên” đấu nối với cống thoát nước tại các hẻm. Như vậy nước chảy từ trong hẻm ra đến đường bị ách lại, không thoát được khiến các hẻm bị ngập. Đây là vấn đề bất cập, không chỉ tuyến đường trên mà nhiều dự án khác, đường khác cũng trong tình trạng tương tự. Người dân nói làm xong lại ngập nhiều hơn là có phần đúng.

* Nhiều dự án “có vấn đề” như vậy nhưng vì sao vẫn được nghiệm thu, đưa vào sử dụng?

– Thường khi các đơn vị bàn giao xong chúng tôi mới phát hiện những bất cập trên, tùy mức độ vụ việc mà Trung tâm Chống ngập TP sẽ có báo cáo UBND TP chỉ đạo xử lý. Còn chuyện hệ thống thoát nước không đảm bảo vẫn được nghiệm thu là chuyện của các sở ngành liên quan. Theo quy định, Trung tâm Chống ngập TP là đơn vị sở hữu, quản lý hệ thống thoát nước nên phải được tham gia từ quá trình thiết kế cơ sở, giám sát việc thi công, góp ý… đến khi đấu nối hệ thống thoát nước. Tuy nhiên quy định này chưa được thực hiện, kể cả khi nghiệm thu công trình trung tâm cũng không được tham gia. Bất cập do cơ chế phối hợp chưa có.

* Khi nâng đường ở một số khu vực, Trung tâm Chống ngập TP có tính đến việc ảnh hưởng đối với các hộ dân xung quanh?

– Nhiều khu vực không nâng đường vẫn ngập. Trước đây khi xây dựng hệ thống thoát nước, cơ quan chức năng tính theo mức nước triều khi đó là 1,32m, nay nước triều có lúc đã tăng lên 1,56m nên hệ thống cống cũ không còn phù hợp, phải làm hệ thống cống mới phù hợp với mức nước triều mới để thoát nước dễ hơn, hạn chế ngập.

Nhưng khi đảm bảo việc thoát nước thì phát sinh bất cập là nhà dân thấp hơn khiến sinh hoạt của người dân khó khăn, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Nguyên nhân do trước đây nhà dân xây thấp hơn cốt nền quy định (2m – PV) nên thường xuyên bị ngập khi triều cường. Nay muốn giảm ngập phải nâng nền nhà bằng cốt nền quy định. Cùng với việc nâng đường cần phải nâng hẻm, cải tạo hệ thống thoát nước đồng bộ với các tuyến đường đã làm để việc thoát nước tốt hơn.

Cơ quan chức năng không quản lý được

TP.HCM đã quy định cốt nền từ lâu (công trình xây dựng, làm đường phải có cốt nền từ 2m trở lên) nhưng một thời gian dài ít ai chú ý đến chuyện này. Đây là cốt nền chuẩn của TP (chưa tính đến vấn đề biến đổi khí hậu) và các công trình hạ tầng mới bắt buộc phải làm theo. Cốt nền này cũng được đưa vào các đồ án quy hoạch. Thế nhưng rất ít công trình làm theo và cơ quan chức năng dường như cũng không quản lý, kiểm tra xử phạt được. Nếu tiếp tục tình trạng mạnh ai nấy làm như thế này thì tình trạng ngập sẽ nặng nề hơn.

Trước đây đã có cơ quan kiểm tra hơn 20 dự án, công trình tại quận 2 và phát hiện không có dự án nào đúng cốt nền đã duyệt, cống thoát nước làm nhỏ hơn quy định. Nhưng sau đó không thấy ai bị xử phạt hay khắc phục. Giờ muốn xử lý cũng không được vì không thể đào cống lên để kiểm tra. Chưa kể hệ thống thoát nước của dự án này không kết nối với dự án kia, vậy làm sao thoát nước tốt được!?

Một số công trình cũng không tính đến độ lún, nhất là các công trình xây dựng ở vùng đất yếu. Khi san lấp có thể chủ đầu tư làm đúng cốt nền quy định, nhưng theo thời gian đất san lấp lún dần, không còn đúng như ban đầu. Nhưng nhiều chủ đầu tư không quan tâm việc bù lún và cũng không cơ quan nào kiểm tra, yêu cầu phải san lấp cốt nền đúng chuẩn.

Với điều kiện hiện nay, nâng cốt nền đồng bộ cho tất cả khu vực là công việc rất khó bởi TP.HCM có khoảng 60% diện tích đang đô thị hóa có cốt nền dưới chuẩn quy định. Nên khi nâng đường đúng cốt nền chuẩn thì nhà dân xung quanh sẽ bị ngập. Chưa kể làm công việc trên phải bỏ ra số tiền lớn, cần đến hàng tỉ tỉ mét khối đất và mất rất nhiều thời gian. Do vậy khi nâng cao khu vực nào đó, cơ quan chức năng phải tính toán giải pháp phù hợp để nâng cốt nền đồng bộ, không gây ngập nhà dân như vừa qua.

Kỹ sư PHẠM THỊ THANH HẢI
(nguyên viện phó Viện Quy hoạch đô thị TP.HCM)

 

Nâng đường, nâng nhà phải đồng bộ

Thật ra việc xác định cao độ san nền đô thị (gọi tắt là cốt nền – PV) không chỉ dựa vào mực nước triều cao nhất ở khu vực lân cận, quan trọng hơn là phải tạo ra được một xu thế địa hình (nhân tạo) thuận lợi cho việc thoát nước. Địa hình này phải loại bỏ được các khu trũng cục bộ tự nhiên. Như vậy, việc nâng đường hay hẻm nên thực hiện đồng bộ theo quy tắc trên mới có thể giải quyết được bài toán ngập cho từng khu vực cụ thể. Có thể nhiều khu vực có cốt nền trên 2m, thậm chí trên 5m, nhưng lại trũng cục bộ (so với xung quanh) vẫn có thể bị ngập.

Nếu không thể cải tạo địa hình đồng bộ thì việc nâng đường sẽ chia cắt khu vực thành nhiều ô trũng và ngập vẫn hoàn ngập. Chưa kể nhiều khi đường nâng lên thì cao độ cống thoát nước sẽ được xác định theo cao độ mới, cao hơn yêu cầu thoát nước cho lưu vực xung quanh.

Trước mắt, nếu chưa thể tiến hành đồng bộ mà vẫn phải ưu tiên cho việc nâng đường thì cần nghiên cứu bổ sung các hệ thống ứng cứu phù hợp, ví dụ như trang bị hệ thống máy bơm tạm. Trước khi triển khai dự án trên phải thông báo rộng rãi những hệ quả phát sinh và phải nhận được sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng. Tốt nhất là cần bổ sung việc đánh giá tác động gây ngập cục bộ và đề xuất giải pháp hỗ trợ vào quy trình xét duyệt việc nâng đường.

Định hướng quy hoạch TP.HCM đến năm 2025 đã có quy định về cốt nền tối thiểu cho các khu vực mới (2-2,5m). Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo hướng dốc nhân tạo thuần nhất của hệ thống thoát nước cho các khu dân cư quy hoạch mới. Hệ thống thoát nước này phải được xây dựng trên cốt nền theo quy định, đồng thời phải kết nối với hệ thống thoát nước các khu vực xung quanh.

Các khu vực trũng cục bộ tại các khu dân cư hiện hữu có thể được nâng lên hay giữ lại làm không gian điều tiết tùy điều kiện cụ thể. Hiện đề án xác định một số khu vực trũng thấp làm hồ điều tiết đang được các cơ quan chuyên môn thẩm định, hi vọng sớm được ban hành để sớm góp thêm giải pháp chống ngập tại TP.HCM.

Thạc sĩ HỒ LONG PHI
(giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM