28/12/2024

Cần người nói lên sự thật

TT – Chiếc xe 12 chỗ ngồi đang bon bon trên đường đê Phúc Thọ (Hà Nội) đột ngột dừng lại khi vị khách đặc biệt, giáo sư David Ellwood – hiệu trưởng Trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard – tỏ ý muốn chụp ảnh người phụ nữ đang làm ruộng.

Cần người nói lên sự thật

 

Tuổi Trẻ, ngày Chủ Nhật, 19/09/2010

TT – Chiếc xe 12 chỗ ngồi đang bon bon trên đường đê Phúc Thọ (Hà Nội) đột ngột dừng lại khi vị khách đặc biệt, giáo sư David Ellwood – hiệu trưởng Trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard – tỏ ý muốn chụp ảnh người phụ nữ đang làm ruộng.

 

Hình ảnh gợi cho vị giáo sư người Mỹ sự tò mò nhất định: chị đang gieo từng hạt đậu tương bằng tay trên thửa ruộng nhỏ giữa ánh nắng chói chang. Chụp xong, giáo sư thấy chị muốn nói điều gì đó. Người phiên dịch giúp ông hiểu: “Nhiều người nước ngoài chụp ảnh tôi rồi nhưng tôi chưa thấy ảnh mình trên Internet bao giờ”.

Nhân câu chuyện này, GS Ellwood nói với phóng viên Tuổi Trẻ: “VN có những người dân làm việc chăm chỉ nhưng lại chưa có được công nghệ mới để tạo sự khác biệt. Đất nước các bạn đang có cơ hội để hưởng trọn vẹn những thành tựu khoa học công nghệ mới cho sự phát triển của mình”.

Người tiếp GS Ellwood trên chiếc xe 12 chỗ sáng 18-9 là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, người đã lấy bằng thạc sĩ quản trị công năm 1995 tại Trường quản lý nhà nước Kennedy (còn gọi là Trường Harvard Kennedy). Trước đó, tối 17-9, GS Ellwood cũng có cơ hội tiếp xúc với một nhà lãnh đạo khác của VN là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người cũng có một thời gian ngắn theo học ở ĐH Harvard.

Phó thủ tướng và GS Ellwood là diễn giả chính trong cuộc đối thoại kinh tế với một số doanh nghiệp VN và nước ngoài về chủ đề xu hướng kinh tế thế giới và lãnh đạo doanh nghiệp của VN do Phòng Thương mại châu Âu tổ chức tối 17-9.

Tại buổi nói chuyện này, hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy đưa ra ba từ khoá quan trọng cho những người dẫn dắt nhà nước cũng như doanh nghiệp: khả năng lãnh đạo, hành động và thời gian. Theo GS Ellwood, chúng ta đều quá bận rộn trong việc đổ lỗi cho nhau mà quên mất cần hành động đúng lúc.

Cũng tại cuộc đối thoại, GS đưa ra một số gợi ý để giải quyết vòng luẩn quẩn ở trên: khi có một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan chính phủ, hãy tìm một người/một nhóm rồi giao trách nhiệm cho họ và tạo ra những thể chế gồm những người thông minh, có đạo đức và dũng cảm ở bên ngoài chính phủ để đưa ra lời khuyên và nói lên sự thật.

Chuyến đi thực địa ở miền quê ngoại thành Hà Nội cùng với những cuộc tiếp xúc khác ở thủ đô lẫn TP.HCM đã khiến GS Ellwood có một nhìn nhận về đất nước lần đầu ông đặt chân tới: năng động, đầy sức sống nhưng đang gặp không ít thách thức về năng lượng, cơ sở hạ tầng, thiên tai… “Nhưng tôi rất lạc quan về tương lai của các bạn. Không có lý do gì một đất nước có nhiều khát vọng to lớn và đẹp đẽ như vậy lại không đạt được ước mơ của mình”.

H.GIANG