Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – năm A

Chúa Giêsu chịu Phép rửa là cột mốc đánh dấu sự khai mở thời kỳ hoạt động công khai của Đức Giêsu. Qua biến cố này, Đức Giêsu biểu lộ tâm tình “nên một” với mọi người trong mọi sự để cứu chuộc loài người.

 

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – NĂM A

Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

Chủ đề: SỨ MỆNH NGƯỜI TÔI TRUNG

“Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta” (Mt 3,17)

 

    Biến cố Đức Giêsu chịu Phép rửa cho thấy Vị Cứu tinh, Người Tôi Trung của Đức Chúa mà Ngôn sứ Isaia tiên báo đã xuất hiện trong lịch sử thế giới loài người và lịch sử Do Thái. Có những dấu hiệu đi kèm để chứng thực: Người hoà vào giữa dòng người đang lãnh nhận Phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Biến cố này là cột mốc đánh dấu sự khai mở thời kỳ hoạt động công khai của Đức Giêsu. Qua biến cố này, Đức Giêsu biểu lộ tâm tình “nên một” với mọi người trong mọi sự để cứu chuộc loài người.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: Is 42,1-4.6-7

    Trong bối cảnh dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, ngôn sứ Isaia đã phác hoạ nên chân dung của Người Tôi Trung của Đức Chúa qua bốn bài ca khác nhau. Bài đọc hôm nay trích Bài ca thứ nhất (Ba bài ca còn lại: Is 49,1-7; 50,4-11; 52,13-53,12). Trong bài ca thứ nhất này, tác giả đã phác hoạ những nét chính yếu của Người Tôi Trung:

  – Về bản chất: là người được Thiên Chúa nâng đỡ, tuyển chọn, ban Thần Khí để xét xử, còn người luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa.

  – Về sứ mạng: là giao ước của dân, nên ánh sáng của chư dân, mở mắt người mù, giải thoát người tù tội và bị xiềng xích.

  – Về cách thực hiện: không lớn tiếng, không thiên vị, ‘không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói’, không buồn phiền, không nao núng, trung thành kiến tạo công bình và xây dựng công lý.

    Hình ảnh Người Tôi Trung này ám chỉ chính Đức Giêsu (Mt 12,18; Cv 3,13; 4,27). Người là người tôi tớ phục vụ Thiên Chúa, Cha của Người, và là con của nữ tỳ Đức Chúa (Tv 116,15; Lc 1,38) sẽ gánh tội trần gian.

2. Bài đọc II: Cv 10,34-38

    Bài đọc hôm nay trình bày điểm cốt yếu trong bài giảng mà thánh Phêrô đã trình bày trước cử toạ ngoại giáo tại gia đình của viên sĩ quan Rôma Cornêliô. Qua đó, bản chất và sứ mạng của Chúa Giêsu được trình bày rõ nét.

  – Về bản chất: là Lời của Thiên Chúa, được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần và quyền năng để trở nên Đấng Mêsia.

  – Về sứ mạng: trong khi người Do Thái cho rằng vì họ là dân được Thiên Chúa ký kết một giao ước riêng với họ, nên ơn cứu độ chỉ dành cho mình họ, thánh Phêrô xác tín rằng: ơn cứu độ không chỉ bó hẹp trong phạm vi dân Israel, nhưng mang tính phổ quát, vì được mở ra cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.

  – Về cách thực hiện: trong suốt cuộc đời hoạt động công khai, Đức Giêsu đã rong ruổi khắp các nẻo đường để “ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám”, sau khi được “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong”. Điều này ám chỉ đến biến cố Đức Giêsu chịu Phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả ở sông Giođan. Biến cố này xác nhận thiên tính và tư cách Mêsia của Đức Giêsu, đồng thời mở ra giai đoạn thi hành sứ vụ công khai của Người.

3. Bài Tin mừng: Mt 3,13-17

    Đức Giêsu đến từ Nadarét, miền Galilê để chịu Phép rửa của Gioan. Nếu dân chúng đến chịu Phép rửa để tỏ lòng sám hối hầu được ơn tha tội, thì tại sao Đức Giêsu lại chịu Phép rửa? Có những lý do sau đây:

  Để giữ trọn đức công chính: Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã thắc mắc tại sao Đức Giêsu lại chịu Phép rửa tỏ lòng sám hối của Gioan, trong khi Người không phạm tội. Ông Gioan cũng nghĩ như thế nên một mực can ngăn Đức Giêsu. Tuy nhiên, Ðức Giêsu trả lời: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”; theo bản dịch mới: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”.

    Công chính theo nghĩa nào? Công chính là một khái niệm chủ chốt trong Tin mừng Mátthêu (xuất hiện bảy lần). Đó là đích mà các môn đệ phải hướng tới (Mt 5,20; 6,1.33), đó là cách hoàn thành viên mãn thánh ý của Thiên Chúa. Sự công chính cũng đồng nghĩa với Nước trời đang đến (x. Mt 5,610). Như thế, Đức Giêsu chịu Phép rửa được xem như là cách thi hành trọn vẹn ý Chúa Cha, để khai mở triều đại Thiên Chúa.

   Liên đới với loài người: Thư gửi tín hữu Hípri cho biết “Vị Thượng Tế (Đức Giêsu) của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Hr 4,15). Như thế, Đức Giêsu chịu Phép rửa không phải để được ơn tha tội, nhưng vì Người liên đới với thân phận con người yếu đuối của chúng ta.

  Dịp để mạc khải căn tính của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa. Sau khi chịu Phép rửa để liên đới với mọi người, Đức Giêsu liên đới (hay được liên đới) với Chúa Cha, qua đó Đức Giêsu mặc lấy tư cách Thiên Sai của Người. Tư cách Mêsia của Đức Giêsu không đến từ Phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả, nhưng đến từ Chúa Cha.

    Thật vậy, ngay khi Đức Giêsu vừa lên khỏi nước, các tầng trời mở ra và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người, đồng thời có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Như thế, Phép rửa của Gioan trở thành bối cảnh tấn phong và xác nhận về căn tính Thiên sai của Đức Giêsu và sứ vụ của Người.

    Qua biến cố Đức Giêsu chịu Phép rửa, cửa trời đã rộng mở và không bao giờ đóng lại nữa. Trời đất đã xích lại gần nhau, Thiên Chúa và con người giao hoà, và Thần Khí đã ngự xuống trên Đức Giêsu và trên những ai tin vào Người. Hễ ai tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa như lời Chúa Cha đã mạc khải, thì sẽ được Thần Khí hướng dẫn và tác động. Nhờ đó, họ có thể gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giêsu thiết lập.

 

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Ngôn sứ Isaia đã minh định rõ người Tôi Tớ của Đức Chúa được chính Thiên Chúa tuyển chọn sẽ được ban Thần khí và luôn được nâng đỡ. Nhờ đó, người Tôi Trung có tư chất tốt đẹp: hiền lành, nhu mì, dịu dàng cũng như sứ mạng cao cả: tái lập công bình, giải thoát kẻ cùng khổ.

    Khi nhớ về Bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, các Kitô hữu được mời gọi để ý thức ơn gọi và sứ vụ của mình: chúng ta được chính Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh qua việc xức dầu để ban Thánh Thần và nâng đỡ qua các bí tích. Ý thức được như thế, mỗi tín hữu sẽ nỗ lực hơn để sống tư chất tốt đẹp của ‘Người Tôi Trung’ là hiền lành và khiêm nhường, cũng như hăng say chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình.

2. Thánh Phêrô đã mô tả sứ mạng của Đức Giêsu là: “Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”. qua Phép rửa tội, chúng ta không chỉ trở thành Kitô hữu, mà trở thành môn đệ Đức Giêsu (Mt 28,19). Điều này mở ra cho chúng ta những chuẩn mực khi thực thi sứ vụ: đi mọi nơi – Ban phát điều thiện hảo – Trừ quỷ và ‘luôn có Chúa ở cùng’ là một bảo đảm chắc chắn cho mọi hoạt động của người môn đệ.

3. Phép rửa của Đức Giêsu chịu tại sông Giođan là hình ảnh tiên trưng cho khổ nạn, chết và sự phục sinh của Người sau này. Hành vi mỗi người được đổ nước rửa hay được dìm vào nước trong Bí tích Rửa Tội trở nên dấu chỉ cho một nỗ lực cùng chịu Phép rửa với Đức Kitô, nghĩa là cùng chịu khổ nạn, cùng chết đi mỗi ngày với Đức Kitô và vì Đức Kitô. Điều đó như là bước tối cần cho việc được thông phần vào cuộc phục sinh vinh hiển với Đức Kitô.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng Đức Giêsu Kitô là Con Một yêu dấu của Người cho nhân loại, để những ai tin nhận người con ấy sẽ được sống dồi dào và trở nên con cái Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.

1. “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng linh mục luôn được ơn Chúa nâng đỡ, để chu toàn mọi trách nhiệm và trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước.

2. Nhiều nơi trên thế giới đang trải qua thiên tại nặng nề hay có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà cầm quyền có liên hệ biết ưu tiên chọn giải pháp “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, để bảo vệ người dân và khôi phục đất nước.

3. “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”. Xin cho những ai đã được tham dự vào Phép Rửa tội của Đức Kitô, luôn tràn đầy ân sủng của Thánh Thần, hầu can đảm tuyên xưng và làm chứng cho Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

4. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn trung thành với ơn gọi làm con Thiên Chúa, sống xứng đáng với tư cách người môn đệ, và nên dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin thương nhận những ý nguyện cộng đoàn chúng con tha thiết dâng lên Chúa; và xin ban Thánh Thần giúp chúng con sống đời chứng tá luôn đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP