Người tị nạn ở Thái Lan nói về cảnh khốn khổ của mình

Các tham dự viên tại chương trình kỷ niệm Ngày Người tị nạn thế giới biết được người tị nạn không chỉ là những người đang chịu khó khăn về kinh tế mà còn có thể phải đối mặt với tử thần nếu ở lại quê nhà.

Các tham dự viên tại chương trình kỷ niệm Ngày Người tị nạn thế giới biết được người tị nạn không chỉ là những người đang chịu khó khăn về kinh tế mà còn có thể phải đối mặt với tử thần nếu ở lại quê nhà.

Thulika, người Sri Lanka 18 tuổi, nói: “Là người Tamil, gia đình tôi bị đe dọa. Chúng tôi sợ bị quân lính giết hại nên chúng tôi quyết định bỏ trốn.”

Thulika, sang Thái Lan tránh nội chiến cách đây bốn năm, nói: “Ở Thái Lan mặc dù không bị đe dọa, nhưng chúng tôi vẫn không được tự do … chúng tôi không được làm việc hợp pháp. Tôi cũng như em tôi không được đi học.”

Thulika là một trong hai người tị nạn kể về cảnh khốn khổ của họ trong Thánh lễ hôm 20-6 do Ban mục vụ người tị nạn của dòng Tên (JRS) tổ chức để mừng Ngày Người tị nạn thế giới và 30 năm thành lập ban này.

Người tị nạn rời bỏ quê hương không phải “vì không có việc làm … nhưng vì chúng tôi bị đe dọa và không có cuộc sống an toàn” – Thulika phát biểu với cộng đoàn tham dự Thánh lễ, trong đó có khoảng 50 người tị nạn.

Cộng đồng Ahmadi của Pakistan, được nhiều người Hồi giáo xem là dị giáo, cũng đối mặt với những nguy cơ tương tự.

“Người Ahmadi là một cộng đồng thiểu số ở Pakistan bị đe dọa từ năm 1953” – theo cô Shama, người tị nạn thuộc cộng đồng này.

“Năm 1984, tổng thống tuyên bố nhóm chúng tôi là bất hợp pháp. Chúng tôi bị tấn công hàng ngày. Bố tôi bị thương, còn bạn bè của anh tôi bị giết chết.”

Nhiệm vụ của JRS là bảo vệ cuộc sống của người tị nạn và bảo đảm cho họ xin được tị nạn, linh mục giám đốc JRS Bernard Arputhasamy nói bên ngoài sự kiện.

Tổ chức cộng tác với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, hội dân sự, Liên Hiệp Quốc và quần chúng thực hiện những mục đích này, theo vị linh mục.

Hiện nay JRS ở Thái Lan làm việc với người tị nạn ở cả trong lẫn ngoài các trại tị nạn tại Bangkok và các vùng giáp biên giới Myanmar.

Ngoài trợ cấp lương thực, quần áo và thuốc men, ban mục vụ còn tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ và vi tính cho người tị nạn.