Tờ rơi: Nó không nhớ từ bao giờ trong nó đã hình thành một thói quen kỳ lạ: mỗi khi dừng đèn đỏ ở những góc ngã tư, nó đều quan sát xem ở ngã tư đó có người phát “tờ rơi” không và cách hành xử của những người được nhận tờ rơi này như thế nào.

Nó không nhớ từ bao giờ trong nó đã hình thành một thói quen kỳ lạ: mỗi khi dừng đèn đỏ ở những góc ngã tư, nó đều quan sát xem ở ngã tư đó có người phát “tờ rơi” không và cách hành xử của những người được nhận tờ rơi này như thế nào. Khi đèn xanh sáng, nó lại nhìn xuống mặt đường xem số lượng tờ rơi “rơi” xuống đất là bao nhiêu.

Tản mạn

“TỜ RƠI” 

 

Nó không nhớ từ bao giờ trong nó đã hình thành một thói quen kỳ lạ: mỗi khi dừng đèn đỏ ở những góc ngã tư, nó đều quan sát xem ở ngã tư đó có người phát “tờ rơi” không và cách hành xử của những người được nhận tờ rơi này như thế nào. Khi đèn xanh sáng, nó lại nhìn xuống mặt đường xem số lượng tờ rơi “rơi” xuống đất là bao nhiêu.

Cách đây vài năm, mỗi lần dừng xe chờ đèn đỏ, người tham gia giao thông thường nhận được những tờ quảng cáo (nhiều người vẫn gọi là tờ rơi). Khi được phát thì hầu như ai cũng nhận, nhưng khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh thì những tờ rơi đó thi nhau “rụng” xuống đất. Có người thả rơi tại chỗ, có người vừa chạy vừa buông tay ra cho tờ rơi được tự do tung bay mà không biết rằng đôi lúc những tờ giấy đó cuốn theo chiều gió và táp vào mặt, vào tay người chạy phía sau. Cứ thế, từng tốp người dừng rồi đi theo tín hiệu đèn giao thông, và mặt đường cũng luân phiên đón nhận những tờ rơi hết đợt này đến đợt khác!

Nhìn những tờ rơi ấy, lòng nó chợt thấy xót xa: xót cho người chủ bỏ tiền in những tờ giấy đó – xót thương những người làm nghề phân phát tờ rơi – thương cho người công nhân vệ sinh đường phố thức khuya dậy sớm, để sáng thức dậy đi học, đi làm ta được đi trên những con đường sạch sẽ tinh tươm – chạnh lòng cho những tờ rơi “được rơi” như tên gọi dành cho chúng để rồi trở thành “rác” trên đường!

Nó nghĩ: Tại sao khi đón nhận những tờ rơi ấy, ta không cất chúng vào túi? Nếu nội dung trong tờ giấy đó không có ích cho ta thì có thể có ích cho những người ta quen biết hoặc ta cũng có thể sử dụng tờ giấy đó một cách hữu ích được mà! (dùng để gói bả kẹo cao su khi ta ăn xong để người khác không bị dính bẩn, xếp lại để kê chân bàn bị lệch, dùng để “giảm nhiệt” để tay ta không bị nóng bỏng khi cầm thức ăn hay đồ vật nóng như quả trứng, cái bánh vừa mới làm xong…) có rất nhiều cách tuy nhỏ bé nhưng giúp ta xử lý tờ giấy một cách hữu dụng hơn. Hoặc nếu thấy không cần thì ta có thể từ chối không nhận để không phải “bận rộn” với những tờ giấy đó.

Và nó ước: đừng có nhiều tờ rơi “rơi” xuống đường để giữ cho đường phố sạch đẹp, để tôn trọng người khác – cụ thể là người vừa phát tờ rơi cho mình.

Đó là điều cách đây vài năm mà nó thầm ước khi lòng buồn rượi trước những tờ rơi trên phố. Bây giờ, cũng thói quen đó, đôi lúc nó lại mỉm cười một mình khi đến ngã tư. Nhiều lần nó nhìn thấy chỉ còn vài người thả rơi tờ giấy và mặt đường cũng giảm đáng kể số “tờ rác” rơi đó. Lòng nó chợt vui lạ!

Không biết có ai có thói quen đó và suy nghĩ như nó không, nhưng nó hy vọng ý thức cộng đồng ngày càng lan rộng trong cuộc sống. Nó tin rằng khi người dân ý thức và cùng chung tay xây dựng xã hội thì dân tộc nó không còn bị chê cười bởi những chuyện nhỏ nhặt ấy.

 

Minh Tâm