Thả nổi các lớp dạy kỹ năng. Hiện nay, các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm đang nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều khóa học có mức phí hàng triệu đồng, thậm chí có khóa học ngắn hạn nhưng học phí lên đến mấy chục triệu đồng. Thế nhưng, hầu như chưa có cơ quan chuyên môn nào cấp phép và kiểm định chất lượng.

Hiện nay, các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm đang nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều khóa học có mức phí hàng triệu đồng, thậm chí có khóa học ngắn hạn nhưng học phí lên đến mấy chục triệu đồng. Thế nhưng, hầu như chưa có cơ quan chuyên môn nào cấp phép và kiểm định chất lượng.

 

 

Thanhnien.com.vn 19/08/2010 16:53

 

Hiện nay, các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm đang nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều khóa học có mức phí hàng triệu đồng, thậm chí có khóa học ngắn hạn nhưng học phí lên đến mấy chục triệu đồng. Thế nhưng, hầu như chưa có cơ quan chuyên môn nào cấp phép và kiểm định chất lượng.

Dịch vụ gia sư kỹ năng sống

Muốn cho con học kỹ năng sống (KNS), giờ đây thậm chí không phải đến trung tâm, phụ huynh chỉ cần bốc máy điện thoại lên đặt lịch là lập tức có giáo viên đến tận nhà để dạy KNS cho con em mình.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy sự lựa chọn quá khó khăn vì thiếu một chỗ dựa để đảm bảo rằng đồng tiền mà họ bỏ ra cho những khóa học KNS là xứng đáng.

Lời quảng bá khá hấp dẫn

Lớp Home SmartFastKids vừa được Trung tâm KNS SmartFastKids  khai trương với nhiều lời quảng bá khá hấp dẫn. Tuy nhiên, để được học KNS ngay tại nhà thì gia chủ cũng phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu như dành ít nhất một mặt bằng rộng 20m2 để lắp đặt các thiết bị phục vụ cho buổi học (gồm máy chiếu, máy tính, bảng điện tử tương tác, bàn ghế chuyên dụng, máy quay phim, các mô hình, các tiểu cảnh trang trí…). Thời gian của lớp học kiểu như này do phụ huynh quyết định và học phí thì tùy thuộc vào chương trình đăng ký học và số học viên/lớp.

Không yêu cầu cao như trên, nhiều trung tâm khác ở Hà Nội chỉ giới thiệu về dịch vụ gia sư KNS như bất cứ môn học nào khác. Trung tâm tham vấn tâm lý học đường, thuộc khoa Giáo dục- Học viện Quản lý giáo dục, giới thiệu dịch vụ gia sư tâm lý tại nhà cho học sinh từ cấp tiểu học đến THPT vào các buổi tối và các ngày nghỉ. Với thời gian một buổi học là 90 phút, mức học phí thỏa thuận giữa gia đình và trung tâm.

Còn Công ty Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trẻ Hà Nội thì tổ chức dạy kèm tại nhà các kỹ năng cho trẻ từ lớp 4 đến lớp 9 như kỹ năng học tập hiệu quả, thuyết trình, giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu…

Khi phụ huynh hỏi kỹ hơn về hình thức dạy học thì cũng chỉ nhận được những câu giải thích kiểu như học sinh được học thông qua các trò chơi, được thể hiện mình, được rèn luyện để mạnh dạn, tự tin hơn… Điều đáng nói là mỗi nơi dạy KNS theo một cách, mà cách đó phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Công ty hoặc trung tâm thuê được giáo viên ở đâu (viện tâm lý, chuyên viên tâm lý, giảng viên ĐH, thậm chí là sinh viên…) thì học sinh sẽ được dạy KNS theo góc nhìn của giáo viên đó, chứ không dựa trên một giáo trình cơ bản nào.

Chính thực tế này khiến cho nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng không biết căn cứ vào những thông tin nào để có thể lựa chọn một địa chỉ học phù hợp với nhu cầu cũng như “túi tiền” của mình.

Chương trình khác nhau nên học phí cũng mỗi nơi cũng rất khác nhau, từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng một buổi học. Ví dụ, ở Sunny Smiles, khóa học 26 buổi có giá 2,5 triệu đồng; SKIDS: 660.000 – 1,5 triệu đồng (6 buổi học); Tâm Việt: gần 1 triệu đồng (2 tháng học)…

“Vượt qua thất bại” và… thất bại hơn!

Ngay chính những người tâm huyết trong đào tạo kỹ năng cũng nhìn nhận: đây là sản phẩm giáo dục, nên nếu truyền tải không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đối với học viên trẻ tuổi.

Giám đốc một trung tâm chuyên về huấn luyện những khóa KNS khá nổi tiếng trên cả nước đã rút một số kinh nghiệm: trong một tập thể, những trẻ chưa bao giờ làm quen với nhiều bạn bè như vậy và phải thực hiện hành vi có vẻ “xa lạ”…, nếu không xử lý khéo thì trẻ rất dễ bị tổn thương. Hơn nữa, những thói xấu lan tỏa trong trẻ nhanh hơn. Cho nên, đến khi về nhà có khi kết quả là “âm”! Vị này phân tích: con người khó thành công nếu thiếu những KNS hay kỹ năng thực hành xã hội. Tuy nhiên, nếu được trang bị không đúng thì còn nguy hại hơn là khi không có những kỹ năng đó. Ví dụ, nếu dạy không thấu đáo về sự tự tin vào bản thân, trẻ dễ hành động theo cách khác, tôn vinh quá đáng chủ nghĩa cá nhân, dễ rối loạn khi làm việc nhóm. 

Vị này lưu ý một thực trạng phổ biến: Nhiều người lớn muốn “nặn” con em mình thành những hình mẫu như họ muốn. Nhiều công ty đã nắm bắt nhu cầu này của phụ huynh và đẩy ra những sản phẩm ăn theo bát nháo. “Đây cũng là những sản phẩm giáo dục nên hệ quả rất nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến con người” – ông giám đốc trên trăn trở.

Một chuyên viên tâm lý đã cho dẫn chứng về kỹ năng “Vượt qua thất bại”. Chuyên viên này cho rằng, bài học này có vẻ đơn giản theo quan niệm: “Thất bại là mẹ thành công”. Tuy nhiên, nếu không hướng dẫn, đào tạo hiệu quả thì khi gặp thất bại thực sự ngoài đời, những đứa trẻ đó càng dễ bị… thất bại hơn!

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long – giảng viên Tâm lý học trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM là người đang thực hiện đề tài “KNS của học sinh THCS tại TP.HCM”. Thạc sĩ Long nhận xét: “KNS là một lĩnh vực dạy làm người, nên yêu cầu phải có tính nhân văn ở từng tổ chức, từng trung tâm đào tạo. Đội ngũ giảng dạy hay cố vấn ít ra phải có nhà tâm lý, xã hội, nhà nghiên cứu về vấn đề con người… Đáng tiếc, hiện nay lực lượng đó đang thiếu về số lượng lẫn chất lượng”.

Theo thạc sĩ Long, do chất lượng nhiều lớp dạy kỹ năng chưa được chú trọng nên dễ xảy ra tình trạng: có những kỹ năng truyền đạt không sâu, nghiên cứu không tới khiến học viên hiểu sai về vấn đề và thể hiện những hành vi lệch chuẩn. Ví dụ: hai hành động “dũng cảm” và “liều mạng” nghe có vẻ tương tự nhưng thực ra là đối nghịch nhau. Nếu dạy không kỹ, người học tưởng rằng mình đang làm một hành động dũng cảm trong khi đang làm một hành động liều lĩnh, nguy hiểm!

Thành người tài giỏi chỉ trong 3 ngày?

Sau hơn 1 năm ra đời, cái tên khóa học “Tôi tài giỏi!” vẫn chưa hết gây sự tò mò, bàn tán đối với nhiều người, nhất là khi khóa học đó chỉ kéo dài trong 3 ngày.

Khi chúng tôi nêu thắc mắc: “Nhiều phụ huynh đã truyền miệng với nhau là chỉ cần 3 ngày, con em của họ đều trở thành tài giỏi khi tham gia khóa học này. Ông nghĩ sao ?”. Diễn giả, dịch giả Trần Đăng Khoa, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần TGM, nơi tổ chức khóa học này, nói: “Chúng tôi không bao giờ nói khóa học biến người này thành người khác, mà chỉ giúp học viên mang hết những điều tốt đẹp bên trong ra thôi. Triết lý của chúng tôi là: Tin tưởng trong mỗi con người đều có những điều tốt đẹp, tuy nhiên do hoàn cảnh, môi trường, điều kiện sống và nhất là do những suy nghĩ của cá nhân nên những điều tốt đẹp đó đã bị “khóa” lại ở bên trong”.

Trả lời câu hỏi: “Ông có nghĩ tên gọi “Tôi tài giỏi!” gây nên ảo tưởng cho học viên và phụ huynh?”, ông Khoa bày tỏ: “Trong khóa học, lúc nào tôi cũng hỏi học viên: Các bạn có tin mình tài giỏi không? Các bạn đáp: Tôi tài giỏi! Tôi nói tiếp: Đúng là các bạn tài giỏi nhưng đó là sự tài giỏi bên trong và tất cả mới chỉ bắt đầu. Trước khóa học, bạn là học sinh trung bình, người ta nghĩ về bạn như thế nào thì khi bước ra người ta cũng nghĩ bạn như vậy. 3 ngày có gì khác biệt đâu! Tuy nhiên, chính quyết tâm, niềm tin mãnh liệt vào bản thân sẽ là nền tảng rất tốt để sau này bạn chứng minh mình là người tài giỏi bằng hành động và kết quả đạt được trong cuộc sống”.

Chúng tôi hỏi tiếp: “Tại sao khóa học chỉ trong 3 ngày trong khi kỹ năng lại rất cần môi trường để thực hành?”. Ông Khoa nói: “Câu hỏi này chính xác ở chỗ, nếu đào tạo kỹ năng mềm mà dồn trong 3 ngày thì chắc chắn không được gì. Chẳng hạn, một người dù có học trong bao lâu đi nữa về diễn thuyết mà trước đó không học KNS thì sẽ không tự tin khi nói chuyện trước đám đông…”. Theo ông Khoa, nếu công ty nào khẳng định những khóa học KNS chắc chắn biến ngay một người từ bình thường thành thành công – thì đó là những nơi lừa đảo! Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thành Nhân – Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam phản ánh: “Có những phụ huynh ảo tưởng về những chương trình dạy kỹ năng sẽ thay đổi 100% con em của họ. Đến khi họ không thấy con họ thay đổi nhiều nên quay sang trách móc chương trình”. Ông Nhân chia sẻ: “Thực ra, nếu trẻ thay đổi 5% – 7% là mừng rồi. Thậm chí, chỉ cần trẻ chuyển biến 1% thì phụ huynh, nhà trường và cộng đồng hãy lấy đó làm điểm tựa để bẩy 99% còn lại. Có như vậy mới tạo ra thay đổi thực sự!”.

Như Lịch

Như Lịch – Tuệ Nguyễn

 

 

Thả nổi các lớp dạy kỹ năng