27/12/2024

Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở nông thôn: Hiểm hoạ bị lãng quên

PN – Tình trạng cụt tay, cụt chân, mù mắt, phụ nữ mắc bệnh phụ khoa… trong sản xuất nông nghiệp và các làng nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gia tăng. Bên cạnh nguyên do thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) của nông dân, còn có sự bỏ ngỏ khâu quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở nông thôn: Hiểm hoạ bị lãng quên

 

Phunuonline.com.vn 01/09/2010

 

 

PN – Tình trạng cụt tay, cụt chân, mù mắt, phụ nữ mắc bệnh phụ khoa… trong sản xuất nông nghiệp và các làng nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gia tăng. Bên cạnh nguyên do thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) của nông dân, còn có sự bỏ ngỏ khâu quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

 

1001 nguy cơ

Nhiều người thường nghĩ, chỉ ở những nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng có nhiều máy móc mới dễ xảy ra TNLĐ. Nhưng thực tế, số người bị TNLĐ và mắc BNN trong khu vực nông nghiệp và các làng nghề nông thôn trên phạm vi cả nước nói chung và ĐBSCL – vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước nói riêng – đang gia tăng đến mức đáng quan ngại. Những loại TNLĐ thường gặp khi suốt lúa, phơi lúa, lặt lá mía… là bị lá mía quẹt vào mắt, hạt lúa bắn vào mắt gây viêm loét giác mạc; trong lúc làm ruộng, làm vườn bị rắn, rết cắn, ong, kiến chích; không mang khẩu trang khi phun thuốc trừ sâu nên hít phải hơi thuốc độc hại gây bệnh; phụ nữ làm ruộng vườn thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm dễ mắc các bệnh phụ khoa. Ở các làng nghề, ngoài tai nạn do máy ép gạch như đã nêu còn có tình trạng hít phải khói, bụi gây tổn thương nội tạng…

Mới đây, trong lúc đang đốn mía thuê, do sơ ý, bà Nguyễn Thị Quít ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị lá mía quẹt ngang mắt phải. Nghĩ rằng chỉ xốn mắt vài giờ là khỏi, bà Quít tiếp tục làm việc. Vài bữa sau, bên mắt bị lá mía quẹt càng đau rát và chảy nước. Đến khi không chịu nổi, bà mới tới Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hậu Giang khám thì các bác sĩ (BS) cho biết, mắt bà đã bị hư do không được chữa trị kịp thời.

Tương tự, trong lúc suốt lúa, ông Hồ Văn Hồng ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, bị hạt lúa bắn vào mắt trái. Cũng vì chủ quan, đến nay mắt trái của ông Hồng đã mù vì mất hẳn tròng đen. Mới đây, khi làm đồng bị bụi văng vào mắt, ông Trần Thanh Quang ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã dùng nước dưới ruộng để rửa cho… đỡ xốn. Nào ngờ, nguồn nước ruộng ô nhiễm khiến mắt ông Quang nhiễm trùng nặng. Cuối cùng, các BS chỉ còn cách là múc bỏ mắt để ngăn ngừa di chứng. Sơ sẩy trong việc đồng áng cũng là một nguyên nhân gây TNLĐ. Giữa tháng 3/2010, một người đàn ông được đưa đến BV Đa khoa khu vực Mộc Hóa, tỉnh Long An trong tình trạng hai ngón chân đã bị đứt lìa. Nguyên nhân do nạn nhân sơ ý để chân vướng vào máy gặt nên bị lưỡi dao cắt lúa của máy chém phải.

Không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, TNLĐ từ các làng nghề ở ĐBSCL cũng là một vấn đề nhức nhối. Giờ đây, nhiều người vẫn quen gọi con kênh Chắc Cà Đao kéo dài từ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang tới TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là… dòng kênh “cụt”. Những lò gạch dọc hai bên bờ kênh tập trung ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành chính là nơi phát sinh ra cái tên này vì đã có mấy chục người bị cụt tay, cụt chân khi làm gạch. Riêng ba ấp Hòa Long 1, Hòa Long 2 và Hòa Phú 2 (thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) có gần 20 người bị máy ép gạch nghiến đứt tay, đứt chân. Thậm chí, Ngô Thị Thái Ngân, mới bảy tuổi, khi đi phụ mẹ ôm đất cho vào cối ép gạch vì sơ ý cũng bị máy nghiến nát tay phải. Em Nguyễn Thị Thía, 10 tuổi, con bà Lê Thị Thưởng ở ấp Hòa Phú 2, do sơ sẩy trong lúc làm việc đã trượt một chân vào cối ép gạch và bị nghiền nát tới đùi.

Một trường hợp thương tâm khác là em Ngô Thái Hoàng Em ở xã Chánh Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Hè năm 2007, Hoàng Em tranh thủ đi làm gạch để kiếm tiền phụ gia đình. Không may, em bị chiếc máy ép gạch nghiền nát hai cánh tay. Cậu học trò giỏi lớp 9 trở thành người tàn phế và chấm dứt ước mơ vào đại học.

Số phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL mắc bệnh phụ khoa đang gia tăng cũng là một lời báo động. Ở tỉnh Vĩnh Long, trong chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình đợt I năm 2010, qua khám lâm sàng tại các trạm y tế,  có hơn 17.300 phụ nữ được xác định mắc bệnh phụ khoa (chiếm hơn 51% số người đến khám, tăng hơn cùng kỳ năm 2009 là 4.000 ca). Cùng thời gian này, ở tỉnh Hậu Giang có 12.413 phụ nữ được phát hiện bị viêm nhiễm đường sinh sản (chiếm hơn 28% tổng số phụ nữ được khám). Ở Cần Thơ, hơn 24.000 phụ nữ bị viêm nhiễm (chiếm gần 40% tổng số phụ nữ được khám)… Theo nhận định chung của ngành y tế, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa cao tập trung ở các huyện vùng nông thôn xa xôi và phần đông đều thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm trong quá trình làm ruộng, làm vườn…

Tập huấn xong… “bỏ đó”

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 25/8 vừa qua, PGS-TS Lê Vân Trình – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động – cho biết: “Ở nước ta, nông nghiệp vẫn là ngành có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo an toàn; hóa chất nông nghiệp thiếu kiểm soát; điều kiện dịch vụ y tế lao động còn thiếu thốn…”. Cũng theo ông Trình, hơn 40% người lao động nông nghiệp và làm việc trong các làng nghề thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm có hại khi làm việc. Và điều đáng lo ngại là trong khi TNLĐ, các BNN không ngừng gia tăng thì mức độ nhận thức vấn đề và ý thức phòng tránh, chữa trị của người lao động cũng như vai trò tuyên truyền, giáo dục về thực trạng này của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nhằm giúp người lao động phòng tránh vẫn còn hời hợt.

BS Hoàng Quang Bình, Bệnh viện Mắt – Răng  hàm  mặt Cần Thơ, cho biết: “Nhiều người lao động khi bị viêm loét giác mạc đã không đến BV sớm để điều trị. Không ít trường hợp do thiếu hiểu biết, do nghèo nên tự tiện mua thuốc nhỏ mắt để chữa, hoặc dùng những phương pháp phản khoa học như đắp lá cây, đắp côn trùng vào mắt… khiến nhiễm trùng nặng hơn và khi đến BV thì đã quá muộn”.

Theo BS Trần Thị Lài, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, ở những vùng sâu, vùng xa, ngoài nguyên nhân thiếu nguồn nước sạch trong sinh hoạt, không có nhà tắm hợp vệ sinh nên chị em phải sử dụng nước sông, rạch bị ô nhiễm, còn có nguyên nhân do trình độ học vấn thấp. “Nhiều người đã có chồng, hai – ba con mà chưa một lần đi khám phụ khoa vì… mắc cỡ. Nhiều phụ nữ đến lúc được đoàn BS lưu động đến khám mới biết mình mắc bệnh phụ khoa nguy hiểm, thậm chí là bị ung thư” – BS Lài nói.

Trong khi đó, thời gian qua, ở hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các báo cáo về tình trạng TNLĐ trong ngành nông nghiệp cũng chưa được cập nhật đầy đủ. Nguyên nhân chính, theo các cơ quan chức năng, là do công tác quản lý cơ sở sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ tỉnh (thành) đến xã (phường) có đề cập đến trách nhiệm, quyền hạn trong việc “phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi”, song chưa thấy quy định nào về đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động đối với nông dân – người trồng các loại cây và nuôi các loại con đó, mà cụ thể nhất là chưa có chế độ trợ cấp BNN cho nông dân.

Khi chúng tôi tìm hiểu tình hình TNLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lâm Văn Khanh, Trưởng phòng Kế hoạch – Sở NN-PTNT Cần Thơ, cho biết: “Từ trước đến nay, không có cơ quan hay bộ, ngành nào yêu cầu báo cáo số liệu này nên Sở không tập hợp, không có số liệu cụ thể”. Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Cần Thơ, sau khi thừa nhận không thể cung cấp số liệu về TNLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cho biết thêm: “Cách đây vài năm, tôi có tham dự khóa tập huấn về bảo hộ lao động ở khu vực nông thôn nhưng tập huấn xong rồi “bỏ đó” luôn, vì đến nay chưa có chương trình nào để triển khai đến nông dân”.

Số liệu khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho thấy, hiện có 65,89% số lao động nông nghiệp và các làng nghề thường xuyên tiếp xúc với bụi; 48,8% tiếp xúc với tiếng ồn quá mức cho phép, gần 60% tiếp xúc với hóa chất có hại. Số vụ TNLĐ làm đứt tay, chân trong sản xuất nông nghiệp chiếm gần 39%, trong các làng nghề chiếm gần 44%. Trong sản xuất nông nghiệp, có hơn 42% số trường hợp mắc các bệnh về hô hấp, gần 39% mắc bệnh ngoài da, gần 35% mắc bệnh phụ khoa. Số liệu mắc các bệnh tương ứng ở các làng nghề là 54,2%, 46,3% và 38,5%.

Hiền Dung