28/12/2024

Thuốc trừ sâu làm từ… tỏi, ớt

Gần hai năm nay, những hộ dân ở thôn Khe Su (xã Lộc Trì H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đã áp dụng một phương pháp phòng trừ sâu bệnh rất độc đáo. Đó là dùng ớt, tỏi, hành, gừng… làm thuốc diệt sâu bọ hại cây trồng. Chế biến như chuẩn bị nấu ăn Để giúp chúng tôi mục sở thị, anh Phạm Văn Biên, một nông dân ở thôn Khe Su, vào bếp lấy ra một mớ ớt tươi, tỏi, hành…, cho vào cối giã vụn, sau đó pha chế với nước cám gạo và nước theo một công thức có sẵn rồi đổ vào bình phun thuốc mang ra phun lên vườn rau muống, rau dền, đậu bắp, cà tím… Anh Biên cho biết vườn rau xanh không hề có một con sâu, bướm nào dám lại gần.

Thuốc trừ sâu làm từ… tỏi, ớt

 

Thanh Niên, ngày 19/09/2010

Gần hai năm nay, những hộ dân ở thôn Khe Su (xã Lộc Trì H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đã áp dụng một phương pháp phòng trừ sâu bệnh rất độc đáo. Đó là dùng ớt, tỏi, hành, gừng… làm thuốc diệt sâu bọ hại cây trồng.

Chế biến như chuẩn bị nấu ăn

Để giúp chúng tôi mục sở thị, anh Phạm Văn Biên, một nông dân ở thôn Khe Su, vào bếp lấy ra một mớ ớt tươi, tỏi, hành…, cho vào cối giã vụn, sau đó pha chế với nước cám gạo và nước theo một công thức có sẵn rồi đổ vào bình phun thuốc mang ra phun lên vườn rau muống, rau dền, đậu bắp, cà tím… Anh Biên cho biết vườn rau xanh không hề có một con sâu, bướm nào dám lại gần.

“Cách chế thuốc trừ sâu ni không phải do bọn tui nghĩ ra đâu, mà do thầy Hường ở trường Đại học Nông Lâm Huế cùng các cán bộ của dự án JICA về tập huấn, hướng dẫn đó. Thấy cách làm ni bằng nghề nông, làm ruộng, làm vườn bắt buộc phải dùng nhiều loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu độc hại để diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng. Nay biết được cách chế biến phân bón và thuốc trừ sâu từ cây trái thiên nhiên vừa sạch vừa an toàn cho người sử dụng, tôi thấy rất hay”, ông Cao Thanh nói.

 

“Trong các loại củ, quả như: ớt, tỏi, hành gừng… có chứa hàm lượng a-xít có tác động đến cơ thể của những loài sâu bọ hại cây trồng như mắt, da… làm chúng chết. Nếu chiết xuất thảo mộc này được chế biến với nồng độ phù hợp sẽ xua đuổi, tiêu diệt được các loài sâu bọ” TS Lê Đình Hường

 

Cùng với việc áp dụng chế biến phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu không có hoá chất độc hại cho vườn rau, ông Thanh đã mạnh dạn bỏ ra một sào ruộng để thử nghiệm với mô hình sản xuất lúa sạch. Kết quả vụ thu hoạch vừa qua, sào ruộng được bón phân hữu cơ và thuốc trừ sâu từ chiết xuất thiên nhiên thu lại kết quả rất tốt. Sào ruộng cho sản lượng cao không thua gì các thửa bón phân và thuốc hoá chất khác, đồng thời chất lượng hạt lúa hơn hẳn với hạt lúa có sắc sáng tươi. Ông Thanh cho biết: “Năm tới, tôi sẽ áp dụng cho toàn bộ diện tích ruộng của mình bằng phương pháp này” – ông Thanh tin tưởng.

Trở lại với truyền thống

Người đem phương pháp chế biến phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu từ dấm than và hạt neem đến với người dân Khe Su là Shugo Hama, chuyên gia nông nghiệp hữu cơ của ĐH Nông-Công nghệ Tokyo, Nhật Bản. Shugo Hama là người đã từng bỏ ra nhiều năm nghiên cứu những kinh nghiệm sản xuất truyền thống của người nông dân Nhật Bản sau đó đúc kết lại và mang phổ biến cho nông dân VN, thông qua các dự án hợp tác nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, giới thiệu cho người dân cách sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn như: cách chế biến phân bón hữu cơ, chế biến dấm than và thuốc trừ sâu từ hạt neem để phòng trừ sâu bệnh. Qua đó, bà con biết tận dụng trấu, rơm, cành và lá cây để ủ hoai theo công nghệ lên men vi sinh để làm phân bón hữu cơ, đồng thời đốt than để chiết xuất dấm pha chế với hạt neem để làm thuốc trừ sâu, bệnh cho cây trồng.

Song song với hoạt động của dự án, TS Lê Đình Hường, khoa Nông học ĐH Nông Lâm Huế, đã kết hợp giới thiệu thêm đến các hộ nông dân ở thôn Khe Su những bài thuốc trừ sâu từ ớt, tỏi, hành, gừng… như trên. TS Lê Đình Hường cho biết: “Thật ra việc áp dụng các bài thuốc trừ sâu chiết xuất thảo mộc không phải là sáng kiến mới lần đầu tiên áp dụng. Các phương pháp này đã được một số nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, sau khi các loại hoá chất nông nghiệp phát triển cho hiệu quả nhanh, tiện lợi…, người ta đã quên dần các bài thuốc truyền thống. Ngày nay, khi tác hại của các dư lượng hoá chất độc hại trong thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người đã đến mức báo động, người ta mới có xu hướng quay trở lại với những kinh nghiệm sản xuất sạch truyền thống”.

 Theo ông Nguyễn Thám, Trưởng thôn Khe Su (xã Lộc Trì), để mô hình sản xuất rau sạch, an toàn này được triển khai rộng rãi, mang lại lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng, phải có các chính sách thích hợp của Nhà Nước. Nếu không người dân sẽ chạy theo những lợi ích trước mắt vì sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá chất chắc chắn sẽ có sản lượng cao hơn và thu lợi nhanh hơn.

Xu hướng sử dụng chế phẩm sinh học

Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng chung của VN và thế giới. Các chế phẩm sinh học, trong đó có vi sinh vật có các ưu điểm như: không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng. Không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, cân bằng hệ sinh thái, góp phần tăng độ phì nhiêu của đất, có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc hoá học khác.

Theo tiến sĩ Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM – các chế phẩm sinh học ứng dụng cho cây trồng hiện nay cơ bản được chia làm 3 nhóm sản phẩm với các tính năng khác nhau: nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng cho việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; nhóm chế phẩm sinh học dùng cho sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, chất kích thích tăng trưởng bón cho cây trồng; nhóm chế phẩm sinh học dùng cho cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp. Trong đó, nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng cho phòng trừ sâu bệnh là nhóm sản phẩm được ứng dụng khá rộng rãi và được ứng dụng sớm nhất trong lĩnh vực cây trồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong danh mục các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có gần 500 sản phẩm sinh học được phép lưu hành, trong đó có 300 loại thuốc trừ sâu và 98 sản phẩm thuốc trừ bệnh. Một số sản phẩm tiêu biểu như chế phẩm từ nhân hạt cây neem hiện nay đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong công tác BVTV, có hiệu lực phòng trừ nhiều loại sâu hại trên cây trồng như lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn trái, hoa kiểng.

Loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc này không tạo nên tính kháng của dịch hại, không ảnh hưởng đến thiên địch và không để lại dư lượng trên cây trồng. Thuốc tác động đến côn trùng gây hại bằng cách gây sự ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng cũng như ngăn cản sự đẻ trứng là giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, hoạt chất Rotenone được chiết xuất từ hai giống cây họ đậu là Derris elliptica Benth và Derris trifoliata có thể sử dụng như một loại thuốc trừ sâu thảo mộc có tác dụng diệt trừ sâu rầy trên lúa, ốc bươu vàng cũng như các loài cá dữ, cá tạp trong ruộng nuôi tôm.

Đại học Cần Thơ cũng đã nghiên cứu và đưa ra 2 chế phẩm sinh học Biobac và Biosar có khả năng phòng trừ 2 bệnh thường gặp trên lúa là đốm vằn và cháy lá. Chế phẩm Biobac được sản xuất từ một chủng vi khuẩn có sẵn ở địa phương, có khả năng tiêu diệt và ức chế sự phát triển của sợi nấm gây bệnh đốm vằn. Còn chế phẩm Biosar là sản phẩm được chiết xuất từ một số loài thực vật, có khả năng kích thích tính kháng bệnh cháy lá lúa (đạo ôn) do nấm Pyricularia gây ra. Điều chế từ nấm có sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học VIBAMEC với hoạt chất Abamectin được phân lập từ quá trình lên men nấm Steptomyces avermitilis, diệt trừ được các lọai sâu như sâu vẽ bùa, nhện, sâu tơ, sâu xanh, bọ trĩ, bọ phấn…

Tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại ở Việt Nam chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và quy mô sản xuất thử nên giá thành còn cao, thời gian bảo quản các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học ngắn nên dẫn tới khó khăn trong việc bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng. 

Quang Thuần