Chúa Nhật lễ Hiển Linh: Ánh sáng cho muôn dân

Sự kiện ba nhà chiêm tinh từ phương Đông nhờ ánh sáng soi dẫn của ngôi sao để đi tìm nơi sinh hạ của một vị Vua mới ra đời quả thật đã gây nên sự kinh ngạc thú vị. Thánh Mátthêu bốn lần nhắc đến ngôi sao (2,2.7.9.10) với những cung bậc khác nhau: ngôi sao xuất hiện báo hiệu sự ra đời của một vị Vua (c.2); ngôi sao làm cho vua Hêrôđê lo lắng và bối rối (c.7); ngôi sao xuất hiện trở lại để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh (c.9); ngôi sao tạo nên sự vui mừng cho người đang kiếm tìm (c.10).

 

LỄ HIỂN LINH

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

ÁNH SÁNG CHO MUÔN DÂN

Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người (Mt 2,10-11)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

    Qua mầu nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Ánh sáng của Thiên Chúa, qua việc hạ sinh của Hài Nhi Giêsu, chiếu rọi cho hết mọi người ở mọi nơi, mọi thời đang sống trong tăm tối của tội lỗi, mà không phân biệt hay loại trừ bất cứ ai.

1. Bài đọc 1

    Đặt trong bối cảnh của dân Israel sau lưu đày, cần được củng cố trong niềm tin và hy vọng, tác giả Isaia đệ tam vẽ nên một bức tranh tươi sáng và tràn đầy niềm vui khi nói về Giêrusalem.

    Trước hết, đó là niềm vui vì Giêrusalem được ánh sáng của Chúa chiếu toả. Dù mặt đất có tối tăm, dù chư dân có bị mây mù che lấp, nhưng Giêrusalem lại được vinh quang của Thiên Chúa chiếu rọi. Nhờ ánh sáng đó mà muôn dân nhận ra, mừng vui rạng rỡ mà cất bước tiến về phía Giêrusalem. Như thế, nhờ ánh sáng của Chúa mà Giêrusalem trở thành điểm quy tụ không chỉ của con trai, con gái, mà còn của muôn dân nước.

    Sau nữa, đó là niềm vui của sự phồn thịnh. Quả vậy, Giêrusalem trở nên giàu có vì nguồn phú túc giàu sang, nào lạc đà, nào vàng bạc châu báu từ khắp nơi sẽ tuôn đổ về cho Giêrusalem. Sự giàu có đến từ khắp bốn phương, từ muôn dân nước, cho thấy Giêrusalem chính là tâm điểm của muôn dân. Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc hơn cả là dù đến từ khắp muôn dân nước, nhưng tất cả đều “loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60,6).

    Chính Thiên Chúa là nguồn ánh sáng dẫn đưa muôn dân nước xa gần tụ hội về Giêrusalem. Người ta từ khắp muôn nước mang theo châu báu đến Giêrusalem để cùng nhau ca tụng Ngài. Sau này, Hài Nhi Giêsu chính là ánh sáng dẫn những người dân ngoại mang theo báu vật đến để thờ phượng Người.

2. Bài đọc 2

    Thánh Phaolô hé lộ một mạc khải quan trọng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho ngài; đó chính là mầu nhiệm về Đức Kitô. Mầu nhiệm chỉ được hé lộ một phần cho các thế hệ trước đây thì nay đã được mạc khải trọn vẹn cho thánh Phaolô, cho các vị Tông đồ và ngôn sứ.

    Nếu ánh sáng của Đức Chúa chiếu rọi trên Giêrusalem trở thành điểm qui tụ muôn dân, thì chính Đức Kitô và Tin mừng của Người, như được mạc khải cho thánh Phaolô, trở thành điểm quy chiếu để dân ngoại cũng được chia sẻ phần gia nghiệp với người Do thái, được thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa và được tháp nhập với Đức Kitô để tạo nên một thân thể với Người.

    Trong Đức Kitô và nhờ Tin mừng, tất cả mọi người không phân biệt bất kỳ ai đều được mời gọi tin vào Đức Kitô và nhờ tin mà được nên một với Người và với mọi tín hữu trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

3. Bài Tin Mừng

    Thánh Mátthêu tường thuật việc ba nhà chiêm tinh từ phương xa lần theo ánh sao dẫn đường mà tìm đến để thờ lạy Hài Nhi Giêsu, trong khi những người ở gần lại không nhận ra Ngài.

    Sự kiện ba nhà chiêm tinh từ phương Đông nhờ ánh sáng soi dẫn của ngôi sao để đi tìm nơi sinh hạ của một vị Vua mới ra đời quả thật đã gây nên sự kinh ngạc thú vị. Thánh Mátthêu bốn lần nhắc đến ngôi sao (2,2.7.9.10) với những cung bậc khác nhau: ngôi sao xuất hiện báo hiệu sự ra đời của một vị Vua (c.2); ngôi sao làm cho vua Hêrôđê lo lắng và bối rối (c.7); ngôi sao xuất hiện trở lại để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh (c.9); ngôi sao tạo nên sự vui mừng cho người đang kiếm tìm (c.10). Một ánh sao tưởng chừng như muôn vàn ánh sao bình thường lại gây sự chú ý, trở thành dấu chỉ dẫn đường và mang lại niềm vui cho những người khát khao ánh sáng, nhưng cũng chính ánh sao đó lại gây nên sự âu lo, sợ sệt cho kẻ ở trong tối tăm, với những mưu thâm chước độc.

    Những người nhận ra ánh sáng diệu kỳ của ngôi sao, những người lên đường kiếm tìm dấu chỉ diệu kỳ đằng sau ánh sao đó lại là những người xem ra xa lạ; họ đến từ vùng đất xa xôi. Họ không phải là những người nghiên cứu và hiểu biết Kinh thánh (Mt 2:5-6); dù họ ở xa nhưng biết tìm kiếm, đến gần để gặp cho được Hài Nhi. Trái lại, những người xem ra thông hiểu những lời Kinh Thánh về Hài Nhi, những người ở gần, rất gần (từ Giêrusalem đến Bêlem khoảng 10 cây số) nhưng lại thật xa Đấng Cứu Thế khi họ không nhận ra ánh sáng của Người để tìm đến mà thờ lạy.

    Tuy ánh sáng của ngôi sao dẫn đến Hài Nhi Giêsu là ánh sáng dành cho tất cả mọi người, dù họ là ai, thuộc tầng lớp nào nhưng không phải ai cũng nhìn thấy, không phải ai cũng muốn đón nhận ánh sáng đó. Sự xa gần về địa lý không hề là trở ngại cho việc nhận ra và kiếm tìm ánh sáng của Đức Giêsu. Trở ngại thật sự chính là khi người ta không muốn tìm đến với ánh sáng để thừa nhận và tồn thờ chính Con Thiên Chúa làm người.

 

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Ánh sáng của Đức Chúa quy tụ muôn dân về Giêrusalem trong niềm hân hoan. Các nhà chiêm tinh cũng hân hoan vui mừng khi gặp lại ánh sáng của ngôi sao dẫn đường. Ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể dẫn con người đến với đức tin Kitô giáo, một đức tin hướng con người đến những giá trị của chân, thiện, mỹ. Tôi có tìm kiếm ánh sáng của Đức Kitô trong những việc ngay chính, tốt đẹp và thánh thiện?

2/ Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi dân, mọi nước. Một khi tìm đến cùng ánh sáng và tin vào Đức Kitô, tôi cũng được trao cho sứ mạng mang ánh sáng của Đức Kitô là Tin mừng đến cho những người khác, đến những nơi tối tăm, đau khổ vì sức nặng của tội lỗi, của hận thù, ghen ghét. Tôi có sẵn sàng mang ánh sáng Tin mừng đến cho mọi người? Tôi có sẵn lòng trở thành ngôi sao sáng dẫn đường cho những kẻ lầm lạc bằng chính gương sáng đời mình? Phải chăng có những người đang sống xung quanh tôi, ở gần tôi nhưng lại xa ánh sáng của Đức Kitô, tôi có muốn là cầu nối để ánh sáng của Người đến được với họ?

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban tặng chính Con Một yêu dấu của Người cho nhân loại. Đức Kitô là ánh sáng đến trần gian để chiếu soi muôn dân đang lầm than trong tăm tối. Chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và khẩn khoản nài xin.

1. Hội thánh có sứ mạng dẫn đưa mọi người đến với Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh biết nỗ lực trở nên những ánh sao dẫn đường cho con người thời đại bằng một đời sống gương mẫu với tinh thần dấn thân phục vụ.

2. “Vua người Do thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí luôn khao khát chân lý, tìm thấy trong Kinh thánh ánh sáng dẫn lối giúp họ nhận biết và trở về với Thiên Chúa là nguồn sự thật và sự sống.

3. Các đạo sĩ đã gặp được Hài Nhi và bái lạy Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình Công giáo biết dành cho Chúa một vị trí và lòng sùng kính xứng hợp, qua việc cầu nguyện chung với nhau, và tích cực thực thi ý Chúa trong đời sống hằng ngày.

4. Ánh sáng của Đức Kitô chiếu soi cuộc đời người Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết hướng về chân-thiện-mỹ, và làm lan toả ánh sáng của Đức Kitô qua những việc ngay chính, tốt lành và thánh thiện.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng toàn năng hằng hữu, xin thương nhận tâm tình cảm mến và những ý nguyện chân thành của chúng con, giúp chúng con biết làm cho ánh sáng của Đức Kitô bừng lên trong cuộc sống hằng ngày. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ban MVPT TGP