24/11/2024

Chưa già mà đãng trí, Những tưởng chuyện lú lẫn, hay quên chỉ thường gặp ở người già, nhưng thực tế không ít bạn trẻ cũng than phiền mình bị đãng trí.

Những tưởng chuyện lú lẫn, hay quên chỉ thường gặp ở người già, nhưng thực tế không ít bạn trẻ cũng than phiền mình bị đãng trí. Giảm trí nhớ ở người trẻ cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý ảnh hưởng lên tâm thần (trầm cảm, tâm thần phân liệt, mất ngủ mãn tính) hoặc ảnh hưởng lên não bộ (u não, viêm não, viêm màng não, thiếu vitamin, nghiện rượu…).

Chưa già mà đãng trí

 

Báo Tuổi Trẻ, Thứ Tư, 18/08/2010

Những tưởng chuyện lú lẫn, hay quên chỉ thường gặp ở người già, nhưng thực tế không ít bạn trẻ cũng than phiền mình bị đãng trí.

Giảm trí nhớ ở người trẻ cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý ảnh hưởng lên tâm thần (trầm cảm, tâm thần phân liệt, mất ngủ mãn tính) hoặc ảnh hưởng lên não bộ (u não, viêm não, viêm màng não, thiếu vitamin, nghiện rượu…).

Phiền toái vì lúc nhớ, lúc quên

Loan (25 tuổi, quê Thanh Hóa, đang làm việc tại TP.HCM) tâm sự: “Trước đây trí nhớ của tôi rất tốt, nhưng chẳng hiểu sao ba tháng nay, tôi quên liên tục, thậm chí quên rất nhanh, không chỉ trong công việc mà cả các cuộc hẹn, sinh nhật của người thân, bạn bè…”.

Bạn bè cũng gọi điện thoại trách Loan sao cứ lỡ hẹn, nhưng cô quả thật không nhớ mình hẹn bạn lúc nào; đành phải xin lỗi, năn nỉ bạn bỏ qua.

“Giờ cái gì tôi cũng phải ghi chép ra giấy để nhớ, chưa kể bị bạn bè trách móc, công việc không đảm bảo, người không thoải mái, hay đau đầu, buồn ngủ… Khổ nhất là nhiều người không hiểu, cho rằng tôi giả vờ”, Loan than thở.

Chị Hoàng Liên (28 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ  Q.10, TP.HCM) cho biết chị còn gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười từ cái tật hay quên của mình.

Chị kể: “Hôm rồi đi xem triển lãm quốc tế về công nghệ thông tin, đãng trí thế nào mà tôi quên luôn chìa khóa xe ngoài bãi giữ xe. Trước đó thì đi siêu thị, tôi gửi giỏ xách ở quầy giữ đồ, lúc về tính tiền xong chạy thẳng về nhà, đến cổng mới sực nhớ mình chưa lấy giỏ”. Và còn vô số sự “đãng trí” khác như nấu cơm nhưng quên bấm nút nấu, ủi đồ lại bỏ đi nghe điện thoại rồi quên luôn khiến áo cháy…

Vì sao người trẻ giảm trí nhớ?

BS Trần Công Thắng (bộ môn nội thần kinh, ĐH Y dược TP.HCM), cho biết người trẻ tuổi bị giảm trí nhớ cũng là nhóm đối tượng không ít của phòng khám trí nhớ (BV ĐH Y dược TP.HCM). Phần lớn đến khám vì giảm trí nhớ do kém tập trung.

Thường không có nguyên nhân riêng biệt, người trẻ giảm trí nhớ do tổng hợp nhiều nguyên nhân lành tính như: quá tải thông tin (về công việc, về xã hội, trên báo chí, Internet…), quá tải trách nhiệm (hoàn thành công việc, đưa đón con, dạy con cái…), thiếu ngủ (ngủ không đủ tám giờ mỗi ngày), căng thẳng gia tăng; làm hoặc suy nghĩ quá nhiều việc cùng lúc.

Theo BS Thắng, các trường hợp như chị Loan, chị Liên bị quên các thông tin được ghi nhận trong vài phút đến vài giờ, do đó họ bị giảm trí nhớ ngắn hạn hay còn gọi là trí nhớ công việc. Giảm trí nhớ ngắn hạn nhưng đến mức làm bệnh nhân lo lắng và bản thân nhận thấy thì có thể bắt đầu vượt khỏi giới hạn của giảm trí nhớ lành tính.

Đây là giảm trí nhớ ngắn hạn có nguyên nhân, cần được tham vấn và điều trị.

Muốn cải thiện trí nhớ, BS Thắng lưu ý đầu tiên phải cải thiện giác quan. Nếu cảm thấy giác quan bị giảm sút, nên đi khám để được trang bị những phương tiện ghi nhận thông tin tốt hơn. Kế đó là làm việc có tổ chức: dùng lịch hẹn, điện thoại nhắc nhở, danh bạ điện thoại có từ mục dễ tra cứu; liệt kê công việc cụ thể và đếm tổng số công việc cần làm ghi vào sổ ghi nhớ; các vật dụng cá nhân cần thiết như chìa khóa, mắt kính, giỏ xách… phải đặt đúng một nơi trong nhà.

Bên cạnh đó là tăng cường tập trung. Có thể tập luyện theo bốn bước: quan sát, liên kết, học thầm và nhớ lại. Nếu không thể tự mình cải thiện trí nhớ thì nên đến phòng khám trí nhớ để được tham vấn và điều trị.

Thuỵ Chi

 

8 “bí quyết” giữ gìn trí nhớ

1. Rèn luyện trí óc: giúp trí nhớ minh mẫn bằng nhiều cách đơn giản như: chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích; tạo thú vui mới khi trồng cây, chạy xe đạp, vẽ tranh, cắm hoa; tình nguyện làm các công việc xã hội; đọc sách báo, xem tivi…

2. Tập thể dục đều đặn: vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, vừa giúp giảm lượng mỡ trong máu và cũng giúp máu lưu thông lên não tốt nên trí nhớ của bạn cũng tốt hơn.

3. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: không nên ăn các thức ăn chứa quá nhiều chất bột, chất béo, tránh ăn khuya, đặc biệt cần ăn nhiều rau tươi và trái cây vì có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào não.

4. Không uống rượu: người nghiện rượu lâu năm sẽ bị tổn thương não do thiếu dinh dưỡng và nguy cơ cao bị giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.

5. Chống căng thẳng: stress kéo dài có thể gây trầm cảm, giảm trí nhớ. Hãy nghỉ vài phút khi thấy quá căng thẳng, hít vào sâu và thư giãn. Nếu thấy căng thẳng kéo dài, hãy đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc.

6. Bảo vệ đầu: chấn thương đầu có thể gây tụ máu trong não hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Hãy bảo vệ đầu khi chơi thể thao, đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy.

7. Đừng hút thuốc: người hút thuốc lá có nguy cơ bị Alzheimer (một chứng bệnh mất trí nhớ) cao gấp hai lần người không hút thuốc. Chất nicotin trong thuốc lá còn gây tổn thương nội tạng, làm mạch máu bị xơ vữa dần dẫn đến tắc mạch máu, có thể gây liệt hay tổn thương não…

8. Trao đổi với bác sĩ: có thể giúp bạn hiểu tốt hơn về cơ chế của trí nhớ và gợi ý các giải pháp thích hợp cho bạn (các lời khuyên đơn giản, huấn luyện, thực hành trí nhớ, kê toa). BS Trần Công Thắng