26/11/2024

Ôm có lợi gì?

Những cái ôm luôn khiến chúng ta cảm thấy ấm áp. Nhưng bạn có thể sẽ ngạc nhiên nếu biết cử chỉ gần gũi này còn có nhiều lợi ích khác cho sức khoẻ.

 

Ôm có lợi gì?

Những cái ôm luôn khiến chúng ta cảm thấy ấm áp. Nhưng bạn có thể sẽ ngạc nhiên nếu biết cử chỉ gần gũi này còn có nhiều lợi ích khác cho sức khoẻ.

 
Ảnh: Shutterstock

Cảm giác gắn bó. Hành động ôm đơn giản không chỉ được cảm nhận ở đôi cánh tay. Khi bạn ôm một người nào đó, oxytocin (còn được gọi là hormone “vuốt ve”) trong não được phóng thích, khiến bạn cảm thấy ấm áp. Chất này cũng liên quan đến khả năng kết giao xã hội. Chuyên gia tâm lý Matt Hertenstein thuộc Đại học DePauw (Mỹ) cho biết: “Oxytocin là một chất dẫn truyền thần kinh vốn kích thích cảm giác yêu mến, tin tưởng và gắn bó. Nó thực sự tạo ra nền tảng và cơ cấu sinh học để kết nối với người khác”.

Ổn định huyết áp. Những hormone được phóng thích trong cơ thể sau một cái ôm không chỉ tạo ra cảm giác vui vẻ mà còn có tác dụng tích cực đối với sức khỏe thể chất. Khi một ai đó chạm vào bạn, cảm giác trên da sẽ kích hoạt các tiểu thể pacini (thụ thể xúc giác trong da), qua đó truyền tín hiệu đến dây thần kinh phế vị, một khu vực của não có chức năng giúp ổn định huyết áp.

Giảm sợ hãi. Một nghiên cứu về sự sợ hãi và lòng tự trọng đăng trên chuyên san Psychological Science của Hiệp hội Khoa học tâm lý Mỹ phát hiện hành động tiếp xúc cơ thể (như nắm tay hoặc quàng vai) có thể làm giảm đáng kể nỗi lo tử vong. Nhiều nghiên cứu cho thấy hành động ôm, dù với một vật thể vô tri vô giác như gấu bông chẳng hạn, cũng giúp xoa dịu nỗi lo sợ về sự sống còn.

Tốt cho tim. Ôm một người nào đó không chỉ làm cho trái tim bạn ấm hơn, mà còn mang đến một liều thuốc tốt cho bộ phận tối quan trọng này, theo một cuộc thí nghiệm tại Đại học North Carolina (Mỹ). Hành động ôm có thể được xem là một phương tiện điều hòa nhịp tim đơn giản và không tốn kém.

Bớt cô đơn. Theo các chuyên gia tại Đại học Ohio (Mỹ), tầm quan trọng của hành động ôm và tiếp xúc cơ thể gia tăng tỷ lệ thuận với tuổi tác. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự cô đơn, đặc biệt ở người già, có thể làm gia tăng stress và có những tác động tiêu cực cho sức khỏe. Bằng cách ôm một người nào đó, chúng ta ngay lập tức cảm thấy gần gũi hơn với người đó và giảm đi cảm giác cô đơn.

Giảm stress. Cảm thấy căng thẳng? Hãy đi ôm một ai đó. Các chuyên gia cho biết khi ôm một người nào đó, chúng ta ngay lập tức giảm hàm lượng cortisol (hormone gây stress) trong cơ thể. Ôm cũng giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng và phát tín hiệu trấn an đến não bộ.

Trẻ được ôm nhiều ít bị stress khi lớn lên. Nếu muốn con cái không bị stress đeo bám khi trưởng thành, chúng ta nên thường xuyên ôm chúng khi còn nhỏ. Một cuộc nghiên cứu của Đại học Emory (Mỹ) đã tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa hành vi ôm ấp với giảm nhẹ căng thẳng, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời. Các chuyên gia cho rằng sự phát triển của em bé (bao gồm cách thức trẻ đối phó stress) phụ thuộc sự kết hợp giữa bản năng tự nhiên và quá trình nuôi nấng.

 

Quyên Quân