Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên, năm C
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Trong ý nghĩa của “sự kiện mầu nhiệm” này, nhiều khi chúng ta bắt chước các tông đồ cứ ngước mắt nhìn lên hình dạng Chúa Giêsu đang xa đi trên đầu chúng ta (x. Cv 1,10) và rồi hình thành nên trong tâm trí: trời là một khoảng không gian kỳ diệu nào đó ở trên đầu mình. Người ta nói “lên trời” chứ không ai nói “xuống trời”! Thật sự trái đất chúng ta là quả cầu tròn ở giữa không gian nên dù lên hay xuống thì vẫn là khoảng trời đó. 1. Ý nghĩa việc lên trời hữu hình và vô hình Trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo từ số 659-666, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trời là một tình trạng, chứ không phải là một nơi chốn hay khoảng không gian, trong đó Đức Giêsu đã trở về với Cha của Người, mang theo nhân tính mà Người đã mặc lấy để đón nhận vinh quang tột đỉnh mà Cha Trên Trời ban cho người Con của mình. Hơn nữa, vì Đức Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể của Người nên chúng ta cũng được Người đưa vào trong sự kết hợp nhiệm mầu với Chúa Cha, được chia sẻ vinh quang tột đỉnh của Người như bài đọc II đã diễn tả (x. Eph 1,17-23).
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN, năm C
MẠO HIỂM ĐỂ KHÁM PHÁ NƯỚC TRỜI
Hành Khất Kitô
UBBAXH-Caritas Việt Nam
Nhập đề
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Trong ý nghĩa của “sự kiện mầu nhiệm” này, nhiều khi chúng ta bắt chước các tông đồ cứ ngước mắt nhìn lên hình dạng Chúa Giêsu đang xa đi trên đầu chúng ta (x. Cv 1,10) và rồi hình thành nên trong tâm trí: trời là một khoảng không gian kỳ diệu nào đó ở trên đầu mình. Người ta nói “lên trời” chứ không ai nói “xuống trời”! Thật sự trái đất chúng ta là quả cầu tròn ở giữa không gian nên dù lên hay xuống thì vẫn là khoảng trời đó.
1. Ý nghĩa việc lên trời hữu hình và vô hình
Trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo từ số 659-666, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trời là một tình trạng, chứ không phải là một nơi chốn hay khoảng không gian, trong đó Đức Giêsu đã trở về với Cha của Người, mang theo nhân tính mà Người đã mặc lấy để đón nhận vinh quang tột đỉnh mà Cha Trên Trời ban cho người Con của mình. Hơn nữa, vì Đức Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể của Người nên chúng ta cũng được Người đưa vào trong sự kết hợp nhiệm mầu với Chúa Cha, được chia sẻ vinh quang tột đỉnh của Người như bài đọc II đã diễn tả (x. Eph 1,17-23). Chúng ta đừng lầm tưởng rằng chỉ sau khi chết chúng ta mới được đón nhận tình trạng đó, mà ngay khi còn sống ở đời này, qua sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta cũng được chia sẻ phần nào tình trạng này để làm chứng cho muôn người muôn vật là “Nước Trời đang ở giữa chúng ta” (x. Lc 17,21). Đó là ý nghĩa Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hôm nay.
Nếu để ý đến các bài đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy bài đọc I (x. Cv 1,1-11), trích sách Công vụ Tông đồ của thánh Luca, đã nói đến việc Chúa Giêsu hiện ra trong 40 ngày, giảng dạy cho các tông đồ hiểu về Nước Trời, giao phó nhiệm vụ làm chứng cho Người, rồi sau đó Người lên trời. Đang khi các ông ngước mắt lên trời dõi theo Người thì có hai người đến nhắc nhở các ông sao còn đứng mãi nhìn trời như vậy! Bài Phúc Âm theo thánh Luca (x. Lc 24, 46-53) nói đến việc sau khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra, dặn dò các tông đồ phải làm chứng cho Người và giảng dạy muôn dân thì Người lên trời ngay chứ không phải chờ đến 40 ngày như sách Công vụ Tông đồ đã ghi. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Điều này chỉ muốn gợi ý cho chúng ta hiểu rằng: xét về mặt thiên tính, Chúa Giêsu là Ngôi Lời và Người luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên trời cũng bao trùm khắp nơi. Vì thế, ngay sau khi sống lại, Chúa Giêsu trở về kết hợp trọn vẹn với Cha của mình, mang theo nhân tính Người đã đón nhận. Đó là việc lên trời vô hình, thiêng liêng.
Còn việc Chúa Giêsu sống lại, lên trời 40 ngày sau là cuộc lên trời hữu hình. Sau thời gian này Người không hiện ra với thân xác hữu hình nữa để chỉ hiện diện cách vô hình với các môn đệ như Người đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
2. Cuộc lên trời của ta và việc xây dựng Nước Trời
Khi phân biệt được như vậy, chúng ta sẽ thấy mầu nhiệm lên trời hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về tình trạng mà chúng ta có thể kết hợp với Thiên Chúa ngay trong cuộc sống hiện tại của mình. Càng kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta càng cảm nghiệm được tình trạng thiên đàng (x. GLHTCG số 1023-1029), cũng là tình trạng Nước Trời (x. GLHTCG số 1025). Khi chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, chúng ta được chia sẻ sức mạnh, quyền năng, tình yêu, kiến thức và tất cả những ân sủng kỳ diệu của Thiên Chúa ngay trong cõi đời này để làm chứng cho mọi người rằng: Nước Trời đã được Đức Giêsu thực hiện và đang thể hiện ở trong cuộc sống trần gian.
Nhiều người cứ nghĩ rằng sau khi chết chúng ta mới được lên thiên đàng. Vì nghĩ như thế nên chúng ta tưởng tượng đến một không gian kỳ diệu nào đó sau khi chết, ở xa tít tắp, chứ chúng ta không nghĩ rằng thiên đàng là tình trạng mà chúng ta có thể chia sẻ ngay trong cuộc sống hiện tại này. Các thánh, ông bà, cha mẹ của chúng ta đã khuất vẫn đang ở giữa chúng ta và chúng ta có thể kết hợp được với các vị đó nếu chúng ta kết hợp với Thiên Chúa.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay, ngày 16-5-2010, trong bài “Nữ anh hùng 16 tuổi”, nói về cô gái Jessica Watson, người Úc. Cô đi một mình vòng quanh thế giới trên chiếc du thuyền trong suốt 210 ngày. Khởi hành từ nước Úc, cô đã trở về nhà bình an ngày 15-5-2010, sau khi trải qua biết bao hiểm nguy sóng gió trên mặt biển. Có những con sóng cao 12m đánh ập vào thuyền, nhiều lần cột buồm đã gẫy và một mình cô cố gắng chống chọi. Khi về đến nhà, cô đã được rất nhiều người chào đón.
Chính Thủ tướng Úc đã nói với cô rằng: “Ở tuổi 16, cháu là anh hùng đối với tất cả những thanh niên Úc. Cháu còn là anh hùng đối với tất cả các bạn gái trẻ Úc. Cháu đã đem lại niềm tự hào cho quốc gia. Hôm nay là một ngày trọng đại của đất nước chúng ta”. Còn Thủ hiến của bang nơi cô ở đã nói: “Nhiều người trong chúng ta sợ hãi rủi ro quá nên đâm ra nghi ngờ, nhưng cháu đã nhắc chúng ta nhớ một cách thật tuyệt vời rằng: cuộc đời chính nó đã là một sự mạo hiểm và những ai không dám mạo hiểm thì không bao giờ chiến thắng” (Tuổi Trẻ, 16-5-2010, tr. 1 và 20).
Cô bé Jessica đã trở về bằng an sau khi trải qua bao nhiêu sóng gió, hiểm nguy. Đức Giêsu của chúng ta, trong mầu nhiệm lên trời, Người đã về nhà Cha sau khi trải qua cái chết nhục nhã và bao thăng trầm trong cuộc sống. Người đã đưa chúng ta với nhân tính của Người lên cùng Chúa Cha: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, về cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” để hôm nay chúng ta cảm nghiệm được rằng nếu Đức Giêsu đã trải qua cuộc đời gian nan khốn khó trong trần thế này như cô bé Jessica trên mặt biển thì Người mời gọi chúng ta cũng mạo hiểm như vậy. Ngài muốn nhắc nhở chúng ta rằng quê hương đích thực của chúng ta là trời, mà chúng ta cần phải trở về để kết hợp cách nhiệm mầu với Thiên Chúa, với các thần thánh, với cha mẹ và bạn bè, miễn là chúng ta dám mạo hiểm. Mạo hiểm trong biển đời trần thế để dám chấp nhận những đau khổ, hy sinh, vất vả và cả cái chết nhục nhã trên thập giá mà vẫn tha thứ cho kẻ đóng đinh mình.
Khi ở trên cao nhìn xuống, chúng ta thấy những thú vui, danh lợi, vinh quang trần thế chỉ là những bọt biển dễ tan rã trên mặt nước. Lúc bấy giờ chúng ta mới tha thiết gắn bó với Thiên Chúa, với những gì tồn tại lâu bền. Trời là tình trạng của con người vượt lên trên không gian, thời gian và vật chất. Nhiều người chúng ta quá bám víu vào vật chất nên khi mất một đồ vật gì hoặc tiền bạc, danh vọng là chúng ta buồn phiền, bực bội, la hét, giận dữ và thù hận người gây nên mất mát cho mình. Nhưng nhìn xuống từ trên cao chúng chỉ là những loại bọt biển. Nhiều người chúng ta cứ buồn nhớ, thương tiếc mãi một người đã xa hay đã khuất bóng trên đời. Nhưng nếu nhìn từ trên cao, chúng ta sẽ thấy những sự chia ly, xa cách, chết chóc cũng chỉ là những bọt biển, vì tất cả những người đó vẫn đang sống, đang hiện diện với chúng ta trên con đường về trời.
Khi hiểu được tình trạng trời như vậy, chúng ta mới dám kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, với Đức Giêsu Kitô để phát huy những ân sủng và năng lực kỳ diệu của Thiên Chúa ngay trong con người yếu đuối của ta.
Chúng ta nhớ đến câu chuyện Tông đồ Philiphê trong nháy mắt đã đến thành Át-đốt ở rất xa Giêrusalem sau khi rửa tội cho viên thái giám người Êthiôpia (Cv 8,26-40). Hay thánh Martinô Pores ở bên Nam Mỹ mà trong nháy mắt đã vào trại giam ở Âu Châu để chữa lành cho một người đang mắc bệnh, khi họ cầu khẩn ngài. Đó là tình trạng trời của những con người giống như chúng ta để chứng minh cho ta hiểu rằng mình có thể đạt được như vậy.
Khi gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta vượt lên trên không gian, thời gian và vật chất để phát huy những năng lực kỳ diệu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người. Vì thế, trời không phải là tình trạng sau khi chết chúng ta mới cảm nghiệm được, mà chúng ta có thể cảm nghiệm được nó ngay trong cuộc đời này để chúng ta trở thành những chứng nhân của Nước Trời, chứng nhân của tình yêu, quyền năng và ân phúc mà Thiên Chúa muốn chia sẻ cho tất cả những ai tin vào Ngài. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem và khắp cùng thế giới” (x. Cv 1, 8).
Kết luận
Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời nhưng lại đang ở rất gần chúng ta và có thể ở ngay trong chúng ta để nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ chứng nhân Nước Trời của mỗi người. Chúng ta có thể đẹp hơn, khoẻ hơn, thông minh hơn, thánh thiện hơn và có những khả năng phi thường để thể hiện tình trạng tuyệt vời của Nước Trời trong đời sống và thu hút người khác tham dự vào Nước Trời. Như thế, chúng ta chính là những người xây dựng thiên đàng trong xã hội trần thế hôm nay.