Sáng thứ Bảy, làm việc cho có
Từ cuối năm 2010, UBND cấp xã các địa phương đã tổ chức làm việc sáng thứ Bảy. Ngoại trừ một số ít nơi làm hiệu quả do người dân đến giao dịch nhiều, đa số xã còn lại cán bộ đến cơ quan chỉ để… làm việc cho có.
Sáng thứ Bảy, làm việc cho có
Cán bộ bộ phận một cửa xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre ngồi chờ dân (ảnh chụp lúc 8g ngày 8-3) – Ảnh: V.Trường |
Đã có nhiều tỉnh thành quyết định cho các xã ngừng làm việc buổi sáng thứ Bảy vì không hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có tỉnh vẫn duy trì dù biết rõ rất lãng phí.
Ngồi chờ hết giờ về
“Vắng như chùa Bà Đanh” Theo Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre, tình trạng UBND xã “vắng như chùa Bà Đanh” buổi sáng thứ Bảy cũng xảy ra ở rất nhiều xã khác. Năm 2010 tỉnh chỉ đạo cho 164 xã, phường, thị trấn tổ chức làm việc buổi sáng thứ Bảy để giải quyết các thủ tục hành chính cho dân. Thế nhưng năm 2011 UBND tỉnh phải cắt giảm tới 66 xã vì hoạt động không hiệu quả, không có người dân đến liên hệ. Từ đó đến nay có 98 xã làm việc buổi sáng thứ Bảy nhưng rất nhiều xã rơi vào tình trạng ngồi chờ hết giờ rồi về. Mới đây, Sở Nội vụ Bến Tre đã tổ chức đi giám sát ở các xã và ghi nhận chỉ có một số xã nhận từ 20 đến trên 40 hồ sơ/buổi sáng thứ Bảy. Số còn lại chỉ nhận 2-9 hồ sơ, có khi nhiều xã không nhận hồ sơ nào. |
8g thứ Bảy 8-3, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Phú Long, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre).
Lúc này tại bộ phận một cửa của xã có hai người, trong đó người nam đang dán mắt vào màn hình máy tính đọc báo mạng.
Chị Nguyễn Thị Kiều (cán bộ tư pháp) cho biết chị được lãnh đạo phân công trực tiếp dân, làm việc từ 7g-11g. Còn người nam là công an xã qua mượn máy tính “làm việc” (!).
Theo lịch trực, hôm đó lãnh đạo xã là ông Nguyễn Trung Hoà, phó chủ tịch, trực để ký hồ sơ cho dân, tuy nhiên ông Hoà cũng không có mặt. Theo giải thích của chị Kiều, do cha ông Hoà bệnh nên ông ở nhà chăm sóc.
“Nhà anh Hoà cách đây khoảng 2km, có gì tôi gọi điện cho anh chạy vô ký tên” – chị Kiều nói. Sau một giờ mở cửa làm việc, vẫn chưa có người dân nào đến liên hệ.
9g, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại. Bộ phận một cửa vắng tanh, dãy ghế nhựa xếp phía trước cho người dân ngồi chờ vẫn ngay hàng thẳng lối. Chị Trần Thị Xuân Đào (cán bộ trực) nói từ sáng tới giờ chưa có người dân nào đến liên hệ.
Chúng tôi hỏi: “Hôm nay ai trực lãnh đạo xã vậy chị?”.
Chị Đào cho biết chủ tịch Lê Thị Lan trực. Khi chúng tôi đề nghị được gặp chủ tịch xã thì chị Đào bảo: “Mới thấy chị Lan lấy xe chạy đi đâu rồi”.
Theo sổ sách, thứ Bảy tuần trước UBND xã Lộc Thuận chỉ tiếp… hai người dân đến nhờ chứng thực sao y hộ khẩu và chứng minh nhân dân.
Cũng trong sáng 8-3, tại các xã Phước Lập, Tân Lập 2, Thạnh Mỹ, Tân Hoà Đông, Thạnh Tân, Thạnh Hoà (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) không có người dân nào đến liên hệ công việc, dù cán bộ xã vẫn đến cơ quan trực đầy đủ theo quy định.
Tại huyện này chỉ bố trí hai cán bộ trực ngày thứ Bảy gồm: chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã và một cán bộ nhận – trả hồ sơ.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, chủ tịch UBND huyện Tân Phước, cho biết trong quý 1-2014, 13 xã, thị trấn của huyện đều trực buổi sáng thứ Bảy theo quy định, nhưng chỉ nhận được 153 hồ sơ của công dân, đa số là chứng thực sao y và giải quyết vấn đề hộ khẩu, chỉ có một trường hợp đến để yêu cầu giải quyết thủ tục đất đai.
Trong đó có tới sáu xã suốt gần ba tháng trời không nhận hồ sơ nào. Còn cả năm 2013 chỉ nhận 978 hồ sơ trong buổi sáng thứ Bảy. Trong đó có tới 7/13 xã, thị trấn không hề nhận được hồ sơ nào trong suốt cả năm trời.
Lãng phí rất lớn
Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre cho rằng cả buổi sáng thứ Bảy mà chỉ giải quyết chứng thực sao y vài ba bộ hồ sơ là không hiệu quả, lãng phí rất lớn.
Theo điều tra mới đây, trong buổi sáng thứ Bảy nhiều xã ở huyện Mỏ Cày Bắc chỉ nhận 2-8 hồ sơ, huyện Mỏ Cày Nam nhận 1-11 hồ sơ, huyện Châu Thành có năm xã nhận chưa tới 4 hồ sơ, huyện Bình Đại có ba xã nhận 2-4 hồ sơ, huyện Ba Tri trung bình không quá 7 hồ sơ/xã.
Trong lần giám sát mới đây của HĐND tỉnh, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề có hay không việc cán bộ, công chức cấp xã lợi dụng (sử dụng) giờ làm việc ngày thứ Bảy để làm việc riêng, vì thời gian để chờ việc quá nhiều.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, chủ tịch UBND huyện Tân Phước, cho biết công việc cấp xã giải quyết trong buổi sáng thứ Bảy chủ yếu chỉ là chứng thực sao y giấy tờ, xác nhận hồ sơ xin việc, vay vốn cho người dân.
Bộ máy trực phải đảm bảo đủ thành phần, trong khi người dân đến liên hệ quá ít nên đã gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Theo quy định, cán bộ làm việc ngày thứ Bảy có thể nghỉ bù, tuy nhiên ở cấp xã gần như không thể sắp xếp nghỉ bù được vì mỗi ngành chuyên môn (địa chính, tư pháp…) chỉ có một cán bộ, nếu nghỉ bù thì không có người làm thay nên họ vẫn phải đi làm và được hưởng 200% lương làm việc ngoài giờ.
Hiện nay cấp xã tự cân đối chi ngân sách và thường không đủ chi nên không có kinh phí để chi khoản bồi dưỡng làm việc buổi sáng thứ Bảy.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thanh, chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cũng thừa nhận việc tổ chức làm việc sáng thứ Bảy ở 24 xã ở huyện này cũng không hiệu quả. “Đề nghị UBND tỉnh cho xã làm việc không hiệu quả trong thời gian dài ngừng làm việc buổi sáng thứ Bảy để giảm bớt tình trạng lãng phí” – ông Mẫn nói.
Mặc dù buổi sáng thứ Bảy 8-3 xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đã tiếp nhận chứng thực cho khoảng 10 hồ sơ của dân, nhưng ông Cao Hoài Nhỏ, phó chủ tịch UBND xã, cho rằng như vậy vẫn còn lãng phí. Xã này đã đề nghị huyện cho xã ngưng làm việc buổi sáng thứ Bảy từ giữa năm 2013 nhưng chưa được giải quyết.
Ông Nhỏ nêu dẫn chứng về sự lãng phí: “Mỗi buổi sáng thứ Bảy xã phân công ba người trực gồm: lãnh đạo xã, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp-hộ tịch. Tiền lương phải trả cho lãnh đạo là 122.000 đồng, cán bộ tư pháp-hộ tịch 97.000 đồng, còn cán bộ địa chính 174.000 đồng/buổi. Tổng số tiền lương phải trả làm việc sáng thứ Bảy gần 400.000 đồng. Tính ra hơn 40 triệu đồng/năm, chưa tính tiền điện, nước, khấu hao tài sản. Tất cả đều sử dụng ngân sách để chi. Tuy nhiên, do ngân sách phân bổ hằng năm không đủ chi nên phải đến cuối năm cán bộ, công chức mới được nhận tiền lương trực thứ Bảy”.
VÂN TRƯỜNG