27/12/2024

“Ngân hàng” lúa Gia Ry

Ở xã Sơn Trung, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) từ nhiều năm qua người dân tự nguyện đóng góp, lập nên ngân hàng lúa để giúp những gia đình nghèo khó, ốm đau, hoạn nạn.

“Ngân hàng” lúa Gia Ry

 

Báo Thanh Niên, ngày 05/09/2010

Ở xã Sơn Trung, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) từ nhiều năm qua người dân tự nguyện đóng góp, lập nên ngân hàng lúa để giúp những gia đình nghèo khó, ốm đau, hoạn nạn.

Ông Đinh Công Bôn, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, cho biết toàn xã có 6 thôn với 883 hộ, hơn 3.100 khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Hre. Mỗi thôn đều có cách làm khác nhau để giúp đỡ những gia đình gặp lúc ngặt nghèo, ốm đau bệnh tật, trong đó điển hình nhất là thôn Gia Ry.

Cách đây hơn 10 năm, cái đói, cái nghèo là nỗi ám ảnh thường trực đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Đến mùa giáp hạt, trong nhà chẳng còn hạt lúa. Ông Đinh Tiến Giới, Trưởng thôn Gia Ry, kể lúc ấy nhiều hộ dân trong thôn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng nên nhiều gia đình phải vay lúa của những người đi buôn từ miền xuôi lên với lãi suất rất cao. “Vay 5 ang (một đơn vị đo thể tích, tương đương với giạ, 1 ang khoảng 25 lon – PV) thì phải trả 10 ang nên đến kỳ thu hoạch lúa, có gia đình không đủ trả nợ vay. Nợ chồng lên nợ”, ông Giới nói.

 

Không cần giở sổ sách, ông Đinh Văn Róa, xóm trưởng và cũng là người được dân tín nhiệm giao trọng trách giữ chìa khóa một kho lúa của thôn Gia Ry, nói vanh vách danh tánh từng người trong xóm đã mượn lúa, ai còn nợ bao nhiêu. “Từ đầu năm đến giờ có cả thảy 6 người mượn, hỗ trợ 7 gia đình có người thân qua đời”, ông Róa cho biết.

 

Trước tình cảnh như vậy, các già làng ở đây như già Loan, già Qua đã bàn nhau vận động bà con, tùy điều kiện mỗi gia đình, đến mùa thu hoạch cùng nhau góp lúa. Năm 1998, kho lúa ở thôn Gia Ry được hình thành. Từ đó, số hộ gia đình trong thôn tự nguyện đóng góp lúa mỗi năm một tăng. Sau mỗi kỳ thu hoạch, kho lúa của thôn đều đầy chật.

Kho lúa ở thôn Gia Ry giống như một ngân hàng chính sách của làng. Những lúc ngặt nghèo, người dân chỉ cần đến nhà xóm trưởng thông báo là có ngay một ít lúa. Theo quy định của thôn đã được người dân thông qua, mỗi gia đình thiếu đói được mượn từ 5-10 ang lúa, người lớn bị đau 7 ang, trẻ em 5 ang, đến kỳ thu hoạch nếu không trả được nợ gốc thì trả lãi với mức khiêm tốn. Chẳng hạn như mượn 1 ang chỉ trả lãi 5 lon lúa. Riêng những gia đình nghèo khó, có người thân qua đời được ủng hộ từ 5-7 ang lúa để lo ma chay, hậu sự.

Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu nên đời sống đồng bào dân tộc Hre ở thôn Gia Ry được cải thiện đáng kể, số hộ nghèo đói giảm dần. Đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng tự nguyện góp lúa vào kho theo tỷ lệ, gieo sạ một ang giống thì cuối vụ đóng góp 1,5 ang lúa. Khi kho lúa đã đầy thì các hộ dân đóng góp tiền. Do vậy, kho lúa ở thôn Gia Ry ngoài việc cứu đói còn chuyển sang làm từ thiện, như giúp các gia đình neo đơn, ốm đau, hoạn nạn, lo hậu sự cho người đã mất.

Điều đáng quý nhất, đó là từ khi hình thành kho lúa của làng đến nay, tình làng, nghĩa xóm ở thôn Gia Ry càng thêm thắt chặt. Tất cả mọi người đều hiểu rằng cần phải chung tay, góp sức để giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế, dù kho lúa nằm sát đường làng, không người canh giữ nhưng chả bao giờ bị trộm, cắp. “Ai mà trộm cắp lúa ở kho này là chết với làng ngay”, ông Giới khẳng định.

Hiển Cừ