27/12/2024

Thụy Sĩ trả lại công quỹ “bị ăn cắp”

TT – Sau ngày 14-9 là thời điểm mà cả Hạ viện và Thượng viện Thụy Sĩ đều đã phê chuẩn xong đạo luật mới cho phép tịch thu các tài sản bất chính của những nhà độc tài ký thác tại các ngân hàng nước này và trả lại cho các quốc gia nạn nhân. Thêm một bước tiến nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới.

Thụy Sĩ trả lại công quỹ “bị ăn cắp”

Báo Thanh Niên, ngày 18/09/2010

TT – Sau ngày 14-9 là thời điểm mà cả Hạ viện và Thượng viện Thụy Sĩ đều đã phê chuẩn xong đạo luật mới cho phép tịch thu các tài sản bất chính của những nhà độc tài ký thác tại các ngân hàng nước này và trả lại cho các quốc gia nạn nhân. Thêm một bước tiến nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới.

Thêm một công cụ chống tham nhũng xuyên quốc gia:

Trụ sở Ngân hàng UBS (trái) và Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sĩ – Ảnh: NYT

Theo đạo luật mới, Chính phủ Thụy Sĩ có thể phong tỏa các tài khoản ngân hàng bị nghi ngờ trong vòng 10 năm thay vì năm năm như trước, sau đó tịch thu và trả lại cho các quốc gia nạn nhân. Số tài sản này phải được sử dụng để cải thiện cuộc sống người dân quốc gia đó, củng cố hệ thống pháp luật và phòng chống tội phạm.

Mục đích của đạo luật mới là không để tài sản có được từ các nguồn bất chính (tham nhũng) rơi vào tay những người phạm pháp. Trước đây, có nhiều trường hợp các ngân hàng Thụy Sĩ buộc phải trả lại tài sản cho thân nhân những nhà độc tài thay vì trả cho quốc gia mà họ đã biển thủ làm của riêng (một dạng ăn cắp).

Haiti, quốc gia Mỹ Latin được cả thế giới biết đến sau thảm họa động đất đầu năm 2010 làm gần 250.000 người thiệt mạng, có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên hưởng lợi từ đạo luật mới của Thụy Sĩ. Trong báo cáo về chỉ số tham nhũng năm 2009, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã đánh giá và xếp Haiti vào hàng những quốc gia tham nhũng nhất thế giới.

Jean-Claude “Baby Doc” Duvalier từng tự phong là tổng thống suốt đời khi mới 19 tuổi, sau khi cha mình là FranÇois “Papa Doc” chết. Sinh năm 1951, “lãnh đạo” Haiti từ năm 1971 cho tới khi bị lật đổ năm 1986, “Baby Doc” đã vơ vét được 7 triệu USD và gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Một phần số tiền này hiện vẫn đang bị phong tỏa tại ngân hàng Thụy Sĩ sau khi một tòa án ra phán quyết trả lại 4 triệu USD cho “Baby Doc” vào tháng 2-2010.

Theo đạo luật mới vừa được thông qua, người dân Haiti có thể nhận lại những đồng tiền đã bị ăn cắp của mình. Lý do, là nếu không trả những số tiền bị ăn cắp này cho các quốc gia nạn nhân thì đó chính là một sự bất công mà các tổ chức chống tham nhũng và nhiều chính phủ lâu nay từng lên tiếng phản đối Thụy Sĩ.

Mặt khác, các quan chức tham nhũng đã trốn ra nước ngoài sẽ thấy tiền của mình gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ dễ bị phong tỏa và tịch thu hơn.

Sáng kiến Hồi trả tài sản bị đánh cắp (StAR) là một chương trình phối hợp giữa Ngân hàng Thế giới và Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm. Diễn đàn toàn cầu lần đầu tiên của StAR được tổ chức ở Paris vào tháng 6-2010 với 120 đại diện cao cấp từ chính phủ các quốc gia, các tổ chức tài chính tư nhân, cơ quan lập pháp, tổ chức phát triển, tổ chức dân sự và truyền thông.

Đạo luật mới của Thụy Sĩ cung cấp thêm một công cụ mới cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng xuyên quốc gia trên thế giới, tiếp theo Công ước LHQ về chống tham nhũng bởi số tài sản bị đánh cắp ước tính khoảng 20-40 tỉ USD, trong khi chưa tới 5 tỉ USD được trả về trong 15 năm qua.

Các tổ chức xã hội dân sự cho rằng đây là một bước tiến, vì là một công cụ mới, ít ra trước mắt cũng khiến những kẻ tham nhũng phải chùn bước, nhìn trước ngó sau, suy nghĩ vài lần khi tuồn tiền đến các ngân hàng Thụy Sĩ – vốn nổi tiếng về tính bảo mật đối với thân chủ của mình.

Tuy nhiên, một số tổ chức lại tỏ ra thất vọng với đạo luật mới này. Họ muốn thấy đạo luật cho phép Thụy Sĩ can thiệp chủ động hơn nữa ngay cả khi một quốc gia không tự đòi lại tiền, hoặc cho phép các tổ chức phi chính phủ đưa các vụ việc ra tòa nếu nạn nhân của các quốc gia đó – vốn là những người dân bình thường – không dám hành động để vạch tội tham nhũng.

KHỔNG LOAN